Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Những lời chào mừng của Đức Thánh Cha tối thứ Năm từ tòa Tổng Giám mục

Những lời chào mừng của Đức Thánh Cha tối thứ Năm từ tòa Tổng Giám mục

‘Đôi khi cha được hỏi là chúng ta phải làm gì để gia đình luôn thăng tiến và đương đầu với những khó khăn. Cha đề nghị chúng ta phải luôn thực hành ba chữ này …’
29 tháng 7, 2016
08
Pope Greets From Window - CTV Screenshot
Theo sau sự kiện đầu tiên Ngày Giới trẻ Thế giới với các bạn trẻ trong công viên Blonia tối thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxico xuất hiện tại cửa sổ của Tòa Tổng Giám mục Krakow để chào các tín hữu tụ họp ở quảng trường trước mặt. Trong số những người đó có nhiều cặp gia đình và mới cưới.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT những lời của Đức Thánh Cha:
Những câu chào [lời chào đầu tiên bằng tiếng Ba lan]
Cha được biết rất nhiều trong các con hiểu tiếng Tây ban nha, vì thế cha sẽ nói bằng tiếng Tây ban nha. Cha cũng được biết có một nhóm đông các cặp uyên ương mới cưới và các đôi vợ chồng trẻ ở đây, trong quảng trường hôm nay. Khi cha gặp ai đó sắp kết hôn, một thanh niên sắp kết hôn, một thanh nữ sắp kết hôn, cha liền bảo họ: “Mấy người này gan thật đấy! — vì xây dựng một gia đình không dễ chút nào. Chẳng dễ mà giữ thề hứa cả đời. Chúng ta phải can đảm lắm. Và cha xin chúc mừng các con. Các con là những người gan dạ.
Thỉnh thoảng có người hỏi cha là phải làm gì để gia đình luôn thăng tiến và đối mặt được với những khó khăn. Cha đề nghị họ phải thực hành 3 chữ nay, ba chữ diễn tả ba thái độ [đang có thêm các đôi uyên ương mới đến]. Ba chữ giúp họ sống đời sống gia đình, vì có những khó khăn trong đời sống gia đình: hôn nhân là một điều rất đẹp, rất dễ thương mà chúng ta phải chăm sóc nó, vì nó là trọn đời. Và ba chữ đó là “hỏi ý, cảm ơn và tha thứ.” Hỏi ý: hãy luôn hỏi vợ hay chồng của mình (vợ hỏi chồng, chồng hỏi vợ) “Anh/em nghĩ sao? Anh/em nghĩ chúng ta có nên làm việc này không? Đừng bao giờ coi thường. Hãy luôn hỏi ý.
Chữ thứ Hai: Cảm ơn. Một người chồng phải nói “cảm ơn” với vợ mình bao nhiêu lần. Và một người vợ phải nói bao nhiêu lần “cảm ơn” với chồng — hãy cảm ơn lẫn nhau, vì Bí tích Hôn phối được thành sự bởi đôi vợ chồng trao cho nhau. Và mối quan hệ trong bí tích này được duy trì với thái độ tình cảm yêu thương. “Cảm ơn anh/em.”
Và chữ thứ ba là “tha thứ,” một chữ rất khó phát âm. Luôn luôn trong hôn nhân có lúc người chồng hoặc vợ phạm lỗi. Phải có người có thể nhận ra được và xin lỗi, để xin sự tha thứ, và điều đó rất tuyệt vời. Có những gia đình trẻ ở đây, những đôi uyên ương mới cưới, rất nhiều trong chúng con vừa lập gia đình, còn một số khác thì chuẩn bị cưới. Hãy nhớ ba chữ này, nó sẽ giúp chúng con rất nhiều trong đời sống gia đình: hỏi ý, cảm ơn và tha thứ. Chúng ta hãy cùng lặp lại với nhau: Hỏi ý, cảm ơn, tha thứ. Tất cả, Lớn hơn nữa! Hỏi ý (lặp lại), cảm ơn (lặp lại), tha thứ (lặp lại).
Chà, tất cả những điều này rất dễ thương; nó rất dễ thương trong đời sống gia đình. Tuy nhiên, luôn luôn có những trục trặc hoặc cãi cọ trong đời sống gia đình. Vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường, to giọng lên, đấu tranh. Thỉnh thoảng chén đĩa bay, nhưng đừng kinh hoảng khi việc này xảy ra. Để cha cho chúng con lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không xây dựng hòa bình.
Và chúng con biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh ngày hôm sau kinh khủng lắm. Vậy thưa cha, con phải làm gì để xây hòa bình? — chắc một số chúng con sẽ hỏi như vậy. Lời nói không cần thiết đâu. Một cử chỉ thôi là đủ, và thế là xong. Hòa bình đã được lập lại. Khi có tình yêu, một cử chỉ làm ổn định mọi việc.
Trước khi nhận ơn lành, cha mời chúng con cầu nguyện cho tất cả các gia đình có mặt ở đây: cho những đôi uyên ương mới cưới, cho những cặp đã cưới được một thời gian, và cho những đôi đang chuẩn bị cưới.
Chúng ta hãy cùng đọc kinh Kính Mừng, mỗi chúng con đọc theo ngôn ngữ của riêng mình.
Kính mừn …
[Phép lành]
Và, nhớ, cầu nguyện cho cha! Cầu nguyện cho cha! Chào các con và chúc các con ngủ ngon.
[Văn bản gốc: Tiếng Tây ban nha] [Bản dịch của ZENIT]




[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2016]



Đức Thánh Cha tại Bệnh viện Nhi chỉ trích sự tàn nhẫn của Văn hóa Loại bỏ

Đức Thánh Cha tại Bệnh viện Nhi chỉ trích sự tàn nhẫn của Văn hóa Loại bỏ

“Cha thật tha thiết mong ước rằng người Ki-tô hữu thể hiện sự quan tâm đến người bệnh như Chúa Giê-su xưa kia, trong thầm lặng, bằng sự chăm sóc, bằng lời cầu nguyện”
29 tháng 9, 2016
pope francis
[From Vatican Radio]
Hôm thứ Sáu Đức Thánh Cha Phanxico đã đến thăm Bệnh viện Nhi Prokocim gần Krakow và trong bài nói chuyện với các bệnh nhân và nhân viên ngài mong ước rằng “Cha thật tha thiết mong ước rằng người Ki-tô hữu thể hiện sự quan tâm đến người bệnh như Chúa Giê-su xưa kia, trong thầm lặng, bằng sự chăm sóc, bằng lời cầu nguyện.”
Thật đáng buồn, Đức Thánh Cha tiếp tục, “xã hội chúng ta bị tha hóa bởi văn hóa loài trừ” và nạn nhân của nó “là những người bé nhỏ nhất và yếu đuối nhất.” Ngài cảm ơn tất cả những người làm việc trong bệnh viện với tình yêu và lòng thương cảm dành cho những bệnh nhi, ngài mô tả như là “dấu chỉ thực sự của lòng tốt, nhân bản và Ki-tô hữu: đưa những người bị thua thiệt nhất vào trung tâm của sự quan tâm của xã hội và chính trị.”
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh lời chào của Đức Thánh Cha Phanxico tới các bệnh nhân và nhân viên tại Bệnh viện Nhi:
Anh chị em thân mến,
Một phần quan trọng của chuyến thăm của cha đến Kraków là cuộc gặp gỡ này và cha cảm ơn ông Thủ tướng có những lời chào mừng trịnh trọng. Cha muốn lại gần tất cả các bé đang bị bệnh đây, đứng cạnh giường của các bé, và ôm các bé. Cha muốn lắng nghe mọi người ở đây, cho dù chỉ là một phút ngắn ngủi, và nghe được những câu hỏi mà không dễ có câu trả lời. Và cầu nguyện.
Tin mừng thường tường thuật việc Chúa Giê-su gặp những người bệnh, ôm họ và đi tìm họ. Chúa Giê-su luôn quan tâm đến họ. Người nhìn họ giống như một người mẹ nhìn đứa con đau bệnh của mình, và Người rung động vì lòng thương cảm dành cho họ.
Cha thật tha thiết mong ước rằng người Ki-tô hữu thể hiện sự quan tâm đến người bệnh như Chúa Giê-su xưa kia, trong thầm lặng, bằng sự chăm sóc, bằng lời cầu nguyện. Thật đáng buồn, xã hội chúng ta bị tha hóa bởi văn hóa loài trừ, nó đối nghịch lại với văn hóa đón nhận. Và nạn nhân của văn hóa loại trừ là những người bé nhỏ nhất và yếu đuối nhất. Thật đẹp biết bao được nhìn thấy trong bệnh viện  này những người bé nhỏ nhất cần được giúp đỡ nhất được đón nhận và chăm sóc. Xin cảm ơn tất cả vì dấu chỉ của tình yêu quý vị cống hiến cho chúng ta! Đây là dấu chỉ thực sự của lòng tốt, nhân bản và tính Ki-tô hữu: đưa những người bị thua thiệt nhất vào trung tâm của sự quan tâm của xã hội và chính trị.
Thỉnh thoảng có những gia đình cảm thấy đơn chiếc trong việc chăm sóc này. Chúng ta có thể làm gì? Từ nơi này, có quá nhiều những dấu chỉ yêu thương cụ thể, cha muốn nói thế này: Chúng ta hãy nhân rộng những hành động của văn hóa đón nhận, những hành động được khơi nguồn bởi tình yêu Ki-tô, tình yêu cho Chúa Giê-su đóng đinh,cho chính thịt da của Đức Ki-tô. Phục vụ với tình yêu thương và nhân hậu những con người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta làm cho tất cả chúng ta được lớn lên trong sự nhân ái.  Nó mở ra trước mặt chúng ta con đường đến cuộc sống vĩnh hằng. Những ai gắn kết cuộc đời trong những công việc của lòng thương xót sẽ không sợ chết.
Cha xin động viên tất cả những anh chị em đã biến tiếng gọi của Tin mừng “viếng thăm người đau yếu” thành một quyết định của đời người: những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, các vị tuyên úy và tình nguyện viên. Nguyện xin Thiên Chúa trợ giúp quý vị thực hiện công việc được tốt đẹp, ở đây cũng như tại mọi bệnh viện trên thế giới. Nguyện xin Người thưởng công cho quý vị bằng sự ban bình an trong tâm hồn và một trái tim luôn sẵn lòng nhân ái.
Xin cảm ơn tất cả với buổi gặp gỡ này! Cha luôn nhớ đến mọi người trong tình yêu mến và lời cầu nguyện. Và xin tất cả, đừng quên cầu nguyện cho cha.

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2016]



Thành phố Krakow: Cái nhìn tổng quát

Thành phố Krakow: Cái nhìn tổng quát

“Qua nhiều thế kỷ trường đại học (Akademia Krakowska), Nicolaus Copernicus đã từng theo học, cùng với những người khác, biến thành phố thành một trong những trung tâm văn hóa và nghệ thuật sống động nhất của Châu Âu”
27 tháng 7, 2016
krakow
Đức Thánh Cha Phanxico đã đến Krakow chiều nay, thủ đô trước đây của Ba lan và là thành phố nổi tiếng nhất nước. Với 762,000 cư dân và tọa lạc trên bờ sông Vistula, những con số được ghi lại đầu tiên về sự hiện hữu của thành phố quay ngược lại từ thế kỷ X, khi nó được thành lập là một Đại công quốc (Grand Duchy) Moravia từ năm 990. Ki-tô giáo đến Ba lan rất lâu trước ngày chính thức rửa tội đất nước – năm 966.
Krakow là thủ đô của vương quốc từ năm 1038, dưới triều vua Piast. Trong thế kỷ XII nhiều cộng đồng Do thái được thành lập ở khu Kazimierz (chiếm 26% dân số năm 1939). Sau sự tàn phá bởi người Thát-đát giữa năm 1241 và 1242, thành phố nhanh chóng hồi sinh dưới ảnh hưởng của nhóm dân cư gốc Đức. Sau nhiều năm dưới sự thống trị của Séc, năm 1320 Wladyslaw Lokietek được đăng quang hoàng đế Ba lan lần đầu tiên trong thánh đường Wawel, và sau đó trở thành nơi làm lễ đăng quang cho đến lúc kết thúc nền quân chủ năm 1795.
Qua nhiều thế kỷ Trường Đại học Akademia Krakowska, Nicolaus Copernicus đã từng theo học, cùng với những người khác, biến thành phố thành một trong những trung tâm văn hóa và nghệ thuật sống động nhất của Châu Âu, nhưng trận hỏa hoạn năm 1596 bắt buộc phải dời nơi ở hoàng gia đến Warsaw, và tiếp sau đó trở thành thành phố thủ đô, dẫn đến sự suy yếu dần cho Krakow, bị pha tạp thêm do sự chia cắt của Ba lan. Cho dù có cuộc nổi dậy năm 1794, thành phố vẫn chịu sự thống trị của Áo năm 1846, và mãi đến năm 1918 mới trả lại về Ba lan. Trong thế kỷ XIX, Krakow một lần nữa trở thành trung tâm cho nghệ thuật và văn hóa Ba lan, và có được những phát triển kinh tế chính yếu do sự bóc lột các hầm mỏ của vùng Silesia lân cận.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức Quốc xã xâm chiếm Ba lan và trong tháng đó 184 giáo sư của Trường Đại học Jagiellonian bị đưa đến trại tập trung Sachsenhausen và dân số Do thái gồm 68.000 người bị tiêu diệt. Ba trại tập trung được xây dựng trong thành phố trong đó 20.000 Ba lan không phải gốc Do thái và 34 linh mục bị giết. Krakow trở thành thủ đô của Chính quyền Chung của các địa hạt Ba lan dưới sự chiếm đóng của Đức nhưng không trực thuộc Đế chế Đức. Đức Quốc xã tịch thu rất nhiều tác phẩm nghệ thuật: sự can thiệp nhanh chóng của quân đội Soviet đã ngăn chặn được sự tàn phá một số lớn các tượng đài của Krakow, đã bị quân Đức đặt mìn, nhưng đã gây ra cái chết của rất nhiều nạn nhân trong dân tộc.
Krakow đã phục hưng sau Đại Chiến thứ II, bắt đầu từ năm 1949 do sự phát triển nhân khẩu nhanh chóng và thiết lập khu công nghiệp Nowa Huta tại các cổng vào Krakow, qua đó chế độ xã hội chủ nghĩa tìm cách thể hiện sức mạnh của hệ tư tưởng của nó đối lập lại với thủ đô “bảo thủ” và “bàn giấy”. Chính tại đây vào đêm Giáng sinh năm 1973, theo quyết định của chính quyền không cho đất để xây dựng một nhà thờ Công giáo, vị Tổng giám mục tương lai Krakow Karol Wojtyla đã dâng thánh lễ ngoài trời với sự tham dự của một con số tín hữu đáng kinh ngạc. Thánh Gioan Phaolo II là Tổng giám mục Krakow từ 1964 đến 1978 và khi làm giáo hoàng ngài đã về thăm thành phố 5 lần trong các chuyến tông du (1979, 1983, 1991, 1999, 2002), Đức Benedict XVI đã đến thăm trong chuyến tông du của ngài đến Ba lan năm 2006 và dâng Thánh lễ Chúa nhật ở Blonia, có khoảng hơn 1 triệu người tham dự.
Ngoài trường Đại học, Krakow có 14 trung tâm học thuật có 85.000 sinh viên theo học, và 12 chủng viện chính, và cũng là thành phố có số viện bảo tàng nhiều nhất – 30 – ở Ba lan. Năm 1978 khu tưởng niệm phức hợp của Krakow, cùng với mỏ muối Wieliczka gần đó, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Năm 2000 nó là thành phố Văn hóa của Châu Âu, và năm 2013 nó được chọn là một Thành phố Văn học của UNESCO, thành phố Châu Âu đầu tiên nhận được danh hiệu này.

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/07/2016]


Tại Auschwitz, Đức Thánh Cha cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa

Tại Auschwitz, Đức Thánh Cha cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa

Pope Francis prays at the Auschwitz concentration camp, July 29, 2016. Credit: L'Osservatore Romano / CNA
Đức Thánh Cha cầu nguyện tại trại tập trung Auschwitz, 29 tháng 7, 2016. Ảnh: L'Osservatore Romano / CNA
Krakow, Poland, 29 tháng 7, 2016 / 05:40 sáng (CNA/EWTN News).- Đức Thánh Cha Phanxico đã có một chuyến thăm chính thức đến các trại tập trung Auschwitz và Birkenau hôm thứ Sáu, nơi trên 1 triệu người đã bị mất mạng sống ở đó. Tại các đài tưởng niệm, ngài không có diễn văn nhưng cầu nguyện trong thinh lặng, và thay vào đó là viết vào sổ lưu 2 dòng đơn giản cầu xin lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.
"Thiên Chúa có lòng thương xót trên dân người! Lạy Chúa, xin tha thứ vì quá nhiều bạo tàn!” Đức Thánh Cha viết trong “Sổ Lưu Ký” ngay sau khi cầu nguyện trong phòng ngục tối của Thánh Maximilian Kolbe, một linh mục Công giáo tử đạo tại Auschwitz.
Ngày của Đức giáo hoàng bắt đầu với việc dừng chân tại tại chính (gọi là Auschwitz I), tại đó ngài cầu nguyện nhiều phút trong thinh lặng ở sân trong của khu phức hợp.
Sau đó ngài được xe chở đến tòa nhà Khu 11 ghê rợn của trại. Tại đây, ngài được Thủ tướng Ba lan Beata Szydlo đón tiếp. Sau đó ngài lần lượt chào từng người trong nhóm mười người đàn ông và đàn bà đã sống sót sau thảm sát Holocaust.
Đức Thánh Cha được trao cho một ngọn nến và ngài dùng để thắp một ngọn đèn bằng đồng thau tại khu này. Ngọn đèn có in những hình ảnh của đường hàng rào kẽm gai của Auschwitz, cũng như Thánh tâm Chúa Giê-su, là món quà của ngài tặng cho bảo tàng Auschwitz.
Đức Thánh Cha sau đó đi vào Khu 11 –  một tòa nhà bằng gạch nơi các tù nhân bị tra tấn – và thăm qua các phòng giam khác nhau. Ngài dừng chân trong một thời gian khá lâu cầu nguyện trong phòng ngục giam Thánh Maximilian Kolbe.  
Đức Phanxico sau đó được xe chở đến trại Birkenau – còn được gọi là Auschwitz II. Còn rất ít di tích tồn tại của trại, đây là nơi những phòng hỏa lò của Đức Quốc xã, nơi hàng trăm ngàn người bị giết, và những hỏa lò là nơi thiêu rụi thân xác của họ.
Đức Thánh Cha tỏ sự tôn kính trước những tấm bảng tưởng niệm bây giờ dùng để đánh dấu khu vực. Ngài bước chầm chậm qua từ bảng, trước khi thắp một ngọn nến và cầu nguyện trong thinh lặng. Sau đó, một người đàn ông hát Thánh vịnh 130, với câu: “Từ vực thẳm, con kêu lên ngài, ôi lạy Chúa.”
Cuối cùng, sau khi cầu nguyện tại đài tưởng niệm, Đức Phanxico gặp một nhóm 25 người đàn ông và phụ nữ không phải gốc Do thái đã liều mạng sống của mình để cứu những người Do thái khỏi những cuộc tàn sát hàng loạt bởi bàn tay của Đức Quốc xã.
Vì những hành động của họ trong suốt Đại Chiến Thế giới thứ II, họ đã được đặt danh hiệu cao quý “Những người Công chính giữa các Dân tộc” bởi nhà nước Israel với vai trò giúp đỡ những người Do thái trong cuộc tàn sát Holocaust.
Cũng có mặt tại buổi lễ là những người sống sót sau Holocaust, như Lidia, 75 tuổi, bà kể lại chi tiết cho các phóng viên rằng đã bị đưa đến Auschwitz lúc 3 tuổi, tại đây bà bị lột trần truồng và đóng một con dấu lên cánh tay. Bà đã mất 20 năm mới đoàn tụ lại được với mẹ bà sau khi các trại được giải phóng bởi các lực lượng đồng minh.
Cuộc viếng thăm 29 tháng 7 của Đức Giáo hoàng đến 2 trong số 3 trại chính của Auschwitz, tại những nơi này khoảng 1,5 triệu người đã bị chết dưới chế độ Đức Quốc xã.
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến các trại đánh dấu ngày thứ hai kín lịch của chuyến tông du 27-31 tháng 7 của ngài tới Ba lan, tại đây ngài chủ tọa những lễ mừng Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow.

[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2016]



Giảng huấn của Đức Thánh Cha sau Chặng đàng Thánh giá ở Krakow

Giảng huấn của Đức Thánh Cha sau Chặng đàng Thánh giá ở Krakow

“Cho dù là tội ác, đau khổ và tội lỗi, thái độ đáp trả duy nhất của một người môn đệ Chúa Giê-su là món quà cho đi, thậm chí chính mạng sống của mình, để bắt chước Đức Ki-tô; đó là thái độ phục vụ”
29 tháng 7, 2016
pope francis
Sau khi cầu nguyện và viếng Chặng đàng Thánh Giá liên kết tới những mối phúc thương hồn và xác, Đức Thánh Cha Phanxico đã có bài giảng huấn với các bạn trẻ tại Ngày Giới trẻ Thế giới.
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp bài diễn văn của ngài.
__
Ta đói các ngươi cho ta ăn,
Ta khát và các ngươi cho ta uống, ta là người khách lạ và các ngươi đón tiếp ta,
Ta trần truồng và các ngươi cho ta áo quần mặc,
Ta đau yếu và các ngươi chăm sóc ta,
Ta bị tù đày và các ngươi đến viếng thăm (Mt 25:35-36).
Những lời của Chúa Giê-su trả lời cho câu hỏi thường hiện lên trong đầu và con tim chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa ở đâu, nếu tội ác hiện diện trong thế giới chúng ta, nếu có những người đói khát, không nhà cửa, di tản và tị nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi những người lương thiện bị chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu,  khi những căn bệnh tàn bạo cắt đứt những mối dây sự sống yêu thương? Hoặc khi trẻ em bị bóc lột và tước mất phẩm giá, và các em phải chịu đựng quá nhiều từ căn bệnh của bóng tối? Thiên Chúa ở đâu, giữa những thống khổ của những người đang nghi ngờ và rối loạn tinh thần? Đây là những câu hỏi nếu chỉ nói theo con người thì không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Đức Giê-su và hỏi Người. Và câu trả lời của Chúa Giê-su là: “Thiên Chúa ở trong những người đó.” Giê-su ở trong họ; Người đau khổ trong họ, và Người đồng hóa với mỗi người đó. Ngài đã kết hiệp mật thiết với họ để trở nên như họ, là họ, “một thân xác.”
Chính Đức Giê-su đã chọn cách đồng hóa với những anh chị em này đang chịu đau đớn và thống khổ bởi bằng lòng bước đi theo “con đường đau khổ” dẫn lên đồi Can-vê. Bằng cái chết trên thập giá, Người đã phó dâng chính mình vào bàn tay của Chúa Cha, theo thánh ý của Người và trong Người, với tình yêu tự hiến, những vết thương thể xác, đạo đức và tinh thần của nhân loại. Bằng cách ôm lấy cây gỗ của thập giá, Chúa Giê-su đã mang lấy sự trần truồng, sự đói khát, sự cô đơn, sự đau đớn và cái chết của con người mọi thời đại.Đêm nay, Đức Giê-su, và chúng ta cùng với Người, hãy ôm những anh chị em từ Syria đã phải chạy di tản khỏi chiến tranh bằng tình yêu đặc biệt. Chúng ta hãy chào họ và tiếp đón họ bằng tình cảm huynh đệ và tình bạn.
Bằng cách bước theo Đức Ki-tô trên con đường Khổ giá, chúng ta lại một lần nữa nhận ra sự quan trọng của việc bắt chước Người qua mười bốn mối phúc. Những mối phúc này sẽ giúp chúng ta mở tâm hồn ra trước lòng thương xót của Chúa, để nài xin những ân sủng, để nhận thức đúng rằng không có lòng thương xót chúng ta không thể làm được gì.; không có lòng thương xót, cả cha cả và các con hay bất kỳ ai có thể làm được một việc gì. Trước tiên chúng ta hãy nói đến 7 mối thương xác: cho người đói ăn, cho người khát uống, cho người trần trụi mặc, cho người không nhà cửa chỗ ở, thăm người đau bệnh và người tù đày, và chôn người chết. Chúng ta được nhận một cách nhưng không thì chúng ta cũng hãy cho đi nhưng không. Chúng ta được kêu gọi để phục vụ Giê- su bị đóng đinh nơi tất cả những người bị gạt ra bên lề xã hội, để đụng chạm đến da thịt thánh của Người nơi những ai bị thiệt thòi, nơi những người bị đói bị khát, nơi những người trần trụi và bị tù đày, người đau ốm và thất nghiệp, nơi những người đang bị bách hại, người di cư và tị nạn. Ở đó chúng ta tìm thấy Thiên Chúa của chúng ta; ở đó chúng ta đụng chạm tới được Thiên Chúa của chúng ta. Chính Đức Giê-su đã nói với chúng ta điều này khi người giải thích những tiêu chuẩn chúng ta sẽ bị luận phạt: bất cứ khi nào chúng ta làm những điều này cho những người anh chị em bé nhỏ nhất của chúng ta, là chúng ta làm cho chính Người (Mt 25:31-46).
Sau những mối thương xác là những mối thương hồn: khuyên nhủ người nghi nan, hướng dẫn người mê muội, răn bảo người có tội, yên ủi người âu lo, tha thứ người xúc phạm, kiên nhẫn nhịn người sai quấy, cầu nguyện cho người sống và người chết. Bằng cách đón tiếp những người bị xã hội ruồng bỏ là những người chịu đau khổ thể xác và đón tiếp những tội nhân là những người đau khổ tâm hồn, giá trị là Ki-tô hữu của chúng ta được đóng ấn.
Nhân loại hôm nay đang cần những con người, và đặc biệt những thanh niên như chúng con là những người không muốn sống cuộc đời “nửa vời”, là những người sẵn sàng cho đi cuộc đời một cách nhưng không trong những việc phục vụ những người anh chị em nghèo khổ nhất và cô thế nhất, bằng cách bắt chước Đức Ki-tô người đã hoàn toàn cho đi thân mình để cứu chuộc chúng ta. Cho dù là tội ác, đau khổ và tội lỗi, thái độ đáp trả duy  nhất của một người môn đệ Chúa Giê-su là món quà cho đi, thậm chí chính mạng sống của mình, để bắt chước Đức Ki-tô; đó là thái độ phục vụ. Nếu những người gọi mình là Ki-tô hữu mà không sống để phục vụ, cuộc sống của họ không phục vụ cho những mục đích cao đẹp, bằng cuộc sống của họ, họ đang chối bỏ Chúa Giê-su Ki-tô.
Các bạn trẻ thân mến, tối nay một lần nữa, Thiên Chúa gọi chúng ta phải đi đầu trong việc phục vụ tha nhân. Người muốn biến chúng con thành một câu trả lời cụ thể cho những nhu cầu và đau khổ của nhân loại. Người muốn chúng con là những dấu chỉ của tình yêu thương xót của Người trong thời đại chúng ta! Để làm chúng con có thể thực hiện được sứ mệnh này, Người thể hiện cho chúng con thấy sự trung tín và tự hiến thân của Người. Đó là con Đường Thánh gái. Con đường Thập tự là con đường trung tín bước theo Giê-su đến cùng, trong những hoàn cảnh thay đổi thường xuyên của cuộc sống hàng ngày. Đó là con đường không biết sợ hãi vì thiếu thành công, bị tẩy chay hay bị cô đơn, vì nó làm tâm hồn chúng ta ngập tràn sự viên mãn của Chúa Giê-su. Con đường Thập giá là con đường của chính Thiên Chúa, là “phong cách” của Người, qua đó Chúa Giê-su mang đến sự cân bằng cho những con đường mòn của một xã hội có lúc bị phân chia, bất công và suy đồi.
Chỉ con đường Thập giá mới đánh bại được tội lỗi, tội ác và cái chết, vì nó sẽ dẫn đến ánh sáng vinh quang của sự Phục sinh của Đức Ki-tô và mở ra những chân trời cho một đời sống mới và trọn vẹn hơn. Nó là con đường hy vọng, con đường tương lai. Những ai đi theo con đường này với lòng rộng rãi và niềm tin sẽ mang đến hy vọng và một tương lai cho nhân loại.
Các bạn trẻ thân yêu, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nhiều môn đệ đã ủ rũ trở về nhà. Những người khác chọn cách ra ngoài xã hội để quên đi thập giá. Cha hỏi các con: Làm sao chúng con lại muốn trở về nhà mình trong đêm nay, về những nơi chúng con đang ở? Làm sao chúng con muốn trở về cô đơn một mình với những suy nghĩ riêng trong đêm nay? Mỗi chúng con hãy trả lời cho thử thách mà câu hỏi này đặt ra cho chúng con.
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: ZENIT]




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07/2016]