Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Sự tác động từng cá nhân của Mẹ Teresa


Sự tác động từng cá nhân của Mẹ Teresa

Vị nữ thánh đã thay đổi biết bao cuộc sống — đặc biệt nhất có ba trường hợp.

JOSEPH PRONECHEN
31/08/2016
pope francis
Mẹ Teresa đang ẵm ngửa một bé gái không có tay tại nhà mồ côi dòng Thừa sai Bác ái ở Kolkata, Ấn độ, năm 1978. Một người vô địch giữa người nghèo nhất của những người nghèo, Mẹ Teresa sẽ được phong thánh ngày 4 tháng 9 này tại Vatican.
– AP photo/Eddie Adams
Một lần gặp gỡ với Mẹ Teresa Kolkata có ảnh hưởng mãi mãi. Trong những ngày đang hướng đến lễ phong thánh ngày 4 tháng 9 tại Roma, ba người được biết Mẹ kể lại sự thay đổi định hướng trong cuộc sống sau lần gặp gỡ với vị thánh nữ tu.
Jim Towey, chủ tịch Đại học Ave Maria University ở thành phố Ave Maria, tiểu bang Florida, là cựu trợ lý của Tổng thống George W. Bush và là giám đốc Văn phòng Những Sáng kiến trên nền tảng Đức tin và Cộng đồng của Nhà Trắng. Trước đó, khi đang làm việc cho Thượng nghị sĩ Mark Hatfield, R-Ore., với bổ nhiệm vùng Viễn Đông, ông gặp Mẹ Teresa.
“Ba mươi mốt năm trước, Chúa ban cho tôi ân sủng được gặp Mẹ, và điều đó đã thay đổi đời tôi,” Towey nói. “Tôi gặp mẹ 1 tuần trước sinh nhật 75 tuổi của mẹ. Khi tôi gặp Mẹ Teresa hôm đó vào tháng 8 năm 1985, tôi thấy mình gặp được một người là tất cả trong khi tôi chẳng là gì. Mẹ quá sống động nơi Đức Ki-tô, quá quảng đại cho đi cho tha nhân.”
Đời sống của Towey có một bước ngoặt lớn, quá nhiều đến mức hôm nay, ông nói “Cho dù tôi sẽ không bao giờ bắt chước được tính khiêm nhường và sự thánh thiện của Mẹ, nhưng tôi có thể cố gắng cho đi suốt cuộc đời của tôi như Mẹ đã làm.”
Sự kết giao của ông với Mẹ Teresa và dòng Thừa sai Bác ái của mẹ nhanh chóng chiếm một vị trí bền vững. Ông làm việc liên tục theo lịch với mẹ từ 1985 đến khi mẹ qua đời năm 1997, ông và vợ của ông, Mary, trở thành bạn rất thân với mẹ.
“Khi Mary và tôi đính hôn chuẩn bị cưới, thiệp cưới đầu tiên của chúng tôi được gửi tới Mẹ. Mẹ không thể đến, nhưng có 30 soeur của Mẹ tới,” Towey nhớ lại. “Tôi nợ Mẹ Teresa cả cuộc đời chúng tôi. Tôi gặp vợ tôi tại một trong những chuyến truyền giáo của Mẹ Teresa. Mẹ tiên đoán rằng chúng tôi sẽ có 5 đứa con, và đúng như vậy. Mẹ được nhìn thấy 3 đứa. Và Mẹ là một khí cụ đã làm hồi sinh đức tin Công giáo của tôi. Vì vậy tôi mắc nợ Mẹ mà tôi không bao giờ có thể trả được.”
Towey xem đây là “một đặc ân” ông được đồng hành cùng với vị thánh có nhiều sức ảnh hưởng này. Là tư vấn pháp lý, ông giúp Mẹ mở các nhà cho người bị AIDS, giúp các soeur nhận thị thực nhập cảnh và bảo vệ việc sử dụng Tên của mẹ (vì một số người muốn dùng tên của mẹ để gây quỹ, điều mà Mẹ Teresa hoàn toàn không muốn.)
“Cứ ở gần Mẹ là cảm giác như được đụng chạm một tí đến thiên đàng,” Towey hồi tưởng. “Có một điều gì đó rất đặc biệt nơi Mẹ. Điều tôi yêu nhất nơi Mẹ là Mẹ thực sự là một con người rất bình thường. Dĩ nhiên, Mẹ yêu Chúa hết lòng, nhưng Mẹ yêu con người, yêu âm nhạc và yêu món kẹo khoái khẩu của Mẹ. Các nữ tu và linh mục của Mẹ mang ý nghĩa cả thế giới đối với Mẹ. Mẹ rất yêu cuộc sống.”
Towey rằng Mẹ Teresa rất thích cười và thậm chí làm cho các soeur của Mẹ phải cười với tính dí dỏm dễ thương của Mẹ.
Và bản chất là mẹ của Mẹ không ai sánh bằng.
“Khi Mẹ ở với các soeur của Mẹ, Mẹ hoàn toàn như mọi người thường, và như một người mẹ khi tiếp xúc với các soeur,” Towey nói. “Tôi nghĩ Mẹ là một người Mẹ với tình mẫu tử cao nhất kể từ sau Đức Mẹ Đầy ơn phúc, và Mẹ là mẹ của rất rất nhiều người như tôi.”
Towey nói thêm, “Mẹ khơi dậy được những điều tốt nhất nơi mỗi người.”
Tổng thống Reagan
Tại lễ phong chân phước, ông được yêu cầu làm chứng tá về những cách Mẹ cư xử với mọi người và các tình huống. Towey nhận xét, “Mẹ là một độc giả tuyệt vời và là một người đánh giá tình hình và con người xuất sắc. Mẹ rất thông thái. Tôi thật kinh ngạc về cách Mẹ nhanh chóng hình dung ra những việc sẽ diễn biến. Và điều này thật đáng chú ý: Bất kể gặp gỡ Tổng thống hay ngồi bên cạnh giường của người nghèo, Mẹ vẫn là mẹ bình thường với tất cả mọi người. Mẹ thừa nhận Tổng thống [Ronald] Reagan có nhiều trách nhiệm hơn, nhưng Mẹ coi giá trị tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa.”
Towey nhắc lại điều này: Mẹ Teresa thích Tổng thống Reagan, và ông rất sẵn sàng giúp đỡ Mẹ.
“Mẹ gọi cho ông từ Ấn độ tới Nhà trắng. Khi ông mãn nhiệm, Mẹ gọi điện cho tôi vào tháng 12 và nói, ‘Mẹ muốn đến thăm Tổng thống Reagan vì hình như không có ai đến thăm ông nữa.” Khi Mẹ đến Hoa kỳ, Mẹ thăm Tổng thống và Bà Reagan, cùng với Towey, 2 linh mục và một số nữ tu của Mẹ.
Sức ảnh hưởng của Mẹ Teresa tiếp tục dẫn dắt Towey và những người khác thông qua ông. Viện bảo tàng Mẹ Teresa (MotherTeresaProject.org) tại Đại học Ave Maria, do ông thành lập, là bảo tàng duy nhất ở trong nước được ủy quyền bởi dòng Thừa sai Bác ái.
Và mỗi tháng Năm, ông Towey đưa 12 sinh viên theo chuyến đi rao giảng ở Kolkata.
“Các sinh viên đã khám phá ra Mẹ Teresa trong cuộc sống của họ, và tôi đã theo dõi đời sống của các em thay đổi như thế nào. Những thế hệ mới này đang gặp Mẹ trong sứ mạng của mình, và thật đẹp vì họ có một vị thánh là bạn của họ,” ông nói.
Các nữ tu và linh mục dòng Thừa sai Bác ái vẫn tiếp tục giống như gia đình với nhà Toweys. “Mary và tôi vẫn giữ liên lạc rất gần với hàng trăm soeur,” ông nói.
Nhìn lại quá khứ, ông Towey nói, “Tôi không thể nghĩ cuộc sống của tôi sẽ như thế nào trước khi gặp Mẹ. Nó thay đổi toàn bộ, và tôi nợ Mẹ tất cả. Tôi gặp vợ tôi trong khu truyền giáo của Mẹ, và vợ tôi đã thắp lên lòng sùng kính Mẹ Maria cho tôi vì cô ấy rất yêu Mẹ Maria. Tôi có món nợ với Mẹ và dòng Thừa sai Bác ái. Tôi không tin mình có thể trả lại được, nhưng tôi sẽ cố gắng.”

Nguồn cảm hứng Quốc tế
Tổ chức Quyền Phụ nữ Không Biên giới (WomensRightsWithoutFrontiers.org), một tổ chức quốc tế vạch trần và chống lại chính sách kiểm soát dân số bắt buộc của nhà nước Trung quốc, có lẽ đã không thể thành lập nếu người sáng lập và chủ tịch là Reggie Littlejohn không gặp Mẹ Teresa.
Khi đang trên chuyến du lịch vòng quanh thế giới với chồng — khi đó cả hai là sinh viên tại đại học Yale — Littlejohn làm tình nguyện viên trong nhiều tuần lễ tại nhà mà Mẹ Teresa xây dựng cho những trẻ bị bỏ rơi ở Kolkata.
“Mẹ Teresa bắt đầu nhà của Mẹ dành cho các bé gái bằng cách “nhặt” và một bé gái trong thùng rác, những sinh linh này bị coi là không có gì đáng giá,” Littlejohn nói với Register.
Những trải nghiệm của bà tại nhà — trong đó có việc giúp đỡ và cho một phụ nữ trẻ ăn, người này không lớn hơn một em bé và phản ứng của người phụ nữ trẻ đó trước lòng tốt của bà — vẽ nên hình ảnh cho thấy cuộc sống mỗi ngày thật giá trị.
“Rồi tôi hiểu được vị trí của Mẹ Teresa: Cuộc sống của mỗi con người, bất kể hoàn cảnh như thế nào, bất kể tình trạng khuyết tật, đều có giá trị tuyệt đối, và mỗi con người đều xứng đáng được cứu,” Littlejohn giải thích. “Và tôi rất vui vì tôi có thể nói về người phụ nữ trẻ này, vì tôi muốn chứng tá của cô được mọi người biết.”
Hiện nay, Littlejohn tuyên bố và chiến đấu cho giá trị của mỗi sự sống cùng với Tổ chức Quyền Phụ nữ Không Biên giới.
“Phẩm giá của mỗi cá nhân con người, và sự xác quyết phải cứu họ, là nền tảng căn bản cho quyết định của tôi — để cứu những bé gái ở Trung quốc,” bà giải thích. “Đó là một động lực. Các bé gái có phẩm giá bình đẳng với các bé trai và có giá trị vĩnh viễn. Các bé có giá trị tuyệt đối, từng cá nhân mỗi bé.”
Những bài học Tình yêu
Khi nhà văn Donna-Marie Cooper O’Boyle gặp Mẹ Teresa, bà không ngờ rằng nó dẫn đến một tình bạn dài lâu và mối quan hệ trong suốt 10 năm.
“Tôi cảm thấy rất được ơn phúc, qua sự an bài của Thiên Chúa, tôi gặp Mẹ Teresa Kolkata, vị thánh của những người bần cùng nhất trong xã hội, gần 30 năm trước,” O’Boyle nói. “Mẹ Teresa không những trở thành một người thầy tinh thần thông thái của tôi, nhưng còn là người mẹ tinh thần yêu dấu.”
Bà O’Boyle đã viết một số sách nói về quan hệ của bà với Mẹ Teresa (DonnaCooperOBoyle.com).
Mẹ Teresa đã cầu nguyện cho bà suốt thời gian mang thai, bà O’Boyle nói, “Mẹ nhắc tôi nhớ tìm kiếm sự trợ giúp của Mẹ Maria, đặc biệt trong suốt thời kỳ thai bị động và đứa con chưa chào đời của tôi có thể chết. Mẹ Teresa vui mừng với tôi trong hai lần sinh hai đứa trong số 5 đứa con của tôi. Mẹ dường như đã nắm lấy tay tôi vượt qua những thời khắc rất kinh khủng.”
Những thời gian kinh khủng đó gồm một lần ly dị: “Thật sự Mẹ đã cầu nguyện cho tôi qua một số hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ Teresa đã cho tôi sự hy vọng lớn và hướng đi khi tôi là một bà mẹ đơn thân trải qua cuộc sống hàng ngày trong nhà thờ ở địa phương bất chấp mọi thuận lợi hoặc khó khăn — hầu hết là khó khăn.”
Với thời gian, nhiều bài học của Mẹ Teresa đã thay đổi cái nhìn của O’Boyle.
“Qua Mẹ Teresa, tôi học cách nhìn thấy Chúa Giê-su trong mọi người — ngay cả trong những người làm tôi tổn thương. Mẹ gọi họ là ‘Chúa Giê-su dưới ngụy trang đau khổ của người nghèo nhất trong những người nghèo,’” bà nhớ lại. “Mẹ Teresa dạy tôi cách toàn tâm toàn ý ôm ấp lấy lời của Chúa Giê-su trong Mát-thêu 25:40, ‘Những gì anh em làm cho người nhỏ bé nhất trong anh em của thầy, là anh em làm cho chính thầy.’ Mẹ dạy chúng tôi rằng chúng tôi phải phục vụ Chúa Giê-su trong người khác bằng tình yêu của Đức Ki-tô, điều này không những sẽ giúp biến đổi người mà chúng ta phục vụ, nhưng ngay chính linh hồn của chúng ta.”
Bà nói Mẹ Teresa dạy rằng người thiếu thốn ở khắp mọi nơi với chúng ta: “Có quá nhiều người ở Mỹ đang đói tình yêu. Mẹ Teresa kích chúng tôi phải tìm kiếm trong trái tim của mình để bảo đảm rằng chúng ta đang trao tình yêu của Đức Ki-tô cho gia đình của chúng ta, cho những người hàng xóm và cộng đoàn của chúng ta. Mẹ luôn nhắc chúng tôi, “Tình yêu bắt đầu từ trong gia đình.”
Đồng thời, những quyển sách và những buổi nói chuyện của O’Boyle cho bà cơ hội tiếp tục những gì bà học được từ Mẹ Teresa.
Bà tiếp tục thực hiện truyền thống được Mẹ Teresa để lại cho bà là tặng những mề-đay Linh ảnh Đức Bà cho tất cả những người bà gặp.
“Tôi đã làm việc đó từ sau khi Mẹ qua đời và đã tặng hàng ngàn hàng ngàn mề-đay trên khắp thế giới. Tôi đã chứng kiến những sự hoán cải kỳ diệu xảy ra cho những người nhận được mề-đay phúc lành này,” bà nói. “Có thể là một người mẹ đang hoàn toàn thất vọng tại sân bay, hay một thanh niên phục vụ tại quán giải khát ở Roma. Một sự gặp gỡ kỳ diệu giữa một nam nhân viên phục vụ bàn trong một nhà hàng gia đình ở Texas. Khi tặng cho anh ta mề-đay và nói, ‘Đức Mẹ sẽ giữ gìn bạn,’ người thanh niên dường như sụp đổ trong cánh tay của tôi, vì anh ta vòng tay ôm chặt lấy tôi giống như anh ta là cậu bé ôm mẹ. Trong ánh mắt anh có những giọt nước mắt. Sau đó tôi mới tìm biết rằng anh ta là một thành viên của băng nhóm giết người.”
O’Boyle kết luận thái độ đáp trả của những người đã từng gặp Mẹ Teresa bằng câu: “Những lời chúc lành của Mẹ Teresa không thuộc về tôi — Tôi cố gắng loan truyền những bài học yêu thương của Mẹ Teresa cho thế giới.”
Joseph Pronechen là cây bút của Register.
Phóng viên tại Roma Edward Pentin cộng tác trong bài tường thuật này.

[Nguồn: ncregister]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/09/2016]




TRIỀU YẾT CHUNG: Đức tin mang lại Ơn Cứu độ

TRIỀU YẾT CHUNG: Đức tin mang lại Ơn Cứu độ

‘Bà là người phụ nữ bị xã hội loại bỏ. Thật quan trọng cho chúng ta phải biết suy nghĩ đến tình trạng này — bị loại bỏ — để hiểu được suy nghĩ trong đầu của bà: bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể giải thoát cho bà khỏi căn bệnh và khỏi tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội và bị mất phẩm giá, tình trạng mà bà phải chịu đựng bao năm. Nói tắt lại: bà biết, bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể cứu bà.
31 tháng 8, 2016
pope francis
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Triều yết chung sáng nay tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tin mừng chúng ta nghe hôm nay cho thấy một nhân vật giữ vững niềm tin và lòng can đảm của mình. Đó là người phụ nữ được Chúa Giê-su chữa lành chứng băng huyết (Mt 9:20-22). Đi qua giữa đám đông đằng sau Chúa Giê-su để chạm vào tua áo của Người, “bà ta nghĩ bụng, ‘Tôi chỉ cần sờ vào được áo của Người thôi, tôi sẽ được cứu’” (c. 21). Đức tin quá mạnh! Người phụ nữ này có một đức tin thật vững mạnh! Bà đã có lý vì bà được linh hứng bởi thật nhiều niềm tin và thật nhiều hy vọng, bằng một sự đụng chạm rất thông minh, bà đã làm những gì bà có trong tim. Sự khát khao được chữa lành bởi Chúa Giê-su đến mức làm cho bà dám vượt qua những quy định được thiết lập bởi Luật của Môi-sê. Quả thật, trong nhiều năm, người phụ nữ tội nghiệp này không chỉ đơn giản là bị bệnh, nhưng bị xem là ô uế vì bà bị chứng băng huyết (Levi 15:19-30). Vì thế, bà bị đuổi ra khỏi những nghi lễ, bị đuổi ra khỏi đời sống hôn nhân, và bị đuổi ra khỏi những quan hệ bình thường với hàng xóm anh em. Tác giả Tin mừng Mác-cô thêm rằng bà đã chạy đến với rất nhiều thầy thuốc, tiêu cả gia tài để trả cho họ và chịu đựng những cách chữa trị đau đớn, nhưng bà càng ngày càng trở nên nặng hơn. Bà là người phụ nữ bị xã hội loại bỏ. Thật quan trọng cho chúng ta phải biết suy nghĩ đến tình trạng này — bị loại bỏ — để hiểu được suy nghĩ trong đầu của bà: bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể giải thoát cho bà khỏi căn bệnh và khỏi tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội và bị mất phẩm giá, tình trạng mà bà phải chịu đựng bao năm. Nói tắt lại: bà biết, bà cảm nhận rằng Chúa Giê-su có thể cứu bà.
Trường hợp này làm chúng ta suy nghĩ về những cách xã hội thường hiểu và nói về phụ nữ. Tất cả chúng ta lúc nào cũng thận trọng, kể cả các cộng đoàn Ki-tô, với  những quan điểm về phái nữ đầy những thành kiến và nghi ngờ về giá trị tiềm ẩn của họ. Với sự liên hệ này, chính Tin mừng đã trả lại sự thật và dẫn đến việc giải phóng cách suy nghĩ. Chúa Giê-su thán phục đức tin của người phụ nữ này, bà bị mọi người tránh xa, và biến niềm hy vọng của bà thành ơn cứu rỗi. Chúng ta không biết tên của bà, nhưng một vài dòng mà các Tin mừng miêu tả sự gặp gỡ của bà với Chúa Giê-su, vẽ lại một hành trình đức tin có thể lấy lại sự thật và sự lớn lao của phẩm giá mỗi con người. Chính trong sự gặp gỡ với Đức Ki-tô mở ra con đường giải thoát và ơn cứu độ cho mọi người, nam và nữ ở mọi nơi và mọi thời đại.
Tin mừng Mát-thêu nói rằng khi người phụ nữ chạm vào áo của Chúa Giê-su, Người “quay lại” và “nhìn thấy bà” (c. 22), và rồi Người chú ý vào bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bà bị loại bỏ nên người phụ nữ phải hành động một cách lén lút, ở phía sau Chúa Giê-su, bà hơi sợ, làm sao để không bị nhìn thấy, vì bà là người bị đuổi ra khỏi xã hội. Thay vì vậy, Chúa Giê-su nhìn thấy bà và cái nhìn của Người không phải là cái nhìn khinh rẻ, Người không nói: “Hãy biến đi, bà là người bị loại bỏ!” hoặc giả sử Người nói: “Bà là người phong cùi, hãy đi đi!” Không, người không khinh miệt bà, nhưng cái nhìn của Chúa Giê-su là cái nhìn của lòng thương xót và nhân hậu. Người biết chuyện gì xảy ra và tìm cách gặp gỡ riêng với bà, điều vượt ra ngoài mong đợi của người phụ nữ. Điều này có nghĩa là, Chúa Giê-su không chỉ đón nhận bà nhưng Người còn xem bà xứng đáng được có cuộc gặp gỡ đó đến mức trao tặng cho bà món quà Lời Người và sự Quan tâm của Người.
Trong phần giữa của câu chuyện, cụm từ ơn cứu độ được lặp lại ba lần. “Tôi chỉ cần sờ được vào áo Người thôi thì tôi được cứu!” Chúa Giê-su quay lại, nhìn thấy bà và nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con!” Và ngay từ lúc ấy người phụ nữ được cứu chữa” (cc. 21-22). Cụm từ “này con, cứ yên tâm” mô tả tất cả  lòng thương xót của Thiên Chúa cho người đó – và cho từng con người bị gạt bỏ ra ngoài. Đã bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy bị gạt ra ngoài vì những tội lỗi của chúng ta, chúng ta đã phạm quá nhiều, chúng ta đã phạm quá nhiều … Và Thiên Chúa nói với chúng ta: “Cứ an tâm! Đến đây! Cha không xem con là người bị gạt ra ngoài lề. Cứ an tâm, này con. Con là con của ta.” Và đây là thời khắc của ơn sủng. Hôm nay đối với tất cả chúng ta, những tội nhân, dù phạm những tội trọng hay nhẹ – nhưng tất cả chúng ta đều là tội nhân mà Thiên Chúa nói với chúng ta: “Cứ an tâm, hãy đến đây! Con không còn bị gạt ra ngoài nữa: Cha tha thứ cho con, cha ôm con.” Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta phải biết can đảm và tiến đến Người, xin sự tha thứ cho những tội lỗi của chúng ta và tiếp tục tiến bước – với lòng can đảm, như người phụ nữ này đã làm. Và “ơn cứu độ” bao hàm nhiều ý nghĩa: trước hết, nó phục hồi lại sức khỏe cho người phụ nữ; sau đó nó giải thoát bà ta khỏi tình trạng bị phân biệt đối xử của xã hội và tôn giáo; thêm nữa, nó làm trọn vẹn niềm hy vọng mà bà mang trong lòng, giũ bỏ mọi sợ hãi và bất an. Cuối cùng, nó đưa bà trở lại với cộng đoàn, giải thoát cho bà không phải hành động theo cách lén lút. Và điều cuối cùng này vô cùng quan trọng: một người bị gạt ra ngoài lề luôn hành động theo cách lén lút, đôi lúc hoặc trong suốt cuộc đời của người đó: chúng ta nghĩ đến những người phong hủi của thời đó, chúng ta nghĩ đến những người vô gia cư của ngày nay …; chúng ta nghĩ đến những tội nhân, nghĩ đến chúng ta là những tội nhân: chúng ta luôn làm một điều gì đó theo cách lén lút; và chúng ta cần phải làm điều gì đó theo cách lén lút, do chúng ta xấu hổ vì con người chúng ta … Và người giải thoát chúng ta khỏi những điều này, Chúa Giê-su giải thoát chúng ta và vực chúng ta đứng dậy: “Hãy trỗi dậy, đến đây, hãy đứng dậy!” Như Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: Thiên Chúa tạo dựng chúng ta đứng thẳng, không bị nhục nhã — đứng thẳng. Điều Chúa Giê-su ban tặng là ơn cứu độ trọn vẹn, làm cho đời sống của người phụ nữ được tái hòa nhập vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, và đồng thời tái lập lại phẩm giá trọn vẹn cho bà.
Cuối cùng, không phải là cái áo mà người phụ nữ chạm vào đã cho bà sự cứu thoát, nhưng là Lời của Chúa Giê-su, được đón nhận trong đức tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành bà và đưa bà trở lại mối quan hệ của bà với Thiên Chúa và với mọi người. Chúa Giê-su là nguồn phúc lành duy nhất từ đó ơn cứu độ tuôn đổ xuống cho muôn người, và đức tin là nền tảng căn bản để đón nhận ơn phúc đó. Một lần nữa, Chúa Giê-su, với thái độ đầy lòng thương xót của Người, hướng dẫn cho Giáo hội con đường đi theo để gặp gỡ mọi người để mỗi người có thể được chữa lành cả thể xác và tâm hồn và phục hồi lại giá trị làm con cái Thiên Chúa.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch của ZENIT]

Cha gửi lời chào thân ái đến những khách hành hương nói tiếng Ý.
Cha rất vui mừng được chào đón các tín hữu cua Tổng giáo phận Genoa, theo cùng đoàn có Đức Hồng y Angelo Bagnasco; và các tín hữu của giáo phận Melfi-Rapolla-Venosa, cùng với Đức giám mục, Đức ông Gianfranco Todisco. Cha xin chúc tất cả một chuyến hành hương Năm thánh tràn đầy hoa trái tinh thần cho phần ích của anh chị em và cho cộng đoàn mục vụ của anh chị em.
Cha xin chào các chủng sinh của Milan; các nhóm giáo xứ, đặc biệt các tín hưu của Pogliano Milanese, Inveruno, Pieve del Cairo và Polla, cũng như “những cua-rơ xe đạp của lòng thương xót”của Teggiano.
Một lời chào đặc biệt xin gửi tới các bạn trẻ, những người đau yếu và các cặp hôn phối mới. Nguyện xin sự tử đạo anh dũng của Thánh Gioan Tẩy giả mà chúng ta mừng kính hôm thứ Hai, cầu bầu cho các con, những bạn trẻ, lập định hướng cho tương lai của các con và không làm giảm giá trị của Tin mừng; các anh chị em bệnh nhân yêu mến, nguyện xin cho anh chị em được trở nên can đảm, tìm được sự bình an và an ủi nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh; Các cặp uyên ương mới thân mến, nguyện xin chúng con được dẫn đưa đến một tình yêu sâu đậm cho Thiên Chúa và cho nhau, để mỗi ngày trải nghiệm niềm vui ủi an tuôn đổ từ món quà ân sủng của nhau.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/09/2016]