Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chìa khóa để mở rộng Nước Chúa? Sự vâng nghe, không phải những sơ đồ cấu trúc tổ chức

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chìa khóa để mở rộng Nước Chúa? Sự vâng nghe, không phải những sơ đồ cấu trúc tổ chức

Tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Phanxico cảnh báo chống lại tính nguyên tắc cứng ngắc
25 tháng 10, 2016
Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha
L'Osservatore Romano
Nước Thiên Chúa lớn lên qua sự vâng nghe của các thành viên trong đó, chứ không phải qua những sơ đồ cấu trúc tổ chức.
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến điều này cho các tín hữu trong Thánh lễ sáng nay  tại nhà nguyện Thánh Marta, rút ra từ các bài đọc trong ngày nói về Nước Chúa.
Lưu ý rằng Nước Chúa không thể lẫn lộn với một cơ cấu cố định, vì nó liên tục phát triển và lớn lên, ngài nhấn mạnh rằng Luật của Chúa không chỉ để học hỏi nghiên cứu, nhưng còn để chúng ta noi theo để thực thi trên hành trình cuộc đời của chúng ta.
“Vậy Nước Chúa là gì?” Đức Phanxico đặt câu hỏi. “À, có lẽ Nước Chúa là một cơ cấu vô cùng rõ ràng, mọi thứ đều đâu ra đấy, có các sơ đồ cơ cấu tổ chức rạch ròi, mọi thứ và mọi người không đi vào (cơ cấu này) là không thuộc về Nước Chúa.
“Không,” ngài cảnh báo, “Điều gì xảy ra với Nước của Thiên Chúa cũng giống như với Lề Luật: bất biến, cứng ngắc … Lề Luật là để tiến bước, Nước Thiên Chúa là tiến bước, nó không đứng im. Còn gì nữa: Nước Thiên Chúa là tự canh tân mỗi ngày.”
Hành trình của men bột và hạt giống
Trong dụ ngôn của Chúa Giê-su về những điều trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, Đức Phanxico nhắc nhở, ngài nói rằng men bột không còn giữ nguyên là men nữa, vì nó phải được hòa trộn với bột, nó đang “trên hành trình” trở thánh bánh. Cũng vậy, Đức Thánh Cha nhắc lại Chúa Giê-su đã cho thấy một hạt giống không thể còn nguyên là một hạt giống, vì nó phải chết đi và trao tặng sự sống cho một cây.
Men bột và hạt giống đều trên hành trình biến đổi thành cái khác, Đức Thánh Cha giải thích, tuy nhiên trên con đường biến đổi như vậy, chúng phải chết.
“Đó không phải là vấn đề của sự nhỏ bé, hãy cứ nên nhỏ bé, cũng chẳng phải là điều nhỏ nhặt hay to lớn. Đó là vấn đề của hành trình, và khi trên hành trình này thì sự biến đổi xảy ra,” ngài nói.
Đừng quá nguyên tắc!
Liên tục lần thứ hai, Đức Phanxico lại một lần nữa cảnh báo chống lại việc trở thành một con người cứng ngắc theo Lề Luật, nhưng không tiến bước theo hành trình và có một thái độ quá nguyên tắc.
“Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta có thái độ gì để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên và trở thành bánh cho muôn người và cũng là ngôi nhà cho tất cả?” ngài đặt câu hỏi.
“Vâng nghe: Nước Thiên Chúa lớn lên qua sự vâng nghe theo sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Bột không còn là bột nhưng trở thành bánh vì nó nghe theo sức mạnh của men, và men để cho nó được hòa trộn vào với bột … Cha không biết nữa, bột không có cảm nhận nhưng vẫn để cho nó được hòa trộn nên chúng ta có thể nghĩ rằng có sự đau khổ trong này, đúng không? Nước Chúa cũng vậy, Nước Chúa cũng lớn lên theo cách này và để rồi trở thành bánh cho muôn người.”
Cũng như bột thuận theo sự biến đổi của men, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục, hạt giống cũng vậy, nó để cho bản thân được đâm chồi và mất giá trị là một hạt giống để trở thành một cái gì đó lớn hơn: nó biến đổi chính bản thân.
Tương tự như vậy, ngài lưu ý, Nước Chúa tự canh tân mỗi ngày, đi trên hành trình “tiến về hy vọng” và “hành trình tiến đến sự hoàn thiện.”
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng nếu các Ki-tô hữu không đi theo hành trình tiến tới, họ trở nên quá nguyên tắc, và tính nguyên tắc này “làm cho họ trở thành những người con mồi côi không có Cha.”
“Một người quá nguyên tắc chỉ có ông chủ chứ không có người cha. Nước Thiên Chúa giống như một người mẹ lớn lên và hy sinh bản thân, cho đi bản thân để các con cái của mẹ có thức ăn và nhà ở, theo mẫu gương của Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng lời khuyến khích tất cả các tín hữu hôm nay hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban họ ân sủng biết vâng nghe.
“Rất nhiều lần chúng ta không vâng nghe theo lương tâm của chúng ta mách bảo, hay những phán xét của chúng ta. ‘Nhưng tôi làm theo những gì tôi muốn …’ Nước Thiên Chúa không lớn lên theo cách này và chúng ta cũng không thể lớn lên. Chính sự vâng nghe theo Thánh Thần làm cho chúng ta lớn lên và được biến đổi như men bột và hạt giống. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả ân sủng của sự vâng nghe này.”
Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha
Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha
Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha
Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha
Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha


[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/10/2016]


Các vị thánh của lòng thương xót

Các vị thánh của lòng thương xót

7 bài học yêu thương cho Năm Thánh


JOSEPH PRONECHEN, STAFF WRITER

Chủ nhật, 23 tháng 10, 2016 8:50 AM
Article image
Trong bài giảng của lễ Phong Thánh Faustina Kowalska, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nhắc nhở các tín hữu rằng Đức Ki-tô dạy chúng ta “con người không chỉ biết đón nhận và trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa , nhưng cũng được kêu gọi để thể hiện lòng thương xót đối với tha nhân: ‘Phúc cho những ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương’ (Mt 5:7). … Chúa Giê-su đã cúi mình xuống trước mọi cảnh nghèo khổ của con người cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong năm Thánh lòng Thương xót này, các vị thánh có nhiều điều để dạy chúng ta. Các ngài nên thánh vì thực hành những mối phúc của lòng thương xót và những hành động thánh đức khác.
“... Điều này dẫn đến ‘những mối phúc của lòng thương xót’, thương hồn và thương xác. Ở đây lòng thương xót trở thành một con đường cụ thể để trở nên “người anh em” của những anh chị em thiếu thốn nhất.”
Và cũng như Đức Thánh Cha Phanxico đã nói, “Một chút lòng thương xót sẽ làm cho thế giới bớt lạnh lùng hơn và công bằng hơn.”
Có bảy vị thánh đã làm như vậy.
Thánh Teresa Calcutta
Thánh Teresa Calcutta mới được tuyên phong là một mẫu gương sáng chói. Mẹ đã đón những người đang hấp hối và người nghèo từ những khu ổ chuột, đối xử với họ với sự tốt lành bao la và trả lại cho họ phẩm giá, cho họ ăn và đứng bên họ khi họ đang hấp hối vì nhiều căn bệnh khác nhau.
Mẹ gọi họ là “Giê-su ẩn mình.” Và mẹ làm những công việc của lòng thương xót này với một sự vui mừng lớn lao: “Hãy giữ lấy sự mừng vui của tâm hồn yêu Chúa và chia sẻ niềm vui này với tất cả những người bạn gặp, đặc biệt trong gia đình của bạn,” Mẹ Teresa nói.
“Hãy nói nhẹ nhàng với họ. Hãy luôn giữ sự tốt lành trên khuôn mặt của bạn, trong đôi mắt của bạn, trong nụ cười của bạn, trong sự ấm áp của lời chào của bạn. Hãy luôn có nụ cười vui tươi. Không chỉ cho họ sự chăm sóc, hãy cho họ cả con tim của bạn.”
Mẹ cũng nói với chúng ta hãy tìm ra những sứ vụ thương xót của riêng mình: “Calcutta có ở khắp nơi, nếu chúng ta có con mắt nhìn thấy. Hãy tìm Calcutta của bạn.”
Mẹ nhấn mạnh: “Chúa Giê-su đã nói rất rõ: bất cứ điều gì anh em làm cho những người bé mọn nhất trong những người anh em ở đây, là anh em làm cho chính tôi. Cho một chén nước uống, là anh em cho tôi. Đón nhận một em nhỏ, là anh em đón nhận tôi.”
Thánh Ca-tê-rin thành Siena
Ở thế kỷ 14, Thánh Ca-tê-rin thành Siena đã đưa lòng thương xót bao la vào thực hành trong suốt 33 năm cuộc đời của thánh nhân. Được Chân phước Phaolo VI tuyên phong Tiến sĩ Giáo hội, một giáo dân trong Hội Dòng Ba Đa-minh kiên nhẫn khuyên nhủ, cố vấn tinh thần và cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người gặp khó khăn tìm đến sự giúp đỡ của thánh nhân. Có 3 linh mục được đặt vào vị trí không thực hiện trách vụ nào khác ngoài việc ngồi giải tội cho những người đến nhờ thánh nhân tư vấn. Thánh nhân thậm chí là người cố vấn cho các đức giáo hoàng.
Đồng thời, cũng giống rất nhiều các vị thánh khác, thánh Ca-tê-rin gắn chặt vào với những công việc như chăm sóc bệnh nhân và cho người già ăn. Không hề e sợ, thánh nhân chăm sóc cho những người bị nhiễm bệnh trong suốt thời gian có dịch, an ủi người hấp hối và thậm chí tự mình đi chôn những người chết.
Rất nhiều lần, hành động của thánh nhân thậm chí như siêu nhiên. Ví dụ, trong tay của thánh nhân, thức ăn được tăng gấp lên nhiều lần bởi Thiên Chúa. Thánh nhân đã kiên nhẫn chăm sóc một người phụ nữ, bị xua đuổi khỏi thành phố vì chứng bệnh phong hủi kinh khủng, trước sự cay đắng của người phụ nữ. Cuối cùng người phụ nữ đã trở lại đạo nhờ lời cầu nguyện của nữ thánh và sự chăm sóc kiên nhẫn cận kề.
Rất nhiều người khác đã trở lại nhờ lời cầu nguyện của thánh Ca-tê-rin và những hy sinh cho sự trở lại của những tội nhân. Công việc hàng ngày của thánh nhân thực sự là lòng thương xót bằng hành động.
Thánh Pi-ô
Ai có thể dám nghi ngờ về tấm gương của lòng thương xót bằng hành động của thánh Pi-ô thành Pietrelcina? Qua việc ngồi tòa giải tội suốt 12 tiếng mỗi ngày, thánh Padre Pi-ô đã đem lòng thương xót đến cho không biết bao nhiêu tội nhân ăn năn trở lại, trao cho họ sự tha thứ và sự hoán cải.
Như Thánh Gioan Phaolo II  nói về thánh nhân, “Thánh Padre Pio là một người phân phát quảng đại lòng thương xót của Thiên Chúa.”
Tuy nhiên, thánh nhân vẫn nhìn thấy nhu cầu cần lòng thương xót cho riêng mình, ngài nói, “Chúa Giê-su vẫn yêu tôi và kéo tôi lại gần Người hơn. Người đã quên đi tội lỗi của tôi, và tôi có thể nói rằng Người chỉ nhớ duy nhất lòng thương xót của Người. Mỗi sáng, Người đi vào tâm hồn tôi và tuôn đổ tất cả mọi nguồn ơn tốt lành của Người.”
Thánh Tê-rê-sa
Thánh Tê-rê-sa thành Lisieux, Bông Hoa Hồng nhỏ, cũng là một người thực hành lòng thương xót — tất cả theo “Con đường nhỏ bé” của ngài.
Như thánh nhân kể cho chúng ta nghe trong tự truyện của ngài, Câu chuyện của một tâm hồn, “Trên tất cả tôi bắt mình phải thực hành những công việc nhân đức nhỏ bé thầm lặng; vì vậy tôi thích gấp những áo choàng bị các chị  nữ tu để quên và tìm hàng ngàn cơ hội để đáp trả lại sự phục vụ của các chị.”
“Tôi phải tìm đến bầu bạn với những chị, theo bản tính tự nhiên, ít làm tôi vui lòng nhất. Tôi phải hoàn thành vai trò của người Sa-ma-ri tốt lành thông qua họ,” thánh nhân cũng viết về mục tiêu lòng thương xót của mình. “Một lời nói, một nụ cười hiền hậu cũng đủ để làm ấm lên một tâm hồn tổn thương và đau buồn.”
Thánh nhân chân thành an ủi những người đau buồn. Và rất nhiều lần, cũng giống như thánh Ca-tê-rin thành Siena, thánh nhân đã phải thực hành mối phúc thương hồn qua việc kiên nhẫn chịu đựng những người làm mất lòng thánh nhân.
Thánh Marianne Cope
Thánh Marianne Cope đã giúp thành lập 2 bệnh viện Công giáo đầu tiên ở trung tâm New York. Tại bệnh viện Thánh Giu-se ở Syracuse, thánh nhân bị chỉ trích là điều trị cho những người bị vứt bỏ ra ngoài xã hội, trong đó có những người nghiện rượu. Nhưng điều đó cũng không bao giờ ngăn được thánh nhân tiếp tục cho họ dư tràn sự chăm sóc tốt lành.
Năm 1883, một lá thư gửi đến yêu cầu thánh nhân ra quần đảo Hawaii để phục vụ những người bị bệnh phong cùi. Thánh nhân viết: “Tôi đang khát công việc, và bằng trọn con tim tôi mong ước được là một trong những người được chọn với đặc ân là hy sinh bản thân vì ơn cứu độ cho những linh hồn của những người nghèo trên đảo. … Niềm vui lớn lao nhất của tôi là được làm thừa tác vụ với những “người phong hủi” bị gạt bỏ ra ngoài.”
Cùng với 6 nữ tu, Thánh Marianne ban đầu quản lý bệnh viện Oahu đón nhận những bệnh nhân bị phong hủi. Các nữ tu cũng chăm sóc cho con cái của các bệnh nhân, những trẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Khi chính phủ chuyển những người phong cùi tới đảo Molokai, Mẹ Marianne và các nữ tu khác cũng đi theo.
Các soeur đã giúp cha Damien de Veuster khi hấp hối, ngài cũng đã được phong thánh, và điều hành các nhà cho các em gái và trai. Thánh nữ nói rằng nhiệm vụ chính của các nữ tu là “làm cho cuộc sống trở nên vui tươi và thoải mái càng nhiều càng tốt cho những con người tạo vật mà Chúa đã cho để trao cho sự đau đớn do căn bệnh kinh khủng này gây ra.”
Lời nói của thánh nữ cho thấy lòng khát khao được thực hành lòng thương xót: “Trái tim tôi rướm máu vì những trẻ em, và tôi luôn bồn chồn và khát khao được giúp đem một chút ánh nắng thái dương vào trong cuộc sống u ám của các em.”
Thánh Faustina và Thánh Gioan Phaolo
Thánh Faustina không chỉ mang đến cho thế giới thông điệp Lòng Chúa thương xót của Chúa Giê-su trao, nhưng thánh nữ còn thực hiện lòng thương xót đó, ngay cả trong sự phục vụ bé nhỏ như mang xách hành lý tại cổng nhà dòng.
“Ôi, con thật hạnh phúc được các bề trên trao cho con một công việc như vậy!” thánh nữ thốt lên. “Con hiểu rằng lòng thương xót gồm nhiều khía cạnh khác nhau; người ta có thể luôn làm việc tốt lành mọi lúc và mọi nơi. Một tình yêu cháy bỏng của Thiên Chúa luôn nhìn thấy xung quanh những cơ hội để chia sẻ lòng thương xót đó qua những công việc, lời nói và lời cầu nguyện” (Nhật ký của Thánh Faustina, 1313).
Những thôi thúc sự đáp lời này trong Thánh Faustina là một trải nghiệm tương tự như của thánh Martin thành Tours đã trải nghiệm nhiều thế kỷ trước. Thánh nữ miêu tả câu chuyện trong nhật ký của mình (1312):
“Chúa Giê-su đã đến trước cổng chính hôm nay, dưới hình hài của một thanh niên nghèo. Người thanh niên này, gầy còm hốc hác, chân không, đầu trần, và bộ quần áo tả tơi, bị lạnh cóng vì ngày hôm nay rất lạnh và có mưa. Anh đã xin có miếng gì nóng để ăn. Vì vậy tôi chạy vào trong bếp, nhưng chẳng tìm được gì cho người nghèo. Nhưng rồi sau một lúc sục sạo tìm kiếm, tôi đã tìm được ít súp, tôi hâm nóng lại và bỏ vào đó ít miếng bánh mì; và tôi đã trao cho người thanh niên, anh ta ăn nó. Và khi tôi lấy cái tô từ tay anh, anh cho tôi biết rằng anh là Chúa của trời đất. Khi tôi nhìn chăm chú lại con người của anh, anh liền biến mất khỏi mắt tôi. Khi tôi trở lại và suy tư lại những gì đã xảy ra tại cổng, tôi nghe thấy những lời này trong lòng tôi: Con của ta, những lời  chúc lành của những người nghèo dành cho ta khi họ rời khỏi cánh cổng này đã chạm đến tai của ta. Và lòng thương xót của con, trong những giới hạn của sự vâng lời, đã làm ta vui lòng, và đây là lý do ta từ trên ngai vàng bước xuống — để nếm trải vị ngọt của lòng thương xót của con.”
Khi thánh Gioan Phaolo II nhắc nhở các tín hữu tại Đền thờ Lòng Chúa Thương xót ở Krakow, Ba lan, năm 1997, “Không có gì cần thiết hơn cho con người bằng Lòng Thương Xót của Chúa — tình yêu đó là nhân từ, là thương xót, là nâng con người lên tới những đỉnh cao vô biên từ sự yếu đuối, lên đến sự thánh thiện của Thiên Chúa.”
Đức Giáo hoàng người Ba lan là một sứ giả của  lòng thương xót, công bố tình yêu vô biên của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất — thậm chí còn thể hiện lòng thương xót cho người đã tìm cách ám sát ngài năm 1981.
Ngài là vị giáo hoàng đã công bố thông điệp Lòng Chúa Thương Xót cho thế giới, qua việc phong thánh cho Thánh nữ Faustina là vị thánh đầu tiên của thiên niên kỷ mới và ban bố sự sùng kính Lòng Chúa Thương xót rộng khắp vào Chúa nhật thứ hai Phục sinh.
Những vị thánh này, và còn rất  nhiều vị thánh khác, dạy chúng ta rằng chúng ta có thể thể hiện lòng thương xót bất cứ nơi nào Thiên Chúa đặt chúng ta vào — có thể bằng hành động, lời nói hay cầu nguyện
Như Chúa Giê-su giải thích ba mức độ của  lòng thương xót cho Thánh Faustina:
“Thứ nhất: hành động thương xót, bất kỳ hành động nào. Thứ hai: lời nói thương xót — nếu tôi không thể thực hiện được công việc lòng thương xót, tôi sẽ thực hiện bằng lời nói của tôi. Thứ ba: cầu nguyện — nếu tôi không thể thực hiện lòng thương xót bằng hành động hay lời nói, tôi luôn có thể làm việc đó bằng sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện của tôi sẽ tiến đến những nơi tôi thậm chí không thể đến bằng con người mình.”

[Nguồn:ncregister]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/10/2016]


Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'

Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'

Pope Francis celebrates Mass at the Casa Santa Marta - OSS_ROM
Đức Thánh Cha dâng Lễ trong nhà nguyện thánh Marta - OSS_ROM
24/10/2016 12:51
(Vatican Radio) Thứ Hai Đức Thánh Cha Phanxico cảnh báo chống lại sự cứng ngắc quá mức và nói Thiên Chúa cho chúng ta sự tự do và lòng nhân hậu để trở nên thương xót.
Ngài trình bày trong bài giảng Lễ sáng trong nhà nguyện Thánh Marta.
Lấy ý từ bài đọc Tin mừng trong ngày kể việc Chúa Giê-su, khi đang giảng dạy trong hội đường, đã chữa lành một người phụ nữ bị què và làm dấy lên sự tức giận của những người được gọi là công chính, Đức Thánh Cha Phanxico nói “giữ theo con đường được dẫn dắt bởi Luật của Chúa không dễ dàng.
Bài đọc theo Thánh Mát-thêu kể cho chúng ta biết hành động của Chúa Giê-su đã làm dấy lên cơn thịnh nộ của người chủ đền thờ, người đó đã “tức giận vì Ngài chữa lành một phụ nữ trong ngày Sa-bát” vì - ngài nói - Giê-su đã phạm Luật của Chúa khi làm việc trong ngày Sa-bát đáng lẽ phải dành để nghỉ ngơi và tôn thờ.
Và ngài cho thấy việc Chúa Giê-su đáp trả bằng cách gọi những người lãnh đạo đền thờ là ‘đạo đức giả’, Đức Thánh Cha nhận xét đây là một cáo buộc mà Chúa Giê-su thường gán cho những người tuân theo Luật một cách cứng ngắc. “Luật – ngài giải thích – không phải đặt ra để bắt chúng ta làm nô lệ nhưng là để giải phóng chúng ta, được làm con cái Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha nói, luôn luôn có một điều gì đó ẩn giấu sau sự cứng ngắc! Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su sử dụng từ ‘đạo đức giả!’:
“Đằng sau thái độ cứng ngắc luôn luôn có một điều gì đó trong đời sống của một con người. Sự cứng ngắc không phải là ân tứ của Thiên Chúa. Ân ban của Người là lòng nhân hậu, sự tốt lành, sự nhân đức, lòng tha thứ. Nhưng sự cứng ngắc thì không!” ngài nói.
Đức Thánh Cha tiếp tục, trong nhiều trường hợp sự cứng ngắc tiết lộ tình trạng cuộc sống hai mặt; nhưng, ngài nói, cũng có thể có điều gì đó do bệnh lý.
Nhận xét về những khó khăn và sự khổ sở làm phiền muộn một con người vừa cứng ngắc vừa thẳng thắn, Đức Thánh Cha nói rằng đây là vì họ thiếu sự tự do của con cái của Thiên Chúa: “họ không biết bước theo con đường được hướng dẫn bởi Lề Luật của Thiên Chúa.”
“Họ có vẻ tốt lành vì họ theo Luật; nhưng họ đang giấu giếm một điều gì khác: hoặc là họ là đạo đức già, hoặc họ mang một bệnh lý. Và họ khổ sở!” ngài nói.
Đức Thánh Cha Phanxico cũng nhắc lại dụ ngôn người con hoang đàng trong đó người anh, người luôn cư xử tốt đẹp, đã tức giận vì cha của anh ta đã vui mừng chào đón đứa con út trở về vì nó đã ăn năn sau khi sống một cuộc đời trác táng. Thái độ này - Đức Thánh Cha giải thích - cho thấy những gì ẩn sau một hình thức tốt lành nào đó: “lòng kiêu căng tin tưởng vào sự công chính của một người.”
Đức Thánh Cha nói, người con cả đã quá cứng ngắc và đã sống đời sống tuân theo Luật nhưng chỉ nhìn đến cha mình như là một ông chủ. Đứa con kia đã gạt các luật ra một bên, trở về với cha mình trong thời gian đen tối, và cầu xin sự tha thứ.
Ngài nói “giữ theo con đường được dẫn dắt bởi Luật của Chúa không dễ dàng.”
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng lời nguyện sau:
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta, những người luôn nghĩ rằng bằng cách giữ thái độ cứng ngắc là họ đang bước theo con đường của Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa làm cho họ cảm nhận rằng Ngài là Cha của chúng ta và Ngài yêu thương lòng thương xót, lòng nhân từ, sự tốt lành, sự dịu dàng, lòng khiêm nhường. Và nguyện xin Người dạy cho tất cả chúng ta biết bước trên con đường của Chúa bằng những thái độ này.”
Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'
Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'
Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'
Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'
Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'
Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'
Đức Thánh Cha: ‘Thiên Chúa kêu gọi chúng ta biết thương xót, đừng nguyên tắc'


[Nguồn:  radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/10/2016]