Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi bế mạc ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình

Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi bế mạc ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình


“Chỉ hòa bình là thánh thiêng, không phải chiến tranh!”


Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn văn trước các nhà lãnh đạo tôn giáo trong ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình

pope francis
ASSISI — Hôm thứ Ba Đức Thánh Cha Phanxico đã đọc diễn văn trước các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới, chuyến thăm trong ngày của ngài đến Assisi nhân dịp ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình. Chủ đề của buổi họp mặt năm nay là: “Khát Hòa bình: Đức Tin và Văn Hóa Qua Đối Thoại.”
Chúng tôi xin cung cấp cho độc giả văn bản tiếng Anh chính thức bài diễn văn bế mạc của Đức Thánh Cha.
Trọng kính các Vị Lãnh đạo các Tôn giáo,
Quý đại diện tôn kính của các Giáo hội, các Cộng đoàn Ki-tô hữu, và các Tôn giáo
Anh chị em thân mến,
Tôi xin gửi lời chào vô cùng tôn kính và yêu quý, và tôi xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị ở đây. Tôi xin cảm ơn Cộng đoàn Sant’Egidio, Giáo phận Assisi và các Gia đình Phanxico đã chuẩn bị cho ngày cầu nguyện này. Chúng ta đã đến Assisi này như là những người hành hương đi tìm hòa bình. Chúng ta mang trong mình những hy vọng và buồn phiền của nhiều người và nhiều dân tộc và dâng lên trước mặt Thượng đế. Chúng ta đang khát hòa bình. Chúng ta khao khát làm chứng tá cho hòa bình. Và trên hết, chúng ta cần phải cầu nguyện cho hòa bình, vì hòa bình là ân sủng của Thượng đế, và chúng ta phải khẩn cầu cho có hòa bình, ôm lấy hòa bình, và xây dựng hòa bình mỗi ngày với sự trợ giúp của Thượng đế.
“Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9). Rất nhiều người trong quý vị đây đã đi một chặng đường dài để đến khu thánh địa này. Khởi hành ra đi, đến với nhau để cùng hoạt động cho hòa bình: đây không chỉ là những hoạt động thuộc thể lý, nhưng trên hết đó là những hoạt động của tâm hồn, những sự đáp trả tinh thần cụ thể để vượt qua được những gì bị đóng lại, và mở rộng tấm lòng trước Thượng đế và anh chị em của chúng ta. Thượng đế yêu cầu chúng ta điều này, Người kêu gọi chúng ta đối mặt với căn bệnh to lớn của thời đại chúng ta: sự thờ ơ. Nó là một con vi-rút làm tê liệt, làm cho chúng ta bị u mê và vô cảm, một căn bệnh gặm nhấm hết tận sâu thẳm trong con tim chúng ta mọi nhiệt huyết tôn giáo, làm trỗi dậy một chủ thuyết ngoại giáo mới và rất đáng buồn: ngoại giáo của tính thờ ơ.
Chúng ta không thể giữ thái độ thời ơ. Ngày nay thế giới đang có một cơn khát hòa bình rất khẩn thiết. Ở nhiều quốc gia, người ta đang đau khổ vì chiến tranh, nhưng lại thường bị lãng quên, và luôn gây ra những thống khổ và đói nghèo. Ở Lesbos, cùng với Đức Thượng Phụ Đại kết Bartholomew kính yêu của chúng ta, chúng tôi đã nhìn thấy sự thống khổ của chiến tranh trong đôi mắt của những người tị nạn, nỗi đau đớn của những dân tộc đang khát hòa bình. Tôi đang nghĩ đến các gia đình với cuộc sống trở nên rã rời; nghĩ đến những trẻ em chỉ biết đến duy nhất bạo lực trong cuộc sống; nghĩ đến những người già bị cưỡng bức rời bỏ quê hương. Tất cả họ có cơn khát cháy bỏng cho hòa bình. Chúng ta không muốn những tấn thảm kịch này bị quên lãng. Hơn thế nữa cùng nhau chúng ta muốn lên tiếng nói cho tất cả những ai đang đau khổ, cho tất cả những ai không có tiếng nói và tiếng nói không được nghe thấy. Họ biết rất rõ, họ biết rõ hơn những người có quyền lực, rằng với chiến tranh sẽ không có một ngày mai, và bạo lực và vũ khí phá hủy niềm vui sự sống.
Chúng ta không có vũ khí. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng vào sức mạnh khiêm cung của lời cầu nguyện. Trong ngày này, khát hòa bình đã trở thành một lời cầu nguyện dâng lên Thượng đế, xin cho các cuộc chiến, nạn khủng bố và bạo lực có thể chấm dứt. Nền hòa bình chúng ta khẩn nguyện từ Assisi không chỉ đơn thuần là một cuộc phản đối chống chiến tranh, nó cũng không phải là “một kết quả của những đàm phán, những thỏa hiệp chính trị hay mặc cả kinh tế. Nó là kết quả của cầu nguyện” (Gioan Phaolo II, Diễn văn, Vương cung Thánh đường Thánh Mary các Thiên thần, 27 tháng 10 1986: Insegnamenti IX,2 [1986], 1252). Chúng ta tìm nơi Thượng đế, Người là nguồn hiệp nhất, những nguồn nước trong sạch của hòa bình mà nhân loại đang khát: những nguồn nước này không bắt nguồn từ những sa mạc tự cao tự đại và những ích lợi riêng, không bắt nguồn từ lòng đất khô cằn vì lợi nhuận bằng bất cứ giá nào hay từ buôn bán vũ khí.
Những truyền thống tôn giáo của chúng ta rất đa dạng. Nhưng những khác biệt của chúng ta không phải là nguyên nhân của xung đột và bất đồng, hay khoảng cách lạnh lùng giữa chúng ta. Ngày nay chúng ta không cầu nguyện để chống lại nhau, như một đôi lần đã xảy ra trong quá khứ. Không phải chủ nghĩa tổng hợp tôn giáo hay chủ nghĩa tương đối, đúng hơn là chúng ta cầu nguyện bên nhau và cầu nguyện cho nhau. Tại chính nơi đây Thánh Gioan Phaolo II đã nói: “Có lẽ hơn bao giờ hết trong lịch sử, sự liên kết thật sự giữa một quan điểm tôn giáo đích thực và sự tốt lành của hòa bình đã trở nên rõ ràng cho tất cả” (Diễn văn (Address), Vương cung Thánh đường Thánh Mary các Thiên thần, 27 tháng 10, 1986:Insegnamenti IX,2, 1268). Tiếp tục hành trình đã được bắt đầu ba mươi năm trước ở Assisi, nơi mà ký ức của con người của Thiên Chúa và của hòa bình đó là Thánh Phanxico vẫn luôn sống mãi, “một lần nữa, họp mặt nhau nơi đây, chúng ta tuyên bố rằng bất cứ ai sử dụng tôn giáo để kích động bạo lực là mâu thuẫn với sự linh hứng chân thật nhất và sâu thẳm nhất của tôn giáo” (Diễn văn trước đại diện các Tôn giáo Thế giới (Address to the Representatives of the World Religions), Assisi, 24 tháng 01, 2002: Insegnamenti XXV,1 [2002], 104). Chúng ta tuyên bố thêm rằng bạo lực dưới mọi hình thức không đại diện cho “bản chất thật của tôn giáo. Nó là phản luận của tôn giáo và góp phần vào sự tàn phá của nó”  (Benedict XVI, Diễn văn Ngày Suy tư, Đối thoại và Cầu nguyện cho Hòa bình và Công lý trên Thế giới (Address at the Day of Reflection, Dialogue and Prayer for Peace and Justice in the World), Assisi, 27 tháng 10, 2011: Insegnamenti VII,2 [2011], 512). Chúng ta không bao giờ mệt mỏi phải lặp lại rằng danh thánh của Thượng đế không bao giờ được dùng để biện minh cho bạo lực. Chỉ hòa bình là thánh thiêng. Chỉ hòa bình là thánh thiêng, không phải chiến tranh!
Hôm nay chúng ta đã cầu xin ân sủng thánh hòa bình. Chúng ta cầu xin rằng lương tâm sẽ được đánh thức để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống con người, để thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc và để chăm sóc tạo vật, ngôi nhà chung của chúng ta. Cầu nguyện và những hoạt động hợp tác cụ thể giúp chúng ta phá vỡ và thoát khỏi chuỗi nghịch lý của xung đột và để bỏ đi những quan điểm chống đối của những người chỉ biết phản đối và căm giận. Cầu nguyện và làm việc chung ký thác chúng ta một nền hòa bình đích thực không phải ảo ảnh: không phải sự bình thản của một người tránh né khó khăn và bỏ quay đi, nếu những lợi ích riêng của anh ta không bị nguy hiểm; nó cũng chẳng phải sự thô thiển của một người rửa tay trước bất kỳ vấn đề nào không dính líu đến anh ta; nó không phải là sự tiếp cận ảo của một người phán xét mọi thứ và mọi người trên một bàn phím máy tính, mà không biết mở mắt trước những thiếu thốn của anh chị em, hoặc không dám để tay mình bị bẩn vì những người đang cần giúp đỡ. Con đường của chúng ta dẫn đưa chúng ta hòa nhập vào những hoàn cảnh và quan tâm chú ý hàng đầu đến những người đau khổ; can dự vào những cuộc xung đột và chữa lành từ bên trong; đi theo những con đường thiện ích với sự kiên trì, từ bỏ những con đường tắt do tội lỗi gây ra; kiên trì gắn chặt với những tiến trình hòa bình, với thiện chí và với sự trợ giúp của Thượng Đế.
Hòa bình, một sợi dây hy vọng kết nối trần gian và thiên đàng, một từ quá đơn giản nhưng đồng thời cũng khó khăn. Hòa bình có nghĩa Tha thứ, là kết quả của sự hoán cải và cầu nguyện, được sinh ra từ trong tâm hồn và, nhân danh Thượng Đế, sẽ có thể chữa lành các vết thương cũ. Hòa bình nghĩa là Chào đón, mở lòng ra đối thoại, vượt qua được tâm hồn khép kín, nó không phải là một chiến lược hòa bình, còn hơn thế nữa nó là cây cầu nối bắc qua mọi khoảng trống. Hòa bình nghĩa la Hợp tác, một sự trao đổi tích cực và cụ thể với người khác, xem họ như một ân tứ chứ không phải một vấn đề, là một người anh em chị em cùng ta xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Hòa bình có nghĩa là Giáo dục, một tiếng gọi mỗi ngày học tập nghệ thuật hiệp nhất đầy thử thách, để đạt được một văn hóa gặp gỡ, làm thanh sạch lương tâm trước những cám dỗ bạo lực và tính ngoan cố đối nghịch là với danh thánh Thượng đế và nhân vị.
Chúng ta những người đang cùng nhau có mặt tại đây trong hòa bình tin tưởng và hy vọng vào một thế giới huynh đệ. Chúng ta mong ước rằng con người của mọi tôn giáo khác nhau trên khắp mọi miền có thể gặp nhau và thúc đẩy sự hòa hợp, đặc biệt những nơi có xung đột. Tương lai của chúng ta là cùng chung sống. Vì lý do này chúng ta được kêu gọi để giải thoát mình khỏi những gánh nặng hoài nghi, trào lưu chính thống, và sự thù ghét. Tín hữu phải là những người nghệ sĩ kiến tạo hòa bình qua những lời cầu nguyện với Thượng Đế và trong những hoạt động của họ cho nhân loại! Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có trách nhiệm là những chiếc cầu nối đối thoại bền vững, là những người trung gian hòa bình đầy sáng tạo. Chúng tôi xin chuyển sang những vị nắm trách nhiệm cao cả nhất phục vụ các dân tộc, những nhà lãnh đạo các dân tộc, để họ không biết mệt mỏi tìm kiếm và thúc đẩy những con đường hòa bình, cái nhìn của họ vượt ra ngoài những lợi ích phục vụ cá nhân và cho những người của thời điểm hiện tại: nguyện xin cho họ không giữ đôi tai điếc trước tiếng gọi của Thượng Đế đánh thức lương tâm của họ, không bị điếc trước những tiếng kêu của người nghèo cầu xin hòa bình và trước những kỳ vọng tốt lành của những thế hệ trẻ. Tại đây, ba mươi năm trước, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Hòa bình là một xưởng chế tác, mở ra cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho các chuyên gia, những nhà uyên bác hay những nhà hoạch định chiến lược. Hòa bình là một trách nhiệm chung toàn cầu (Diễn văn, Tầng dưới của Vương cung Thánh đường Thánh Phanxico, 27 tháng 10, 1986: l.c., 1269). Thưa anh chị em, chúng ta hãy mang lấy trách nhiệm này, hãy cùng nhau tái khẳng định hôm nay bằng chữ “vâng” để là những nhà kiến tạo hòa bình mà Thượng Đế mong ước cho chúng ta và cho cơn khát của nhân loại.

[Nguồn:  aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/09/2016]



Mark Wahlberg tạm dừng thu hình ‘Transformers’ vì là ngày Chúa nhật

Mark Wahlberg tạm dừng thu hình ‘Transformers’ vì là ngày Chúa nhật

Christine Stoddard
20 tháng 9, 2016

Nam diễn viên đã làm một cộng đoàn địa phương ngạc nhiên khi đến rước lễ trong một nhà thờ nhỏ ở khu có phong cảnh đẹp ở vùng Đông Bắc nước Anh hôm Chủ nhật.

Mark Wahlberg on ‘Transformers’ film set
Đạo diễn phim Michael Bay thảo luận một cảnh phim với Mark Wahlberg tại khu phim trường Detroit cho bộ phim Transformers: Kỷ nguyên hủy diệt, 2014. Paramount Pictures | Moviestillsdb.com
Nếu bạn muốn có bằng chứng rằng anh chàng Mark Wahlberg xấu tính ngày xưa nay đã là một con người thay đổi, chỉ cần nhìn đến thái độ mới đây của anh ta tại phim trường quay bộ phim Transformers: Hiệp sĩ cuối cùng. Trong khi đang thu hình bộ phim hành động ở vùng Đông Bắc nước Anh hôm Chủ nhật, anh đã tạm nghỉ đột ngột. Thay vì đi lang thang thơ thẩn quanh chiếc xe rơ-móoc của Hollywood để nhai kẹo bọc sô-cô-la (hay bất cứ thứ gì họ có ở đó!), Wahlberg đi dự Lễ.
Wahlberg có hành động vượt xa hơn cả một chuyến thăm Nhà thờ Thánh Aidan ở Seahouses. Anh còn rước lễ và theo tường thuật anh đã bỏ một khoản dâng cúng khá lớn cho nhà thờ (khoảng $260 theo tường thuật), tường thuật cho biết có khoảng 70 hay 80 người trong các hàng ghế trong nhà thờ Chúa nhật hôm đó.
Cho dù ngôi sao điện ảnh này có cận vệ hai bên (không phải lúc nào bạn cũng thấy cảnh này mỗi Chúa nhật!) Cha Des McGivern, linh mục của Nhà thờ Thánh Aidan, nói với tờ The Chronicle, một tờ báo địa phương rằng cha không nhận ra Wahlberg. Chỉ sau khi Thánh lễ kết thúc, một giáo dân mới nói cho cha biết.
“Thật tuyệt là có anh ta đến tham dự Thánh lễ,” cha nói. “Chúng tôi có biết là anh ta đang ở đây để quay phim trong vùng Đông Bắc nhưng không thể ngờ là anh ta đến tham dự Thánh lễ với chúng tôi.”
Một người đi dự lễ nói với The Chronicle rằng sự xuất hiện của Wahlberg là “hơi kỳ lạ”: “Không ai nghĩ rằng anh ta đến đó. Tôi có nghe nói anh ta là một người Công giáo nhiệt thành và đi lễ mỗi Chúa nhật, bất kể anh ta đang quay phim ở đâu trên thế giới.”
Thực ra, theo lời kể của Wahlberg, anh không chỉ đi Lễ vào Chúa nhật. Trong lần xuất hiện năm 2012 của chương trình talkshow “Piers Morgan Tonight”  của CNN, Wahlberg kể rằng anh đi lễ hàng ngày.
“Nếu có lúc tôi không cần thiết đi lễ hàng ngày … nhưng tôi chắc chắn phải đi nhà thờ hàng ngày,” anh nói với Morgan. “Đó là cách tôi bắt đầu một ngày. Tôi thích đến đó trong khoảng 15 hay 20 phút — đọc kinh cầu nguyện”
St. Aidan’s Church in Seahouses
Nhà thờ Thánh Aidan ở Seahouses, nước Anh. Photo by Bill Henderson
Anh nói tiếp, “Tôi cầu nguyện để trở thành một người phục vụ tốt cho Chúa, làm một người cha, một người chồng, một người con, một người bạn, một người anh em và người chú, một người hàng xóm tốt, một người dẫn dắt tốt cho những người nhìn đến tôi và là một môn đệ của những người đang phục vụ Thiên Chúa và làm những điều chính đáng.”
Wahlberg giải thích rằng đức tin của anh là một yếu tố lớn nhất trong sự hoán cải của bản thân anh từ một thanh niên ương ngạnh (lúc 16 tuổi anh đã phải vào tù 45 ngày vì phạm tội hành hung) thành một con người của gia đình
“Đức tin của tôi thực sự cho phép tôi vượt qua được rất nhiều điều — và cả công việc khó khăn,” anh nói. “Anh biết đấy, không có gì đơn giản cả … đặc biệt khi anh quay lưng lại bức tường và sẽ có rất nhiều thứ đang chống lại anh.”
Trước sự chú ý của công chúng, Wahlberg tiếp tục bảo vệ những gì là quan trọng cho anh. Trong trường hợp này là : đức tin của anh. Nguyên tắc đó không hề dễ duy trì được ở Tinseltown, bất kể bạn đang quay phim ở Los Angeles hay ở một thị trấn nhỏ ở Anh.
Christine Stoddard

[Nguồn:  forher.aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/09/2016]