Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Vatican: Phụ nữ cần có sự tiếp cận bình đẳng với những nguồn tài nguyên, nguồn vốn và kỹ thuật

Vatican: Phụ nữ cần có sự tiếp cận bình đẳng với những nguồn tài nguyên, nguồn vốn và kỹ thuật

Archbishop Bernardito Auza, the Permanent Observer of the Holy See to the United Nations - RV
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc - RV
12/10/2016 13:23
(Vatican Radio) Vatican nói về “nhu cầu tiếp tục có những nỗ lực chung của chúng ta cho sự tiến bộ của phụ nữ” tại một buổi họp về Sự Phát triển của Phụ nữ diễn ra tại Đại Hội đồng Liên Hợp quốc.
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, đã trình bày hôm thứ Hai trước hội đồng “không được để bất kỳ một phụ nữ hay thiếu nữ nào bị bỏ rơi lại đằng sau, đặc biệt những người sống trong cảnh nghèo khổ và túng quẫn.”
“Trong một thế giới nơi sự nghèo đói tiếp tục mang chủ yếu là khuôn mặt một phụ nữ, thì việc thúc đẩy những nền kinh tế toàn diện và bình đẳng có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến sự nâng cao địa vị của người phụ nữ,” nhà ngoại giao Vatican nói.
“Ở rất nhiều nơi phụ nữ đang phải trải qua cảnh khốn cùng về kinh tế khác thường có liên quan đến những chính sách việc làm bất công, chi trả lương không đồng đều cho cùng công việc, bị từ chối tiếp cận với tín dụng và tài sản, biến thành những nạn nhân trong những tình hình có xung đột và di cư,” – Đức Tổng Giám mục Auza tiếp tục – “Từ quan điểm này, cuộc chiến vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng phải mang ý nghĩa bảo đảm cho họ quyền truy cập bình đẳng với những nguồn tài nguyên, nguồn vốn và kỹ thuật. Tuy nhiên sự thật cho thấy phụ nữ chiếm phần đông trong dân số nghèo và bị ảnh hưởng bởi gánh nặng của nghèo đói theo những cách rất đặc biệt, tuy vậy, họ lại thường rất can đảm đứng ở tiền tuyến của cuộc chiến tiêu diệt nạn đói nghèo cùng cực.”
Dưới đây là toàn văn bài tham luận của Đức Giám mục
Tham luận của Đức Tổng Giám mục H.E. Bernardito Auza
Sứ thần, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh
Phiên họp thứ 71 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, Ủy ban thứ ba
Chương trình nghị sự Mục 27: Sự tiến bộ của Phụ nữ
Thưa bà Chủ tịch,
Phái đoàn chúng tôi cảm ơn ngài Tổng Thư ký vì qua những báo cáo của ông đã nâng cao nhận thức về nhu cầu tiếp tục những nỗ lực chung của chúng ta cho sự tiến bộ của phụ nữ, không được để bất kỳ một phụ nữ hay thiếu nữ nào bị bỏ rơi lại đằng sau, đặc biệt những người sống trong cảnh nghèo khổ và túng quẫn. Đã có những tiến triển, như được nhấn mạnh trong báo cáo của ông Tổng Thư ký. Đức Giáo hoàng Phanxico nhận xét: “Phẩm giá bình đẳng giữa nam và nữ làm cho chúng ta vui mừng khi thấy những hình thức phân biệt đối xử lạc hậu biến mất, và trong gia đình đang có sự tương nhượng lẫn nhau ngày một lớn.” Tuy nhiên vẫn còn những thách thức dai dẳng. Một cảnh báo cho biết khoảng 35 phần trăm phụ nữ trên toàn thế giới đã và đang chịu đựng bạo lực thể xác ở một mức độ nào đó trong cuộc sống của họ, chủ yếu trong gia đình và tình dục.
Phải có sự chú ý thật đặc biệt cho tình hình thực sự đáng hổ thẹn này, để những biện pháp và chương trình hiệu quả có thể được đặt vào đúng chỗ để chống lại và đánh bại hình thức đối xử tệ hại này đối với phụ nữ. Kết án mọi hình thức bạo lực chống lại phụ nữ là không thể chấp nhận được, Đức Giáo hoàng Phanxico đã đề cập đặc biệt đến “bạo lực gia đình và nhiều hình thức nô lệ”, điều ngài mạnh mẽ tố cáo là “những hành động hèn hạ của những kẻ hèn nhát.” Đức Giáo hoàng Phanxico thường nhấn mạnh rằng “bạo lực trong gia đình là nơi xuất phát của lòng oán giận và thù hận trong những mối quan hệ căn bản nhất của con người trong khi cũng chính gia đình là “nơi đặt nền tảng căn bản cho sự hòa nhập xã hội” và đó là nơi tốt hơn để có thể “giới thiệu tình huynh đệ vào thế giới!” Trong bối cảnh của một xã hội nơi sự ủng hộ cho những giá trị gia đình và cho sự tôn trọng và bảo vệ mỗi thành viên của nó, đặc biệt là phụ nữ và các em gái, bị thiếu, những hành vi bạo lực cũng có thể tạo ra những hình thức mới của bạo lực xã hội. Điều này sẽ mở rộng ra đến những phạm vi kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, từ đây nó có thể dẫn đến những hình thức khác nhau của tình trạng loại trừ và bóc lột, khi đó phụ nữ bị tước đoạt những nguồn tài nguyên kinh tế và bị hạn chế về khả năng của họ thực thi những quyền và sự tham gia vào chính trị, như đã được đề cập đến trong Báo cáo của ông Tổng Thư ký. Giáo lý xã hội Công giáo xem hình thức bạo lực và loại trừ nhiều mặt như vậy như một lực cản chính cho sự phát triển con người toàn diện.
Thưa bà Chủ tịch.
Trong một thế giới nơi sự nghèo đói tiếp tục mang chủ yếu là khuôn mặt một phụ nữ, thì việc thúc đẩy những nền kinh tế toàn diện và bình đẳng có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến sự nâng cao địa vị của người phụ nữ. Ở rất nhiều nơi phụ nữ đang phải trải qua cảnh khốn cùng về kinh tế khác thường có liên quan đến những chính sách việc làm bất công, chi trả lương không đồng đều cho cùng công việc, bị từ chối tiếp cận với tín dụng và tài sản, biến thành những nạn nhân trong những tình hình có xung đột và di cư. Từ quan điểm này, cuộc chiến vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng phải mang ý nghĩa bảo đảm cho họ quyền truy cập bình đẳng với những nguồn tài nguyên, nguồn vốn và kỹ thuật. Tuy nhiên sự thật cho thấy phụ nữ chiếm phần đông trong dân số nghèo và bị ảnh hưởng bởi gánh nặng của nghèo đói theo những cách rất đặc biệt, tuy vậy, họ lại thường rất can đảm đứng ở tiền tuyến của cuộc chiến tiêu diệt nạn đói nghèo cùng cực. Như Đức Giáo hoàng Phanxico nói: “sự nghèo nàn gấp đôi rơi vào những phụ nữ phải chịu đựng những hoàn cảnh bị loại trừ, bị ngược đãi và bạo lực, vì họ thường ít có khả năng bảo vệ cho quyền của họ hơn. Ngay cả như vậy, nhưng chúng ta vẫn liên tục nhìn thấy trong họ những tấm gương vô cùng ấn tượng về sự anh dũng từng ngày trong đối phó và bảo vệ gia đình mong manh của họ.”
Thưa bà Chủ tịch,
Tòa Thánh ủng hộ những đề nghị của ông Tổng Thư ký phải chú ý thật đặc biệt đến tình trạng cắt bỏ âm vật phụ nữ. Đức Giáo hoàng Phanxico đặc biệt nhấn mạnh rằng “hình thức cắt âm vật phụ nữ đáng chê trách” như là một ví dụ “những truyền thống không thể chấp nhận được cần phải bị loại trừ.” Nhiều cơ quan và tổ chức Công giáo, đặc biệt các dòng tu nữ, đang trên tiền tuyến hoạt động để thay đổi những thông lệ văn hóa và làm cho giới nữ trẻ tự tin để chống lại hình thức bạo lực như vậy. Những sáng kiến của họ thường được đi kèm bằng việc giáo dục chất lượng cho  các em gái. Hơn nữa cuộc chiến chống lại nạn buôn người và những hình thức khác của tình trạng nô lệ hiện đại là một ưu tiên hàng đầu của Tòa Thánh. Nhóm Santa Marta, Talitha Kum và Chiến dịch #EndSlavery là một số trong những sáng kiến mà Đức Giáo hoàng đã khơi nguồn cảm hứng. Để nâng cao hơn nhận thức chung về những loại tội phạm này, Đức Giáo hoàng Phanxico đã chọn ngày 8 tháng Hai là “Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Phản ánh Chống lại nạn Buôn người.” Đó là ngày lễ kính Thánh Josephine  Bakhita, một vị thánh quê Sudan bị bắt cóc từ nhỏ, sau đó bị đem bán rồi bán lại một lần nữa như một nô lệ. “Ngày nay, cũng như trong quá khứ, tình trạng nô lệ có nguồn gốc từ một khái niệm về con người cho phép một người bị đối xử như một đồ vật.” Khái niệm này chống lại tất cả những nguyên tắc mà Liên Hợp quốc bảo vệ. Vì thế chúng ta được hiệu triệu để chống lại mọi hình thức nô lệ vẫn đang quấy rầy thế giới của chúng ta.
Cuối cùng, phái đoàn của chúng tôi duy trì mọi ủng hộ, và tích cực, trong những nỗ lực và sáng kiến nhắm đến việc bảo vệ phẩm giá và sự tiến bộ của phụ nữ và cải thiện điều kiện sống và sự tham gia của họ trong gia đình và xã hội. Xin cảm ơn, bà Chủ tích.

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/10/2016]



10 bí quyết để cầu nguyện sâu lắng hơn và hiệu quả hơn

10 bí quyết để cầu nguyện sâu lắng hơn và hiệu quả hơn


Tôi nên cầu nguyện ở đâu và khi nào? Tôi nên nói những gì?

10 Tips for profound and effective prayer

Cầu nguyện là một sự gặp gỡ riêng tư và thực sự của tình yêu tín trung. Nó canh tân chúng ta, nó thay đổi chúng ta, nó cho chúng ta sự sống. Mọi sự khác chỉ là phụ thêm.
Dưới đây là 10 cách giúp bạn cầu nguyện:
  1. Cầu nguyện là một cách diễn đạt đời sống nội tâm. Nó bao gồm việc hướng những năng lực của tâm hồn (trí nhớ, sự thông minh và ý chí) và hành động (biết và yêu) lên Chúa Thánh Thần là Đấng ngự trong chúng ta, và từ đó tương tác với Chúa Cha và Chúa Con.
  2. Tôi nên cầu nguyện bao lâu? Chất lượng tốt hơn số lượng, cách chúng ta cầu nguyện và thời gian chúng ta cầu nguyện. Ví dụ, năm phút cầu nguyện sâu lắng giá trị hơn hai giờ cầu nguyện nửa vời, thiếu chân thành.
  3. Một người chưa bao giờ thực hành cầu nguyện hay không có thói quen cầu nguyện không thể có hy vọng bắt đầu bằng cách dành ra nhiều giờ trình diện trước mặt Chúa. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc rất nhỏ thôi.
  4. Tôi nên nói gì với Chúa? Hãy chuyện trò với Chúa như với một người bạn. Thiên Chúa là Cha của chúng ta và Ngài yêu chúng ta rất nhiều, nhưng đồng thời Ngài là người bạn trung tín nhất và tốt nhất của chúng ta. Chúng ta không được dùng những từ ngữ gượng ép giả tạo, nhưng tốt hơn là dùng từ ngữ chân tình tự nhiên.
  5. Tôi nên cầu nguyện lúc nào? Thiên Chúa chờ đợi chúng ta theo một cách rất lý tưởng, cụ thể và thật sự trong nhà chầu, và chúng ta có thể đến đó với Ngài bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta ở một nơi nào đó khác, tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là hướng lòng về với Ngài, vì “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người” (Tv 145:18). Cầu nguyện trước Thánh Thể giống như chúng ta nói chuyện mặt đối mặt với một người chúng ta yêu, và cầu nguyện với Thiên Chúa ở một nơi khác, nếu bạn cho phép tôi được sử dụng hình ảnh này, giống như nói chuyện với một người chúng ta yêu qua điện thoại.
  6. Khi cầu nguyện, chúng ta phải tập trung, cầm trí. Để có thể cầm trí, chúng ta phải tìm cách dễ dàng cho chúng ta bằng cách chọn môi trường thuận tiện, thời gian, địa điểm, tư thế v.v.. Và cầm trí, chúng ta phải học cách luyện tập ý chí của chúng ta bằng cách thực hành.
  7. Chúng ta càng cầu nguyện nhiều, chúng ta càng cầm trí dễ hơn, và chúng ta càng có thói quen tránh và bỏ được những đãng trí khi tập trung vào Thiên Chúa.
  8. Nếu chúng ta muốn tập trung cầm trí vào Thiên Chúa và vẫn có những điều hấp dẫn lôi cuốn chúng ta và làm chúng ta đãng trí (khi có điều gì đó thu hút chúng ta nhiều hơn lời cầu nguyện) chúng ta phải dùng sức mạnh ý chí của chúng ta và làm những gì phải làm.
  9. Thinh lặng là rất quan trọng.
  10. Chúng ta phải học cách bỏ lơ những sự đãng trí không tránh khỏi cố làm chúng ta từ bỏ cầu nguyện. Khi có điều gì đó làm đãng trí chúng ta hay làm chúng ta mất cầm trí, chúng ta đừng coi đó là điều quan trọng. Chúng ta phải bỏ lơ đi sự đãng trí đó càng nhẹ nhàng càng tốt và quay trở lại với dòng suy tư trong tĩnh tâm hoặc trong suy niệm của chúng ta qua cách đối thoại rất tự nhiên với Thiên Chúa. Nó chỉ đơn giản như thế thôi. “Quá chú trọng tìm ra những sự đãng trí sẽ có thể làm chúng ta rơi vào bẫy của chúng, trong khi tất cả những gì quan trọng nhất chỉ là hướng lòng trí của chúng ta trở lại: vì sự đãng trí tiết lộ cho chúng ta thấy những gì chúng ta đang bị gắn chặt vào …” (Giáo lý, 2729)

[Nguồn:aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/10/2016]



Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Phong Thánh 7 Chân phước

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Phong Thánh 7 Chân phước

“Các thánh là những người bước trọn vẹn vào mầu nhiệm cầu nguyện. Những ai đang phải chiến đấu với sự cầu nguyện, là để cho Thánh Thần cầu nguyện và chiến đấu trong họ”
16 tháng 10, 2016
pope francis
Sáng nay trong Quảng trường Thánh Phê-rô, trước đám đông gần 80.000 người, Đức Thánh Cha Phanxico chủ sự Thánh Lễ phong thánh cho bảy vị thánh. José Sánchez del Río (Mexico); Salomon Leclercq (Pháp); José Gabriel del Rosario Brochero (Argentina); Manuel González García (Tây ban nha); Lodovico Pavoni (Ý); Alfonso Maria Fusco (Ý) và Elizabeth of the Trinity (Pháp).
Dưới đây là bản dịch của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha:
Khi bắt đầu nghi thức hôm nay, chúng ta đã dâng lời nguyện này lên Thiên Chúa: “Xin tạo cho chúng con một trái tim quảng đại và kiên vững, để chúng con có thể luôn luôn phục vụ Người với tâm hồn trung tín và tinh tuyền.”
Bằng nỗ lực riêng của chúng ta, chúng ta không thể nào tạo cho chúng ta một con tim như vậy. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được việc này, và vì vậy trong lời nguyện chúng ta xin Người trao ban trái tim đó cho chúng ta là những thụ tạo của Người. Bằng cách này, chúng ta đến với chủ điểm cầu nguyện, là trung tâm điểm của các bài đọc kinh thánh Chúa nhật  này và là những thử thách cho tất cả chúng ta những người đang tụ họp ở đây tham dự lễ phong thánh cho các vị tân thánh. Các thánh đã đạt được mục tiêu. Nhờ lời cầu nguyện, các vị có một trái tim quảng đại và vững vàng. Họ cầu nguyện rất nhiều; họ chiến đấu và họ đã chiến thắng.
Vì vậy hãy cầu nguyện! Như Môi-sê, ông là một người của Thiên Chúa, một con  người của cầu nguyện. Hôm nay chúng ta nhìn thấy ông trong trận chiến với người A-ma-léc, đứng trên đỉnh núi với đôi tay giơ lên. Tuy nhiên, dần dần đôi tay ông trở nên rã rời và hạ xuống, và thế là chiến cuộc quay ngược chống lại dân tộc. Vì thế ông A-a-ron và Hur để cho ông Môi-sê ngồi trên một tảng đá và họ giữ nâng tay của ông giơ lên, cho đến khi đạt được chiến thắng cuối cùng. Đây là hình thức của đời sống tâm linh mà Giáo hội yêu cầu chúng ta: không phải chiến thắng bằng chiến tranh, nhưng chiến thắng bằng hòa bình! Có một thông điệp rất quan trọng trong câu truyện này của ông Môi-sê: sự gắn kết trong cầu nguyện đòi hỏi chúng ta hỗ trợ lẫn nhau. Sự mệt mỏi yếu đuối là không thể tránh khỏi. Đôi lúc chúng ta đơn giản cảm thấy không thể tiếp tục, tuy nhiên, với sự trợ giúp của anh chị em của chúng ta, sự cầu nguyện của chúng ta có thể kiên trì cho đến khi Thiên Chúa hoàn tất công việc của Người.
Thánh Phaolo viết cho Ti-mô-thê, môn đệ và cũng là cộng sự của ngài, và thúc giục ông phải bám chặt vào những gì ông đã được học và tin theo (2 Tim 3:14). Nhưng Ti-mô-thê không thể làm điều này bằng những cố gắng của riêng ông: “trận chiến” của lòng kiên gan không không thể chiến thắng được nếu không có cầu nguyện. Không phải là cầu nguyện được chăng hay chớ hoặc lúc này lúc kia, nhưng là cầu nguyện theo cách Chúa Giê-su dạy chúng ta trong Tin mừng: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18:1). Đây là lẽ sống của người Ki-tô hữu: phải giữ sự bền chí trong đức tin và chứng nhân. Đến đây một lần nữa chúng ta có thể nghe thấy một giọng nói trong chúng ta vang lên: “Nhưng lạy Chúa, làm sao con không cảm thấy rã rời? Chúng con là xác phàm… ngay cả ông Môi-sê còn rã rời …!” Đúng vậy, mỗi chúng ta sẽ thấy rã rã rời, mệt mỏi. Tuy nhiên chúng ta không cô đơn; chúng ta là một phần của một Thân thể! Chúng ta là các chi của Thân thể Đức Ki-tô, của Giáo hội, với đôi tay giang lên trời ngày và đêm, nhờ sự hiện hữu của Đức Ki-tô Phục sinh và Thần Khí của Người. Chỉ trong Giáo hội, và nhờ lời cầu nguyện của Giáo hội, chúng ta mới có thể giữ sự kiên vững trong đức tin và chứng nhân.
Chúng ta đã nghe lời hứa của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao” (Lc 18:7). Đây là sự huyền nhiệm của cầu nguyện: cứ liên tục kêu xin, đừng ngã lòng, và nếu chúng ta cảm thấy mệt mỏi, hãy xin sự trợ giúp cho đôi tay của chúng ta được nâng lên. Đây là lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su đã tiết lộ cho chúng ta và tặng cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện không phải là nương nhờ trong một thế giới lý tưởng, cũng không phải trốn vào trong một cảm giác an toàn giả tạo và ích kỷ. Ngược lại, cầu nguyện là chiến đấu, nhưng cũng là để cho Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Vì Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện. Người hướng dẫn chúng ta trong lời cầu nguyện và giúp chúng ta có thể cầu nguyện như những đứa con.
Các thánh là những người bước trọn vẹn vào mầu nhiệm cầu nguyện. Những ai phải chiến đấu với sự cầu nguyện, để cho Thánh Thần cầu nguyện và chiến đấu trong họ. Họ chiến đấu cho đến cùng, với tất cả sức lực, và họ đã chiến thắng, nhưng không phải bằng sự cố gắng của riêng họ: Thiên Chúa chiến thắng trong họ và cùng với họ. Bảy chứng nhân được tôn vinh lên bậc thánh hôm nay cũng đã có một cuộc chiến đấu của đức tin và tình yêu tuyệt vời bằng lời cầu nguyện của họ. Đó là lý do tại sao các vị giữ được niềm tin kiên vững, bằng một trái tim quảng đại và kiên vững. Qua mẫu gương và sự cầu bầu của các vị, nguyện xin Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta trở thành những người con cầu nguyện. Nguyện xin chúng ta biết kêu xin Người đêm ngày, không nản lòng. Nguyện xin chúng ta biết để cho Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta, và nguyện xin để chúng ta biết hỗ trợ nhau trong lời cầu nguyện để có thể giữ vững đôi tay nâng lên, cho đến khi Lòng Chúa thương xót chiến thắng vinh quang.
[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/10/2016]