Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Bài Giảng Lễ Sáng Của Đức Thánh Cha: Sự Chia Rẽ Trong Giáo Hội Ngăn Cản Con Người Không Nhìn Thấy Thiên Chúa

Bài Giảng Lễ Sáng Của Đức Thánh Cha: Sự Chia Rẽ Trong Giáo Hội Ngăn Cản Con Người Không Nhìn Thấy Thiên Chúa

Tại nguyện đường Casa Santa Marta, kêu gọi hành động và cầu nguyện để hoàn tất lời nguyện ước của Chúa Ki-tô cho sự hiệp nhất
12 tháng 9, 2016
Pope Francis in Santa Marta chapel - 11 sept. 2015
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại thông điệp ngài đã đưa ra tuần trước với các giám mục trong các vùng truyền giáo: Sự chia rẽ là vũ khí chính của quỷ chống lại Giáo hội.
Đức Thánh Cha nói trong Thánh lễ sáng nay tại Nguyện đường Casa Santa Marta, tường thuật của Vatican Radio.
Ngài nói những sự chia rẽ phá hủy Giáo hội, và quỷ tìm cách tấn công vào tận gốc rễ của sự hiệp nhất: Phụng vụ Thánh thể.
Thánh lễ hôm nay đánh dấu ngày lễ Danh Cực thánh Mẹ Maria Đồng Trinh
Phân tích về bài trích Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rinh-tô — tại đây Thánh Phaolo đã quở trách giáo đoàn Cô-rinh-tô về việc họ hay sinh sự với nhau — Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Quỷ có hai vũ khí rất mạnh để phá hủy Giáo hội: những chia rẽ và tiền.” Và chuyện này đã xảy ra ngay từ đầu: “ những sự chia rẽ về ý thức hệ, về thần học đã làm tan nát Giáo hội. Quỷ gieo lòng ghen tuông, tham vọng, ý tưởng, nhưng để chia rẽ! Hoặc tính tham lam.” Và, cũng như những gì còn lại sau chiến tranh, “mọi sự đều bị tàn phá. Và quỷ rất vui mừng. Và chúng ta, con người quá ngây thơ, chỉ là trò chơi của hắn.” “Đó là một trận chiến bẩn thỉu, gây nên những sự chia rẽ,” ngài lặp lại. “Nó cũng giống như khủng bố,” cuộc chiến của tin đồn trong cộng đoàn, loại ngôn ngữ đó giết người”:
“Và những sự chia rẽ trong Giáo hội không cho phép Vương quốc được lớn lên; chúng không cho phép người ta nhìn thấy Thiên Chúa như chính bản thân của Người. Những chia rẽ làm cho anh chị em chỉ nhìn thấy phần này, phần chống lại người khác. Luôn luôn chống lại! Không có dầu thánh của sự hiệp nhất, không có thuốc thơm của sự hiệp nhất. Nhưng quỷ đi khắp mọi nơi, không phải chỉ trong cộng đoàn Ki-tô hữu, hắn đi vào ngay trung tâm của sự hiệp nhất của Ki-tô giáo. Và việc này đã xảy ra ở đây, trong thành Cô-rinh-tô, đối với giáo đoàn Cô-rinh-tô. Thánh Phaolo quở trách họ hoàn toàn đúng, vì những chia rẽ đã bắt đầu phát sinh, ngay tại trung tâm của sự hiệp nhất, nghĩa là, trong Phụng vụ Thánh thể.”
Ở trường hợp của giáo đoàn Cô-rinh-tô, những người giàu có tạo ra sự chia rẽ phân cách giữa người giàu và người nghèo ngay trong Phép Thánh thể. Đức Thánh Cha nói, Đức Giê-su “đã cầu nguyện với Chúa Cha cho sự hiệp nhất. Nhưng quỷ đã tìm cách phá hủy điều đó” thậm chí ngay ở đó:
“Cha yêu cầu anh chị em hãy làm mọi việc có thể để Giáo hội không bị phá hủy bằng những chia rẽ; chúng thuộc về ý thức hệ, chúng có nguồn gốc từ sự tham lam và tham vọng, chúng có nguồn gốc từ sự ganh tị. Và trên hết là hãy cầu nguyện, và hãy giữ lấy nguồn sống, là cội nguồn của sự hiệp nhất của Giáo hội, là Thân thể của Đức Ki-tô; mà mỗi ngày, chúng ta cử hành nghi thức hiến tế của Người trong phép Thánh Thể.”
Thánh Phaolo nói về những sự chia rẽ trong giáo đoàn Cô-rinh-tô hai ngàn năm trước:
“Thánh Phaolo nói điều này cho tất cả chúng ta ngày hôm nay, cho Giáo hội hôm nay. ‘Anh em, về việc này tôi chẳng khen anh em đâu,  vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại!’ Nhưng Giáo hội tụ họp mọi người lại — chỉ gây hại, vì những chia rẽ: đó là gây hại! Để xức dầu Thân thể Đức Ki-tô trong Phụng vụ Thánh thể! Và cũng Thánh Phaolo nói với chúng ta trong một đoạn khác: ‘bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.’ Chúng ta hãy nguyện xin Thiên Chúa ban cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, để không còn những chia rẽ. Và sự hiệp nhất cũng là gốc rễ của Giáo hội, đó cũng chính là hiến tế của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày.”
Trong số những người tham dự thánh lễ có Đức Tổng giám mục Arturo Antonio Szymanski Ramírez, Tổng giám mục nghỉ hưu của giáo phận San Luis Potosí ở Mexico, ngài đã tròn 95 tuổi vào tháng Giêng. Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc đến sự hiện diện của ngài ngay đầu bài giảng, nhắc lại rằng Đức Tổng Giám mục đã tham dự Công đồng Vatican II, và ngài hiện vẫn đang giúp xứ. Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Tổng giám mục Szymanski trong một buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu.

Thứ hai tuần 24 mùa Thường Niên

Bài đọc 1 1 COR 11:17-26, 33

Nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!

Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau.

Tin Mừng Luca 7:1-10

Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: "Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta." Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: "Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm." Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: "Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế." Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/09/2016]



TRIỀU YẾT NĂM THÁNH: Ơn Cứu Độ

TRIỀU YẾT NĂM THÁNH: Ơn Cứu Độ

‘Bao nhiêu ảo tưởng đã được  bán dưới danh nghĩa tự do và bao nhiêu hình thức nô lệ mới đã được tạo ra trong thời đại của chúng ta dưới tên gọi giải phóng giả tạo! – có quá nhiều, quá nhiều nô lệ: “Tôi làm việc này vì tôi muốn; tôi sử dụng thuốc phiện vì tôi thích, tôi tự do, tôi làm điều này …” Họ là những nô lệ! Họ trở thành những nô lệ dưới danh nghĩa của tự do.’
12 tháng 9, 2016
Pope at Jubilee Audience
Pope At Jubilee Audience - CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi Triều yết Năm thánh được tổ chức sáng thứ Bảy tại quảng trường Thánh Phê-rô, một buổi gặp gỡ mà Đức Phanxico quyết định tổ chức cho những khách hành hương và tín hữu đến Roma trong Năm thánh Lòng thương xót.
* * *
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta biết về lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện trong ơn Cứu độ, cụ thể là ơn cứu độ được ban tặng cho chúng ta bằng máu thánh Đức Giê-su Chúa Con (1 Phê-rô 1:18-21). Từ ngữ “ơn cứu độ” được sử dụng ít, tuy nhiên nó lại là điều nền tảng vì nó cho thấy sự giải phóng tận gốc rễ mà Thiên Chúa có thể thực hiện nơi con người chúng ta, cho toàn thể nhân loại và cho tất cả tạo hóa. Có vẻ như con người ngày nay không còn thích nghĩ đến việc được giải phóng và được cứu thoát nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa. Quả thật, con người ngày nay tự lừa gạt chính mình về sự tự do của họ như là nguồn sức mạnh để đạt được tất cả. Người ta thậm chí huênh hoang về điều này, nhưng trong thực tế không phải như vậy. Bao nhiêu ảo tưởng đã được  bán dưới danh nghĩa tự do và bao nhiêu hình thức nô lệ mới đã được tạo ra trong thời đại của chúng ta dưới tên gọi giải phóng giả tạo! – có quá nhiều, quá nhiều nô lệ: “Tôi làm việc này vì tôi muốn; tôi sử dụng thuốc phiện vì tôi thích, tôi tự do, tôi làm điều này …” Họ là những nô lệ! Họ trở thành những nô lệ dưới danh nghĩa của tự do. Tất cả chúng ta đều đã thấy những con người thuộc loại này và kết thúc không đứng dậy được. Chúng ta đang cần có Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức thờ ơ, tự cao tự đại, và tự mãn.
Những lời của Thánh Tông đồ Phê-rô diễn tả rất rõ ràng tình trạng của sự sống mới mà chúng ta được kêu gọi. Trở nên thành một người như chúng ta, Chúa Giê-su không chỉ mang lấy tình trạng con người như chúng ta, nhưng Ngài còn nâng chúng ta lên để có thể trở thành con cái của Thiên Chúa. Bằng cái chết và sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Con Chiên tinh tuyền, đã chiến thắng sự chết và tội lỗi và giải thoát cho chúng ta khỏi quyền thống trị của chúng, để chúng ta có thể nhận được sự sống mới được tạo nên bởi lòng tha thứ, bởi sự yêu thương và niềm vui. Ba từ ngữ này thật đẹp: tha thứ, yêu thương và niềm vui. Tất cả những gì Người đã mang lấy cũng được cứu rỗi, giải thoát và cứu thoát. Một điều chắc chắn rằng sự sống thử thách chúng ta và đôi khi chúng ta phải đau khổ vì điều này. Tuy nhiên, trong những giây phút này chúng ta được mời gọi để hướng cái nhìn về Đức Giê-su chịu đóng đinh, Người đã chịu đau khổ cho chúng ta và cùng với chúng ta, và đó là một bằng chứng thật chắc chắn rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Vì thế, nguyện xin cho chúng ta không bao giờ quên điều đó trong những lúc đau khổ và bách hại, cũng như trong những nỗi sầu muộn hàng ngày, chúng ta luôn được giải thoát bởi bàn tay thương xót của Thiên Chúa, Người đã nâng chúng ta lên với Ngài và dẫn chúng ta đến một sự sống mới.
Tình yêu của Thiên Chúa không có giới hạn: chúng ta luôn có thể khám phá những dấu chỉ mới cho thấy sự quan tâm chăm sóc của Ngài trong những khó khăn của chúng ta và đặc biệt ý định của Ngài tập hợp chúng ta lại và đi trước chúng ta.
Suốt cuộc đời chúng ta, cho dù có mang dấu ấn yếu đuối của tội lỗi, vẫn luôn dưới sự quan phòng của Thiên Chúa Người yêu thương chúng ta. Có bao nhiêu trang Kinh thánh nói với chúng ta về sự hiện hữu của Thiên Chúa, sự gần gũi và lòng nhân hậu cho mỗi con người, đặc biệt cho những người bé nhỏ nhất, người nghèo và người đau khổ! Thiên Chúa có lòng nhân hậu bao la, một tình yêu vĩ đại cho những người bé nhỏ nhất, cho những người cô thế nhất, cho những người bị xã hội loại bỏ. Chúng ta càng cần đến Người thì sự quan phòng của Người càng tuôn đổ cho chúng ta với lòng thương xót. Người cảm nhận một lòng trắc ẩn thương xót cho chúng ta vì Người biết những yếu đuối của chúng ta. Người biết tội của chúng ta và Người tha thứ cho chúng ta — Người luôn tha thứ! Người thật tốt lành; Cha của chúng ta rất tốt lành.
Vì thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy mở lòng mình ra với Người, chúng ta hãy đón nhận lấy ân sủng của Người! Vì, như Thánh vịnh nói,, “Trông cậy CHÚA đi, Ít-ra-en hỡi, bởi CHÚA luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa,” (130:7).
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/09/2016]



Những người thân của các nạn nhân 9/11 nói rằng đức tin là điều giúp họ vượt qua

Những người thân của các nạn nhân 11/9 nói rằng đức tin là điều giúp họ vượt qua

Tại Khu Bình địa cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, những người đau thương than khóc được an ủi với sự hiện diện của Đức Phanxico
12 tháng 9, 2016
Photo of Freedom Tower at WTC site with reflection of a cross taken by ZENIT's Deborah Castellano at Ground Zero for Pope Francis' 2015 Visit
Ảnh Tòa tháp Tự do tại địa điểm Tòa Tháp Đôi với hình bóng của cây Thánh giá được Deborah Castellano Lubov của ZENIT chụp tại Khu Bình địa trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico năm 2015
Từ bộ lưu trữ của ZENIT
***
Khi trái tim của bạn bị tan vỡ, bạn sẽ đối mặt với nó như thế nào? Theo những người đã bị mất những người thân yêu khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới bị tấn công, đó chính là đức tin.
ZENIT có mặt tại Khu Bình Địa khi Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm sáng nay và có cơ hội nói chuyện với những người thân và bạn bè của những người bị giết trong các vụ tấn công.
Brendan Grady, ông bị mất người em trai Christopher, một người giao dịch chứng khoán cho Cantor Fitzgerald, nói rằng thật là vinh dự khi có Đức Thánh Cha Phanxico tại Khu Bình Địa để tưởng nhớ người em.
“Tôi cảm thấy khu mồ chôn em của tôi được ban phúc lành,” ông nói trong thổn thức. “Không phải ai cũng có thể nói rằng khu mộ chôn thân nhân của họ được ban phép lành bởi Đức Thánh Cha.”
Đem lại tất cả bình an
Chồng của Judy Grimmer, David chết. Anh làm cho Marsh McLennan trên tầng 97 của Tháp Một. Nhớ lại khi chị nghe thấy tiếng máy bay đâm, chị nói, “Tôi ngay lập tức bắt đầu cầu nguyện. ‘ Thánh Tâm Chúa Giê-su, con xin đặt niềm tín thác nơi Người.’ Đức tin và cầu nguyện đã giúp tôi vượt qua… và tôi đã vượt qua.”
“Tôi không thể hình dung ra cuộc sống của tôi thế nào nếu không có đức tin,” Grimmer nói.
Được hỏi chuyến viếng thăm hôm nay của Đức Thánh Cha Phanxico có ý nghĩa gì với chị, chị trả lời, “David có một thời gian học để trở thành linh mục, vì thế thật là đặc biệt khi có Đức Thánh Cha ở đây với anh […] Đây là lần thứ hai tôi có mặt ở đây. Lần đầu tiên tôi ở đây là kỷ niệm năm thứ 10, khi đó họ khánh thành Tòa Tháp Tự Do. Đó là lần duy nhất tôi đến vì tôi muốn có thái độ tích cực. Tôi không bao giờ muốn đến chỉ để xem một cái hố trống không.”
“Vì thế đây là một dịp rất tuyệt vời không phải vì nói đã hoàn tất, nhưng vì Đức Thánh Cha đến đây. Tôi là một người Công giáo nhiệt thành, và chồng tôi cũng vậy và cả gia đình tôi, và tôi hy vọng mọi người sẽ cảm thấy bình an khi ngài đến đây. Ngài đang làm một sự khác biệt trên thế giới này. Xin Chúa chúc lành cho anh.”
Một người đàn ông, trước khi Đức Thánh Cha tới, đã nói với phóng viên về việc ông mất người con gái là một tiếp viên hàng không trên một trong những máy bay đâm vào tòa tháp. Ông đã than van rằngngày hôm đó không phải ca làm của con gái ông, nhưng cô đã thay cho một người khác bị ốm.
Tín hiệu cho thế giới
Matthew Sellitto cũng suy tư rằng Đức Thánh Cha là một hình ảnh của sự tốt lành, và những gì đã xảy ra ở đây, 14 năm trước, là một hình ảnh của tội ác.
“Tôi mất đứa con trai,” Sallitto, ông giữ một vẻ ngoài rất mạnh mẽ, nói chuyện với chúng tôi. Con trai của ông, cũng là Matthew, lúc đó ở Tòa Tháp Một. “Nó làm việc cho Cantor Fitzgerald và cơ quan này bị mất nhiều người nhất ngày hôm đó. Nó 23 tuổi, người trẻ tuổi nhất trong tòa nhà. Nó đã tốt nghiệp đại học, Đại học Vermont, và đã nhận việc tại Cantor và rất yêu công việc.”
“Có một ý nghĩa sâu xa hơn với việc Đức Thánh Cha đến đây, ý nghĩa cho điều chúng tôi cảm thấy trong đất nước này là “vùng đất hố sâu,” vì có quá nhiều mạng sống đã bị mất tại đây trong ngày hôm đó,” ông nói thêm, “Đức Thánh Cha Phanxico cho cả thế giới thấy rằng ngài đến để chúc lành, để ban phép thánh, nơi mà có những người đã cố gắng biến thành tội ác và cố gắng phá hủy.” Ngài đến đây và nói rằng chúng ta sẽ tạo nên điều tốt đẹp từ những điều xấu.”
Sallitto nói rằng Đức Thánh Cha Phanxico đến thì thật là tuyệt vời. “Tôi là một người Công giáo,” ông nói, “nhưng tôi nghĩ rằng thế giới, không chỉ riêng người Công giáo, nhìn nơi Đức Thánh Cha một cách rất khác. Rõ ràng, với chúng tôi là người Công giáo, chúng tôi nhìn nơi ngài theo một cách, nhưng tôi hoàn toàn nghĩ rằng thế giới nhìn đến ngài để tìm sự hướng dẫn.”
ZENIT hỏi ông không biết đức tin giúp ông được điều gì không. Ông trả lời rằng Có. “Nhưng tôi phải nói,” ông nói thêm, “tôi không biết làm sao anh có thể vượt qua được cuộc sống như vậy mà không có đức tin. Đó là một điều anh phải ôm giữ lấy cho anh.”
“Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha là một sự hy vọng,  một tín hiệu cho thế giới. Ngài đi vào thế giới, ngài nhìn thấy rất nhiều vấn đề, ngài nói về chúng theo một cách mà tất cả chúng ta đều có thể có liên quan, và cho chúng ta một mức độ an ủi.”
Một người khác bị mất em gái, Deborah, ở Pentagon. Khi ông và vợ ông đang đối thoại với chúng tôi, vợ ông chỉ trên điện thoại của bà bóng phản chiếu trên Tòa Tháp Tự Do là một cây thập giá, và quả thật, đúng như vậy.
Một người thân khác của một thành viên gia đình, người đó yêu cầu được giấu tên, nói với tôi, “Đó là một ngày rất đặc biệt choh tôi. Đức Thánh Cha Phanxico đến đây với một thông điệp vui mừng,” bà nói.

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/09/2016]