Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Đức Hồng Y Turkson nói về Tông huấn Laudauto Si’ và COP 21 đến COP 22

Đức Hồng Y Turkson nói về Tông huấn Laudauto Si’ và COP 21 đến COP 22

Phỏng vấn về tông huấn đã ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo thế giới như thế nào
PHẦN 1
22 tháng 11, 2016
Cardinal Peter Kodwo Appiah Turkson
WIKIMEDIA COMMONS - Missmarple76
Từ COP21 ở Paris đến COP22 ở Marrakech, tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa) của Đức Thánh Cha Phanxico không ngừng tạo nguồn cảm hứng cho các nhà lãnh đạo thế giới suốt hơn một năm sau khi được phát hành, Đức Hồng y Phê-rô Turkson nói, ngài là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, liên quan đến các Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc năm ngoái và năm nay.
ZENIT đã gặp Hồng y ở Paris nhân dịp hội thảo chuyên đề được tổ chức ngày 9 tháng 11 tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) do Phái đoàn Quan sát viên Thường trực Tòa thánh và Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, với chủ đề: “Trái đất Ngôi Nhà Chung Của Chúng Ta: Những Thách Thức và Hy vọng!”
Đức Hồng y Turkson nói rằng thông điệp Laudato Si’ đi theo con đường: “Đối mặt với đe dọa của một thảm họa môi trường trên mức độ toàn cầu, tôi tin rằng một tia sáng đã bắt đầu phá tan những đám mây sinh thái nặng nề và đưa đến cho chúng ta điều mà Đức Giáo hoàng mô tả  là hơi ấm của sự hy vọng!” Đức Hồng y hy vọng rằng “sự khôn ngoan” của thông điệp Laudato Si’ sẽ được mọi người hiểu rõ.
Trong suốt buổi trình bày tham luận ở Paris, ngài đã làm sáng tỏ “khái niệm then chốt của sinh thái học toàn diện,” với quá trình tiến triển của nó được ngài phân tích trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Quả thật, Laudto Si’ (Chúc tụng Chúa), một tông huấn “về sinh thái” trong ý nghĩa nhân văn và toàn diện, là một tông huấn xã hội.
Đức Hồng y Turkson, 68 tuổi, từ Ghana, là cựu Tổng Giám mục của Cape Coast, một nhà chú giải kinh thánh . Dưới đây là bản dịch cuộc nói chuyện của chúng tôi với ngài:
ZENIT: Thưa Đức Hồng y, ngài là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, và đã được bổ nhiệm làm giám quản của bộ mới với tước hiệu “Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện.” Tước hiệu này có ý nghĩa gì?
HY Turkson: Như anh biết, nó là gộp chung bốn bộ và được thiết lập vào cuối Công đồng Vatican II, khi Giáo hội bắt đầu ý thức rằng Giáo hội phải đồng hành với nhân loại trên hành trình lịch sử của nó. Giáo hội cảm nhận một nhu cầu vô cùng to lớn phải đưa ra được những tín hiệu cụ thể của sự đồng hành này bằng cách thiết lập các Hội đồng: Hội đồng về Văn hóa, Hội đồng về Đối thoại Liên tôn, Hội đồng Hiệp nhất Ki-tô hữu. Cụ thể với xã hội có Hội đồng về Sức khỏe được thiết lập, về Di dân, về Những Tình huống Nhân đạo cần có sự hiện diện mẫu tử của Giáo hội và cuối cùng, Hội đồng về Công lý và Hòa bình. Sự cải tổ được Đức Thánh Cha Phanxico thiết lập gộp bốn bộ này với nhau, cùng quan tâm chăm sóc cụ thể đối với các tình hình xã hội. Vì vậy cái tên “Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện” đầu tiên mang đến tính mới lạ. Đặc tính mới này không phải là một “sự tổng hợp,” nó không phải là việc gộp bốn bộ này vào với nhau, để mỗi bộ lại tiếp tục hoạt động với chức năng riêng biệt, nhưng các bộ được kết nối vì một số lý do. Nó liên quan đến việc tạo nên ý thức về một nhu cầu to lớn cho bốn bộ này hoạt động và thực hiện chức năng cùng với nhau.
Tên gọi “Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện” cho thấy rõ ý thức về những mối quan tâm căn bản to lớn của bốn bộ này. Vẫn luôn có những câu hỏi về công bằng xã hội mà Hội đồng về Công lý và Hòa bình đã và đang theo đuổi, cũng như những câu hỏi về chính trị, kinh tế và tài chính, tình trạng buôn người, và cũng có những câu hỏi về di cư.
Bây giờ, nếu người ta khẳng định rằng lịch sử nhân loại luôn có những đợt di tản của con người, thì ngay lúc này chúng ta đang chứng kiến sự di cư ở bốn phương trời của thế giới. Có những đợt di cư từ Nam Mỹ sang Hoa Kỳ, Châu Á sang Úc, những đợt di cư của người dân Syria, dân Iraq, dân Afghanistan sang Châu Âu, nhưng cũng có những làn sóng di cư từ Châu Phi Hạ-Sahara sang Châu Âu. Trong những cuộc di cư này, chỉ có những đợt di cư từ Syria và Iraq là có động lực từ vấn đề an ninh. Những đợt di cư khác, có thể nói rằng, do những động lực kinh tế, do sự mất cân bằng về phát triển.
Đây là lý do tại sao Bộ này sẽ cố gắng trả lời tất cả những câu hỏi về nhân đạo, nhưng kết hợp chúng lại với nhau, để những kết nối giữa bốn bộ này được làm cụ thể rõ ràng. Những đợt di cư gây ra những vấn đề gì? Hậu quả về sức khỏe,v.v..
ZENIT: Có những đợt di cư “vì sinh thái” ...
HY Turkson: Chắc chắn, vì thực tế thiếu mưa, vì hiện tượng El Nino, hậu quả gây ra cho những vùng dân cư không thể tự nuôi sống họ bằng những sản phẩm của mặt đất, vì vậy, vì những biến đổi khí hậu, mùa mưa giảm bớt dần,  v.v..
ZENIT: Có phải tiêu đề của hội thảo chuyên đề của UNESCO, cũng như tiêu đề con của tông huấn “Laudato Si’” cho thấy một thách thức bằng cách đưa ra một khái niệm “ngôi nhà chung” vào thời điểm đang có sự cám dỗ tự rút lui vào bản thân?
HY Turkson: Ngay bắt đầu lịch sử nhân loại, ít nhất theo Kinh Thánh, mặt đất được tạo dựng như một khu vườn dành riêng cho ngôi nhà của nhân loại, và nhiệm vụ của con người là canh tác trên đó và cũng còn phải bảo vệ nó: cả hai công việc với nhau. Trái đất phải được canh tác để nuôi sống con người, bằng những sản phẩm của nó, nhưng đồng thời người ta cũng cần phải bảo vệ nó như bảo vệ một khu vườn. Nếu người ta bảo vệ một khu vườn, điều đó có nghĩa họ chăm sóc cho khu vườn đó, để duy trì vẻ đẹp của nó, trật tự của nó. Theo ý nghĩa này, tiêu đề của tông huấn “bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta” nhắc nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên của loài người. Điều này có nghĩa rằng kinh nghiệm hiện chúng ta đang có bây giờ đôi khi chối bỏ kinh nghiệm từ ban đầu, mà nó đáng lẽ phải là kinh nghiệm chung. Tông huấn không làm gì nhiều hơn ngoài việc nhắc nhớ lại kinh nghiệm này của loài người từ khởi nguyên của sự sống của con người và lịch sử.
Thực ra, trong mối tương quan giữa con người và môi trường luôn có những thách thức. Những thách thức đến từ thực tế mà con người rút được kinh nghiệm của nhân loại sau sự vấp ngã, mà nó đã tạo ra sự hỗn loạn trong lịch sử của nhân loại, một sự hỗn loạn đôi khi chính nó cho thấy rõ thiếu tính cân bằng: thay vì bảo vệ cho khu vườn, thì khu vườn lại bị bóc lột; thay vì canh tác trên trái đất, người ta lại làm kiệt quệ nó. Do đó nó tạo ra sự mất cân bằng này. Cách đối xử với trái đất có thể bị xem như một sự lạm dụng. Trái đất, thế giới không còn là một “vũ trụ quan” nữa, một “vũ trụ” (cosmos) thể hiện một trật tự dẫn đến cái đẹp: người ta còn khám phá ra chữ này một lần nữa trong cụm từ “mỹ phẩm” (cosmetics) mà phụ nữ hay dùng. Vậy là ngày nay có sự cám dỗ đối xử tệ bạc với trái đất, bóc lột nó. Đó là một “thách thức,” nhưng cũng có “hy vọng”, vì trong lịch sử của nhân loại, cho dù có kinh nghiệm của sự vấp ngã, vẫn luôn có kinh nghiệm về lời hứa của Thiên Chúa, cội nguồn của sự hy vọng cho toàn nhân loại.
Đức Thánh Cha kết nối hai điểm này với nhau. Ngay ở đầu của Tông huấn, trong các đoạn 12-13, ngài đề cập đến thách thức này. Tuy nhiên, ngài giữ vững lập trường rằng ngài luôn có lòng tin vào khả năng của con người hoạt động cùng nhau để tìm ra những giải pháp cho mọi thách thức, cho tất cả các tình huống mà chúng ta phải đối mặt. Theo ý nghĩa này, những thách thức đó được xem như là tất cả những gì đe dọa trật tự ban đầu đáng lẽ phải tồn tại giữa chúng ta, và ở giữa chúng ta và giữa môi trường, vũ trụ và Tạo hóa. Nhưng cũng có hy vọng: đối với chúng ta là Ki-tô hữu, một người luôn khởi đầu từ sự hiện hữu của ân sủng. Với những người khác, một người luôn khởi đầu từ “khuynh hướng” cùng hoạt động chung dựa trên những cái nhìn chung đáng quan tâm.
Chẳng hạn, vấn đề được đưa ra bàn luận trong tông huấn trùng khớp với hội nghị thượng đỉnh Addis Ababa (Ethiopia) về cách thức tìm nguồn tài chính để kiểm soát sự nóng lên của trái đất, và người ta cũng thấy rằng ở Paris các quốc gia muốn tìm ra một giải pháp.


(Xin đọc tiếp phần 2 ngày mai)


[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/11/2016]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét