Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Nhóm Đối thoại Ki-tô giáo - Hồi giáo đưa ra 8 đề nghị chung

Nhóm Đối thoại Ki-tô giáo - Hồi giáo đưa ra 8 đề nghị chung

“Chúng tôi cùng chia sẻ những giá trị tín ngưỡng và luân lý. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng hơn là những dị biệt, và chúng tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự chung sống hòa bình và phát triển, và cho cả những người thiện chí không tuyên xưng một tôn giáo rõ rệt nào.”
9 tháng 5, 2016
Holy See press office
ZENIT - HSM
Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn và Học viện Hoàng gia Liên tôn Amman, của Jordan, đã tổ chức hội thảo chuyên đề lần thứ 4 tại Roma tuần trước.
Chủ đề được chọn là “Những giá trị chung về đời sống chính trị và xã hội: những quan điểm của Ki-tô giáo và Hồi giáo.”
Chủ đề chính được nghiên cứu dựa trên 3 chủ đề phụ:
“Công dân và tín hữu: những quan điểm của Ki-tô giáo và Hồi giáo”,
“Những giá trị chung và những nét đặc thù riêng”
“Tiếp cận với những người cần giúp đỡ và thấp kém: một quan tâm chung cho cả Ki-tô giáo và Hồi giáo”.
Đức Hồng y Jean-Louis Tauran dẫn đầu phái đoàn Công giáo và Hoàng Thái tử El Hassan bin Talal, chủ tịch Hội đồng quản trị của Học viện dẫn đầu phái đoàn Hồi giáo. Cả hai phái đoàn được Đức Thánh Cha Phanxico tiếp hôm thứ Tư, 4 tháng 5.
Kết thúc buổi hội thảo chuyên đề, những tham dự viên đưa ra các điểm sau:
1. Chúng tôi cùng chia sẻ những giá trị tôn giáo và luân lý. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng hơn là những dị biệt, và chúng tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự chung sống hòa bình và phát triển, và cho cả những người thiện chí không tuyên xưng một tôn giáo rõ rệt nào.
2. Chúng tôi xác tín vai trò khai hóa văn minh và nhân bản của các tôn giáo của chúng tôi, khi các tín hữu và tín đồ tuân theo đúng những điều răn là thờ phụng Thượng Đế và thương yêu và chăm sóc anh em.
3. Chúng tôi xác tín rằng Thượng Đế ban tặng cho mỗi người một giá trị nhân vị và những quyền không thể phủ nhận. Đó là những quà tặng của Thượng Đế phải được trân trọng, phải được bảo đảm, và phải được bảo vệ bởi pháp luật.
4. Chúng tôi cam kết xây dựng tình đoàn kết với những anh em, chị em, những người đang cần đến sự trợ giúp dưới mọi hình thức bất kể sắc tộc, tôn giáo hay văn hóa.
5. Việc giúp đỡ người nghèo và người khó khăn của chúng tôi phải được thực hiện với lòng trắc ẩn và vì Chúa. Việc này sẽ không bao giờ được dùng với mục đích lôi kéo người tín hữu bỏ đạo này theo đạo khác.
6. Chúng tôi tin rằng giới trẻ là đại diện không chỉ cho tương lai của nhân loại, nhưng họ còn là một phần rất quan trọng của hiện tại. Họ có quyền được hưởng một nền giáo dục xứng đáng để chuẩn bị cho họ trở thành những công dân tốt biết tôn trọng tính đa nguyên của xã hội.
7. Thế giới của chúng ta, “căn nhà chung” của chúng ta, đang phải trải qua nhiều cuộc khủng hoảng phức tạp và cần những nỗ lực vững vàng của tất cả mọi cư dân để xây dựng nó thành một nơi phù hợp, nơi chúng ta có thể sống trong hòa bình, chia sẻ những nguồn tài nguyên của vũ trụ, biết quan tâm đến những thế hệ tương lai.
8. Chúng tôi mong muốn thể hiện tình đoàn kết và sự quan tâm chân tình đến những người đang phải chịu đau khổ, đặc biệt do bạo lực và những xung đột vũ trang. Tôn trọng luật pháp quốc tế, đối thoại, công bằng, lòng thương xót, lòng trắc ẩn là những giá trị và những phương cách thỏa đáng để đạt được hòa bình và hòa hợp.
[Nguồn: https://zenit.org]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/05/2016]



Đức Thánh Cha: Với nhiều người Ki-tô hữu, Chúa Thánh Thần là một người lạ mặt

Bài giảng Thánh lễ sáng của Đức Thánh Cha: Với nhiều người Ki-tô hữu, Chúa Thánh Thần là một người lạ mặt

Tại nguyện đường Casa Santa Marta, ngài đã cảnh báo chống lại thái độ hạ Ngôi Ba Thiên Chúa xuống thành một ‘tù nhân sang trọng”
9 tháng 5, 2016
Pope Francis celebrates Morning Mass in the Domus Sanctae Marthae
ẢNH.VA - OSSERVATORE ROMANO
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy Hội Thánh nhưng với nhiều Ki-tô hữu ngày nay, Chúa Thánh Thần chỉ là một người lạ mặt. Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Hai tại nguyện đường Casa Santa Marta thúc giục các tín hữu hãy để cho lòng mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần. Ngài nói Người sẽ chỉ cho chúng ta con đường đến tự do. Ngài cũng có lời chào mừng đặc biệt tới các Nữ tu Bác ái Vinh-cen-tê, các chị đang làm việc tại nguyện đường Casa Santa Marta và các chị đang chuẩn bị đánh dấu ngày lễ mừng kính vị sáng lập: Thánh Louise de Marillac.
Lấy cảm hứng từ bài đọc ngày hôm nay nói đến cuộc đối thoại giữa thánh Phaolo và các tông đồ tiên khởi ở Epheso, Đức Phanxico nhắc đến việc chính các tông đồ cũng nói với Thánh Phaolo rằng các ông “thậm chí chưa hề nghe nói đến Chúa Thánh Thần.”
Ngài nói, đây là một điều đang xảy ra hôm nay cũng như rất nhiều người tin Chúa Giê-su nhưng lại không biết Chúa Thánh Thần. Ngài nói, nhiều người nói họ đã “học biết trong Giáo lý” nói rằng Chúa Thánh Thần là “một Đấng cực trọng ở trên cao” và họ chả biết thêm gì về Người và họ thắc mắc không biết Chúa Thánh Thần có vai trò gì:
“Chúa Thánh Thần là người thúc đẩy Hội thánh, ngài nói, là Người hoạt động trong Hội thánh và trong tâm hồn chúng ta” để biến mỗi Ki-tô hữu thành một thực thể duy nhất cùng với những Ki-tô hữu khác. Đức Thánh Cha tiếp tục, Chúa Thánh Thần mở ra những cánh cửa và mời gọi chúng ta làm chứng nhân cho Chúa Giê-su.
“Ngay đầu thánh lễ chúng ta nghe câu: ‘anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần và anh em sẽ là những chứng nhân của Người trên khắp thế giới’. Thánh Thần là Người thúc đẩy chúng ta ca tụng Thiên Chúa, cầu nguyện với Đức Ki-tô, Người ở trong chúng ta và dạy bảo chúng ta đến gặp Chúa Cha và gọi Ngài bằng ‘Cha’. Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi tình trạng ‘như người con mồ côi’ mà con cái của thế gian muốn đưa chúng ta vào.
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Chúa Thánh Thần là “người giữ vai trò chính của Giáo Hội tại thế” và ngài cảnh báo chống lại mối hiểm nguy khi không sống theo tinh thần sứ mệnh này của Chúa Thánh Thần do vậy đưa đức tin trở thành “những bài học đạo đức và luân lý”.
Ngài nói, nếu chỉ biết tuân theo các Giới răn và “chẳng cần làm gì hơn” thì chưa đủ. Đời sống người Ki-tô hữu, Đức Phanxico lặp lại, “không chỉ là một đời sống luân lý: đó là một đời sống gặp gỡ với Đức Giê-su Ki-tô.” Và nhờ có Chúa Thánh Thần sự gặp gỡ này được thực hiện.:
“Nhưng chúng ta giữ Chúa Thánh Thần như một ‘tù nhân sang trọng’ trong tâm hồn chúng ta: chúng ta không cho phép Thánh Thần thúc đẩy chúng ta, giúp chúng ta tiến bước. Thánh Thần làm mọi việc, Người biết mọi điều, Người nhắc nhở chúng ta những gì Chúa Giê-su đã phán, Người có thể giải thích mọi điều về Chúa Giê-su. Chỉ có một điều duy nhất Chúa Thánh Thần không thể làm được: Người không thể biến chúng ta thành những Ki-tô hữu ‘chỉ nói suông’ (…) Chúa Thánh Thần không thể biến chúng ta thành những Ki-tô hữu ‘ảo’ mà không thực có đức hạnh. Chúa Thánh Thần tạo ra những Ki-tô hữu thực nghĩa. Thánh Thần vẫn để đời sống đi theo cách tự nhiên của nó nhưng Người đọc trước và tìm những thời điểm thích hợp để thúc đẩy chúng ta tiến bước (…), Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa,” ngài nói.
Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục tất cả các tín hữu trong tuần này hãy thể hiện bằng hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của chúng ta và hãy tự đặt câu hỏi liệu chúng ta đã đủ can đảm để đi ra ngoài thế giới làm chứng tá cho Chúa Giê-su. Và mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho Lễ Chúa Thánh Thần sắp tới. Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta phải nghĩ về Chúa Thánh Thần là người ở trong tâm hồn của chúng ta và khẩn xin Người ban cho chúng ta ơn biết vâng nghe và thực hiện theo Thần Khí:
“Đây là điều chúng ta phải thực hiện trong tuần này: Hãy nghĩ về Thánh Thần và tâm sự với Người”.
[Tường thuật từ Vatican Radio]

Thứ Hai tuần thứ 7 Phục Sinh

Bài đọc 1 Cv 19:1-8

Trong khi ông A-pô-lô ở Cô-rin-tô thì ông Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô. Ông Phao-lô gặp một số môn đệ2 và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? " Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói."3 Ông hỏi: "Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào? " Họ đáp: "Phép rửa của ông Gio-an."4 Ông Phao-lô nói: "Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su."5 Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.6 Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.7 Cả nhóm có chừng mười hai người.

Thành lập Hội Thánh Ê-phê-xô

8 Ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.

Tin Mừng Gioan 16:29-33

29 Các môn đệ Người thưa: "Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa.30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến."31 Đức Giê-su đáp: "Bây giờ anh em tin à?32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.




[Nguồn: https://zenit.org]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/05/2016]



Thầy Philip Johnson hoàn tất chương trình đại chủng viện

Philip Johnson

Đáng giá hàng ngàn lời nói: Philip Johnson hoàn tất chương trình đại chủng viện

Thầy phó tế Greg Kandra

8 tháng 5, 2016

Hôm nay thầy đã đăng những ảnh này lên Facebook, với những dòng sau đây:
Cuối cùng mình cũng đã hoàn tất đại chủng viện! Xin cảm ơn tất cả đã hỗ trợ và cầu nguyện cho mình! Mình hy vọng sẽ được tiến chức linh mục vào đầu tháng giêng năm 2017.

Theo nhiều cách khác nhau, đây là một phép lạ.
OSV đã ghi chú lại việc này 2 năm trước, khi thầy chủng sinh trẻ này thuộc giáo phận Raleigh được tôn vinh như là “Người Công giáo của năm 2014” của họ.

Johnson đã ở trên bờ vực của thời điểm huy hoàng lúc còn trẻ khi anh được chẩn đoán bị ung thư não không thể chữa được và cũng không thể giải phẫu được. Anh mới 24 tuổi với những tiền đồ sự nghiệp huy hoàng trở thành một lính hải quân. Johnson đã xin vào chủng viện để theo đuổi đời sống tận hiến — một tiếng gọi anh đã nghe thấy từ tuổi 19. Những bệnh nhân bị loại ung thư này thường chỉ có thể sống thêm 18 tháng; nhưng mãi 6 năm sau, bất kể bộ não và những chống chọi với bệnh, anh đang hy vọng được tiến chức phó tế mùa xuân năm nay.

Nói về bệnh của mình, Johnson viết: “Tôi đã đến Lộ đức, Pháp, tại nơi Đức Mẹ hiện ra và nơi chữa lành những bệnh về thể lý và tinh thần mà mỗi năm có hàng triệu khách hành hương đến viếng thăm. Tôi rất may mắng được phục vụ cho những người đau yếu ở đó, những người tín thác vào Chúa với cả tâm hồn để làm cho những đau đớn về phần xác của họ trở nên có ý nghĩa. Qua sự tiếp xúc với những người này, tôi lại thấy mình nhận được nhiều hơn những gì mình cho. Tôi hiểu được rằng những nỗi đau phần xác và những nỗi khổ tâm hồn là một phần của cuộc sống con người, chúng ta không nên lãng phí nó và tìm cách cắt bỏ sự sợ hãi hay tìm cách kiểm soát trong những tình huống có vẻ như vượt ngoài tầm kiểm soát. Có thể đây là một phép lạ quan trọng nhất mà Chúa muốn tôi trải nghiệm.”

Johnson cũng có lời khẩn nguyện tha thiết cho một người phụ nữ trẻ tên là Brittany Maynard, vào mùa thu năm 2014 cô nói rằng cuộc chiến đấu của cô với bệnh ung thư đã vượt quá sức chịu đựng:

Khi Maynard nói với tạp chí People hồi tháng 10 rằng cô dự định sẽ kết liễu đời mình vào ngày 1 tháng 11, mọi người trên khắp đất nước nài xin cô hãy nghĩ lại. Nhiều người đã chia sẻ những bằng chứng và câu chuyện của riêng họ trên các blog, các websites, truyền thông xã hội và thư từ đến cho cô để chứng minh rằng cuộc sống có giá trị của nó trong từng giây phút. Không may, Maynard đã thực hiện ý định của mình, cô chết ngày 1 tháng 1 ở Oregon — một tiểu bang chấp nhận cái-chết-êm-ái là hợp pháp — ở tuổi 29.

Johnson là một trong rất nhiều người đã đến với Maynard. Theo lời của thầy, bất chấp bản tính “e dè và nhút nhát”, thầy đã chia sẻ những cuộc chiến đấu của riêng mình trong một mục viết cho Giáo phận Raleigh. Mặc dù rất thông cảm với sự đau đớn của Maynard, thầy vẫn động viên những người khác đang chịu đau đớn hãy vứt bỏ ngay việc lựa chọn cái-chết-êm-ái. Chứng nhân đầy thuyết phục của thầy đã cho thầy một vị trí trong Những người Công giáo tiêu biểu của năm 2014 của chương trình Our Sunday Visitor.

Philip Johnson đã viết (wrote)
Mình đã trải nghiệm quá nhiều vì bệnh tật, nhưng cũng đã có những khoảng thời gian thật sự vui. Sự hỗ trợ mà mình nhận được từ những người khác đã động viên mình bước tới. Mình muốn làm một linh mục, mình muốn nhìn thấy 3 đứa cháu nhỏ của mình lớn lên, và những mục tiêu này cho mình hy vọng và đánh thức mình mỗi ngày để sống một đời sống tín thác.

Xin Chúa chúc lành cho thầy. Xin hãy cầu nguyện cho thầy để thầy tiếp tục trên hành trình.
Philip Johnson
[Nguồn: http://aleteia.org]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/05/2016]


Hoa hậu Mỹ Hồi giáo đầu tiên theo Ki-tô giáo

Miss USA 2010 Rima Fakih theo Ki-tô giáo
Photo: Getty Images

Hoa hậu Mỹ Hồi giáo đầu tiên theo Ki-tô giáo

Thầy phó tế Greg Kandra

8 tháng 5, 2016

Rima Fakih được xem là người Hồi giáo đầu tiên giành được danh hiệu Hoa Hậu Mỹ khi cô được đội vương miện năm 2010.

Bây giờ người chiến thắng sắc đẹp trong ngành giải trí đã trở lại với Ki-tô giáo, gần đây có chia sẻ một câu trong thư của thánh Phi-lip-phê trên trang Twitter.
Fakih trở lại Ki-tô giáo tháng trước để chuẩn bị cho lễ cưới ở Lebanon vào tuần tới kết hôn với Wassim Salibi, một nhà sản xuất âm nhạc người Ki-tô hữu giàu có, theo tờ Christian Today tường thuật.

Ngay thời điểm chiến thắng dang hiệu Hoa hậu Mỹ, Fakih nói, “Tôi muốn nói rằng trước hết tôi là người Mỹ, và tôi là một người Mỹ-Ả rập, tôi là một người Mỹ-Leban, và tôi là một người Mỹ-Hồi giáo.”

Theo website tin tức Albawaba, Fakih chỉ có những liên hệ với gốc Hồi giáo lúc còn học đại học.

“Khi tôi theo học Đại học Michigan, vì có cộng đồng Hồi giáo nhiều hơn, nên cha tôi muốn tôi tìm hiểu nhiều hơn về Hồi giáo,” cô nói, Tôi không biết gì nhiều về ngày Ramadan và những ngày lễ nghỉ khác, và cha tôi muốn tôi nhân cơ hội đó để học hỏi.

Christian Today tường thuật thêm:

Fakih theo Hồi giáo Shia nhưng cô lại theo học một trường Công giáo.

Trong một buổi phỏng vấn của tờ Huffington Post năm 2010 cô nói: “Chúng tôi là một gia đình sống nội tâm. Tôn giáo không xác định được con người của tôi hay của gia đình. Gia đình tôi rất tự do, và chúng tôi đều tôn trọng mọi tôn giáo.”

Cô nói thêm: “Anh rể của tôi là người Ki-tô hữu, và anh ấy và chị gái tôi đã rửa tội 2 đứa con trai của họ. Tôi có một người chú cũng đã trở lại Ki-tô giáo, và bây giờ chú là một linh mục.”

Cô nói tiếp: “Chúng tôi đi lễ vào ngày Phục Sinh. Chúng tôi luôn có một cây thông Giáng Sinh và hàng năm chúng tôi đều đến Lễ Hội Giáng Sinh của thành phố, và xem phim Miracle on 34th Street (Phép lạ ở đường số 34). Nhưng chúng tôi cũng mừng kỷ niệm một số ngày lễ Hồi giáo.”

Và đây là câu chuyện (this):
Fakih có một người anh rể là Ki-tô hữu đã rửa tội cho 2 đứa con trai. Một trong những người chú của cô đã trở lại Ki-tô giáo và hiện đang là một linh mục.

Cô đã đăng một câu trích trong Kinh Thánh của thánh Phi-lip-phê hồi tháng Ba: ‘Tôi có thể làm được mọi việc nhờ Người, Người đã tăng sức mạnh cho tôi.’




[Nguồn: http://aleteia.org]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/05/2016]