Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Suy niệm của Đức Thánh Cha trong Buổi họp mặt Cầu nguyện Đại kết của các Ki-tô hữu ở Assisi

Suy niệm của Đức Thánh Cha trong Buổi họp mặt Cầu nguyện Đại kết của các Ki-tô hữu ở Assisi

‘Rất thường khi các nạn nhân chiến tranh phải đối diện với sự bịt tai im lặng do sự thờ ơ, do tính ích kỷ của những người cảm thấy bị quấy rầy khi có những yêu cầu, do sự lạnh lùng của những người bắt những tiếng kêu cứu phải câm nín để có sự thoải mái giống như thay đổi các kênh truyền hình.’
20 tháng 9, 2016
schermata-2016-09-20-alle-16-56-18
Ảnh chụp màn hình của CTV - Đức Thánh Cha trong Buổi họp mặt Cầu nguyện Đại kết ở Assisi
Đức Thánh Cha Phanxico trở lại thị trấn Assisi hôm nay, chỉ hơn một tháng sau chuyến thăm của ngài ngày 4 tháng 8, lần này để kỷ niệm lần thứ 30 Buổi Họp mặt Cầu nguyện cho Hòa bình, được Đức Gioan Phaolo II khởi xướng ngày 27 tháng 10 năm 1986.
Sau bữa trưa trong Tu viện Thánh, lúc khoảng 3:15 chiều, Đức Thánh Cha gặp riêng Đức Đại Thượng Phụ Bartholomew I, Công đồng các Thượng phụ Constantinople; Đức Đại Giáo chủ Ignatio Ephrem II, Đại giáo chủ Chính thống giáo Antioch Syria; Đức Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury và là Chủ tịch Giáo hội Anh giáo; Giáo sư Zygmut Bauman, nhà xã hội học và triết gia (Ba lan); Giáo sư Din Syamsuddin, Chủ tịch Hội đồng Luật Ulema Hồi giáo, Indonesia; Đức Rabbi David Rosen (Israel).
Lúc 4 giờ chiều, đại diện của các tôn giáo cầu nguyện cho hòa bình tại nhiều nơi khác nhau trong Assisi. Tất cả các Ki-tô hữu tập trung tại tầng dưới của Vương cung Thánh đường Thánh Phanxico để cầu nguyện đại kết. Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp bài suy nhiệm của Đức Thánh Cha trong Buổi Cầu nguyện Đại kết các Ki-tô hữu:
***
Tập trung nơi đây trước Chúa Giê-su chịu đóng đinh, chúng ta nghe thấy tiếng của Người vang vọng lên cho chúng ta: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát, còn hơn cả đói, là nhu cầu lớn nhất của nhân loại, và cũng là sự đau khổ lớn nhất của nhân loại. Chúng ta hãy suy ngẫm về mầu nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng, Người vì lòng thương xót đã trở nên một người nghèo giữa chúng ta.
Thiên Chúa khát điều gì? Chắc chắn là nước, yếu tố thiết yếu cho sự sống. Nhưng trên tất cả là khát tình yêu, yếu tố không kém phần thiết yếu cho sự sống. Ngài khát để ban tặng cho chúng ta những nguồn nước sự sống của tình yêu của Người, nhưng cũng khát muốn nhận được tình yêu của chúng ta. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã diễn tả sự chờ đợi của Thiên Chúa muốn nhận được tình yêu của chúng ta: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn” (Giê-rê-mi-a 2:2). Nhưng Người cũng kêu lên tiếng nói đau khổ của Người, khi con người vô ơn chối bỏ tình yêu – dường như Thiên Chúa vẫn đang nói những lời này cho ngày hôm nay – “chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh, để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước” (c. 13). Nó là bi kịch của “trái tim héo hắt” của tình yêu không được đáp đền, một bi kịch lại được hé lộ ra trong Tin mừng, khi đáp lại cái khát của Chúa Giê-su, một người đã đưa cho Ngài giấm, một loại rượu đã bị hư. Như tác giả Thánh vịnh đã than khóc trong lời tiên báo: “Ta khát nước, chúng lại cho ta uống giấm chua” (Tv 69:22).
“Tình yêu không được đáp đền”: thực tại này, theo một số giải thích, là điều làm Thánh Phanxico Assisi vô cùng đau khổ. Vì tình yêu của Thiên Chúa đau khổ, thánh nhân đã không hổ thẹn than khóc lớn tiếng (Fonti Francescane, số 1413). Thực tại này cũng phải có trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta suy ngẫm về Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, Ngài khát tình yêu. Mẹ Teresa Calcutta yêu cầu trong nhà nguyện của mỗi cộng đoàn của các nữ tu của Mẹ phải có dòng chữ “Ta khát” viết bên cạnh Thập giá. Sự đáp lời của Mẹ là để làm dịu cơn khát tình yêu của Chúa Giê-su trên Thập giá qua việc phục vụ người nghèo nhất giữa những người nghèo. Sự khát của Thiên Chúa thực sự được làm dịu bằng tình yêu thương xót của chúng ta; Người được an ủi khi chúng ta, nhân danh Người, cúi xuống trước những đau khổ của người khác. Vào ngày phán xét họ sẽ được gọi là “có phúc” vì họ đã cho những người khát được uống, họ đã đưa ra những hành động yêu thương cụ thể cho những người thiếu thốn: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25:40).
Lời của Chúa Giê-su là thử thách cho chúng ta, những lời này tìm một nơi trong tâm hồn chúng ta và một sự đáp lời trong suốt cuộc đời chúng ta. Trong lời “Ta khát” của Ngài, chúng ta có thể nghe thấy những âm thanh của sự đau khổ, của những tiếng kêu âm thầm của những con người bé nhỏ vô tội, họ là những người bị ánh sáng của thế gian này chối bỏ, những lời cầu xin đau thương của người nghèo và của những người đang thiếu thốn hòa bình. Những nạn nhân của chiến tranh đang cầu xin hòa bình. Chiến tranh làm hoen ố con người bằng sự hận thù và hoen ố trái đất bằng vũ khí; những người anh em chị em của chúng ta đang sống dưới sự đe dọa của bom đạn và bị bắt buộc phải bỏ nhà cửa chạy đến nơi vô định, bị tước đoạt hết mọi thứ, đang cầu xin hòa bình. Họ là những người anh em chị em của Đấng bị Đóng đinh, là những người bé mọn của Vương quốc của Ngài, là những phần bị thương và rất khát của chi thể của Ngài. Họ khát. Nhưng cũng như Chúa Giê-su, họ thường được cho giấm đắng của sự hắt hủi. Ai lắng nghe họ? Ai phiền lòng đáp lời họ? Rất thường khi các nạn nhân chiến tranh phải đối diện với sự bịt tai im lặng do sự thờ ơ, do tính ích kỷ của những người cảm thấy bị quấy rầy khi có những yêu cầu, do sự lạnh lùng của những người bắt những tiếng kêu cứu phải câm nín để có sự thoải mái giống như thay đổi các kênh truyền hình.
Trước Đức Ki-tô chịu Đóng đinh, “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cor 1:24), chúng ta là những Ki-tô hữu được kêu gọi để suy ngẫm về mầu nhiệm Tình yêu không được đáp đền và để trải rộng lòng thương xót ra trên thế giới. Trên thập giá, cây sự sống, sự ác được chuyển thành điều thiện; cả chúng ta nữa, là môn đệ của Đấng bị Đóng đinh, được kêu gọi để trở nên “những cây sự sống” làm tiêu tan đi sự vấy bẩn của tính thờ ơ và phục hồi lại bầu khí tinh tuyền của tình yêu cho thế giới. Từ cạnh sườn của Đức Ki-tô trên cây Thập giá, một dòng nước chảy ra, đó là biểu tượng của Thần Khí ban sự sống (Gioan 19:34); để từ chúng ta, những người tin theo Ngài, lòng thương xót có thể tuôn đổ cho tất cả mọi người đang khát ngày nay.
Như Mẹ Maria bên Thập tự, nguyện xin Thiên Chúa cho chúng ta được hiệp nhất với Người và gần gũi với những người đang đau khổ. Khi đến gần với những người đang sống như bị đóng đinh, và được làm vững mạnh bởi tình yêu của Chúa Giê-su chịu Đóng đinh và Phục sinh, nguyện xin cho sự hòa hợp và kết hiệp của chúng ta trở nên sâu đậm hơn. “Vì Người là bình an của chúng ta” (Eph 2:14), Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần (c. 17). Nguyện xin Người giữ tất cả trong tình yêu của Người và hiệp nhất chúng ta, để tất cả chúng ta “nên một” (Gioan 17:21) như Người đã mong ước.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch của Vatican]

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/09/2016]



Lời Kêu gọi Hòa bình của Đức Thánh Cha tại Lễ Bế mạc Sự kiện Assisi

Lời Kêu gọi Hòa bình của Đức Thánh Cha tại Lễ Bế mạc Sự kiện Assisi

“Mọi người đều có thể là một nhà kiến tạo hòa bình”
20 tháng 9, 2016
Pope with candles in Assisi
Dưới đây là bản dịch lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxico, đọc tại lễ bế mạc Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi hôm nay.
_
Lời kêu gọi hòa bình của Đức Giáo hoàng Phanxico
Quảng trường Thánh Phanxico, Assisi
Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016
Con người của nhiều tôn giáo khác nhau, chúng ta họp nhau như những người hành hương đến thành phố của Thánh Phanxico. Ba mươi năm trước vào năm 1986, đại diện các tôn giáo trên khắp thế giới đã gặp nhau nơi đây theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Đó là lần họp mặt trang trọng đầu tiên đã đem nhiều người lại với nhau, để khẳng định mối dây liên hệ không thể tách rời giữa thiện chí hòa bình và quan điểm tôn giáo chính trực. Từ sự kiện lịch sử đó, một cuộc lữ hành dài đã được bắt đầu và đã đến nhiều thành phố trên thế giới, gồm nhiều tín hữu qua đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình. Nó đã đem con người lại với nhau mà không chối bỏ sự khác biệt, làm hiện thực những tình bạn liên tôn đích thực, và góp phần giải quyết nhiều cuộc xung đột.  Đây là tinh thần tạo động lực cảm hứng cho chúng ta: để đem đến những cuộc gặp gỡ qua đối thoại, và phản đối lại mọi hình thức bạo lực và lợi dụng tôn giáo như sự biện minh cho chiến tranh và khủng bố. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, nhiều dân tộc đã bị tàn phá rất đau thương vì chiến tranh. Con người không hiểu được rằng chiến tranh làm nguy hại thế giới, để lại một hố đau thương và thù hận. Trong cuộc chiến, mọi người đều mất mát, kể cả người chiến thắng.
Chúng ta đã cầu xin Thiên Chúa, xin Người ban ơn hòa bình cho thế giới. Chúng ta nhận thấy sự cần thiết phải cầu nguyện liên lỉ, vì cầu nguyện bảo vệ cho thế giới và soi sáng thế giới. Danh Thánh Chúa là hòa bình. Những người lấy Danh Thánh Chúa biện minh cho khủng bố và bạo lực không đi theo con đường của Thiên Chúa. Một cuộc chiến nhân danh tôn giáo trở thành một cuộc chiến chống lại chính tôn giáo đó. Vì thế, với sự quyết tâm vững chắc, chúng ta lặp lại rằng bạo lực và khủng bố là chống lại tinh thần tôn giáo đích thực.
Chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu của những người nghèo, của trẻ em và của những thế hệ trẻ, của phụ nữ và của rất nhiều anh chị em của chúng ta đang phải chịu đựng chiến tranh. Cùng với họ chúng ta hãy nói lên lời quả quyết: Không chiến tranh! Xin cho tiếng kêu đau thương của những người vô tội không bị lãng quên. Chúng ta hãy cùng thúc giục các nhà lãnh đạo những dân tộc biết xoa dịu những nguyên nhân chiến tranh: lòng thèm khát quyền lực và tiền bạc, sự tham lam của những kẻ buôn vũ khí, những lợi ích cá nhân và những mối thù địch vì những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta cần một cam kết mạnh mẽ hơn để loại bỏ hoàn toàn những nguyên nhân tiềm ẩn của những xung đột: sự đói nghèo, bất công và bất bình đẳng, sự bóc lột và khinh thường sự sống con người.
Nguyện xin cho một cơ hội mới được khởi đầu, trong đó một thế giới toàn cầu hóa có thể trở thành một gia đình cho các dân tộc. Nguyện xin cho chúng ta biết thực hiện trách nhiệm kiến tạo một nền hòa bình đích thực, biết chú ý đến những nhu cầu thực sự của các cá nhân và các dân tộc, có khả năng tránh mọi sự xung đột qua hợp tác chiến thắng mọi hận thù và vượt qua mọi rào cản bằng sự gặp gỡ và đối thoại. Không có gì bị mất đi khi chúng ta đi vào một cuộc đối thoại hiệu quả. Không điều gì là không thể nếu chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện. Mọi người đều có thể là một nhà kiến tạo hòa bình. Qua việc họp nhau nơi đây ở Assisi, chúng ta kiên quyết canh tân lại cam kết của chúng ta trở nên những nhà kiến tạo như vậy, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, và cùng với tất cả mọi người thiện chí.

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/09/2016]



Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Không có Thiên Chúa của chiến tranh!’

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Không có Thiên Chúa của chiến tranh!’

Tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ngài nói rằng chúng ta không thể trở nên điếc tai trước nỗi đau của thế giới; hãy biết hổ thẹn
20 tháng 9, 2016
Pope Francis celebrates Mass in Santa Marta
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
‘Không có Thiên Chúa của Chiến tranh!’
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico giảng trong Thánh lễ sáng nay, một vài giờ trước khi ngài đi đến thị trấn đồi dốc Assisi thuộc vùng Umbrian, để tham dự vào nghi thức bế mạc hội nghị thượng đỉnh quốc tế của các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện cho hòa bình.
Ngài Phanxico lại quay trở lại Assisi, chỉ khoảng hơn một tháng sau chuyến đi ngày 4 tháng 8, lần này là để mừng kỷ niệm lần thứ 30 Hội nghị Cầu nguyện cho Hòa bình, theo sự lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolo II ngày 27 tháng 10 năm 1986.
Trong bài giảng sáng nay, trước khi đi đến hội nghị thượng đỉnh liên tôn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chiến tranh và “sự vô nhân của một quả bom nổ tung, giết và làm bị thương con người, và việc ngăn chặn sự cứu trợ nhân đạo để hoạt động này không thể đến được với trẻ em, người già, và người đau bệnh” là công việc của “ma quỷ” là của những kẻ “muốn giết hết mọi người.”
“Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa,” Ngài Phanxico nhấn mạnh, “Và Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình. Không có Chúa của chiến tranh. Những kẻ gây ra chiến tranh là tội ác; đó là ma quỷ muốn giết tất cả mọi người.”
Đức Phanxico bắt đầu bài hôm nay bằng nhận xét, “hôm nay, những người thuộc mọi tôn giáo, chúng ta sẽ đến Assisi – không phải để làm một ‘buổi diễn’: chỉ đơn giản là cầu nguyện và cầu nguyện cho hòa bình.”
Đừng để tai mình bị điếc
Đức Thánh Cha nhắc lại thư của ngài gửi toàn thể các giám mục trên toàn thế giới, kêu gọi họ tổ chức những buổi gặp gỡ cầu nguyện trong ngày này, mời gọi “những Người Công giáo, Ki-tô hữu, những người có tín ngưỡng, và tất cả mọi người có thiện chí, thuộc bất kỳ tôn giáo nào, hãy cầu nguyện cho hòa bình,” vì “thế giới đang trong chiến tranh! Thế giới đang đau khố!”
Đức Phanxico nhận xét về kết luận của bài đọc Một hôm nay rằng: ‘Kẻ nào bịt tai của mình trước tiếng kêu của người nghèo thì tiếng kêu của nó cũng sẽ không được nghe.’
“Nếu chúng ta bịt tai của mình trước tiếng kêu của những người đang chịu đau khổ dưới những trái bom nổ, những người đang chịu đau khổ vì sự bóc lột của những kẻ buôn bán vũ khí, có thể khi chuyện xảy ra với chúng ta, chúng ta cũng sẽ chẳng được ai nghe thấy,” Đức Thánh Cha suy tư. “Chúng ta không thể bịt tai mình lại trước tiếng kêu đau đớn của anh chịn em chúng ta là những người đang chịu đau khổ vì chiến tranh.”
Chiến tranh bắt đầu từ trong tâm hồn
“Chúng ta không nhìn thấy chiến tranh,” Đức Phanxico chỉ trích và bình luận rằng: “Chúng ta rất sợ hãi với một hành động khủng bố nào đó” nhưng “điều này chẳng có liên quan gì đến những gì đang xảy ra trong những quốc gia đó, trong những vùng đất nơi mà bom đạn nổ ngày và đêm, rơi xuống chỗ này rơi xuống chỗ kia”  và “giết chết trẻ em, người già, đàn ông, phụ nữ …”
“Chiến tranh còn xa lắm?” Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. “Không! Nó rất gần” vì “chiến tranh đụng chạm đến mọi con người … chiến tranh bắt đầu từ trong tâm hồn.”
“Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn phúc hòa bình trong tâm hồn chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện. Nguyện xin Người “cất đi mọi khát khao tham lam, thèm khát, chiến tranh. Không! Hòa bình, hòa bình!” Đức Thánh Cha kêu lên một lần nữa. Để “tâm hồn chúng ta là tâm hồn của một người hòa bình. Và vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo: mọi người, mọi người, tất cả mọi người!
Chúng ta phải biết hổ thẹn
Với sự thật này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng không thể nào có sự phân cách giữa các đức tin. “Nếu chỉ đơn giản tạ ơn Chúa vì có lẽ chiến tranh “chưa ảnh hưởng đến chúng ta” thì chưa đủ.”
“Hôm nay chúng ta không chỉ nghĩ về những trái bom, người chết, người bị thương; nhưng nghĩ cả về những người – trẻ em và người già – những người mà sự hỗ trợ nhân đạo chưa đến được để họ có thức ăn. Thuốc chữa bệnh không thể tới. Họ đang đói, họ bệnh tật! Vì bom đạn đang ngăn cản cứu trợ không đến được với họ.”
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận rằng khi hôm nay chúng ta cầu nguyện, thật tuyệt vời nếu tất cả chúng ta cảm thấy hổ thẹn vì “con người, anh em của chúng ta, có khả năng làm những điều này,” và trong ngày cầu nguyện và sám hối hôm nay, xin cho tiếng kêu hòa bình này mở lòng chúng ta với sự thương xót, với tình yêu, và cứu chúng ta thoát khỏi tính ích kỷ.

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/09/2016]



Chương trình chuyến thăm Assisi của Đức Thánh Cha hôm nay

Chương trình chuyến thăm Assisi của Đức Thánh Cha hôm nay

Trẻ em của nhiều quốc gia sẽ được gửi lá thư kêu gọi hòa bình, được các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới ký
20 tháng 9, 2016
Assisi
Pixabay
Đức Thánh Cha Phanxico sẽ trở lại thị trấn Assisi của Ý trong ngày hôm nay, chỉ hơn một tháng sau chuyến thăm ngày 4 tháng 8 của ngài, lần này để kỷ niệm lần thứ 30 Buổi Họp Cầu nguyện cho Hòa bình, theo lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolo II ngày 27 tháng 10, 1986.
Dưới đây là chi tiết chương trình của Đức Phanxico:
10.30 Khởi hành từ sân đáp trực thăng của thành phố Vatican
11.05 Hạ cánh tại Sân Thể thao Migaghelli của Assisi gần Vương cung Thánh đường Thánh Mary của các Thiên thần
Đức Thánh Cha sẽ được Đức Giám mục Đa-minh Sorrentino và chính quyền địa phương của Assisi tiếp đón
11.30 Đến Tu viện Thánh của Assisi
Đức Thánh Cha sẽ được chào đón bởi:
Cha Mauro Gambetti, Quản lý Tu viện Thánh, Đức Thượng Phụ Constantinople, Bartholomew I, một vị đại diện của Hồi giáo, Tiến sĩ Justin Welby, Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Đại giáo chủ Chính thống Syri, Efrem II, một vị đại diện của Do thái giáo, và Đức Đệ nhất Tăng thống của Phật giáo Tendai (Nhật)
Sau đó tất cả di chuyển vào nội vi Tu viện Xi-tô IV, tại đây đại diện của các Tôn giáo Ki-tô và Tôn giáo Thế giới đang chờ đợi.
12.00 Đức Thánh Cha chào tất cả mọi đại diện từng người một
13.00 Bữa trưa tại phòng ăn của Tu viện Thánh cũng sẽ có một số nạn nhân chiến tranh dự
15.15 Đức Thánh Cha Phanxico gặp riêng các vị sau:
Bartholomew I, một vị đại diện Hồi giáo, Đức Tổng Giám mục Justin Welby, Đức Đại giáo chủ Efrem II và một vị đại diện Do thái giáo
16.00 Cầu nguyện cho Hòa bình
CẦU NGUYỆN ĐẠI KẾT CÁC KI-TÔ HỮU diễn ra tại nhiều điểm khác nhau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phanxico
17.00 Tất cả những người tham dự rời Vương cung Thánh đường và gặp gỡ đại diện của các tôn giáo khác cầu nguyện tại những địa điểm khác và di chuyển đến đài diễn giả trong Quảng trường
17.17 NGHI THỨC BẾ MẠC trong Quảng trường Thánh Phanxico
Lời chào của Đức Giám mục Đa-minh Sorrentino.
Những thông điệp của:
Một chứng tá của một nạn nhân chiến tranh, Đức Đại Thượng phụ Bartholomew I, một vị đại diện Hồi giáo, một vị đại diện của Do thái giáo, Đức Đại Tăng thống Phật giáo Nhật, Giáo sư Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đoàn Sant’Egidio, diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico, Thư kêu gọi hòa bình sẽ được gửi cho trẻ em trên nhiều quốc gia, một giây phút thinh lặng tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh, ký kết một Thỉnh nguyện thư Hòa bình và thắp sáng 2 cây nến, trao đổi những biểu tượng hòa bình.
18.30 Đức Thánh Cha Phanxico đi xe đến bãi đáp trực thăng Vương cung Thánh đường Thánh Mary của các Thiên Thần
19.30 Đến bãi đáp trực thăng của thành phố Vatican

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/09/2016]