Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Bài giảng của Đức Thánh Cha Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót trong Lễ Chúa Ki-tô Vua

Bài giảng của Đức Thánh Cha Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót trong Lễ Chúa Ki-tô Vua

‘Cho dù Cửa Thánh đóng lại, cửa lòng thương xót đích thực là thánh tâm của Đức Ki-tô luôn rộng mở cho chúng ta’
20 tháng 11, 2016
Bài giảng của Đức Thánh Cha Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót trong Lễ Chúa Ki-tô Vua
CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong ngày Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, 8 tháng 12, 215 – 20 tháng 11, 2016, ngày Lễ Chúa Ki-tô Vua:
***
Ngày Lễ Trọng mừng kính Chúa Giê-su Ki-tô, Vua Vũ trụ, là đỉnh điểm của năm phụng vụ và Năm Thánh Lòng Thương xót này. Quả thực, Tin mừng trình bày vương quyền của Chúa Giê-su như là điểm tột cùng của công trình cứu độ của Ngài, và nó được thực hiện theo một con đường rất khác thường. “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn, là vua” (Lc 23:35,37) xuất hiện không có quyền lực hay vinh quang: Ngài ở trên thập giá, nơi Ngài dường như bị chinh phục hơn là người chinh phục. Vương quyền của Ngài là một nghịch lý: ngai vàng của Ngài là cây thập tự; triều thiên được làm bằng vòng gai; Ngài không có vương trượng, nhưng người ta đặt vào tay Ngài một cây sậy; Ngài không có vương bào xa xỉ, nhưng chỉ quấn một miếng vải ngang vai; Ngài không đeo những chiếc nhẫn lấp lánh trên ngón tay, nhưng bàn tay của Ngài bị xuyên thâu bởi những cái đinh; Ngài không có gia tài, nhưng bị bán với giá ba mươi đồng bạc.
Triều đại của Chúa Giê-su thực sự không thuộc về thế gian này (Ga 18:36); nhưng vì lý do này, Thánh Phaolo nói với chúng ta trong Bài đọc Hai, chúng ta tìm được ơn cứu độ và sự tha thứ (Col 1:13-14). Sự hùng mạnh của vương quốc của Ngài không phải là quyền lực theo định nghĩa của trần gian, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể gặp gỡ và chữa lành tất cả. Đức Ki-tô hạ mình xuống ngang bằng với chúng ta chỉ vì yêu, Ngài đã sống trong cảnh nghèo khổ của con người, Ngài đã chịu đựng đến tận cùng của đau khổ của con người: bất công, phản bội, bỏ rơi; Ngài trải qua cái chết, không mồ chôn, thật là địa ngục. Và vì thế Đức Vua của chúng ta đi đến tận cùng của vũ trụ để ôm ẵm lấy tất cả và cứu thoát tất cả mọi sự sống. Ngài không kết án chúng ta, Ngài không chế ngự chúng ta, và Ngài không bao giờ không tôn trọng sự tự do của chúng ta, nhưng Ngài mở ra con đường bằng tình yêu khiêm nhu tha thứ cho tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cor 13:7). Chỉ một tình yêu này thôi đã chiến thắng và tiếp tục chiến thắng những kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta: tội lỗi, cái chết, sự sợ hãi.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta tuyên bố vinh quang duy nhất này, qua đó Chúa Giê-su trở thành Vua của mọi thời đại, Thiên Chúa của lịch sử: với quyền năng duy nhất của tình yêu và đó là bản tính của Thiên Chúa, Người là khởi đầu của mọi sự sống và không có kết thúc (1 Cor 13:8). Chúng ta hân hoan chia sẻ sự huy hoàng có được Đức Giê-su là Vua của chúng ta: luật tình yêu của Ngài biến tội lỗi thành ân sủng, sự chết thành sự phục sinh, sự sợ hãi thành tín thác.
Tuy nhiên, sẽ chẳng có ý nghĩa gì bao nhiêu nếu chúng ta tin Chúa Giê-su là Vua của vũ trụ, nhưng không để Ngài làm Vua cuộc đời chúng ta: tất cả mọi điều này trở thành vô nghĩa nếu cá nhân mỗi người chúng ta không đón nhận Giê-su và nếu chúng ta cũng không đón nhận con đường làm Vua của Ngài. Tuy nhiên, những người được nói đến trong Tin mừng hôm nay giúp chúng ta. Ngoài Chúa Giê-su, có ba hình ảnh khác xuất hiện: những người ngước nhìn lên, những người đứng gần thập giá, và kẻ tội phạm bị đóng đinh cạnh Chúa Giê-su.
Trước hết, những người: mà Tin mừng mô tả rằng “dân chúng đứng đó nhìn” (Lc 23:35): không ai nói lời nào, không ai bước lại gần. Người ta giữ khoảng cách, chỉ đứng xem mọi việc diễn ra. Họ cũng là những người đã chen lấn đến với Chúa Giê-su khi họ cần điều gì đó, và bây giờ họ đứng xa xa giữ khoảng cách. Cụ thể đối với những hoàn cảnh sống của chúng ta, và những kỳ vọng không được toại nguyện, cả chúng ta cũng có thể bị cám dỗ giữ khoảng cách xa xa với vương quyền của Chúa Giê-su, không hoàn toàn chấp nhận sự ô nhục của tình yêu khiêm hạ của Ngài, nó làm đảo lộn và làm chúng ta bất an. Chúng ta thích đứng im tại cửa số, đứng tách biệt ra, hơn là lại gần và ở cùng Ngài. Nhưng, một dân tộc thánh thiện luôn có Chúa Giê-su là Vua của họ được kêu gọi phải bước theo con đường tình yêu cụ thể của Ngài; được kêu gọi để tự hỏi mình, từng người từng ngày: “Tình yêu đòi hỏi gì nơi tôi, nó thúc đẩy tôi phải đi đến đâu? Tôi có câu trả lời gì cho Chúa Giê-su bằng đời sống của tôi?”
Nhóm thứ hai có nhiều tầng lớp người khác nhau: các người lãnh đạo dân chúng, binh lính và một tay tội phạm. Tất cả đều chế nhạo Chúa Giê-su. Họ khiêu khích Chúa Giê-su theo cùng một cách: “Hãy tự cứu ông đi!” (Lc 23:35,37,39). Cám dỗ này còn tệ hại hơn cả nhóm người kia. Họ dụ dỗ Chúa Giê-su từ bỏ triều đại của Ngài theo ý định của Thiên Chúa, cũng như quỷ đã làm ngay từ khởi đầu Tin mừng (Lc 4:1-13), và thay vì vậy là chiếm lấy quyền thống trị theo con đường của trần gian: bước xuống khỏi thập giá và phá vỡ quân thù! Nếu Ngài là Thiên Chúa, Ngài hãy cho thấy sức mạnh và uy quyền của Ngài! Cám dỗ này là một đòn tấn công trực diện vào tình yêu: “hãy tự cứu lấy mình đi” (cc. 37,39); đừng cứu ai khác, nhưng tự cứu lấy mình trước. Hãy khẳng định vương quyền của ngài bằng sức mạnh, bằng vinh quang, bằng chiến thắng của ngài. Đó là một cám dỗ khủng khiếp nhất, cám dỗ đầu tiên và cuối cùng của Tin mừng. Khi đối diện với đòn tấn công này trên mọi nẻo đường Ngài đi, Chúa Giê-su không nói gì, ngài không phản ứng lại. Ngài không tự bảo vệ cho mình, Ngài không cố thuyết phục họ, Ngài không tạo ra một sự phòng ngự cho triều đại của Ngài. Thay vì vậy, Ngài vẫn cứ tiếp tục yêu; Ngài tha thứ, Ngài sống giây phút thử thách này theo như ý định của Chúa Cha, chắc chắn rằng tình yêu sẽ trổ sinh hoa trái.
Để đón nhận được triều đại của Chúa Giê-su, chúng ta được kêu gọi để chiến đấu chống lại cám dỗ này, được kêu gọi để thay đổi lại cái nhìn về Đấng bị Đóng Đinh, để trở nên trung tín hơn với Ngài. Đã bao nhiêu lần, ngay cả đối với chúng ta, chúng ta đi tìm sự tiện nghi thoải mái và những sự chắc chắn của thế gian? Đã bao nhiêu lần chúng ta bị cám dỗ bước xuống khỏi thập giá? Sự quyến rũ của quyền lực và thành công dường như là một con đường dễ dàng và nhanh chóng để loan truyền Tin mừng; chúng ta nhanh chóng quên con đường hoạt động của Nước Chúa. Năm Thánh Lòng Thương xót này mời gọi chúng ta tái khám phá điều cốt lõi, quay trở lại với điều quan trọng nhất. Thời gian này của lòng thương xót kêu gọi chúng ta hãy nhìn vào dung nhan đích thực của vị Vua của chúng ta, dung nhan rạng ngời vào ngày Phục Sinh, và tái khám phá khuôn mặt trẻ trung và đẹp của Giáo hội, khuôn mặt sẽ tỏa sáng khi biết chào đón, tự do, trung tín, nghèo về vật chất nhưng giàu về tình yêu, về sứ mạng. Lòng thương xót đem chúng ta đến với trọng tâm của Tin mừng, thúc giục chúng ta từ bỏ những thói quen và những hành động có thể biến thành sự cản trở chúng ta phục vụ Nước Chúa; lòng thương xót thúc giục chúng ta biết hướng mình về triều đại muôn đời và khiêm nhường của Chúa Giê-su, không phải trong sự phục tùng trước những vương quyền tạm thời và những quyền lực chóng qua của mỗi thời đại.
Trong Tin mừng một nhân vật khác nữa xuất hiện, gần với Chúa Giê-su hơn, kẻ trộm đã van xin Ngài: “Ông Giê-su ơi, xin nhớ đến tôi khi ông vào nước của ông (c. 42). Con người này, nhìn đến Chúa Giê-su, tin vào nước của Ngài. Anh ta không khép cửa lòng mình, nhưng hơn thế – với những lỗi phạm, tội lỗi và những quấy rối của anh ta – anh ta quay sang Chúa Giê-su. Anh ta van xin để được Ngài nhớ đến, và anh ta đã tìm được lòng thương xót của Thiên Chúa: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên nước thiên đàng (c. 43). Ngay khi chúng ta cho Thiên Chúa một cơ hội, Ngài liền nhớ đến chúng ta. Người luôn sẵn sàng xóa bỏ hoàn toàn tội lỗi của chúng ta, vì bộ nhớ của Người – không giống của chúng ta – không ghi lại những tội lỗi đã phạm và cũng không giữ lại những số lần bất công phải gánh chịu. Thiên Chúa không có sự ghi nhớ về tội lỗi, nhưng chỉ nhớ đến chúng ta, mỗi người chúng ta, chúng ta là những đứa con được Người yêu thương. Và Người tin rằng luôn luôn có thể bắt đầu một sự khởi đầu mới để vực chúng ta đứng dậy.
Chúng ta cũng hãy xin ân sủng để có được sự ghi nhớ cởi mở và sống động. Chúng ta hãy cầu xin có ân ban để không bao giờ đóng những cánh cửa hòa giải và tha thứ, nhưng là biết cách vượt qua tội lỗi và những khác biệt, mở ra mọi con đường hy vọng khả thi. Như Thiên Chúa tin tưởng nơi chúng ta, vượt quá những phẩm chất chúng ta có được, vì vậy chúng ta cũng được kêu gọi để truyền dẫn niềm hy vọng và trao tặng những cơ hội cho người khác. Vì cho dù Cửa Thánh có đóng lại, cánh cửa lòng thương xót đích thực là thánh tâm của Đức Ki-tô luôn rộng mở cho chúng ta. Từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Phục Sinh cho đến muôn muôn đời tuôn đổ lòng thương xót, sự ủi an và hy vọng.
Quá nhiều người hành hương đã đi qua Cửa Thánh, và cách xa khỏi mọi sự ồn ào của những dòng tin tức mỗi ngày họ đã nếm trải sự tốt lành vĩ đại của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn về điều này, khi chúng ta nhớ lại con đường chúng ta được đón nhận lòng thương xót để được trở nên thương xót, để cả chúng ta nữa trở thành những khí cụ của lòng thương xót. Chúng ta hãy cùng nhau tiến lên trên con đường này. Nguyện xin Đức Mẹ cùng đồng hành với chúng ta, Mẹ là người đứng cạnh Thánh Giá, Mẹ là người cho chúng ta sự sống nơi đó dịu dàng là Mẹ Giáo hội, Mẹ khát khao tập họp tất cả chúng ta dưới áo choàng của Mẹ. Dưới chân Thập tự, Mẹ nhìn thấy người trộm lành nhận được sự tha thứ, và Mẹ nhận người môn đệ của Chúa Giê-su làm con của Mẹ. Mẹ là Mẹ của lòng thương xót, là người chúng ta tín thác bản thân: trong mọi tình huống của chúng ta, trong mọi lời nguyện cầu của chúng ta, khi hướng trông lên đôi mắt thương xót của Ngài, sẽ tìm được câu trả lời.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [ Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn:  zenit

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/11/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét