Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Đức Thánh Cha xúc động vì những hình vẽ của các trẻ em

Đức Thánh Cha xúc động vì những hình vẽ của các trẻ em.

Khoảng 400 trẻ em ở Nam Ý đã đến Vatican để gặp Đức Thánh Cha, và hãy xem các em đón Đức Thánh Cha như thế nào.


(Bấm nút CC dưới màn hình để xem phụ đề tiếng Việt)

pope francis

Một Thần khí bị rào chắn

· Thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta ·

30 tháng 5, 2016
“Tiên tri, ký ức và cậy trông”: ba đặc tính này giải phóng một con người; ba đặc tính giải phóng con người và Giáo hội, tránh cho Giáo hội không bị trở thành một “hệ thống lề luật khép kín” để nhốt Chúa Thánh Thần vào một cái khung rào chắn. Đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico trong thánh lễ sáng thứ Hai 30 tháng 5, trong nhà nguyện Santa Marta.
“Rõ ràng là Chúa Giê-su muốn nói về ai trong dụ ngôn này: về những thầy tư tế, những kinh sư và các trưởng lão”, Đức thánh Cha ngay lập tức gây nhấn mạnh, khi nói về đoạn Tin mừng theo thánh Mác-cô (12:1-12) trong bài đọc hôm nay. “Với con người,” Thiên Chúa sử dụng “hình ảnh vườn nho”, trong Kinh Thánh tượng trưng cho hình ảnh dân Chúa, hình ảnh của Giáo hội và cũng là hình ảnh của linh hồn chúng ta.” Và vì thế, Đức Thánh Cha Phanxico giải thích, “Thiên Chúa chăm sóc vườn nho, Người dựng rào xung quanh, Người đào một hố để ép nho và xây một cái tháp.”
Qua công việc này chúng ta có thể nhận ra thật rõ ràng “tất cả tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong việc xây dựng nên dân tộc của Người: Thiên Chúa luôn làm việc này bằng tất cả tình yêu và lòng nhân hậu.” Và “Người luôn nhắc nhớ dân Người về những thời điểm họ trung thành với Người, khi họ đi theo Người trong sa mạc và khi họ đi tìm Thánh nhan Người.” Tuy nhiên, “khi tình hình đảo ngược và dân Người nắm giữ được ân sủng từ Thiên Chúa,” thì họ lại hô lên: “Chính chúng ta, chúng ta được tự do rồi!” Con người “không hề suy nghĩ, họ không nhớ rằng họ đã được tạo dựng nên bởi bàn tay và tình yêu của Thiên Chúa, và theo cách này họ trở thành một dân tộc không có ký ức, một dân tộc không có tiên tri và không có sự cậy trông.”
Vì thế Chúa Giê-su đề cập đến “những nhà lãnh đạo dân tộc” cùng với “dụ ngôn này: một dân tộc không có ký ức đã quên đi những ân sủng, những quà tặng; và quy cho đó là của họ: chúng ta có thể!” Kinh Thánh đã nhiều lần nói đến “những người chịu khổ hình và các tiên tri,” Đức Thánh Cha nói, và “Chính Đức Giê-su đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ký ức: một dân tộc không biết ghi nhớ không phải là một dân tộc, họ quên nguồn cội của họ, và họ quên lịch sử của họ.
Trong sách Đệ nhị luật, Môi-sen đã nhắc đi nhắc lại điểm này nhiều lần: “Các ngươi phải ghi nhớ, phải ghi nhớ!” Thực ra, đó là “quyển sách ký ức của một dân tộc, dân tộc Israel; Nó là quyển sách ký ức của Giáo hội, nhưng nó cũng là quyển sách ký ức của mỗi cá nhân chúng ta.” Nó chính xác là “chiều kích Đệ nhị luật” của cuộc sống – cuộc sống của một dân tộc hay cuộc sống của một con người – là luôn luôn phải quay trở về với nguồn cội để có thể nhớ lại và tránh phạm những lỗi lầm trên đường đi.” Tuy nhiên, dân tộc mà Chúa Giê-su muốn nói tới trong dụ ngôn “đã đánh mất ký ức: họ đã đánh mất ký ức về những ân sủng, ân sủng của Thiên Chúa Đấng đã tạo dựng nên họ.”
“Đã đánh mất ký ức nên họ trở thành một dân tộc không thể có chỗ để đón tiếp các tiên tri,” Đức Thánh Cha tiếp tục. Chính Chúa Giê-su “nói cho họ biết rằng họ đã giết chết các tiên tri, vì các tiên tri làm cản trở, các tiên tri luôn luôn nói những điều chúng ta không muốn nghe.” Và vì thế, “Daniel đã phải than khóc ở Babylon: ‘Ngày nay, chúng ta không có các tiên tri!’” Các từ ngữ này chứa đựng sự thật là “một dân tộc không có các tiên tri,” là những người chỉ ra “con đường cho họ và nhắc nhở họ: tiên tri là người giữ ký ức và giúp chúng ta tiến bước.” Đó là lý do tại sao “Chúa Giê-su đã nói với những người lãnh đạo dân tộc: ‘Các ông đã mất đi ký ức, và các ông không có các tiên tri. Hay đúng hơn là: khi lợi lộc đến, các ông đã giết họ!”
Vả chăng, thái độ của các nhà lãnh đạo dân tộc đã rõ ràng: “Chúng tôi không cần các tiên tri, chúng tôi đã có chính mình!” Nhưng “nếu không ó ký ức hay tiên tri,” Đức Thánh Cha cảnh báo, “họ trở thành một dân tộc không có hy vọng, một dân tộc không có các chân trời mở ra, một dân tộc khép kín lại cho chính mình, họ không mở rộng tâm hồn ra trước những lời hứa của Thiên Chúa, họ không chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa.” Vì thế “một dân tộc không có ký ức, không có tiên tri và không có hy vọng: đây là những gì các tư tế, các kinh sư và các trưởng lão đã tạo nên một dân tộc Israel.”
Vậy “đức tin ở đâu?”, Đức Thánh Cha Phanxico hỏi. “Trong đám đông,” ngài trả lời, nhấn mạnh rằng trong Kinh thánh chúng ta đọc thấy: “Họ đã cố gắng bắt Người, nhưng họ sợ đám đông.” Thực ra, “những người đó hiểu được sự thật, và ở giữa những tội lỗi của họ, họ vẫn có ký ức, họ mở lòng ra trước các lời tiên tri và tìm kiếm hy vọng.” Một ví dụ trong khía cạnh này là “hai người già Simeon và Anna, là những người của ký ức, tiên tri và cậy trông.”
Tuy nhiên, “các người lãnh đạo dân tộc” lại luật hóa những ý nghĩ của họ bằng cách vây xung quanh họ là “các luật sĩ, các tiến sĩ luật, và họ sử dụng một hệ thống luật để rào chắn lại.” Tôi tin rằng, Đức Thánh Cha nói, “họ có gần 600 điều luật.” Bằng cách này, suy nghĩ của họ được “bó khung và bảo vệ,” với suy nghĩ rằng “những ai cứ làm như vậy thôi là được cứu rỗi; còn những gì khác chẳng đáng quan tâm, ký ức không làm chúng tôi quan tâm.” Với vấn đề “lời tiên tri: tốt hơn là các tiên tri đừng đến.” Thế còn “Hy vọng? À, rồi mọi người sẽ thấy nó.” Đây là hệ thống mà họ dùng để bào chữa: các tiến sĩ luật, các nhà thần học luôn luôn chọn con đường nghiên cứu tình huống và không cho phép Thánh thần tự do hoạt động; Họ không nhận ra được ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng của Thánh Thần, và họ đặt Thánh thần vào trong một khung lồng, vì họ không cho phép lời tiên tri trong sự cậy trông.”
Đây đích thực là “hệ thống tôn giáo và Chúa Giê-su đang nói tới.” Một hệ thống “tha hóa, trần tục và đam mê xác thịt,” như chúng ta thấy trong đoạn trích thư thứ hai của thánh Phê-rô (1:2-7), trong bài đọc một. Ngay cả Chúa Giê-su, chính Người cũng bị cám dỗ làm mất ký ức của sứ mệnh của Người, không dành chỗ cho lời tiên tri, và chọn sự an toàn hơn là hy vọng.” Theo ngữ cảnh này Đức thánh Cha nhắc lại “3 cám dỗ trong hoang mạc: ‘Hãy làm phép lạ và thể hiện quyền năng của Người!’ ‘Gieo mình xuống từ đền thờ để mọi người sẽ tin!’ ‘Hãy thờ phụng tôi!’”
“Vì Chúa Giê-su chính Người biết cám dỗ đó là của một “hệ thống khép kín,” Người quở trách những con người này là “đi hết nửa vòng trái đất để tìm được một người trở lại” rồi biến người đó thánh một “nô lệ.” Và đây là cách mà “những con người chuẩn mực này, Giáo hội chuẩn mực này, tạo ra các nô lệ.” Vì thế “chúng ta mới hiểu được sự phản ứng của Thánh Phê-rô, khi ngài nói về sự nô lệ lề luật và sự tự do ban cho bạn ơn sủng.” Bởi vì “một dân tộc được tự do, một Giáo hội được tự do khi họ nhớ đến, khi họ dành chỗ cho các tiên tri, khi họ không mất niềm hy vọng.”
“Chúa Giê-su cũng dạy bài học này cho đời sống riêng của chúng ta,” Đức thánh Cha Phanxico kết luận, gợi ý rằng chúng ta nên tự vấn lương tâm: “Tôi có nhớ đến những kỳ công Thiên Chúa đã làm trong đời tôi? Tôi có nhớ đến những ân sủng của Thiên Chúa? Tôi có khả năng mở rộng tâm hồn đón nhận các tiên tri, và những lời dạy bảo của các ngài cho tôi: ‘Việc này sai rồi, bạn phải tới đó, hãy tiến tới, hãy cứ mạo hiểm,’ như các tiên tri đã  làm? Tôi có mở tâm hồn để đón nhận hay tôi sợ hãi, thích khóa nhốt mình trong một cái lồng lề luật? Và cuối cùng: “Tôi có cậy trông vào lời hứa của Thiên Chúa không, như cha của chúng ta là Abraham thuở xưa, người đã bỏ nhà ra đi mà không biết mình phải đi đâu, chỉ vì người cậy trông vào Chúa?”
[Nguồn: osservatoreromano]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/05/2016]



Đức Thánh Cha: Người Ki-tô hữu phục vụ với niềm vui chứ không phải sự cau có

Đức Thánh Cha: Người Ki-tô hữu phục vụ với niềm vui chứ không phải sự cau có

Print
31-05-2016
Vatican Radio
Pope Francis
(Vatican Radio)  Đức Thánh Cha Phanxico hôm thứ Ba đã thúc giục các Ki-tô hữu phục vụ tha nhân, không chậm trễ cũng không ngắt quãng, ngài nói rằng nếu chúng ta học được cách tiến bước như vầy, thế giới sẽ là một nơi rất khác biệt. Những nhận xét của ngài trong bài giảng của Thánh lễ sáng trong nhà nguyện Santa Marta. Ngài đã dùng mẫu gương của Đức Maria Đồng trinh Đầy Ơn phúc trong những suy tư của ngài về chủ đề người Ki-tô hữu phục vụ tha nhân.
31 tháng 5 là ngày cuối cùng của tháng kính Đức Mẹ và Đức Thánh Cha đã dùng các bài đọc hôm nay để khắc họa cho sự can đảm của Mẹ Maria, bàn tay cứu giúp của Mẹ và sự quan tâm chăm sóc của mẹ dành cho những người khác và trên hết là niềm vui của Mẹ, một niềm vui, ngài nói, làm ngập tràn trái tim chúng ta và đem lại ý nghĩa và định hướng mới cho cuộc đời chúng ta. Nói về chuyến đi thăm của Mẹ Maria đến người chị họ Elizabeth, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng đây là một nghi thức ngập tràn niềm vui mang đến “một hơi thở của không khí trong lành” để lan tỏa trong đời sống chúng ta.
Niềm vui và sự cau có
“Những Ki-tô hữu mang sự cau có hay bực tức trên khuôn mặt, những Ki-tô buồn bã, là những điều rất xấu. Điều đó thực sự rất xấu, rất xấu, rất xấu. Tuy nhiên, họ không hoàn toàn là một Ki-tô hữu. Họ nghĩ họ là người Ki-tô nhưng họ không hoàn toàn như vậy. Đây là một thông điệp cho người Ki-tô hữu. Và trong không khí vui mừng của nghi lễ ngày hôm nay mang lại cho chúng ta như một ơn sủng, tôi muốn nhấn mạnh đến 2 điểm: trước tiên, một thái độ; sau đó, một sự việc. Thái độ là một nét trong việc phục vụ hoặc giúp đỡ người khác.”
Đức thánh Cha phân tích ra cho thấy cách mô tả của Kinh thánh khi Đức Mẹ cất bước lên đường ngay lập tức không chần chừ để thăm người chị họ, bất kể là mình đang mang thai và bất chấp nguy hiểm có thể gặp cướp ở trên đường. Cô gái trẻ 16 hay 17 tuổi này, ngài nói, thật can đảm khi đứng bật dậy và lên đường ngay.
Những người phụ nữ can đảm của Giáo hội
“Sự can đảm của những phụ nữ. Những phụ nữ can đảm đang hiện diện trong Giáo hội: họ cũng giống như Mẹ Maria. Những phụ nữ này chăm sóc nuôi nấng gia đình của họ, những phụ nữ này là người chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái của họ, là những người phải đối mặt với quá nhiều sự cực nhọc, quá nhiều nỗi đau, những phụ nữ chăm sóc người đau yếu … Can đảm: họ đứng lên và đến giúp người khác. Phục vụ tha nhân là một dấu chỉ của người Ki-tô hữu. Bất kỳ ai không sống để phục vụ tha nhân, là họ không phục vụ để sống. Phục vụ tha nhân và ngập tràn niềm vui là thái độ tôi muốn nhấn mạnh hôm nay. Có niềm vui và cũng là sự phục vụ cho những người khác.”
Thái độ thứ hai mà tầm quan trọng của nó được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là cất bước lên đường và gặp gỡ người khác. Nhắc lại một lần nữa việc gặp gỡ với người chị họ của Mẹ Maria, ngài nói rằng hai người phụ nữ có họ hàng với nhau này chào đón nhau trong niềm vui và sự gặp gỡ của họ rất hân hoan. Để kết luận,Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng nếu chúng ta có thể học được 2 điều này: phục vụ tha nhân và đi tới gặp họ, thì thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ thay đổi thật nhiều:
“Ra đi để gặp gỡ tha nhân cũng là một dấu chỉ khác của người Ki-tô hữu. Những người xem mình là Ki-tô hữu mà lại là những người không thể ra đi để gặp gỡ tha nhân, ra đi để gặp gỡ mọi người thì chưa hẳn là ki-tô hữu. Phục vụ và ra đi gặp gỡ tha nhân cả hai đều đòi hỏi chúng ta phải thoát ra khỏi cái tôi: ra đi để phục vụ và gặp gỡ tha nhân, để ôm lấy người khác. Qua sự phục vụ của Mẹ Maria dành cho người khác, qua sự gặp gỡ đó, lời hứa của Thiên Chúa của chúng ta được làm mới lại và làm cho nó có thể thực hiện được, cũng như nó đã được thực hiện. Và đó chính là Thiên Chúa của chúng ta  – như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Thiên Chúa, Thiên Chúa của anh em, ở giữa anh em’ – Thiên Chúa sẽ luôn cứu giúp mọi người, thiên Chúa sẽ luôn gặp gỡ mọi người.”
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/06/2016]


Các chánh án trên thế giới chống lại những kẻ buôn lậu người, vũ khí và thuốc phiện

Tại Vatican: các chánh án trên thế giới chống lại những kẻ buôn người, vũ khí và thuốc phiện


Ngày 3 và 4 tháng 6, một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa các chuyên gia về pháp lý sẽ thảo luận về nạn buôn người, mafia, buôn thuốc phiện, và sự bóc lột các cô gái bán dâm và những nhóm người thiểu số, những người tị nạn và những người di tản. Trong những vấn đề được đưa ra là các khoảng cách về pháp lý của quốc tế và quốc gia được xây dựng để chống lại tội phạm có tổ chức ở tầm mức toàn cầu và “những cấu trúc tội lỗi” của  nó.

human traficking
31/05/2016
FRANCESCO PELOSO
VATICAN CITY
Một hội nghị thượng đỉnh hoàn toàn khác thường sẽ được tổ chức tại Vatican trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy: “Hội nghị Thượng đỉnh các Chánh án về tình trạng buôn lậu và tội phạm có tổ chức,” được xúc tiến bởi Hàn lâm viện Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội, trong lịch trình sẽ có một buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha.
Đặc biệt hơn, có 100 thẩm phán tòa sơ thẩm, ủy viên công tố, đại diện của các tổ chức và học viện pháp luật trên toàn thế giới, những người cam kết trong cuộc chiến chống lại những hoạt động tội phạm khác nhau, sẽ nhóm họp ở lâu đài Casina Pio IV ở thành phố Vatican, trong một buổi thảo luận mở về nhiều chủ đề xã hội hiện tại bao gồm buôn lậu người, buôn lậu thuốc phiện, sự lây lan toàn cầu các tổ chức mafia và tội phạm, tình trạng bóc lột những cô gái bán dâm, buôn lậu nội tạng người, v.v.. Tất cả những chủ đề này đã được Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh nhiều lần, kêu gọi sự chú ý của cộng đồng thế giới, cộng thêm với bài diễn văn tại Trụ sở Liên Hiệp quốc ở New York tháng 9 năm ngoái.
Trong văn bản kêu gọi triệu tập hội nghị thượng đỉnh của Hàn lâm viện Vatican, Đức ông Marcelo Sanchez Sorondo, Trưởng viện giải thích: “Xã hội toàn cầu đang tìm kiếm lợi nhuận trên mọi thứ, và do đó tạo nên một văn hóa loại bỏ, như đã được Đức Thánh Cha Phanxico lên án trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng (Evangeli gaudium) và Sứ điệp ‘Laudato sì’, một thứ văn hóa đã tạo ra một con số vô kể những người bị gạt bỏ và loại trừ ra bên lề xã hội.” “Trong một thế giới chỉ dựa trên lợi nhuận thuần túy,” ngài nói thêm, “tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được khai báo của thế giới bao gồm cả những thu nhập “bất chính” của các tổ chức mafia quốc tế và các nhóm tội phạm có tổ chức, con số này được ước tính chiếm khoảng 10% tổng GDP toàn cầu.” Đây là những nguồn tài nguyên mà - ngài khẳng định - mặc dù một số quốc gia chính thức tuyên bố không có, vẫn được tính toán đưa vào tổng sản lượng quốc nội.
“Chưa ai biết rằng,” Đức ông Sorondo viết, “40 triệu người đang phải chịu đựng những hình thức làm nô lệ và buôn bán người mới,” trong đó gồm nhiều dạng khác nhau như “lao động cưỡng bức, mại dâm, buôn bán nội tạng người, và buôn lậu thuốc phiện. Đồng thời do hậu quả của các cuộc chiến, chủ nghĩa khủng bố và thay đổi khí hậu, có 60 triệu người phải di tản và 130 triệu người tị nạn đại diện cho vùng đất béo bở của những kẻ buôn lậu người. Hiện tại, các học viện và hệ thống quốc tế chưa có những công cụ pháp lý thích hợp để đối phó với thách thức của sự thờ ơ toàn cầu trên bình diện của những vấn đề nghiêm trọng đã được đề cập ở trên. Lúc này, những kẻ buôn lậu thuốc phiện và mafia đang lợi dụng những lỗ hổng trong việc quản lý và luật pháp quốc tế để bóc lột “những cơ cấu tội phạm” quốc gia và quốc tế trên phạm vi toàn cầu một cách rất hiệu quả, và do đó đang hái ra tiền bằng cách biến những người thấp kém thành nô lệ.”
Trong xã hội toàn cầu, Đức ông Sanchez Sorondo một lần nữa nhận xét, chúng ta phải bắt đầu bằng sự công bằng: “Không có một hình thức công bằng nào,” ngài nói, “có thể dung thứ cho nạn bạo lực nô lệ hay tội phạm có tổ chức, và không có một quyền lực nào được phép bóp méo công bằng. Các chánh án được kêu gọi để nhận thức đầy đủ thách thức này, để chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, và hợp tác với nhau để mở ra những lối đi mới cho sự công bằng và để nâng giá trị nhân phẩm con người, sự tự do, trách nhiệm, hạnh phúc và hòa bình.”
Khai mạc hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ là Trưởng viện Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, sau đó sẽ là Chủ tịch của Viện, Margaret Archer, và tiếp theo là nhà kinh tế học Jeffrey Sachs, ông là chuyên gia của Liên Hiệp quốc về tình trạng buôn người và các vấn đề thuốc phiện, cũng như cùng lên tiếng với Đức Thánh Cha Phanxico về các vấn đề môi trường. Cùng với các vị đó, Gustavo Vera sẽ phát biểu, ông cũng là người Argentina như Đức ông Sorondo và là bạn của Đức Thánh Cha, và là người đứng đầu của Quỹ Alameda là một tổ chức chống lại tình trạng lao động nô lệ, lao động trẻ em và buôn lậu thuốc phiện; ngài Vera cũng đại diện cho phong trào  “Công ích” (Common Good) trong khu vực hành chính của thành phố Buenos Aires. Những đại diện cùng chung lý tưởng từ Argentina cũng có mặt tại buổi họp, ngoài ra, họp mặt khá đông những chánh án và công tố viên cũng đến Vatican, dẫn đầu là Ricardo Lorenzetti, chủ tịch Tòa án Tối cao Argentina, ông sẽ phát biểu về vấn đề Vai trò của Tòa án Tối cao trong việc chống lại nạn buôn lậu thuốc phiện.
Ngoài ra, trong những ngày gần đây - chính xác vào ngày 26 tháng 5 - Đức ông Sanchez Sorondo và Gustavo Vera đã gặp gỡ ở Madrid để bàn về những vấn đề liên quan đến di dân và người tị nạn với thị trưởng của thủ đô Tây ban nha, Manuela Carmena, ông đã được bầu năm ngoái từ trại phong trào Podemos. Nhưng mục đích chính của cuộc phỏng vấn là phát huy những sáng kiến hàn lâm quốc tế về vấn đề di dân cưỡng bức và người tị nạn, nhằm đạt mục tiêu là tiến tới sự nhất trí căn bản về những nguyên tắc nhân đạo đã được đưa ra trong Sứ điệp ’Laudato sì’.

[Nguồn: vaticaninsider]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/06/2016]