Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

PHỎNG VẤN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO

PHỎNG VẤN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
Phần 1
Nhân chuyến Tông Du của ngài đến Thụy Điển.
Ulf Jonsson S.J.
© La Civilta Cattolica
PHỎNG VẤN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
BẢN DỊCH TIẾNG ANH CỦA “LA CIVILTA CATTOLICA”
Trong một cuộc họp với các biên tập viên của các tập san văn hóa Châu Âu của Dòng Tên, giữa tháng Sáu, tôi trình bày với Cha Antonio Spadaro, biên tập viên của tờ La Civilta Cattolica, mong muốn tôi đã ấp ủ trong lòng: được phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxico trước chuyến Tông Du của ngài đến Thụy Điển, ngày 31 tháng 10, 2016, để tham dự kỷ niệm đại kết 500 năm của Tin Lành Cải Cách Luther. Tôi nghĩ phỏng vấn là một cách tốt hơn để chuẩn bị một thông điệp cho đất nước mà Đức Thánh Cha sẽ mang đến cho dân tộc trong suốt chuyến thăm của ngài. Là giám đốc của tập san văn hóa Thụy Điển, Signum, tôi nghĩ mục tiêu này rất phù hợp với sứ mạng của chúng tôi.

Chủ nghĩa đại kết — là đối thoại giữa các tôn giáo, và cả với những người không thuộc tôn giáo nào — là một quan tâm rất  lớn của Đức Thánh Cha. Ngài đã diễn tả nó theo nhiều cách khác nhau. Nhưng trên hết chính ngài là con người của sự hòa giải. Ngài Phanxico rất tin tưởng rằng con người phải vượt qua được những biên giới và rào cản, dưới bất kỳ hình thức nào. Ngài tin tưởng vào điều mà ngài gọi là “văn hóa gặp gỡ.” Và nhờ vậy tất cả mọi người có thể hợp tác trong những thiện ích chung của nhân loại. Tôi muốn quan điểm này của ngài Phanxico chạm đến được những tâm hồn và con tim trước khi Đức Thánh Cha đến Thụy Điển. Phỏng vấn là phương cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này. Tôi trình bày điều này với Cha Spadaro, tôi đã tiếp tục trình bày suy tư với ngài đến tháng Tám, thời điểm chúng tôi đi đến kết luận chung đây thực sự là một thời gian thích hợp để trình bày thỉnh cầu này với Đức Thánh Cha trên tinh thần là ngài cân nhắc quyết định có đáp ứng được thỉnh cầu hay không. Đức Thánh Cha cần một thời gian để suy nghĩ về cơ hội này. Cuối cùng, câu trả lời thật phấn khởi và ngài cho chúng tôi một cuộc hẹn tại nhà nguyện Thánh Marta, thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016, lúc chiều muộn.
Đó là một ngày đẹp trời, cả nhiệt độ và độ trong xanh bầu trời. Xuyên qua dòng giao thông trên xe với Cha Spadaro, tôi cảm thấy rất hồi hộp, nhưng hài lòng. Chúng tôi đến sớm trước 15 phút so với giờ đã hẹn. Chúng tôi nghĩ là phải đợi, nhưng thay vì vậy chúng tôi ngay lập tức được mời lên tầng trên, tầng có phòng riêng của Đức Thánh Cha. Khi thang máy mở, tôi nhìn thấy một vệ binh Thụy sĩ chào chúng tôi rất lịch sự. Tôi nghe thấy giọng của Đức Thánh Cha nói chuyện rất thân tình với ai đó bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng không nhìn thấy ngài. Khi đến một điểm, ngài xuất hiện với hai người đang nói chuyện rất thân mật. Ngài chào tôi và Cha Spadaro với một nụ cười, ra hiệu cho chúng tôi đi vào phòng của ngài. Ngài sẽ vào sau một lát.
Tôi thật sự kinh ngạc với tính giản dị và cách thể hiện sự thân tình nồng hậu trong cách chào đón của ngài. Ở dưới bàn tiếp tân chúng tôi được báo rằng Đức Thánh Cha đã có một ngày dài không nghỉ và vì thế tôi nghĩ chắc ngài phải mệt lắm. Ngược lại, tôi thật ngạc nhiên thấy ngài vẫn đầy tràn sinh lực và thoải mái.
Đức Thánh Cha vào phòng và mời chúng tôi ngồi vào chỗ nào chúng tôi thích. Tôi chọn một ghế dựa thoải mái và Cha Spadaro cũng vậy, ngồi đối diện tôi. Đức Thánh Cha ngồi trên ghế sofa giữa hai ghế của chúng tôi. Tôi muốn giới thiệu bản thân bằng tiếng Ý của mình, rất giới hạn nhưng đủ để hiểu và nói chuyện với ngài. Sau một vài câu hài hước với Đức Thánh Cha, chúng tôi bật máy ghi âm và bắt đầu đàm thoại. Cha Spadaro đã dịch trước một số câu hỏi từ tiếng Anh mà tôi muốn hỏi Đức Thánh Cha và để ngài có chuẩn bị trước, nhưng rồi cuộc nói chuyện của chúng tôi trôi đi một cách rất tự nhiên, trong một không khí rất thân mật và không có một chút khoảng cách giả tạo. Trên tất cả, cuộc đối thoại rất thẳng thắn, cởi mở và không có không khí đặc trưng thường thấy của việc gặp gỡ những vị lãnh tụ cao cấp hay những nhân vật quan trọng. Tôi chả còn một chút hoài nghi nào về sự thật rằng Đức Thánh Cha Phanxico rất thích đối thoại và giao tiếp với mọi người. Thỉnh thoảng ngài ngừng một chút để suy nghĩ trước khi trả lời, và những câu trả lời của ngài luôn chuyển tải một tinh thần suy tư sâu lắng, nhưng không nặng nề hay buồn. Ngược lại, trong suốt buổi nói chuyện rất nhiều lần ngài cho chúng tôi những câu nói dí dỏm của ngài.

--------------------------------------------------

Thưa Đức Thánh Cha, ngày 31 tháng 10 này cha sẽ đi thăm Lund và Malmo Kỷ niệm đại kết 500 năm của giáo hội Tin lành Cải cách, được Liên Đoàn Luther Quốc tế và Hội đồng Giáo hoàng Cổ vụ Hợp nhất Ki-tô hữu tổ chức. Cha có những hy vọng và mong chờ gì đối với sự kiện lịch sử này?

Tôi có thể nghĩ đến một cụm từ duy nhất: xích lại gần hơn. Hy vọng và mong chờ của tôi là đến gần hơn với những anh em chị em của tôi. Sự gần gũi làm những điều tốt đẹp cho chúng ta. Ngược lại, xa cách làm cho chúng ta đau khổ. Khi chúng ta xa cách, chúng ta co cụm lại trong bản thân và chúng ta trở thành những thực thể cá nhân, không thể gặp gỡ nhau. Chúng ta bị đẩy ngược lại vì những sự sợ hãi. Chúng ta phải học cách vượt ra ngoài con người của mình để gặp gỡ anh em. Ngay cả chúng ta là Ki-tô hữu, nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ trở nên bệnh tật vì sự xa cách của chúng ta. Mong chờ của tôi là có thể bước thêm một bước đến sự gần nhau, để tiến đến gần hơn với những anh em chị em ở Thụy Điển.


(Xin quý vị đọc tiếp phần 2 ngày mai)


[Nguồn: radiovaticana]

[Nguồn chính: laciviltacattolica]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/10/2016]


Đức Thánh Cha Phanxico trả lời phỏng vấn trước chuyến đi Thụy điển

Đức Thánh Cha Phanxico trả lời phỏng vấn trước chuyến đi Thụy điển

Pope Francis will visit Sweden from 31 October - 1 November. - REUTERS
Đức THánh Cha Phanxico sẽ thăm Thụy điển từ 31 tháng 10 - 01 tháng 11. - REUTERS
28/10/2016 15:31
(Vatican Radio) Ngài nói trong buổi phỏng vấn (interview) với tập san của dòng Tên La Civiltà Cattolica trước chuyến Tông Du Đại Kết đến Thụy điển. Buổi phỏng vấn do cha Ulf Jonsson S.J., giám đốc tập san văn hóa Thụy điển của Dòng Tên, Signum.
Đức Thánh Cha Phanxico đã đề cập đến buổi gặp gỡ hòa bình liên tôn gần đây ở Assisi, điều mà ngài gọi là “rất quan trọng.”
“Tất cả chúng ta đều nói về hòa bình và chúng ta cầu xin hòa bình,” – Đức Thánh Cha nói – “ Chúng ta cùng nhau lên tiếng thật mạnh mẽ cho hòa bình, đó là điều các tôn giáo thực sự mong muốn.”
Khi được hỏi về sự đau khổ của những Ki-tô hữu ở Trung Đông, Đức Thánh Cha Phanxico gọi vùng đất đó là “vùng đất của các vị tử đạo.”
“Tôi tin rằng Thiên Chúa không để dân của Người một mình,” – Đức Thánh Cha nói – “Người không bỏ rơi họ. Khi chúng ta đọc đến những thử thách khó khăn của dân Israel trong Kinh Thánh hay nhớ lại những thử thách của các vị tử đạo, chúng ta mới thấy được cách Thiên Chúa luôn luôn đến để hỗ trợ dân của Người.”
Mục đích của chuyến đi đến Thụy Điển là đánh dấu kỷ niệm 500 năm bắt đầu Tin Lành Cải Cách, và hầu hết sự thảo luận trong buổi phỏng vấn nói về những hoạt động đại kết.
Nói về khả năng làm phong phú lẫn nhau giữa các cộng đồng Ki-tô giáo, Đức Thánh Cha được hỏi rằng người Công giáo có thể học được điều gì từ Tin Lành Luther.
“Hai cụm từ xuất hiện trong đầu tôi: ‘cải cách’ và ‘Kinh Thánh’,” - Đức Thánh Cha Phanxico nói – “Tôi sẽ cố giải thích. Trước tiên là cụm từ ‘cải cách’. Ngay từ đầu, phái Luther làm một hành động cải cách trong thời gian khó khăn của Giáo hội. Luther muốn cứu vãn tình hình phức tạp. Sau đó hành động này — cũng vì những tình hình chính trị, chúng ta cũng hãy nghĩ đến cụm từ cuius  regio  eius religio (địa hạt của ai, tôn giáo của người đó) — trở thành một ‘tình trạng’ ly khai, chứ không phải là tiến trình cải cách của toàn Giáo hội, đây là điều căn bản, vì Giáo hội là semper reformanda (luôn canh tân).”
“Cụm từ thứ hai là ‘Kinh Thánh’, Lời của Chúa,” – Đức Thánh Cha tiếp tục – “Luther đã thực hiện một bước tiến lớn trong việc đưa Lời của Chúa vào tay của mọi người. Cải cách và Kinh Thánh là hai điều chúng ta có thể đào sâu bằng cách nhìn vào truyền thống của phái Luther. Tổng Công Nghị trước Cơ Mật Viện phải luôn được ghi nhớ trong đầu và làm sao để yêu cầu cải cách phải trở nên thiết thực trong các cuộc thảo luận.”
Sau đó Đức Thánh Cha được hỏi về cách thức hoạt động Đại kết có thể tiến triển như thế nào. Ngài trả  lời rằng “cần phải tiếp tục đối thoại thần học,” và nói đến Tuyên Ngôn Chung về Công Chính Hóa là một điểm quan trọng, nhưng ngài thêm “bước tiến tiếp theo sẽ không dễ vì những cách hiểu khác nhau về một số vấn đề thần học.”
“Cá nhân tôi tin rằng lòng nhiệt thành phải chuyển hướng sang cầu nguyện chung và hoạt động của lòng thương xót – những công việc cùng chung tay để giúp người đau bệnh, người nghèo, và người bị tù đày.” – Đức Thánh Cha Phanxico nói – “Cùng làm việc chung là một hình thức đối thoại cấp cao và hiệu quả. Tôi cũng nghĩ đến giáo dục. Làm việc cùng nhau và không mang tính bè phái là vô cùng quan trọng. Có một điểm chúng ta cần phải làm rõ trong mọi trường hợp: khiến người khác cải đạo trong giáo hội là một tội.”

Quý vị có thể đọc toàn văn bản cuộc phỏng vấn trên website La Civiltà Cattolica here.
(Bản dịch Việt ngữ của TRI KHOAN chia làm 2 phần. Phần 1 trong bài đăng tiếp theo của hôm nay. Phần 2 trong bài đăng ngày mai)


[Nguồn:  radiovaticana]

[Chuyển ngữ: 30/10/2016]