Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Malmö

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Malmö

‘Tám Mối Phúc là ấn tín chứng minh của người Ki-tô hữu’
1 tháng 11, 2016
schermata-2016-11-01-alle-10-31-31-740x493
Photo: Twitter - L'Osservatore Romano @Oss_romano
Sáng nay Đức Thánh Cha Phanxico đã dâng Thánh Lễ trong sân vận động Swedbank của Thụy Điển, ngày Lễ Các Thánh. Dưới đây là bản dịch của Vatican bài giảng của ngài:
__
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh. Trong ngày mừng kính này, chúng ta không chỉ nhớ đến những vị đã được tuyên phong thánh qua nhiều thời đại, nhưng cả những anh chị em của chúng ta, những người đã sống đời sống Ki-tô hữu của họ đạt đến sự trọn hảo trong đức tin và tình yêu theo lối đi âm thầm và khiêm nhường.
Về phần chúng ta đó là mừng sự nên thánh. Một sự nên thánh không tìm thấy quá nhiều trong những công việc vĩ đại và những biến cố lớn lao, nhưng hơn thế đó là sự trung tín mỗi ngày cho những đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy của chúng ta. Một sự nên thánh có trong tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh chị em của chúng ta. Một tình yêu luôn duy trì sự tín trung đến mức hoàn toàn vị tha và hoàn toàn yên mến anh em. Chúng ta hãy nghĩ về cuộc sống của tất cả những người mẹ người cha đã hy sinh cho gia đình của họ và sẵn sàng bỏ đi – mặc dù điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng – quá nhiều điều, quá nhiều những kế hoạch và chương trình cho riêng mình.
Nếu có một sự tiêu biểu chung của các thánh, đó chính là họ luôn hạnh phúc. Họ tìm được bí mật của hạnh phúc đích thực nằm sâu thẳm trong tâm hồn và có cội nguồn trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi các thánh là được chúc phúc. Tám Mối Phúc là con đường của họ, là cùng đích của họ, là mảnh đất quê hương của họ. Tám Mối Phúc là con đường của sự sống mà Thiên Chúa dạy chúng ta, để chúng ta có thể đi theo bước chân của Người. Trong Tin mừng của Thánh Lễ hôm nay, chúng ta được nghe Chúa Giê-su công bố Tám Mối Phúc trước một đám đông dân chúng trên đồi gần Biển Hồ Galile.
Tám Mối Phúc là hình ảnh của Đức Ki-tô và tiếp theo là của mỗi người Ki-tô hữu. Ở đây cha xin đề cập đến một mối: “Phúc cho ai hiền lành”. Chúa Giê-su nói về chính Ngài: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Đây là ảnh chân dung tâm hồn của Ngài và nó tỏ lộ thật nhiều tình yêu của Ngài. Hiền lành là một cách sống và hành động kéo chúng ta lại gần hơn với Chúa Giê-su và lại gần với nhau. Nó làm cho chúng ta có thể gạt bỏ sang một bên tất cả những gì chia rẽ chúng ta và làm chúng ta trở nên xa lạ, và tìm ra được những con đường mới để tiến tới trên con đường hiệp nhất. Vì vậy chính những người con của miền đất này, trong đó có Thánh Mary Elizabeth Hesselblad, được tuyên phong gần đây, và Thánh Bridget, Thánh Birgitta của thành Vadstena, cùng là Thánh Bổn mạng của Châu Âu. Các ngài đã cầu nguyện và hoạt động để tạo ra những mối ràng buộc của sự hiệp nhất và tình bằng hữu giữa những người Ki-tô hữu. Một dấu chỉ rất hùng hồn của điều này là ở đây trong đất nước của anh chị em, được đánh dấu bằng sự chung sống của nhiều dân tộc khá nhau, chúng ta cùng kỷ niệm thế kỷ thứ năm của Giáo hội Cải cách. Các thánh đem đến sự thay đổi qua sự nhân từ của con tim. Với sự nhân từ đó, chúng ta hiểu được sự vĩ đại của Thiên Chúa và tôn thờ Ngài với tâm hồn chân thành. Vì nhân từ là thái độ của những người chẳng có gì để mất, vì gia tài duy nhất của họ là Thiên Chúa.
Tám Mối Phúc là ấn tín chứng minh của người Ki-tô hữu. Những mối phúc này chứng minh chúng ta là môn đệ Chúa Giê-su. Chúng ta được kêu gọi để được chúc phúc, để là những môn đệ của Giê-su, để đối mặt với những khó khăn và lo lắng của thời đại chúng ta với thần khí và tình yêu của Chúa Giê-su. Vì vậy chúng ta phải có khả năng nhận biết và trả lời được cho những tình hình mới bằng năng lực tinh thần tươi mới. Phúc cho những ai vẫn giữ vững lòng trung tín khi phải chịu đựng những điều gian ác mà người khác bắt họ phải chịu, và sẵn sàng tha thứ cho họ. Phúc cho những ai biết nhìn vào mắt của những người bị bỏ rơi và bị gạt bỏ ra bên lề xã hội, và thể hiện cho họ sự gần gũi. Phúc cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa nơi mỗi con người, và cố gắng làm cho người khác cũng khám phá ra Người. Phúc cho những ai bảo vệ và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Phúc cho những ai biết từ bỏ sự thoải mái của riêng mình để giúp đỡ người khác. Phúc cho những ai cầu nguyện và làm việc cho sự hiệp nhất giữa những người Ki-tô hữu. Và đây là những sứ giả của lòng thương xót và lòng nhân từ của Thiên Chúa, và chắc chắn họ sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng từ Người.
Anh chị em thân mến, tiếng gọi nên thánh hướng đến tất cả mọi người và phải được đón nhận từ Thiên Chúa trong một thần khí của đức tin. Các thánh khích lệ chúng ta bằng đời sống và sự cầu bầu của các ngài lên trước nhan Chúa, và chính chúng ta cần phải có nhau nếu chúng ta muốn nên thánh. Chúng ta hãy cùng nhau khẩn xin ơn sủng biết đón nhận tiếng gọi này với niềm hân hoan và biết chung sức để đem nó đến sự hoàn thiện. Lạy Mẹ Thiên Quốc, Nữ Vương Các Thánh, chúng con xin phó thác những ý định của chúng con và sự đối thoại nhằm mục đích tiến đến hiệp nhất trọn vẹn tất cả các Ki-tô hữu, để chúng con có thể được chúc phúc trong những nỗ lực của chúng con và có thể giữ được sự nên thánh trong tình hiệp nhất.
Pope Mass Sweden Incense Close-up
[Văn bản gốc: Tiếng Tây Ban Nha] [văn bản do Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/11/2016]


Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Sự kiện Đại kết ở Malmö

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Sự kiện Đại kết ở Malmö

“Với chúng ta là những Ki-tô hữu, sự ưu tiên là phải tiến bước để tìm gặp những anh em bị ruồng bỏ và bị gạt ra bên lề của thế giới chúng ta, và làm cho họ cảm nhận được tình yêu nhân từ và thương xót của Thiên Chúa, Người không chối bỏ một ai nhưng là chấp nhận tất cả”
31 tháng 10, 2016
Pope Francis in Sweden close-up
Dưới đây là bản dịch của Vatican bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico chiều nay ở Thụy Điển, trong sự kiện đại kết được tổ chức tại Malmö Arena ở Malmö. Bài diễn từ của Đức Thánh Cha được tiếp nối bằng bốn chứng nhân.
__
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Sự kiện Đại kết ở Malmö
Anh chị em thân mến,
Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì dịp kỷ niệm chung 500 năm này của Giáo hội Cải cách. Chúng ta nhớ đến dịp kỷ niệm này bằng một thần khí được canh tân và trong tinh thần nhận biết sự hiệp nhất Ki-tô, đó là một ưu tiên, vì chúng ta nhận thấy có nhiều điểm làm hiệp nhất chúng ta hơn là những điểm chia chia cách chúng ta. Chính hành trình chúng ta bảo đảm để đạt được sự hiệp nhất đó là một ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Với sự trợ giúp này, hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây, người Tin lành Luther và người Công giáo, trong tinh thần bằng hữu, hướng cái nhìn chúng ta về Một Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô.
Sự đối thoại của chúng ta đã giúp chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết lẫn nhau; nó đã thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và khẳng định lòng khát khao của chúng ta tiến bước đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Một trong những kết quả của sự đối thoại này là sự hợp tác giữa những tổ chức khác nhau của Liên đoàn Luther Thế giới và Giáo hội Công giáo. Nhờ vào không khí canh tân của sự hiểu biết này, Caritas Internationalis và Hội Quốc tế LWF sẽ ký một tuyên bố thỏa thuận chung nhắm vào việc phát triển và củng cố cho một tinh thần của sự hợp tác để thăng tiến nhân phẩm và công bằng xã hội. Tôi xin hân hoan chào mừng các thành viên của cả hai tổ chức; trong một thế giới đã bị xé nát bởi chiến tranh và xung đột, họ đã là, và tiếp tục là, một mẫu gương sáng chói của sự tận tâm và sự phục vụ anh em. Tôi khuyến khích anh chị em tiến bước theo con đường hợp tác.
Tôi đã lắng nghe từng lời của những người kể lại những chứng tá, bằng cách nào mà giữa những thử thách mỗi ngày họ vẫn tận hiến cuộc đời để xây dựng một thế giới ngày một đáp lời nhiều hơn cho chương trình của Thiên Chúa. Pranita nói về tạo vật. Hiển nhiên, chính tạo vật là một dấu chỉ của tình yêu vô biên của Thiên Chúa cho chúng ta. Do đó, những quà tặng của thiên nhiên tự nó có thể dẫn đưa chúng ta đến sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Tôi xin chia sẻ sự quan tâm của ông/bà về những sự lạm dụng làm hại đến hành tinh của chúng ta, ngôi nhà chung của chúng ta, và gây ra những hậu quả u ám cho khí hậu. Như ông đã đề cập thật đúng rằng, ảnh hưởng lớn nhất của nó rơi vào những người ít có sự bảo vệ nhất và thiếu thốn nhất; họ bị buộc phải di cư để trốn thoát khỏi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tất cả chúng ta, và chúng ta đặc biệt là những Ki-tô hữu có trách nhiệm bảo vệ tạo vật. Cách sống của chúng ta và hành động của chúng ta phải luôn kiên vững với đức tin của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để nuôi dưỡng sự hài hòa trong chính chúng ta và cùng với những người khác, nhưng cũng phải cùng với Thiên Chúa và với công trình của Người. Pranita, tôi khuyến khích anh hãy kiên trì trong sự cam kết của anh thay mặt cho ngôn nhà chung của chúng ta.
Đức ông Héctor Fabio cho chúng tôi biết về những nỗ lực chung của người Công giáo và Tin lành Luther ở Colombia. Thật tuyệt vời khi biết rằng người Ki-tô hữu cùng làm việc với nhau để khởi xướng những tiến trình cộng đồng và xã hội cùng quan tâm. Tôi xin anh chị em cầu nguyện một cách hết sức đặc biệt cho đất nước tuyệt vời đó, để qua sự hợp tác của tất cả mọi người, có thể đạt được hòa bình là một điều quá được mong mỏi và cần thiết cho một sự chung sống xứng đáng của con người. Nguyện xin cho lời cầu nguyện đó cũng ôm ấp lấy những quốc gia nơi tiếp tục có những cuộc xung đột nặng nề.
Marguerite làm chúng ta ý thức về những nỗ lực giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của sự hung ác và để hoạt động cho hòa bình. Đây là một điều đáng khâm phục và là một mệnh lệnh phải thực hiện một cách nghiêm túc với vô vàn những hoàn cảnh không được bảo vệ của quá nhiều những con người không có cách gì để lên tiếng. Những gì anh coi là một sứ mạng đã là một hạt giống trổ sinh vô vàn hoa trái và hôm nay, nhờ vào hạt giống đó, hàng ngàn trẻ em  có thể được học hành, lớn lên và có được sức khỏe tốt. Tôi vô cùng cảm tạ vì rằng ngay cả đến bây giờ, trong cuộc di tản, anh vẫn tiếp tục loan truyền thông điệp hòa bình. Anh nói rằng những người quen biết anh nghĩ rằng anh những gì anh đang làm thật điên rồ. Dĩ nhiên, đó là sự điên rồ của tình yêu cho Thiên Chúa và cho anh em. Chúng ta cần có thêm nhiều sự điên rồ này, được soi rọi bởi đức tin và lòng vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy cứ tiếp tục hoạt động, và nguyện xin cho tiếng nói của hy vọng anh nghe thấy ngay từ đầu cuộc phiêu lưu của anh tiếp tục lay động con tim của anh và con tim của nhiều bạn trẻ khác.
Rose, người trẻ tuổi nhất, đã cho chúng ta một chứng tá thật sự xúc động. Chị đã có thể làm lợi từ tài năng Chúa ban cho chị qua thể thao. Thay vì lãng phí năng lượng của chị vào những hoàn cảnh đối địch, chị tìm được sự hoàn thiện trong một đời sống trổ sinh nhiều hoa trái. Khi cha lắng nghe câu chuyện của con, cha nghĩ đến cuộc sống của quá nhiều bạn trẻ những người cần phải nghe được những câu chuyện như của con. Tôi muốn mọi người biết rằng họ có thể khám phá ra sự tuyệt vời được làm con cái của Thiên Chúa và thật là một đặc ân được Người yêu thương và vỗ về. Rose, từ tận sâu thẳm con tim cha cảm ơn con vì những nỗ lực của con và sự tận tâm của con động viên các bạn nữ trở lại trường học, và vì sự thật là con cầu nguyện hàng ngày cho hòa bình trong chính phủ non trẻ Nam Sudan, đang rất cần điều này.
Sau khi nghe những chứng tá mạnh mẽ này, những chứng tá bắt chúng ta phải suy nghĩ về cuộc sống riêng của chúng ta và cách chúng ta phải trả lời cho những hoàn cảnh thiếu thốn ở xung quanh chúng ta. Tôi xin cảm ơn tất cả những chính phủ đã hỗ trợ người tị nạn, những người di tản và những người đi tìm nơi nương náu. Với bất cứ điều gì làm để giúp đỡ những người cần được bạo vệ này là một hành động của tình liên đới vĩ đại và nhận ra phẩm giá của họ. Với chúng ta là những Ki-tô hữu, sự ưu tiên là phải tiến bước để tìm gặp những anh em bị ruồng bỏ và bị gạt ra bên lề của thế giới chúng ta, và làm cho họ cảm nhận được tình yêu nhân từ và thương xót của Thiên Chúa, Người không chối bỏ một ai nhưng là chấp nhận tất cả.
Ngay sau đây chúng ta sẽ nghe câu chuyện của Đức Giám mục An-tôn, ngài sống ở Aleppo, một thành phố bị chiến tranh hạ gục, một nơi thậm chí những quyền căn bản nhất cũng bị coi khinh và bị chà đạp dưới chân. Hàng ngày tin tức kể cho chúng ta biết những nỗi đau khổ không nói lên lời do xung đột của Syria gây ra, cho đến nay đã kéo dài trên 5 năm. Giữa quá nhiều những tàn phá như vậy, thật anh hùng những con người vẫn bám trụ tại đó để có thể cung cấp những trợ giúp về vật chất và tinh thần cho những người đang cần. Cũng thật đáng khâm phục, thưa cha, người anh em đáng kính, vẫn tiếp tục làm việc giữa tình hình nguy hiểm như vậy để kể cho chúng tôi hoàn cảnh thảm kịch của người dân Syria. Mỗi người họ đều nằm trong con tim và lời cầu nguyện của chúng tôi. Chúng ta hãy khẩn nài ân sủng hoán cải tâm hồn cho những người chịu trách nhiệm cho số phận của vùng đó.
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng ngã lòng trước thực trạng của nghịch cảnh. Xin cho những câu chuyện mà chúng ta vừa nghe làm động lực thúc đẩy chúng ta và cho chúng ta một thôi thúc mới để cùng nhau làm việc ngày càng gần gũi hơn. Khi chúng ta trở về nhà, nguyện xin để chúng ta mang theo cùng chúng một cam kết thực hiện những hành động của hòa bình và hiệp nhất mỗi ngày, trở thành những chứng nhân anh hùng và trung tín của sự hy vọng của người Ki-tô hữu.

[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/11/2016]