Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng 21.04.2024: “Chúa Giêsu là Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hy sinh mạng sống vì chúng ta và đã Sống lại, ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài”

“Chúa Giêsu là Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hy sinh mạng sống vì chúng ta và đã Sống lại, ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài”

Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng 22.04.2024: “Chúa Giêsu là Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hy sinh mạng sống vì chúng ta và đã Sống lại, ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài”

Vatican Media


*******

Trưa Chúa nhật thứ tư Phục sinh hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện bên cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với khoảng 15 nghìn tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Chúa nhật tuần này kính Chúa Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành. Trong Tin Mừng hôm nay (x. Ga 10:11-18), Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (c. 11). Chúa làm nổi bật khía cạnh này đến mức Ngài lặp lại điều đó ba lần (x. câu 11, 15, 17). Nhưng cha tự hỏi người mục tử hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên theo ý nghĩa nào?

Là một mục tử không chỉ là công việc, nhất là vào thời Đức Kitô, mà còn là một cách sống: đó không phải là công việc chiếm một lượng thời gian xác định, nhưng nó có nghĩa là chia sẻ cả ngày, thậm chí cả đêm với đoàn chiên, tôi có thể nói là sống chung với đoàn chiên. Thật vậy, Chúa Giêsu giải thích rằng Ngài không phải là kẻ làm thuê không quan tâm gì đến đoàn chiên (x. câu 13), nhưng là một người biết rõ đoàn chiên (x. câu 14): Chúa biết rõ các chiên. Mọi việc là như thế này, Chúa, vị mục tử của tất cả chúng ta, gọi đích danh chúng ta và khi chúng ta lạc lối, Ngài đi tìm cho đến khi tìm thấy chúng ta (x. Lc 15:4-5). Hơn nữa, Chúa Giêsu không chỉ là một mục tử tốt lành chia sẻ cuộc sống của đoàn chiên; Chúa Giêsu là vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hy sinh mạng sống của Ngài cho chúng ta và ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta qua sự phục sinh của Người.

Đây là điều Chúa muốn nói với chúng ta qua hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành: Ngài không những là người hướng dẫn, là người đứng Đầu đoàn chiên, mà trên hết Chúa nghĩ đến từng người chúng ta, và Ngài nghĩ đến từng người chúng ta như tình yêu cuộc sống của Ngài. Anh chị em hãy nhớ kỹ điều này: đối với Chúa Kitô, tôi là quan trọng, Ngài nghĩ đến tôi, tôi là duy nhất, xứng đáng với cái giá vô cùng là mạng sống của Ngài. Và đây không chỉ là một cách nói: Ngài thực sự đã hiến mạng sống cho tôi, Ngài đã chết và sống lại vì tôi. Tại sao? Bởi vì Chúa yêu tôi và Ngài tìm thấy nơi tôi một vẻ đẹp mà chính tôi thường không nhìn thấy được.

Thưa anh chị em, ngày nay có biết bao nhiêu người tự cho mình là bất xứng hoặc thậm chí là sai trái! Không biết bao nhiêu lần chúng ta cho rằng giá trị của bản thân phụ thuộc vào những mục tiêu đạt được, phụ thuộc vào việc chúng ta có thành công trước mắt thế gian hay không, lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác! Và đã bao lần chúng ta tự quăng mình vào những điều tầm thường! Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta luôn luôn rất xứng đáng trước mắt Ngài. Vì vậy, để tìm thấy chính mình, việc đầu tiên cần làm là đặt mình trước sự hiện diện của Ngài, cho phép bản thân được chào đón và nâng đỡ bởi vòng tay đầy yêu thương của vị Mục Tử Nhân Lành.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi mình: liệu tôi có thể tìm được thời gian mỗi ngày để ôm lấy sự chắc chắn mang lại giá trị cho đời sống của tôi không? Tôi có thể tìm được thời gian để cầu nguyện, tôn thờ, ngợi khen, ở trước mặt Đức Kitô và để mình được Người âu yếm không? Thưa anh chị em, Vị Mục Tử Nhân Lành nói với chúng ta rằng nếu làm điều này, anh chị em sẽ tái khám phá được bí mật của cuộc sống: anh chị em sẽ nhớ lại rằng Ngài đã hiến mạng sống cho anh chị em, cho tôi, cho tất cả chúng ta. Và đối với Ngài, tất cả chúng ta đều quan trọng, từng người chúng ta.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta tìm thấy nơi Chúa Giêsu những gì là quan trọng cho cuộc sống.

____________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, với chủ đề “Được kêu gọi để gieo hy vọng và xây dựng hòa bình”. Đây là một cơ hội tốt để tái khám phá Giáo hội như một cộng đồng với điểm đặc trưng như một dàn giao hưởng của các đặc sủng và ơn gọi phục vụ Tin Mừng. Trong bối cảnh này, tôi xin gửi lời chào thân ái tới các tân linh mục của Giáo phận Rome đã được truyền chức chiều hôm qua tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ!

Tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình ở Trung Đông với sự lo lắng và đau buồn. Tôi lặp lại lời kêu gọi không đầu hàng trước luận lý của sự trả thù và chiến tranh. Ước mong con đường đối thoại và ngoại giao chiếm ưu thế, đây là những con đường rất ích lợi. Tôi cầu nguyện hằng ngày cho hòa bình ở Palestine và Israel, và tôi hy vọng rằng hai dân tộc sẽ mau thoát khỏi đau khổ. Và chúng ta đừng quên Ukraine tử đạo, Ukraine tử đạo đang đau khổ quá nhiều vì chiến tranh.

Tôi vô cùng đau buồn khi nhận được tin Cha Matteo Pettinari, một nhà truyền giáo trẻ tuổi của Dòng Truyền giáo Consolata ở Bờ Biển Ngà, đã qua đời trong một tai nạn. Cha được biết đến như là một “nhà truyền giáo không mệt mỏi” đã để lại chứng tá vĩ đại về sự phục vụ quảng đại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho linh hồn của cha.

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em người Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia. Cha chào các nữ tu Dòng Apostoline Sisters: cảm ơn vì sự hân hoan phục vụ của các chị trong thừa tác vụ ơn gọi! Cha chào các tín hữu đến từ Viterbo, Brescia, Alba Adriatica và Arezzo; cũng như hội Rotary Club Galatina Maglie e Terre d’Otranto, các bạn trẻ đến từ Capocroce, các thiếu niên ứng viên Thêm sức đến từ Azzano Mella, và giáo xứ Sant'Agnese ở Rome.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và cha chào các con sinh viên Immacolata, chào mừng các con! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/4/2024]


Đức Thánh Cha nói với các học sinh và giáo viên của mạng lưới quốc gia “Trường học vì hòa bình”: Đã đến lúc chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”

Đã đến lúc chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”

Đức Thánh Cha nói với các học sinh và giáo viên của mạng lưới quốc gia “Trường học vì hòa bình”

Đức Thánh Cha nói với các học sinh và giáo viên của mạng lưới quốc gia “Trường học vì hòa bình”: Đã đến lúc chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”

Vatican Media


*******

Những người trẻ tràn đầy năng lượng và hy vọng, những giáo viên tận tâm với giáo dục và tương lai, chúng ta tập trung ở đây tại thời điểm quan trọng của nhân loại. Tháng Chín tới, Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, một sự kiện lịch sử nơi tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt trong vai trò là một xã hội toàn cầu. Đây là lúc để hành động, hợp lực và xây dựng tương lai mà chúng ta mơ ước.

Sáng nay, trong Khán phòng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp các học sinh và giáo viên của mạng lưới quốc gia “Trường học vì hòa bình” và có bài nói chuyện dưới đây:

___________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha:

Các con thiếu niên nam nữ thân yêu, các thầy cô thân mến, chào buổi sáng mọi người!

Tôi rất vui mừng được gặp lại mạng lưới quốc gia “Trường học vì hòa bình”. Tôi xin chào Tiến sĩ Lotti và chào mừng tất cả các bạn.

Trước hết tôi xin cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn vì hành trình này, giàu ý tưởng, sáng kiến, tiến trình và hoạt động giáo dục, nhằm thúc đẩy một tầm nhìn mới về thế giới. Cảm ơn các bạn vì lòng nhiệt huyết tràn đầy theo đuổi những mục tiêu về cái đẹp và sự thiện, giữa những hoàn cảnh bi đát, những bất công và bạo lực làm biến dạng phẩm giá con người. Cảm ơn các bạn, vì với niềm đam mê và lòng quảng đại, các bạn cam kết làm việc tại “công trường xây dựng” tương lai, vượt qua cám dỗ của một cuộc sống chỉ giới hạn trong ngày hôm nay có nguy cơ mất đi khả năng mơ ước lớn lao. Tuy nhiên, ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải sống có trách nhiệm, mở rộng tầm nhìn, nhìn về phía trước và từng ngày từng ngày gieo những hạt giống hòa bình để ngày mai có thể nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Cảm ơn các con thiếu niên nam nữ!

Tháng 9 tới đây, Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai sẽ diễn ra tại New York, do Liên hợp quốc triệu tập để đối mặt với những thách thức lớn trên toàn cầu ở thời điểm lịch sử này và để ký một “Hiệp ước vì tương lai” và “Tuyên ngôn về các thế hệ tương lai”. Đây sẽ là một sự kiện quan trọng và cần có sự đóng góp của các con để nó không còn “trên giấy”, mà trở nên cụ thể và được thực hiện thông qua các quy trình và hành động để thay đổi.

Các con mang trong lòng giấc mơ vĩ đại này: “Chúng ta hãy biến đổi tương lai. Vì hòa bình, với sự quan tâm”. Và cha muốn dừng lại một chút để nói với các con một điều mà cha rất tin tưởng: các con được kêu gọi – hãy lắng nghe thật kỹ – các con được mời gọi trở thành những nhân vật chính chứ không phải những khán giả của tương lai. Cha hỏi các con: các con được kêu gọi trở thành vai trò gì? Vai trò gì? (Học sinh trả lời). Cha không thể nghe thấy các con! (Các học sinh trả lời lớn tiếng). Hãy tiến lên! Hãy tiếp tục! Trên thực tế, việc triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều được mời gọi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trên hết chúng ta phải cùng nhau xây dựng nó! Cha hỏi các con: chúng ta có thể tự mình xây dựng tương lai được không? (Các học sinh trả lời “không”). Cha không thể nghe thấy các con… (Một tiếng “không” thật lớn). Chúng ta có phải xây dựng nó không? (“Có!”). Tốt! Chúng ta không thể đơn giản giao phó những lo lắng về “thế giới sắp đến” và việc giải quyết các vấn đề của nó cho các tổ chức được chỉ định và cho những người có trách nhiệm chính trị và xã hội cụ thể. Đúng là những thách thức này đòi hỏi các năng lực cụ thể, nhưng sự thật là chúng ảnh hưởng rất gần với chúng ta, chạm đến cuộc sống của mọi người và đòi hỏi sự tham gia tích cực và cam kết cá nhân của mỗi người chúng ta.

Trong một thế giới toàn cầu hóa như ngày nay, nơi tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau, không thể tiến tới như những cá nhân chỉ chăm lo cho “khu vườn” của riêng mình, vun đắp lợi ích riêng của bản thân: thay vào đó cần phải kết nối và hình thành các mạng lưới. Điều cần thiết là gì? Là kết nối và hình thành các mạng lưới. Điều gì là cần thiết? Là kết nối và hình thành các mạng lưới. Tất cả cùng đồng thanh: (Các học sinh đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha). Tốt, đúng vậy, và điều này rất quan trọng: cần phải kết nối, làm việc trong tinh thần hiệp lực và hòa hợp. Điều này có nghĩa là chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”, chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”: không phải “tôi làm việc vì lợi ích của riêng tôi”, mà “chúng ta làm việc vì ích chung, vì lợi ích của tất cả mọi người”. Chúng ta làm việc vì lợi ích của tất cả mọi người. Nào cùng đồng thanh… (Các học sinh nhắc lại). Tốt!

Trên thực tế, những thách thức ngày nay, và đặc biệt là những rủi ro, giống như những đám mây đen, đang tụ lại phía trên chúng ta, đe dọa tương lai của chúng ta, cũng đã mang tính toàn cầu. Chúng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, chúng thách thức cộng đồng nhân loại, chúng đòi hỏi lòng can đảm và sự sáng tạo của một giấc mơ tập thể khơi gợi sự cam kết kiên định để cùng nhau đương đầu với các cuộc khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế, các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội mà hành tinh chúng ta đang trải qua.

Các con thanh thiếu niên nam nữ thân yêu, các thầy cô giáo thân mến, đó là một giấc mơ đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, không được ngủ quên! Đúng vậy, bởi vì nó được tạo ra bằng cách làm việc, không phải bởi sự ngủ nghỉ, đi dạo phố, không nằm dài trên ghế sofa; sử dụng tốt các phương tiện thông tin, không lãng phí thời gian trên mạng xã hội; và – các bạn hãy lắng nghe kỹ – giấc mơ này cũng được thực hiện bằng lời cầu nguyện, nghĩa là cùng với Thiên Chúa, chứ không phải bằng sức riêng của chúng ta.

Các con học sinh thân yêu, thưa các thầy cô giáo, các bạn đã đặt hai từ khóa làm trung tâm cho cam kết của mình: hòa bình và quan tâm. Chúng là hai thực tại liên kết với nhau: thật vậy, hòa bình không chỉ đơn thuần là sự im lặng của vũ khí và không có chiến tranh; đó là một bầu khí của lòng nhân từ, tin tưởng và thương yêu trưởng thành trong một xã hội đặt nền tảng trên các mối quan hệ quan tâm, trong đó chủ nghĩa cá nhân, sự xao lãng và thờ ơ nhường chỗ cho khả năng chú ý đến người khác, lắng nghe họ với những nhu cầu cơ bản của họ, để chữa lành các vết thương của họ, trở thành khí cụ của lòng trắc ẩn và chữa lành cho người đó. Đây là sự quan tâm Chúa Giêsu dành cho nhân loại, đặc biệt là đối với những người mong manh nhất, và là điều mà Tin Mừng thường nói đến. Từ sự “quan tâm” lẫn nhau, một xã hội hòa nhập đã ra đời, được thiết lập trên hòa bình và đối thoại.

Trong thời điểm hiện tại, vẫn còn bị đánh dấu bởi chiến tranh, cha yêu cầu các con hãy là những người kiến tạo hòa bình; trong một xã hội vẫn còn bị giam cầm bởi văn hóa vứt bỏ, cha yêu cầu các con hãy trở thành những nhân vật chính của sự hòa nhập; trong một thế giới đang trải qua những cuộc khủng hoảng toàn cầu, cha xin các con hãy là những người xây dựng tương lai, để ngôi nhà chung của chúng ta có thể trở thành nơi của tình huynh đệ.

Cha muốn dành vài phút để nói với các con về chiến tranh… Hãy nghĩ đến những trẻ em sống trong chiến tranh, hãy nghĩ đến những đứa trẻ Ukraine đã quên cách mỉm cười… Hãy cầu nguyện cho những trẻ em này, hãy ghi nhớ chúng trong lòng mình… những trẻ em đang sống trong vùng chiến tranh. Hãy nghĩ đến những thiếu nhi ở Gaza, dưới lửa đạn, đói khát… Hãy nghĩ đến các trẻ em. Giờ đây chúng ta dành giây phút thinh lặng, và mỗi người hãy nghĩ đến các thiếu nhi ở Ukraine và thiếu nhi ở Gaza…

Chúc các con luôn say mê giấc mơ hòa bình! Cha nói điều này theo phương châm của Cha Don Lorenzo Milani, viện trưởng ở Barbiana, ngài chống lại câu nói “Tôi không quan tâm”, điển hình của sự thờ ơ vô tâm, bằng câu “Tôi quan tâm”, tức là “Tôi mang theo điều đó trong lòng”, “ Tôi quan tâm”. Ước mong tất cả những điều này đều trở nên thân thương với các con, ước mong các con luôn quan tâm đến số phận của hành tinh chúng ta và đồng loại của mình; mong sao các con quan tâm đến tương lai đang mở ra trước mắt chúng ta, để nó thực sự giống như điều Thiên Chúa mơ ước cho tất cả mọi người: một tương lai hòa bình và tươi đẹp cho toàn thể nhân loại. Và ước mong các con quan tâm đến những thiếu nhi ở Ukraine đã quên cách mỉm cười. Những trẻ em ở Gaza đau khổ dưới làn đạn súng máy. Cha chúc lành cho các con. Chúc các con đến trường vui vẻ và có một chuyến đi thật vui! Và hãy nhớ cầu nguyện cho cha.

Cảm ơn các con rất nhiều!

________________________________




[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/4/2024]