Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Làm “người nghèo nhất giữa những người nghèo” với Mẹ Teresa

Làm “người nghèo nhất giữa những người nghèo” với Mẹ Teresa


02 tháng 09, 2016
Những cách Mẹ Teresa dạy người vợ và người mẹ này nhìn thấy và phục vụ Đức Giê-su trong mọi người mà chị gặp.

mother teresa
Một tấm ảnh không đề ngày tháng thể hiện Mẹ Teresa đang ẵm một em bé trong chuyến thăm đến Vác-xa-va, Ba lan. (CNS photo/Tomasz Gzell, EPA)
Chưa bao giờ trong cả những giấc mơ điên khùng nhất của tôi, tôi nghĩ rằng tôi sẽ ở trong nhà cho người vô gia cư của Mẹ Teresa. Và không phải một lần, tới hai lần. Sự thật vẫn phải nói, tôi đã phải chịu đựng qua những thời gian nghèo đói, nhưng những ngày tôi ở nhà Mẹ lại không phải trong khoảng thời gian đó, và nó ở trên hai miền khác nhau của thế giới.
Lần đầu tiên ở Harlem, New York khoảng 30 năm về trước, thời gian đó thật nguy hiểm nếu phải ở trên những con đường của khu rừng hàng rào kẽm gai đó. Lần thứ hai cách đây  mới vài năm ở Roma, Ý.
Cho phép tôi lùi thời gian một chút để có thể kể câu chuyện gặp gỡ người mẹ tinh thần của tôi, mà mọi người gọi là Thánh của Những Kẻ Cùng Khổ, hay đơn giản gọi là Mẹ Teresa. Gần 30 năm trước, lần đầu tiên tôi để mắt tới vị thánh của người nghèo, mặc bộ sari vải cotton màu trắng đơn giản có sọc màu xanh dương như màu của Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc. Cái liếc mắt của tôi bắt gặp hình ảnh của mẹ, khi mẹ im lặng đi ngang qua ngay trước tôi với đôi chân trần ngay trước Thánh lễ sắp bắt đầu tại dòng Thừa sai Bác ái ở thủ đô Washington, DC.
Tôi đến thăm thủ đô của đất nước vì cha linh hướng của tôi, Cha Gioan A. Hardon, SJ, yêu cầu tôi đem cả gia đình đến gặp mặt trực tiếp với ngài. Sau thời gian gặp mặt Cha, với sự động viên của Cha, chúng tôi ra thăm những người ốm và đang hấp hối trong nhà “Ơn sủng Bình an” của nhà dòng. Chúng tôi có một chuyến thăm đầy ý nghĩa, nhìn thấy được tình yêu và lòng nhân hậu vĩ đại dành cho những người nghèo và người đau khổ đang sống trong nhà, tại đây tỏa ra một sự đẹp đẽ và thánh thiêng. Các nữ tu dòng Thừa sai Bác ái mời chúng tôi đến vào ngày hôm sau để tham dự một Thánh Lễ riêng trong nhà nguyện của các soeur. Tôi cảm thấy rất vinh dự được mời, nhưng hãy tưởng tượng sự phấn khởi của tôi như thế nào khi một soeur cho chúng tôi biết rằng Mẹ Teresa cũng sẽ tham dự một trong hai Thánh lễ ngày hôm sau; soeur vẫn chưa biết là Lễ nào. Tim tôi rộn lên khi nghe biết có mặt Mẹ Teresa tại dòng. Tuy nhiên cho dù tôi rất khâm phục mẹ vì  những công việc vị tha mẹ dành cho người nghèo, và nghĩ rằng mẹ là một thánh sống, tôi cũng vẫn không muốn làm mất thời gian của mẹ nếu chúng tôi có tình cờ được gặp mẹ vào ngày hôm sau.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến nhà nguyện trong nhà dòng và tôi nhìn thấy nhiều đôi xăng-đan xếp ngay ngắn ngoài cửa, nhắc nhở chúng tôi phải cởi giày trước khi đi vào. Khi vào bên trong, một trong những điều đầu tiên làm tôi chú ý là thực sự thiếu đủ mọi thứ. Nhà nguyện rất bình dị, tuy nhiên vẫn rất ý nghĩa. Một vài đồ đạc ở đó — một bàn thờ, một nhà tạm, một thánh giá, một tượng Đức Mẹ, và dòng chữ “Ta Khát” vẽ trên tường bên cạnh nhà tạm — đã hướng tâm hồn tôi về điều quan trọng nhất. Dòng chữ — “Ta Khát” — đó đã vang vọng âm thanh trong tim tôi nhiều năm sau, và cho đến bây giờ. Tôi bảo các con của tôi và tất cả chúng tôi quỳ xuống đọc kinh trước Thánh lễ.

Gặp gỡ vị Thánh của Những Kẻ Cùng Khổ
Chúng tôi đã chọn đúng Thánh Lễ, vì Mẹ Teresa tình cờ bước vào. Mẹ dường như lướt nhẹ ngang tôi. Tôi cần phải hướng lòng trở lại ngay với Thánh lễ đang chuẩn bị bắt đầu. Không quan tâm đến việc có một vị thánh đang ở giữa chúng tôi! Tôi quỳ thẳng xuống nền của nhà nguyện cùng với chồng và các con của tôi, cố gắng hết sức để chuẩn bị tâm hồn cho Thánh Lễ, trong khi vẫn để mắt tới mấy đứa con của tôi: Justin, Chaldea, và Jessica. Sự có mặt của Mẹ Teresa dường như tạo ra một cảm giác có luồng điện thánh chạy lên chạy xuống xương sống của tôi!
Một sự ngạc nhiên khác lại đến sau Thánh Lễ. Khi chúng tôi đang bước ra khỏi nhà nguyện khiêm nhường, mấy đứa con của tôi quỳ tôn kính Chúa Giê-su trong nhà tạm thì bất chợt một soeur dòng Thừa sai Bác ái chạy đến ngay đàng sau Chaldea, con gái 6 tuổi của tôi và ôm nó. Tôi phỏng đoán là soeur dễ thương đó chắc cảm động vì thấy cách bé gái chào tạm biệt Chúa Giê-su. Trước khi tôi kịp ngắt ý nghĩ, tôi nhận ra rằng chẳng phải ai khác mà chính là Mẹ Teresa! Nhưng ngay đúng lúc tôi nhận ra mẹ thì mẹ thẳng hướng ra khỏi nhà nguyện theo hướng khác. Cánh cửa đóng lại sau lưng mẹ. Tôi quá xúc động với lòng tri ân sau khi được chứng kiến một vị thánh sống ôm con gái tôi — nhưng còn nhiều việc diễn ra tiếp sau đó.
Khi chúng tôi đang đứng trong phòng hội của nhà dòng, và cánh cửa mở ở phía bên kia, và lần này Mẹ Teresa không đi ngang qua tôi nữa — mẹ bắt đầu bước thẳng về phía tôi. Tôi đang ẵm cục cưng của tôi, Jessica 1 tuổi rưỡi, trong vòng tay để bé không gây phiền phức hay chạy lung tung trong nhà dòng. Và Mẹ Teresa đứng ngay trước mặt chúng tôi. Mẹ hỏi tôi một câu.
“Đây có phải là em bé hát trong Lễ không?”
Tim tôi rộn lên niềm vui. Mẹ Teresa nói đến tiếng bi bô nho nhỏ của Jessica, mà tôi nhiều lần phải nhón chân đi ra đi vào Thánh lễ nhiều lần để chúng tôi không làm phiền người khác. Con bé của tôi hơi khó chịu trong căn phòng nhỏ nóng nực. Các bạn biết đấy, Mẹ Teresa bảo đảm rằng các nữ tu phải sống như đời sống của người nghèo, không có sự thoải mái tiện nghi của vật chất.
Câu hỏi của Mẹ Teresa mở ra một cuộc đối thoại rất đẹp về gia đình. Mẹ nói với tôi rằng các con của tôi rất may mắn có được một gia đình. Vị thánh của Những Kẻ Cùng Khổ đã quen với việc nhặt các em bé trong các thùng rác. Những em bé đó bị bỏ rơi bởi những cha mẹ bị phong cùi, có thể như vậy, họ không còn khả năng chăm sóc cho chúng nữa. Tôi nói với mẹ tôi rất có phúc có được các con. Lúc đó tôi có ba đứa trên trái đất và ba đứa trên trời. Chúng tôi chuyện trò một lúc lâu và tôi có cảm giác như tôi đã biết người phụ nữ nhỏ bé đó suốt cuộc đời tôi. Mẹ Teresa chiếu tỏa tình yêu và niềm vui của Chúa Giê-su. Đó là một sự biến đổi. Trước khi mẹ quay trở lại với công việc, mấy đứa con của tôi và tôi ôm mẹ thật chặt. Khi Mẹ Teresa bước đi, mẹ quay lại và yêu cầu chúng tôi một lần nữa cầu nguyện cho những người nghèo mẹ đang phục vụ, cũng như cho mẹ.

Đi ngủ cùng những phụ nữ vô gia cư tại nhà của Mẹ Teresa
Trong giây phút sau cuộc gặp gỡ kỳ diệu đó với thánh nhân tôi không thể nghĩ rằng có điều gì khác nữa có thể vượt lên trên trải nghiệm đó. Tuy nhiên, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cuộc sống của tôi và thừa tác vụ của tôi được hé mở theo những cách tôi không thể hình dung ra.
Chuyện là Mẹ Teresa và Cha Hardon giữ cho cuộc sống của tôi được thú vị. Tôi nhận được cuộc gọi của cha Hardon mời tôi đến và trải qua ngày cuối tuần ở Harlem tại dòng Thừa sai Bác ái. Cha sẽ giảng cấm phòng cho Mẹ Teresa và các nữ tu. Làm sao tôi từ chối được? Dù tôi đã kết hôn và có 3 đứa con (và thêm một đứa mà lúc đó tôi không hay biết), tôi đồng ý bỏ ra một vài ngày xa gia đình và tham gia vào các hoạt động của các soeur, để có ích lợi hơn từ một buổi tĩnh tâm, cũng như phục vụ hàng trăm vị khách đói bụng trong bếp ăn súp của các soeur. Để có thể làm việc này, tôi phải ngủ trên một chiếc giường tầng trong một nhà cho phụ nữ giữa rất nhiều vị khách thuộc đủ mọi thành phần.
Tôi liền nắm bắt thời  cơ. Tôi không bao giờ quên được khi bị bỏ tại cửa của nhà dòng và giữ chặt lấy tràng Chuỗi Mân côi trong một tay còn tay kia đập thình thình vào cánh cửa khổng lồ. Tôi muốn thoát ra khỏi các con đường của Harlem càng nhanh càng tốt. Các soeur dòng Thừa sai Bác ái chào đón tôi nồng nhiệt. Tôi được hộ tống đến một căn phòng nhỏ và được phục vụ một bữa ăn đạm bạc. Tiếp đến, cha Hardon đến chào tôi.
“Đừng sợ phải xăn tay áo lên nhé,” là lời khích nhẹ nhàng để tôi nhảy vào làm việc và giúp các nữ tu. Tôi đang sẵn sàng làm việc đó. Ngày cuối tuần dài tràn đầy hồng ân và cái đẹp. Tôi được quan sát các soeur làm việc và cầu nguyện. Tôi tham gia vào việc chuẩn bị thức ăn trong bếp ăn súp — nấu ăn từ những thực phẩm bỏ đi, vừa hết hạn hay bị giập một chút. Tôi học được một bài học lớn từ một soeur cách làm đẹp lại trái lê tôi đã vứt vào thùng rác, nói với tôi rằng vẫn còn một phần rất tốt của trái lê. Từ đó trở đi, tôi mới có ý thức hơn về việc không lãng phí bất kỳ thực phẩm nào. Thậm chí chỉ một mẩu nhỏ còn tốt vẫn có thể cho ai đó được ăn.
Tôi sẽ không bao giờ quên được khi nhìn vào mắt của những vị khách đói bụng mà chúng tôi phục vụ, khi múc thức ăn vào đĩa của họ, biết rằng đó có thể là bữa ăn duy nhất trong ngày của họ. Một số họ quyết chí sẽ quay lại để chia sẻ miếng bánh. Và những đêm đó ngủ (hay đúng hơn là cố gắng ngủ) trên cái giường tầng trong khu nhà cho phụ nữ trong khi những người chung quanh tôi ngáy suốt đêm đã khắc vào trong bộ nhớ của tôi.

Những quyển sách ra đời từ một lần mang thai khó
Khi về nhà tôi mới biết mình đang mang thai đứa con trai Giu-se của tôi, bé được phúc lành cùng với tôi khi các soeur, Mẹ Teresa và Cha Hardon đang ở với chúng tôi. Lần sau, khi tôi đến gặp Mẹ Teresa trở lại, mẹ đặt tay lên bụng tôi, chúc lành cho đứa con chưa ra đời. Cả về sau, mẹ luôn muốn ẵm Giu-se, mừng vui vì bé chào đời. Mẹ đã cầu nguyện cho Giu-se khi còn trong bào thai vì tôi có vấn đề với tim. Vài năm sau, khi tôi đã được nghỉ ngơi và chuẩn bị cho một lần mang thai khác. Bác sĩ nói rằng em bé của tôi sẽ không đậu được; tôi bị ra máu nhiều. Tôi phải nằm im, chờ đợi và cầu nguyện. Tôi nói với Mẹ Teresa, mẹ cầu nguyện cho tôi và gửi một Mề-đay Phép lạ Đức Mẹ, hứa với tôi rằng Đức Mẹ sẽ chăm sóc cho tôi. Mẹ dạy cho tôi một lời cầu nguyện đơn giản nhưng rất mạnh mẽ, “Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giê-su, bây giờ xin làm mẹ con.” “Bây giờ” chúng tôi thực sự cần Mẹ Maria. Tôi thường đọc lời cầu nguyện đó.
Đó là những thời gian khó khăn, không chỉ vì việc mang thai, nhưng cũng còn vì cuộc hôn nhân của tôi. Tôi kể chuyện này trong hồi ký của tôi “Nụ hôn của Giê-su” (The Kiss of Jesus). Mẹ Teresa là vị anh hùng và là mẹ tinh thần của tôi — luôn luôn cho tôi những lời nguyện yêu thương và lời khuyên, lấy từ sự khôn ngoan thánh thiện của mẹ. Thật là phép màu, con gái Mary-Catherine không chỉ sống được trong lần mang thai khó đó mà còn ra đời an toàn, nhưng cũng có những quyển sách được ra đời! Tôi chưa bao giờ lên kế hoạch viết sách, nhưng tôi thấy có nhiều động lực để viết cho những người mẹ chuẩn bị có thai và đang mang thai. Tôi chợt nhận ra rằng việc mang thai giống như tuần kinh cầu chín tháng. Thiên Chúa biết những gì Người đang làm khi Người để tôi phải nằm im. Mẹ Teresa viết lời nói đầu cho quyển sách của tôi Mang thai cầu nguyện: Tuần kinh nguyện chín tháng cho Các Mẹ Tương lai, và mẹ khuyến khích tôi viết cho những người mẹ, mẹ nói rằng mẹ sẽ cầu nguyện cho sách của tôi sẽ “có nhiều ích lợi.”
Nhiều năm sau tôi lại vào ở một nhà phụ nữ khác — lần thứ hai này ở Roma, Ý. Mọi việc khá là lộn xộn sau khi hạ cánh ở Ý trong ngày lễ Me Teresa, và người gác cửa không có sẵn chìa khóa cho tôi vào trong căn hộ. Đó là một câu chuyện dài tôi có kể trong quyển Nụ hôn của Giê-su, nhưng cần phải nói rằng đó là vì những con đường màu nhiệm của Thiên Chúa, tôi cảm thấy hơi bị chơ vơ và bị đưa vào tình huống khó xử. Tôi đón xe xuôi đường đến nhà dòng Thừa sai Bác ái và được các soeur chào đón nồng nhiệt, các soeur đang chờ tôi. Điều mà các soeur và tôi không ngờ là tôi tới sớm hơn nhiều so với kế hoạch. Trong khi đang phải hình dung ra tối đó tôi sẽ ở đâu, cuối cùng tôi cũng lẫn vào với những khách trọ của khu nhà. Một phụ nữ trẻ đặc biệt có vẻ rất thích nói chuyện với tôi. Chị ta ngồi đối diện tôi tại bàn ăn của nhà. Khi tôi nói chuyện với cô tôi nhìn lên và nhìn thấy Giê-su trong đôi mắt cô ta. Đó là một giây phút đặc biệt và nhắc tôi nhớ đến Mẹ Teresa phục vụ Đức Giê-su trong mỗi người mẹ gặp. Sau đó tôi nghỉ ngơi một chút trên giường trong nhà sau khi tắm nhanh và dùng một khăn tắm mượn của người khác.
Sau cuộc phiêu lưu thú vị nhưng cũng đầy lúng túng, Mẹ Bề trên tìm tôi và nói, “Ôi, Donna-Marie! Chúa mang chị đến đây đúng ngày lễ Mẹ Teresa để chị có thể cảm nhận mình là người vô gia cư!” Tôi không kể cho mẹ nghe về những thử thách nội tâm mà tôi đã trải qua. Mẹ tiếp tục mô tả nét đẹp của việc biết và hiểu tâm trạng Chúa Giê-su thường cảm thấy thế nào và người nghèo thường cảm thấy ra sao. Mẹ làm ấm lòng tôi khi mẹ kể cho tôi biết rằng Mẹ Teresa đã theo dõi tôi. Đó thực sự là một trải nghiệm sâu sắc và cảm động.

Trao những chén cơm
Mẹ Teresa đã dạy tôi cả một thế giới yêu thương. Mẹ nói rằng tình yêu đích thực thường “phải có cái giá của nó,” rằng tình yêu thường “phải đau khổ.” Chúng ta có thể suy tư về những lời dạy của mẹ và phải suy nghĩ đến những người chúng ta đang chăm sóc hoặc những người chúng ta đang sống chung. Chúng ta có thể tự hỏi mình rằng chúng ta có sẵn sàng vượt ra ngoài những vùng tiện nghi và yêu thương thực sự người khác. Mẹ Teresa mạnh mẽ nói rằng Hoa kỳ chịu cảnh nghèo đói còn tệ hơn cả Calcutta với những người đang bị đói vì thiếu một miếng bánh ăn. Mẹ nói  thế giới phương Tây đang đói tình yêu.
Mẹ Teresa không bao giờ chỉ hướng lên đám mây tinh thần trên trời, mẹ ý thức được trọn vẹn những nhu cầu trong ngày. Mẹ là thánh ngay ở giữa đời.
Người mẹ tinh thần thân yêu của tôi, vị thánh khiêm cung hạ mình, dạy cho thế giới biết rằng việc phục vụ một chén cơm cho một ai đó ở nửa bên kia thế giới để đáp ứng nhu cầu cái đói (chúng ta có thể tìm thấy sự thỏa mãn hài lòng khi làm việc này) còn dễ hơn nhiều so với việc phục vụ một chén cơm (chén tình yêu) cho người ở trong nhà hay trong khu xóm. Người  đó là ai? Là vợ chồng của chúng ta, là đứa con tuổi mới lớn hay vượt quá giới hạn, là người hàng xóm coi thường Ki-tô giáo của chúng ta, là người cắt ngang trước xe chúng ta khi đang lái xe? Chúng ta có thể hiện tình yêu cho họ bằng những hành động và lời cầu nguyện của chúng ta không? Chúng ta có đẩy mình thoát ra ngoài vùng tiện nghi để yêu đến khi đau khổ? Mẹ Teresa dạy tôi rằng tôi phải cố gắng đi thăm mọi người, ngay cả những người làm tổn thương tôi, vì “Giê-su đang ẩn mình trong sự đau khổ của người  nghèo nhất giữa những người nghèo.”
Có vẻ như nhiều năm trôi qua một cách nhẹ nhàng từ khi tôi gặp người phụ nữ bé nhỏ đó — Mẹ Teresa rất đẹp, hơi khom lưng về phía trước và trông rất mong manh, nhưng trong thực tế, là cả một sức mạnh đức tin, hy vọng, và tình yêu. Tôi cảm thấy rất gần gũi với người mẹ tinh thần của tôi trong lời cầu nguyện. Khi vị Thánh của Những người Cùng Khổ chính thức được Giáo hội phong hiển thánh và gọi là Thánh Teresa Calcutta, lời của mẹ “Tình yêu bắt đầu từ trong gia đình,” rộn lên trong tim của tôi. Đến Roma, Ý, lúc này là điều rất hấp dẫn, nhưng tận trong thâm tâm, tôi muốn chia sẻ những bài học yêu thương tôi đã học được từ Mẹ Teresa trong những lần phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông và trong những buổi nói chuyện, buổi trình bày, và gặp gỡ riêng của tôi; tất cả mọi lúc đều cố gắng nhìn thấy và phục vụ Đức Giê-su trong những người tôi gặp.
Chúng ta hãy rời mắt ra khỏi những thiết bị và cố gắng sống những giây phút hiện tại của chúng ta và quan tâm hơn đến “Đức Giê-su hiện thân trong sự đau khổ của người nghèo nhất giữa những người nghèo” chung quanh chúng ta. Mẹ Teresa sẽ giúp chúng ta. Thiên Chúa đang trông chờ chúng ta.
Sơ lược về tác giả
Donna-Marie Cooper O’Boyle

Donna-Marie Cooper O’Boyle là người dẫn chương trình EWTN, là diễn giả, và tác giả của nhiều sách như Nụ hôn của Đức Giê-su: Mẹ Teresa và Các thánh đã giúp tôi khám phá ra vẻ đẹp của Thập giá (The Kiss of Jesus: How Mother Teresa and the Saints Helped Me to Discover the Beauty of the Cross),  Mẹ Teresa và tôi: Mười năm Tình bạn (Mother Teresa and Me: Ten Years of Friendship), Cà-phê của người Mẹ Công giáo: 5 phút tĩnh tâm mỗi ngày trong năm (Catholic Mom's Cafe: 5-Minute Retreats for Every Day of the Year), và Mề-đay phép lạ: Những câu chuyện, Những lời cầu nguyện, và Những sự tận hiến (The Miraculous Medal: Stories, Prayers, and Devotions). Xin xem trang chủ của tác giả: www.donnacooperoboyle.com.



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/09/2016]



Bài Giảng Lễ Sáng của Đức Thánh Cha: Rao Giảng Phúc Âm Là Một Nghệ Thuật

Bài Giảng Lễ Sáng của Đức Thánh Cha: Rao Giảng Phúc Âm Là Một Nghệ Thuật

Còn hơn cả việc gõ cửa; rao giảng Phúc âm là đồng hành với người khác trên hành trình của họ
9 tháng 9, 2016
pope francis
Rao giảng Phúc âm là một nghệ thuật và không bao giờ “là một cuộc đi dạo trong công viên,” Đức Thánh Cha Phanxico nói trong Thánh lễ sáng nay tại nguyện đường Casa Santa Marta.
Hôm nay là lễ kính Thánh dòng Tên Phê-rô Claver, và Đức Thánh Cha nhắc lại mẫu gương của thánh nhân trong Bài giảng, suy tư về việc rao giảng Phúc âm là làm chứng tá cho Đức Ki-tô với toàn bộ cuộc sống của một người.
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha nói trong bài giảng rằng một số Ki-tô hữu ngày nay, sống cuộc đời phục vụ như thể họ chỉ đơn thuần là những công chức – các linh mục và những giáo dân khoe khoang về những gì họ làm: “Đây là một điều khoe khoang: Tôi cảm thấy tự hào về mình. Điều này hạ bậc Tin mừng xuống thành một chức năng hay thậm chí là nguồn gốc cho sự kiêu căng: Tôi đi rao giảng tin mừng và tôi đã đem rất nhiều người về với Giáo hội. Lôi cuốn người khác theo đạo: đó cũng là nguồn gốc của sự kiêu căng. Rao giảng Tin mừng không phải là lôi cuốn người ta theo đạo. Nghĩa là, chẳng phải buông xuôi, cũng không phải biến Tin mừng thành một công việc theo thói quen, và cũng chẳng phải lôi kéo người khác theo đạo: những hành động trên không phải là rao giảng thực sự. Đây là điều thánh Phaolo nói trong thư thứ nhất gửi Rô-rinh-tô (9:16-19, 22b-27)]: ‘Đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc phải làm,” và ngài nói thêm rằng, ‘đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.’ Mỗi Ki-tô hữu đều có bổn phận, sức mạnh của nó ở chỗ phải biến nó thành một điều cần thiết vô cùng để mang danh Thánh Đức Giê-su.”
Vậy thì, “phong cách” rao giảng Tin mừng phải như thế nào? Bằng cách “trở nên nô lệ của mọi người,” đức Phanxico nói theo ý Thánh Phaolo.
Ngài tiếp tục nói, “Hãy đi và chia sẻ cuộc sống với mọi người: đồng hành với họ trên hành trình đức tin, để họ có thể lớn lên trong đức tin trên suốt hành trình của họ.”
Chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác: không phải để đi vào con đường của họ, nhưng là cùng đi với họ trên con đường. Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại câu chuyện ăn bữa trưa với giới trẻ tại Ngày Giới Trẻ Thế giới ở Krakow, khi một thanh niên hỏi ngài anh ta phải nói gì với một người bạn thân vô thần:
“Đây là một câu hỏi hay. Tất cả chúng ta biết có những người xa Giáo hội: chúng ta phải nói gì với họ? Cha nói: Các con xem nhé, cuối cùng thì chúng con cũng phải nói gì đó! Hãy bắt đầu làm đi, rồi người đó sẽ nhìn thấy điều con đang làm và sẽ đặt câu hỏi với con về điều đó; và khi người đó hỏi, thì hãy nói. Rao giảng Tin mừng là đưa ra chứng tá: tôi sống theo con đường của tôi, vì tôi tin vào Đức Giê-su; tôi gợi lên trong bạn một sự tò mò, để rồi bạn phải hỏi tôi, ‘Nhưng tại sao anh lại làm những việc này?’ Câu trả lời là: ‘Vì tôi tin vào Đức Giê-su Ki-tô và loan truyền về Đức Giê-su Ki-tô nhưng không phải chỉ bằng lời nói’ – chúng ta phải công bố Lời Người – nhưng bằng đời sống của chúng ta.”
Đây là cách rao giảng Tin mừng, ngài nói, “và làm việc này miễn phí,” vì “chúng ta được đón nhận Tin mừng một cách nhưng không.” Ơn sủng, ơn cứu độ, không thể bán hay mua: nó là ơn nhưng không. “Chúng ta phải cho đi nhưng không.”
Đức Thánh Cha Phanxico sau đó gợi lại hình ảnh Thánh Phê-rô Claver: một nhà rao giảng, ngài  nói, “thánh nhân ra đi rao giảng Tin mừng.” Có lẽ, Đức Phanxico nói, “Ngài nghĩ rằng tương lai của ngài là hiến dâng cho việc truyền giáo. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại yêu cầu ngài phải gần gũi với những người ‘bị loại bỏ’ thời đó: những nô lệ, những người da đen từ Châu Phi đến, bị đem đi bán.”
“Thánh nhân không đi dạo chỗ này chỗ kia và nói rằng ngài đang rao giảng: ngài không biến việc rao giảng Tin mừng thành một công việc máy móc theo thói quen, hay thậm chí lôi kéo người ta theo đạo; ngài công bố Đức Giê-su Ki-tô bằng hành động của ngài, chuyện trò với các nô lệ, sống với họ – và có rất nhiều người giống như ngài trong Giáo hội – nhiều người đã từ bỏ mình để rao truyền Đức Giê-su Ki-tô – và tất cả chúng ta, thưa anh chị em, đều có bổn phận phải rao giảng Tin mừng – và việc đó không có nghĩa là gõ cửa nhà hàng xóm rồi nói: ‘Chúa Ki-tô đã sống lại!’ – nhưng là phải sống đức tin, nói về đức tin bằng sự khiêm cung, bằng tình yêu, và không với lòng khao khát chiến thắng một cuộc tranh luận (tiếng Ý convincere), nhưng là cho đi một cách nhưng không: cho đi một cách nhưng không những gì Thiên Chúa đã ban cho tôi – đó mới là ý nghĩa của rao giảng tin mừng.”

Lễ kính Thánh Phê-rô Claver, Linh mục

Bài đọc 1 1 COR 9:16-19, 22B-27

Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.  Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí.  Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

Tin mừng Lc 6:39-42

Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.  Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?  Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/09/2016]