Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Tuyên ngôn chung của Đức Phanxico và Karekin II

Tuyên ngôn chung của Đức Phanxico và Karekin II

“Chúng tôi vui mừng khẳng định rằng cho dù vẫn còn những chia rẽ giữa những Ki-tô giáo, chúng tôi cùng đi đến nhận thức rõ hơn những gì làm chúng ta nên hiệp nhất vượt nhiều hơn những gì chia rẽ chúng ta”
26 tháng 6, 2016
pope francis and karekin II
Đức Giáo hoàng Phanxico và Đức Giáo chủ Karekin II hôm nay đã ký một tuyên ngôn chung vào cuối chuyến viếng thăm 3 ngày của Đức Thánh Cha đến Armenia.
Dưới đây là toàn văn của Bản Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Giáo chủ Karekin II tại tòa thánh Etchmiadzin, Cộng hòa Armenia
__
Hôm nay tại Tòa thánh Etchmiadzin, trung tâm tinh thần của Toàn bộ giáo hội Armenia, chúng tôi, Giáo hoàng Phanxico và Giáo chú Karekin II của toàn thể giáo hội Armenia cùng hướng tâm trí và tâm hồn trong những lời tạ ơn Đấng Toàn Năng vì mối quan hệ gần gũi tiếp tục tồn tại và phát triển về đức tin và tình yêu giữa Giáo hội Tông truyền Armenia và Giáo hội Công giáo trong công cuộc làm chứng tá cho sứ điệp Tin mừng cứu độ trong một thế giới bị xét nát bởi những tranh chấp và đang mong mỏi được sự ủi an và hy vọng. Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Tôn, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đã thúc đẩy chúng tôi đến với nhau trong vùng đất thánh Ararat, vùng đất đứng vững như một sự nhắc nhớ rằng Thiên Chúa sẽ mãi là người bảo vệ và cứu rỗi chúng ta. Về tinh thần chúng tôi hài lòng nhớ lại rằng vào năm 2001, nhân dịp 1700 năm kỷ niệm công bố Ki-tô giáo là tôn giáo của Armenia, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã đến thăm Armenia và là chứng nhân cho một trang mới trong những mối quan hệ thân thiện và huynh đệ giữa Giáo hội Tông truyền Armenia và Giáo hội Công giáo. Chúng tôi tạ ơn vì chúng tôi đã nhận được ân sủng để đến với nhau trong một nghi lễ long trọng tại Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ở Roma ngày 12 tháng 4 năm 2015, tại đó chúng tôi đã cam kết bằng ý chí để chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực, và tưởng niệm những nạn nhân của tình trạng mà Tuyên ngôn chung giữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II và Đức Giáo Chủ Karekin II đã mô tả như là “sự hủy diệt một triệu rưỡi người Ki-tô hữu Armenia, điều thường được nói đến như là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20” (27 tháng 9 năm 2001).
Chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa vì hôm nay đức tin Ki-tô một lần nữa trở thành thực tại sống động ở Armenia, và vì Giáo hội Armenia thực hiện sứ mệnh của mình với một tinh thần hợp tác huynh đệ giữa các Giáo hội, giữ gìn các tín hữu trong công cuộc xây dựng một thế giới hiệp nhất, công bằng và hòa bình.
Nhưng cũng thật buồn, chúng tôi đang chứng kiến một thảm kịch to lớn mở ra trước mắt chúng tôi, vô số những con người vô tội đang bị giết, phải di tản hay buộc phải đi vào cuộc chạy trốn đau khổ và vô định do những xung đột liên tục về sắc tộc, kinh tế, chính trị và vùng đất tôn giáo ở Trung đông và những vùng khác trên thế giới. Vì thế, những nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số đã trở thành mục tiêu của sự bách hại và đối xử tàn bạo, đến mức sự chịu đựng đau khổ vì một niềm tin tôn giáo đã trở thành thực tại mỗi ngày. Những người tử đạo thuộc tất cả các Giáo hội và những đau khổ của họ là một “sự hiệp nhất trong máu” vượt lên trên tất cả những chia rẽ lịch sử giữa các Giáo hội Ki-tô, kêu gọi mọi người hãy xúc tiến sự hiệp nhất hữu hình của các tông đồ Chúa Ki-tô. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của các Thánh Tông đồ, Phê-rô và Phaolo, Tadeo và Bartolomeo, để thay đổi tâm hồn những người đang gây ra những tội ác như vậy và những người đang ở vị trí có khả năng chặn đứng được bạo lực. Chúng tôi xin các nhà lãnh đạo các dân tộc hãy lắng nghe tiếng kêu cầu khẩn thiết của hàng triệu con người đang mong mỏi hòa bình và công bình trên thế giới, những con người đòi hỏi tôn trọng quyền của Thiên Chúa ban tặng, những con người đang cấp thiết cần lương thực, chứ không cần súng đạn. Thật buồn, chúng ta đang phải chứng kiến cách trình bày tôn giáo và những giá trị tôn giáo theo học phái cơ bản, nó được sử dụng để biện minh cho việc truyền bá lòng hận thù, sự phân biệt đối xử và bạo lực. Việc biện minh cho những tội ác như vậy dựa trên nền tảng của những tư tưởng tôn giáo là không thể chấp nhận, vì “Thiên Chúa không phải là tác giả của sự rối loạn, nhưng là của hòa bình” (Corinhto I 14:33). Hơn nữa, sự tôn trọng những khác biệt tôn giáo là điều kiện cần thiết để có mối tương giao hòa bình giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo. Chính xác vì chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và thực hiện những con đường tiến đến hòa giải và hòa bình. Trên tinh thần này chúng tôi cũng bày tỏ sự hy vọng về một giải pháp hòa bình cho những vấn đề thuộc vùng Nagorno-Karabakh.
Chăm lo đến những gì Chúa Giê-su dạy các tông đồ của Người qua lời dạy: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."(Mt 25: 35-36), chúng tôi kêu gọi tín hữu của các Giáo hội chúng ta mở rộng tấm lòng và vòng tay cho những nạn nhân chiến tranh và khủng bố, cho các người tị nạn và gia đình của họ. Vấn đề đang tranh cãi là ý nghĩa của lòng nhân đạo, của sự hiệp nhất, của lòng thương cảm và sự rộng lòng của chúng ta, những điều này chỉ có thể được diễn tả một cách chính xác qua một cam kết thực tế cấp bách về sự trợ giúp. Chúng tôi rất trân trọng vì tất cả những điều này đã được thực hiện, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng cần phải có nhiều sự giúp đỡ hơn nữa về phía các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng quốc tế để bảo đảm quyền cho tất cả mọi người được sống trong hòa bình và an ninh, tuân theo quy định của luật pháp, bảo vệ những nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số, chống lại nạn buôn người và buôn lậu.
Tính trần tục của nhiều khu vực rộng lớn trong xã hội, sự xa lánh của nó khỏi tâm linh và thần khí, đương nhiên sẽ dẫn con người và gia đình nhân loại đến một cái nhìn hoàn toàn thế tục và vật chất. Về khía cạnh này chúng tôi lo lắng cho sự khủng hoảng gia đình ở nhiều quốc gia. Giáo hội Tông truyền Armenia và Giáo hội Công giáo cùng chia sẻ một viễn cảnh chung về gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân, một hành động của tình yêu hoàn toàn tự do và chung thủy giữa một người nam và một người nữ.
Chúng tôi vui mừng khẳng định rằng cho dù vẫn còn những chia rẽ giữa những Ki-tô giáo, chúng tôi cùng đi đến nhận thức rõ hơn rằng những gì làm chúng ta nên hiệp nhất vượt nhiều hơn những gì chia rẽ chúng ta. Đây là một nền tảng vững chắc qua đó sự hiệp nhất của Giáo hội của Chúa Ki-tô sẽ được thể hiện rõ nét, phù hợp với lời của Chúa, “để tất cả nên một” (Ga 17.21). Trong những thập kỷ qua mối quan hệ giữa Giáo hội Tông truyền Armenia và Giáo hội Công giáo đã tiến vào một giai đoạn mới thành công, được làm vững mạnh bởi những lời cầu nguyện cho nhau và những nỗ lực chung để vượt qua được những thử thách hiện tại. Hôm nay chúng tôi khẳng định về tầm quan trọng cốt lõi để tiến xa hơn trong mối quan hệ này, góp phần vào sự hợp tác sâu rộng và dứt khoát hơn không chỉ trong lĩnh vực thần học, nhưng còn trong lời cầu nguyện và sự cộng tác tích cực trên phạm vi các cộng đoàn địa phương, trên quan điểm chia sẻ tình thân ái trọn vẹn và cách diễn tả cụ thể tình hiệp nhất. Chúng tôi thúc đẩy tín hữu của chúng tôi cùng hoạt động hài hòa để trình bày ra trong xã hội những giá trị Ki-tô giáo là những giá trị đóng góp một cách hiệu quả nhằm xây dựng một nền văn minh công bằng, hòa bình và đoàn kết nhân loại. Con đường tiến đến hòa giải và tình huynh đệ đang nằm trước mắt chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta vào sự thật toàn vẹn (Ga 16:13), duy trì mọi nỗ lực chân thành để xây dựng những chiếc cầu nối tình yêu và thân ái giữa chúng ta.
Từ Tòa thánh Etchmiadzin chúng tôi kêu gọi tất cả mọi tín hữu của chúng tôi cùng hiệp thông lời cầu nguyện, theo lời của Thánh Nerses the Gracious: “Lạy Thiên Chúa Vinh Quang, xin nhận lời khẩn cầu của những tôi tớ Người, và xin độ lượng ban cho chúng con những điều chúng con xin, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Thiên Chúa, thánh Gioan Tẩy giả, Thánh Ste-pha-nô Tử đạo Tiên khởi, Thánh Gregory our Illuminator, các Thánh Tông đồ, các Ngôn sứ, các Thánh Tử đạo, các Tổ phục, các Thánh Ẩn tu, các Thánh Đồng trinh và tất cả các Thánh trên Thiên Đàng và còn đang sống. Và Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất, vinh danh Người và thờ phụng Người đến muôn đời. Amen.”
Tòa thánh Etchmiadzin, 26 tháng 6, 2016
Giáo hoàng Phanxico                  Giáo chủ Karekin II

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/06/2016]



Đức Thánh Cha với Đức Giáo Chủ Karekin II: 'Chúng ta đã ôm nhau như anh em’

Đức Thánh Cha với Đức Giáo Chủ Karekin II: 'Chúng ta đã ôm nhau như anh em’


Pope Francis greets Catholicos Karekin II during divine liturgy, June 26, 2016. Credit: Edward Pentin/CNA
Đức Thánh Cha Phanxico chào bình an Đức Giáo Chủ Karekin II trong nghi thức Thánh lễ, 26 tháng 6, 2016. Ảnh: Edward Pentin/CNA
Yerevan, Armenia, 26 tháng 6, 2016 / 01:58 sáng (CNA/EWTN News).- Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại lòng mong muốn của ngài tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Tông truyền Armenia trong nghi thức lễ hôm Chúa nhật, sự kiện quan trọng cuối cùng của chuyến thăm 3 ngày của ngài đến quốc gia vùng Đông nam Âu.
Đọc diễn văn sau bài giảng của Đức Giáo Chủ Karekin II là chủ tế của nghi lễ, Đức thánh Cha cũng xin vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Tông truyền Armenia ban phép lành cho ngài, cho Giáo hội Công giáo, và cho “con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn của chúng ta.”
“Chúng ta đã gặp gỡ, chúng ta đã ôm nhau như anh em, chúng ta đã cầu nguyện cùng nhau và chia sẻ những hồng ân, những hy vọng và quan tâm về Hội thánh của Chúa Ki-tô,” Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta đã có cảm giác như trái tim cùng nhịp đập, và chúng ta tin tưởng và cảm thấy rằng Giáo hội là một.”
“Cầu xin cho Giáo hội Armenia bước đi trong bình an và nguyện xin cho sự hiệp nhất giữa chúng ta được hoàn tất.”
Đức Thánh Cha Phanxico đã tham dự nghi thức lễ của Giáo hội Tông truyền Armenia hôm 26 tháng 6, sau khi  dâng lễ riêng vào buổi sáng. Nghi thức lễ được tổ chức ngoài trời trong quảng trường Thánh Tiridates của Cung điện Tông truyền Etchmiadzin.
Đức Phanxico nói, cuộc họp giữa Đức Thánh Cha và ngài Karekin đặt dưới sự chở che của các thánh tông đồ – Bartolomeo và Tadeo, “những người đầu tiên loan báo Tin mừng” ở Armenia, và “Thánh Phê-rô và Phaolo đã hiến mạng sống cho Thiên Chúa ở Roma và bây giờ được cùng hưởng phúc với Chúa Ki-tô trên Thiên đàng, chắc chắn vui mừng khi thấy sự yêu mến và lòng khát khao mãnh liệt muốn hiệp nhất trọn vẹn của chúng ta.
“Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những điều này, cảm ơn anh em và cùng với anh em: Park astutsò! (Vinh danh Thiên Chúa!).”
Đức Thánh Cha đã khen ngợi những lời cầu nguyện của nghi thức trong ngày, chẳng hạn bài tụng ca Trisagion trọng thể, và kinh cầu Chúa Thánh Thần.
“Nguyện xin tràn đầy phúc lành của Đấng Tối cao tuôn đổ trên mặt đất qua sự cầu bầu của Mẹ Chúa, của các vị đại thánh và các tiến sĩ, các vị tử đạo, đặc biệt những vị đã được tôn phong năm ngoái tại nơi này,” ngài nói.
Trích lời của Thánh Gregory thành Narek, ngài tiếp tục cầu nguyện Chúa Thánh Thần cho sự hiệp nhất, đặc biệt “giữa những môn đệ của Chúa Ki-tô.”
Đức Phanxico nói thêm rằng sự hiệp nhất này không phải là một sự khuất phục hay đồng hóa, “nhưng là sự chấp nhận tất cả những ân sủng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho mỗi người.”
“Chúng ta hãy đáp lời lại sự kêu gọi của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm nhường và người nghèo, của rất nhiều nạn nhân của lòng thù hận, họ đã phải đau khổ và hiến dâng mạng sống vì đức tin,” Đức Thánh Cha Phanxico nói. “Chúng ta hãy chú ý đến thế hệ trẻ đang tìm đến một tương lai thoát khỏi những chia rẽ của quá khứ.”
Đức Thánh Cha nói, cũng như các tông đồ hối hả chạy ra nơi phục sinh của Chúa Giê-su vào ngày Phục sinh, mặc dù còn “hoài nghi và không chắc chắn, cũng như vậy trong ngày Chúa nhật thánh này nguyện xin cho chúng ta đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa để nên hiệp nhất trọn vẹn và vội vã tiến đến đó.”
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng lời xin ngài Karekin ban phép lành cho ngài, ban phép lành cho Giáo hội Công giáo, và “con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn của chúng ta.”
Trước đó, trong bài giảng của nghi thức lễ, Đức Giáo Chủ Karekin II bày tỏ lòng tri ân với “chuyến thăm huynh đệ” của Đức Thánh Cha Phanxico đến Armenia.
Ngài nói, chuyến viếng thăm 3 ngày với “người anh em tinh thần của chúng ta là Đức Thánh Cha Phanxico tái khẳng định rằng Giáo hội Thánh của Chúa Ki-tô là một trong việc rao giảng tin mừng của Chúa Ki-tô cho thế giới.”
Điều này bao gồm sự quan tâm đến tạo hóa. “chống lại những vấn đề chung, và trong sứ mạng quan trọng của sự cứu rỗi con người là vương miện và vinh quang của sự tạo dựng của Thiên Chúa.”
Ngài Karekin II cũng nói về những thách thức phải đối mặt ngày nay chống lại đức tin, chẳng hạn chủ nghĩa thế tục, sự bóp méo những giá trị tinh thần và đạo đức, và sự lung lay của cấu trúc gia đình.
Những cám dỗ chống lại đức tin vào Thiên Chúa cũng xảy ra cả ở trong những sự khó khăn nhọc nhằn và ở “những lúc thịnh vượng và hoang phí, khi người ta không bị ràng buộc với những quan tâm lo lắng về những người mong mỏi miếng bánh mì mỗi ngày và những người đang đau khổ và chịu đựng,” ngài nói.
“Đức tin được đưa ra để kiểm tra bằng chủ nghĩa cực đoan và những loại ý thức hệ khác; sự bài ngoại, nghiện ngập, đam mê và lợi ích cá nhân.”
“Cội rễ của tội lỗi trong cuộc sống hiện đại là cố gắng xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, phân tích từng chữ nghĩa lề luật và mệnh lệnh của Thiên Chúa theo hướng kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và các vấn đề khác để ngày này sang ngày khác đào sâu thêm và đe dọa cách sống tự nhiên.”
Đức Giáo Chủ Karekin kết luận bài giảng của ngài nhắc lại sự tri ân của ngài với chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxico.
Ngài nói, “Chúng tôi và dân tộc của chúng tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ngài, người anh em yêu quý, và cho những nỗ lực của ngài thực hiện vì hòa bình và thịch vượng của nhân loại và vì sự tiến bộ của Giáo hội của Chúa Ki-tô.”
“Nguyện xin Thiên Chúa ban cho ngài sức mạnh, phúc lành và luôn giữ cho những Giáo hội của chúng ta trong tình yêu và sự hợp tác, và nguyện xin Người ban cho chúng ta những cơ hội mới để làm chứng tá về tình huynh đệ.”
Chuyến đi từ 24-26 của Đức Thánh Cha Phanxico đến Armenia được lên kế hoạch theo sau lời mời của Đức Đại Thượng phụ Tối cao và Giáo Chủ Karekin II của toàn thể Armenia, lời mời của chính quyền dân sự của quốc gia và của Giáo hội Công giáo.
[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/06/2016]