Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Sự kiện Liên Hợp quốc trình chiếu lịch sử và hiện tại đầy màu sắc và can trường của Vệ binh Thụy sĩ

Sự kiện Liên Hợp quốc trình chiếu lịch sử và hiện tại đầy màu sắc và can trường của Vệ binh Thụy sĩ
swiss guard
Ngày 18 tháng 10, Phái bộ Quan sát viên Thường trực Tòa Thánh, cùng Những Nhà tài trợ Nghệ thuật của các Bảo tàng Vatican và Quỹ Tài trợ nghệ thuật Solares đã tài trợ một buổi trình bày và thảo luận tại Trụ sở Liên Hợp quốc ở thành phố New York cho bộ phim có tiêu đề Quân đội Nhỏ nhất trên Thế giới, dõi theo cuộc sống suốt một năm của một thanh niên Thụy sĩ phục vụ Đức Giáo hoàng và Giáo hội Công giáo với cương vị một thành viên trong Đội Vệ binh Thụy sĩ của Giáo hoàng.
Trong lời mở đầu, Đức ông Tomasz Grysa, thay mặt Đức Tổng Giám mục Auza hiện đang đại diện cho Tòa Thánh tại Ecuador, nói rằng những người mặc bộ đồng phục nổi tiếng nhiều màu sắc bắt buộc phải là người Công giáo Thụy sĩ có nhân cách tốt, tuổi từ 19 đến 30, cao tối thiểu 5’8” (khoảng 1,8m) đã hoàn thành bậc trung học phổ thông và khóa huấn luyện căn bản trong các lực lượng vũ trang của Thụy sĩ, và cam kết phục vụ 2 năm trong Đội Vệ binh Thụy sĩ của Giáo hoàng.
Đức ông Grysa mời gọi các tham dự viên không chỉ xem nó như một phim tài liệu của Đội Vệ binh Thụy sĩ, nhưng còn là sự gắn bó trong sứ mạng của họ bằng lời cảm ơn vì sự phục vụ của họ, cầu nguyện cho họ, và cũng là phục vụ Thiên Chúa và tha nhân bằng đức tin, lòng dũng cảm, lòng bác ái và tình bạn.
“Sự hiện diện của họ đằng sau hậu trường, bất cứ nơi nào cần có an ninh, tinh thần sẵn sàng tập thể, trung thành, tử tế, vui vẻ, sự cống hiến của họ, và sự kiên nhẫn làm vững mạnh thêm cho những người làm việc trong trung tâm của Giáo hội,” ngài nói.
Gianfranco Pannone, đạo diễn bộ phim Quân đội nhỏ nhất trên Thế giới, nói rằng bộ phim là “nỗ lực đưa ra một quan điểm nhân văn sâu sắc, rất cần cho một thế giới với quá nhiều xung đột như hiện nay.”
“Bộ đồng phục nhiều màu sắc của Đội Vệ binh Thụy sĩ có thể trở thành biểu tượng của một thế giới đa sắc trong đó hiển nhiên Giáo hội hòa mình trọn vẹn, như nhân vật vai chính René nói trong phim tài liệu này,” ông nói.
Pannone cũng nói rằng Vệ binh Thụy sĩ không chỉ bảo vệ nhưng cũng đại diện cho Đức Thánh Cha.
“Là những lính canh hòa bình, họ là một bộ mặt của vị Giáo hoàng vĩ đại hôm nay, ngài đã cho Giáo hội Công giáo một khuôn mặt nhân văn và cởi mở hơn,” ông nói.
Frowin Bachmann, người xuất hiện nhiều lần trong bộ phim này, đã phục vụ trong Vệ binh Thụy sĩ của Giáo hoàng suốt 30 năm, đã lên cấp đại úy trước khi nghỉ hưu vào tháng 6 năm 2016. Ông cung cấp những cái nhìn vào bên trong đời sống của đội Vệ binh Thụy sĩ. Bachmann đã hộ tống Đức Thánh Cha trên chuyến đi lịch sử của ngài đến Liên Hợp quốc và Hoa kỳ tháng 9 năm 2015.
Mặc dù Bachmann lúc đầu nghĩ ông sẽ trở về Thụy sĩ sau 2 năm đầu phục vụ, nhưng ông vẫn ở lại với Đội Vệ binh Thụy sĩ thêm 3 thập niên vì ông cảm nhận đó là một sự tận hiến để phục vụ Giáo hội và Đức Thánh Cha qua việc bảo vệ ngài, bằng cách đó làm cho ngài có thể phục vụ thế giới trong tự do.
“Tất cả quý vị làm việc cho Liên Hợp quốc đều biết rất rõ khó khăn như thế nào khi gắn kết bản thân phục vụ cho hòa bình, tự do và công bình. Đức Giáo hoàng là một tiếng nói lớn thay mặt cho tất cả những người nghèo đang bị áp bức và đau khổ,” Bachmann nói. “Vì thế Đội Vệ binh Thụy sĩ có nhiệm vụ quan trọng hỗ trợ cho đức Giáo hoàng trong trách vụ quan trọng của ngài.”
Bachmann cũng cho biết rằng chương trình tâm linh mà đội Vệ binh Thụy sĩ đang thực hiện giúp các vệ binh phát triển sâu hơn về đức tin, để họ là mẫu gương cho đời sống Ki-tô hữu cho những người gặp gỡ họ.
“Ơn gọi là người Ki-tô hữu của chúng tôi cũng là sống những giá trị giống như đội Vệ binh Thụy sĩ, đó là tận hiến, phục vụ, kỷ luật, và trách nhiệm đối với nhiệm vụ chúng tôi được giao,” ông nói.
Cha Daniel Hennessy, Giám đốc Quốc tế của Những Nhà tài trợ Nghệ thuật của các Bảo tàng Vatican, đồng tài trợ sự kiện và cung cấp những hình ảnh trình chiếu từ một bộ triển lãm hình ảnh của Đội Vệ binh Thụy sĩ trước đây đã được triển lãm trong Bảo tàng Vatican, khen ngợi tính trách nhiệm ngài đã chứng kiến trong đội Vệ binh Thụy sĩ.
“Sự đĩnh đạc và tinh thần sẵn sàng mà chúng ta luôn luôn nhận thấy nơi Đội Vệ binh Thụy sĩ không phải là điều gì đó ngẫu nhiên,” ngài nói. “Nó đòi hỏi sự lao động căng thẳng. Nó thực sự là nghệ thuật.”
[Nguồn:holyseemission]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/10/2016]


GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Dũng khí trong Sứ vụ

GIÁO HUẤN KINH TRUYỀN TIN: Dũng khí trong Sứ vụ

‘Hôm nay là thời gian của sứ vụ và của dũng khí!’
23 tháng 10, 2016
Pope Francis during the Angelus of 23 august 2015
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau kinh Truyền tin giữa trưa với những người tập trung ở Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Trước kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Bài đọc hai của phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta lời huấn giáo của Thánh Phaolo cho Ti-mô-thê, môn đệ của ngài, phản ánh về cách sống của ngài là một Tông đồ hoàn toàn tận hiến cho sứ vụ (2 Tm 4,6-8.16-18). Nhìn thấy mình đang gần giai đoạn cuối của hành trình nơi dương thế, Phaolo miêu tả nó theo ba giai đoạn: hiện tại, quá khứ, tương lai.
‘Hiện tại,’ Thánh Phaolo diễn giải nó bằng phép ẩn dụ của sự hy sinh: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế” (c. 6). Về ‘quá khứ’, Thánh Phaolo dẫn về cuộc sống đã qua bằng những hình ảnh như “cuộc chiến cao đẹp” và “cuộc thi đấu” của một người giữ vững được niềm tin và trách vụ (c. 7), từ đó dẫn đến ‘tương lai,’ ngài tín thác vào sự ghi công của Thiên Chúa, Người là vị “thẩm phán chí công” (c. 8). Nhưng sứ vụ của Phaolo rất hiệu quả, công chính và trung thành, chỉ nhờ vào sự gần gũi và sức mạnh của Thiên Chúa, điều đã làm cho ngài trở thành người rao giảng Tin mừng cho tất cả các dân tộc. Đây là lời  của ngài: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (v. 17).
Trong đoạn tự truyện này của Thánh Phaolo, Giáo hội, đặc biệt hôm nay, ngày Khánh nhật Truyền giáo, với chủ đề “Giáo hội Truyền giáo, một chứng nhân lòng thương xót,” được phản tỉnh lại.Trong Phaolo, cộng đoàn Ki-tô hữu tìm thấy mẫu gương của niềm tin rằng chính trong sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ làm cho công việc tông đồ và công việc rao giảng có hiệu quả. Kinh nghiệm của Thánh Tông đồ đối với dân ngoại nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta phải gắn chắt vào trong những hoạt động tông đồ và thừa sai, về một mặt coi như kết quả tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta, với tinh thần hy sinh của một vận động viên không bỏ cuộc, thậm chí đang phải đối mặt với sự thất bại; tuy nhiên, mặt khác chúng ta phải biết rằng sự thành công thực sự của sứ vụ của chúng ta là một món quà của ân sủng: chính Chúa Thánh Thần làm cho sứ vụ của Giáo hội trên thế giới được có kết quả. Hôm nay là thời gian của sứ vụ và thời gian của dũng khí! Can đảm để làm vững mạnh những bước đi không vững, can đảm để cam kết bản thân chúng ta với Tin mừng, để lấy lại lòng tự tin trong sức mạnh mà sứ vụ đem lại. Đây là thời gian của dũng khí, mặc dù dũng khí không có nghĩa không có sự bảo đảm thành công. Điều đòi hỏi nơi chúng ta là dũng khí để thi đấu, không cần thiết là phải chiến thắng; để loan báo, không cần thiết là phải đưa người khác trở lại đạo. Chúng ta được đòi hỏi phải có dũng khí để sẵn sàng không phải lúc nào cũng chiều theo trần gian, nhưng cũng không trở nên thích tranh cãi và gây hấn. Một đòi hỏi nữa đối với chúng ta là dũng khí mở rộng lòng ra với tất cả, để không bao giờ làm nhẹ bớt tính tuyệt đối và tính duy nhất của Đức Ki-tô, Đấng Cứu tinh của muôn loài. Chúng ta được đòi hỏi phải có dũng khí đứng lên trước những người không tin, nhưng không vì sự kiêu căng. Chúng ta cũng được đòi hỏi phải có dũng khí của người thu thuế trong Tin mừng hôm nay, người này với lòng khiêm nhường, thậm chí không dám hướng mắt lên trời, nhưng chỉ đấm ngực nói rằng: “Ôi lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội.” Hôm nay là thời gian của dũng khí! Hôm nay, chúng ta phải có lòng dũng khí!
Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, mẫu gương của Giáo hội “ra đi,” và vâng nghe theo Thánh Thần, giúp tất cả chúng con, qua Bí tích Rửa tội, trở thành những tông đồ thừa sai đem thông điệp cứu rỗi đến toàn thể gia đình nhân loại.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]

Sau kinh Truyền tin:
Lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha cho Iraq:
Trong những giây phút thảm kịch này, tôi bày tỏ sự gần gũi với toàn thể dân tộc Iraq, đặc biệt những người ở thành phố Mosul. Chúng ta bị rúng động bởi những hành động bạo lực tàn ác đã quá nhiều lần chỉ nhắm chống lại những công dân vô tội, cả người Hồi giáo và Ki-tô giáo, và tất cả những người thuộc các sắc tộc và tôn giáo khác. Tôi quá đau buồn khi nghe tin những vụ giết máu lạnh của những trẻ em trong mảnh đất thân yêu đó, trong đó có nhiều trẻ em nạn nhân. Sự tàn ác này làm chúng ta phải khóc lên, không cất lên thành lời. Lời của sự hiệp nhất cùng với nhớ đến trong lời cầu nguyện cho Iraq, trong khi vẫn còn đang đau khổ, vẫn có thể vững bước trong hy vọng để có thể tiến bước về một tương lai an toàn, thống nhất và hòa bình. Vì vậy, tôi xin tất cả chúng ta cùng hiệp thông với tôi dâng lời cầu nguyện trong thinh lặng …

Ave Maria….
Anh chị em thân mến,
Cha xin gửi lời chào thân ái đến những khách hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, bắt đầu là người Ba lan đang kỷ niệm tại đây ở Roma và ở quê nhà 1050 năm hiện diện của Ki-tô giáo tại Ba lan.
Cha xin chào mừng những tham dự viên của Năm Thánh các Ca đoàn của Ý, những người chạy thư tín đại diện cho Pro Loco của Ý, và giới trẻ của các hiệp hội huynh đệ của các giáo phận của Ý.
Và có các nhóm tín hữu từ nhiều giáo xứ của Ý: cha không thể đến chào từng người từng người, nhưng cha động viên tất cả hãy kiên gan bền chí trên hành trình đức tin. Một lời chào đặc biệt xin gửi đến cộng đoàn Peru của Roma, đang tập họp nơi đây với linh ảnh Chúa Đóng đinh Señor de los Milagros.
Cha xin cảm ơn tất cả và xin chào thân ái. Xin chúc một Chúa nhật tốt lành! Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]


[Nguồn:zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/10/2016]