Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Đức Thánh Cha Phanxico: khiêm nhường, chân thật dẫn đến lòng thương xót của Chúa

Đức Thánh Cha Phanxico: khiêm nhường, chân thật dẫn đến lòng thương xót của Chúa

Print
2016-06-01 Vatican Radio
Pope francis
(Vatican Radio) Hàng chục ngàn khách hành hương tụ tập đông đảo tại Quảng trường Thánh Phê-rô hôm thứ Tư để tham dự buổi Triều Yết chung hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxico. Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục loạt huấn giáo của Năm Thánh Lòng Chúa thương xót và nói “lời cầu nguyện chân thành xuất phát từ trái tim ăn năn về những lỗi lầm và vấp ngã của mình, và nài xin ân sủng để được sống theo lệnh truyền vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân.”
Đức Thánh Cha Phanxico nhắc đến dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người Thu thuế trong đó Chúa Giê-su đưa ra sự đối chọi giữa tính kiêu căng và tự phụ trong lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu và tính khiêm nhu nhận biết tội lỗi của người thu thuế cầu xin lòng thương xót của Chúa.
Trong lời cầu nguyện của mình, người Pha-ri-sêu “khoe khoang” những công trạng của ông ta và thể hiện “một tính cách kẻ cả trên những người khác,” Đức Thánh Cha nói. Ông ta cầu nguyện với Thiên Chúa nhưng thực ra thì ông ta chỉ quan tâm đến bản thân của mình. Thay vì “phủ phục trước Nhan Thánh uy nghi của Thiên Chúa,” ông ta vẫn đứng thẳng người; ông ta cảm thấy rất tự tin về mình, gần như xem mình là chúa tể của đền thờ.”
Người Pha-ri-sê coi khinh những người thường bị cho là “không trong sạch,” tội lỗi như người thu thuế, Đức Thánh Cha khẳng định, nhưng Thiên Chúa “yêu thương tất cả mọi người và không coi khinh tội nhân.”
“Vậy nếu chỉ tự hỏi là chúng ta cầu nguyện bao nhiêu thì vẫn chưa đủ; chúng ta còn phải tự hỏi cách chúng ta cầu nguyện như thế nào,” ngài nói thêm, điều quan trọng là chúng ta phải kiểm điểm tâm hồn và “diệt trừ tính kiêu căng thói đạo đức giả.”
Và cũng là điều quan trọng nữa là “tìm đường trở lại ngôi nhà tâm hồn” và “tái khám phá giá trị của sự riêng tư và sự thinh lặng” giữa dòng đời đảo điên hàng ngày vì “ở đó Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta và tâm tình với chúng ta.” Người Pha-ri-sêu bước trên đường đến đền thờ một cách tự tin, Đức Thánh Cha nói, nhưng ông ta lại không ý thức được việc “đánh mất con đường trở lại với tâm hồn.”
Người thu thuế, trái lại, đến đền thờ với tâm tình “khiêm nhường và ăn năn” và thậm chí sợ sệt không dám hướng mắt lên trời, Đức Thánh Cha nói. Anh ta có một “lời cầu nguyện rất đẹp,” Đức Thánh Cha nói, và ngài mời gọi tín hữu hãy lặp đi lặp lại với ngài 3 lần: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi vì tôi là kẻ có tội.”
Ngài nhấn mạnh, dụ ngôn cho thấy là người công chính hay tội nhân không phải là vấn đề của vị trí xã hội, nhưng vấn đề là chúng ta có thái độ như thế nào trước Thiên Chúa và tha nhân. Khiêm nhường nhận ra tội lỗi của  mình, người thu thuế cầu xin lòng thương xót của Chúa – và cho tất cả chúng ta thấy, Đức Thánh Cha nói, tình trạng cần thiết để nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chính là anh ta, người “bị coi khinh”, anh ta trở thành “biểu tượng của người tin thật” trong khi người Pha-ri-sêu thì “tồi tệ và đạo đức giả.”
Kiêu căng, Đức Thánh Cha kết luận, “làm nguy hại đến mọi hành động tốt” và làm lời cầu nguyện trở nên vô nghĩa. Kiêu căng làm lời cầu nguyện của chúng ta không tới được Thiên Chúa, nhưng sự khiêm tốn của một trái tim nghèo khó sẽ làm mở toang các cửa dẫn đến lòng thương xót của Người.
Dưới đây là văn bản những phân tích của Đức Thánh Cha dành cho những người hành hương nói tiếng Anh:
Anh chị em thân mến: Trong loạt suy tư liên tục của chúng ta trong Năm Thánh lòng Thương xót này, chúng ta mở dụ ngôn nói về người Pha-ri-sêu và người thu thuế (Lc 18:9-14).  Chúa Giê-su đưa ra sự đối nghịch giữa tính kiêu căng và tự phụ trong lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu và sự khiêm nhu nhận biết tội lỗi của người thu thuế và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa. Lời cầu nguyện chân thành phát xuất từ trái tim ăn năn những lỗi lầm và vấp ngã của mình, và cầu xin ân sủng để được sống theo lệnh truyền vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân. Do vậy, sự khinh bỉ kiêu căng của người Pha-ri-sêu nhằm vào người tội lỗi bên cạnh ông ta làm cho ông ta không còn nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Để cầu nguyện nên, chúng ta cần phải nhìn lại tâm hồn của mình và ở đó, trong sự thinh lặng khiêm cung, hãy để Thiên Chúa nói chuyện với chúng ta. Lòng chân thật và sự khiêm nhu mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta là điều kiện cần thiết để chúng ta nhận được lòng thương xót của Người. Mẹ Maria Đồng Trinh đầy Ơn phúc là một mẫu gương cho lời cầu nguyện như vậy. Trong bài tụng ca Magnificat, Mẹ nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đoái thương nhìn tới tính hèn mọn của những tôi tớ của Người, và nhận lời khẩn cầu của họ. Nguyện xin, Mẹ của chúng ta, giúp chúng ta biết cầu nguyện đúng cách.
Tôi xin chào mừng những khách hành hương và khách thăm viếng nói tiếng Anh trong buổi Triều Yết chung hôm nay, đặc biệt là những người đến từ Anh, Ireland, Scotland, Na-uy, Thụy điển, Việt nam, Trung quốc, Indonesia, Philippines, Nigeria, Canada và Hoa kỳ. Bằng những lời chúc tụng nguyện xin Năm Thánh Lòng Chúa thương xót này sẽ là một thời gian ân sủng và canh tân tâm hồn cho anh chị em và gia đình, Tôi nguyện xin cho tất cả anh chị em được vui và an bình trong Chúa Giê-su Ki-tô.
[Nguồn: news.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/06/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét