Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Các tù nhân sẽ đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ngày Chủ nhật để mừng Năm Thánh cho riêng họ

Các tù nhân sẽ đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ngày Chủ nhật để mừng Năm Thánh cho riêng họ

Và các giám mục trên khắp thế giới sẽ đến thăm các nhà tù
3 tháng 11, 2016
View of the Vatican basilica from a roof near saint Peter square in Rome
WIKIMEDIA COMMONS - Alberto Luccaroni
Hôm nay Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm Hóa, trình bày hai sự kiện chính diễn ra trước khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót: Năm Thánh cho Tù nhân (5 đến 6 tháng 11) và Năm Thánh cho Người bị Gạt ra bên lề xã hội (11, 12 và 13 thang 11).
Trong Năm Thánh cho Tù Nhân, lần đầu tiên rất nhiều tù nhân bị giam giữ trên khắp nước Ý và những quốc gia khác sẽ có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô để tham dự Năm Thánh của riêng họ với Đức Thánh Cha Phanxico.
Đức Tổng Giám mục Fisichella nhắc lại sự quan tâm rất lớn của Đức Thánh Cha đối với các tù nhân, như đã được phản ánh trong các chuyến đến thăm tù nhân của ngài suốt các lần tông du và trong dịp mừng Lễ thứ Năm Tuần Thánh trong Trung Tâm Giam Giữ Vị Thành Niên tại Casal del Marmo.
Đức Thánh Cha Phanxico, sau công bố Khai mạc Năm Thánh, Misericordiae vultus, viết một lá thư nói về chương trình Năm Thánh trong đó có đoạn viết,
“Ý nghĩ của tôi cũng hướng về những người đang bị giam giữ, sự tự do rất bị giới hạn. Năm Thánh luôn là một cơ hội để xá tội, trong đó nhắm đến rất nhiều người, cho dù đáng chịu hình phạt, đã ý thức được những bất công mà họ gây ra và chân thành mong muốn được tái hội nhập lại với xã hội và đưa ra những đóng góp lương thiện cho xã hội. Nguyện xin họ có thể được lay động một cách hữu hình bởi lòng thương xót của Chúa Cha Người muốn gần gũi với những người đang cần nhất sự tha thứ của Người. Họ có thể nhận được ơn Đại xá trong các nhà nguyện của nhà tù. Nguyện xin cho hành động hướng tâm trí và lời cầu nguyện của họ lên Chúa Cha mỗi lần họ bước qua ngưỡng cửa của phòng giam báo cho họ biết như đang bước qua Cửa Thánh, vì lòng thương xót của Chúa có thể hoán cải các tâm hồn và có thể biến những song sắt thành một trải nghiệm tự do.”
Vì thế, đức Tổng Giám mục giải thích, chương trình Năm Thánh không thể bỏ qua các tù nhân. “Những gì được trải nghiệm trong Chúa nhật này trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô sẽ được lặp lại ở nhiều giáo phận trên toàn thế giới, những người sẽ cùng chung với Đức Thánh Cha qua việc mừng cách trọng thể ngày này với các tù nhân. Trong các tháng gần đây chúng tôi viết thư gửi tất cả các Hội đồng Giám mục trên thế giới, mời các giám mục dành ngày Chúa nhật này đi thăm các nhà tù và mừng Năm Thánh với những người bị giam giữ … Chúng tôi thực sự nghĩ rằng lễ mừng này sẽ được vang lên trên khắp thế giới.”
Ngài mời những người bị giam giữ và gia đình của họ đến tham dự Năm Thánh ở Roma, cùng với các nhân viên của Cảnh sát Nhà tù và các nhân viên coi tù khác, các cha tuyên úy và các hội đoàn phục vụ bên trong và bên ngoài các nhà tù. Cho đến nay đã có trên 4.000 người đăng ký, trong số đó hơn 1 ngàn là tù nhân từ 12 quốc gia: Anh, Ý, Latvia, Madagascar, Malaysia, Mexico, Hà lan, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nam phi, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của một phái đoàn của Tin lành Luther từ Thụy Điển tạo một điểm nổi bật.
Nhóm đông nhất là từ Ý, theo một thỏa ước giữa  Bộ Tư Pháp và Tổng Thanh tra Tuyên úy, tất cả phạm nhân bị giam giữ thuộc mọi tội danh đều sẽ có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô. Sẽ có các trẻ vị thành niên, những người phục vụ công ích thay cho án phạt trong địa hạt, những người bị quản thúc tại gia, những người bị giam giữ với nhiều mức án khác nhau. “Rất đáng nhớ, cũng vậy trong nhiều tháng gần đây, sự hợp tác với Bộ Tư Pháp đã cho phép sáu tù nhân bị giam giữ được phục vụ như những tình nguyện viên Năm Thánh,” đức Tổng Giám mục Fisichella nói thêm.
Liên quan đến chương trình, thứ Bảy ngày 5, các người tham dự sẽ có dịp xưng tội trong các nhà thờ Năm Thánh và đi chuyến hành hương dọc theo đại lộ Via della Conciliazione về phía Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, đi qua Cửa Thánh. Chúa nhật, trước Thánh Lễ do Đức Thánh Cha chủ tế, sẽ có 4 chứng nhân nói chuyện, kể về hàng loạt thế giới nhà tù: một tù nhân bị giam giữ đã hoán cải trong tù, người này sẽ nói chuyện cùng với nạn nhân mà anh ta đã được người ấy tha thứ; anh trai của một nạn nhân bị giết, người đã trở thành một khí cụ của lòng thương xót và tha thứ; một trẻ vị thành niên đang chịu án tù, và cuối cùng, một đặc vụ của Đội cảnh sát Trại tù hàng ngày tiếp xúc với các tù nhân.
Có những nghi thức khác sẽ đánh dấu ấn cho tầm quan trọng của ngày này. Trước hết, nghi thức phụng vụ sẽ do các tù nhân đảm trách. Bánh Lễ sử dụng trong Thánh Lễ sẽ là bánh do các tù nhân của nhà tù Opera di Milan làm, trong một phần của dự án “Ý nghĩa của Bánh”. Trong Thánh Lễ, Tượng Thánh Giá được phục hồi gần đây bởi Basilica Chapter lần đầu tiên sẽ được đặt trong Thánh Lễ. Một Thánh Giá bằng gỗ từ thế kỷ XIV, đã hiện diện trong tất cả các Năm Thánh xuyên suốt lịch sử cho đến ngày nay, không kể Thánh Giá được nói đến ở trên, đã được Đức Giáo Hoàng Boniface VIII cho làm năm 1300. Cùng với Thánh Giá, tượng Đức Bà Thương Xót, vị bảo trợ các tù nhân, cũng sẽ được đặt ra. Tượng trẻ thơ Giê-su cầm trong tay một bộ còng tay đã được mở như là biểu tượng của sự tự do và tín thác. Trước Thánh Lễ, Đức Thánh Cha sẽ chào đón một số tù nhân và những người có mặt. Như thường lệ sẽ đọc kinh Truyền Tin từ Điện Giáo hoàng và các tù nhân sẽ đứng trong một khu của Quảng trường.”

‘Bị xã hội loại trừ’

Tuần sau, thứ Sáu ngày 11, thứ Bảy 12 và Chúa nhật 13 tháng 11, Năm Thánh cho những người bị xã hội loại trừ sẽ được tổ chức. “Tức là, cho những người vì những lý do khác nhau – từ sự bấp bênh về kinh tế đến nhiều chứng bệnh khác nhau, từ tình trạng cô đơn đến thiếu những mối dây ràng buộc gia đình – gặp những khó khăn khi hòa nhập vào với khung xã hội và thường phải ở bên lề xã hội, không có nhà hay một nơi để sống,” ngài giải thích.
Khoảng 6 ngàn người tham dự từ nhiều quốc gia khác nhau – Pháp, Đức, Bồ đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hà Lan, Ý, Hungary, Slovakia, Croatia và Thụy Sĩ – sẽ có mặt. Chương trình Năm Thánh sẽ rất dày đặc, thứ Sáu 11 tháng 11, gặp gỡ trong Sảnh đường Phao-lô VI với Đức Thánh Cha Phanxico, ngài sẽ lắng nghe một số chứng nhân. Ở một số nhà thờ Roma sẽ có cơ hội lắng nghe những câu chuyện của họ ngày thứ Bảy 12 tháng 11 lúc 10 giờ sáng.
Các nhà thờ gồm: San Salvatore in Lauro (tiếng Anh); Santa Monica (tiếng Hà Lan); San Luigi dei Francesi (tiếng Bồ Đào Nha); Santi XII Apostoli (Tiếng Pháp); San Giovanni Battista dei Fiorentini (tiếng Ba Lan); Santa Maria ở Vallicella (Chiesa Nuova) (tiếng Đức); Santa Maria sopra Minerva (tiếng Ý); Sant’Andrea della Valle (tiếng Tây ban Nha); và Santa Maria Maddalena ở Campo Marzio (tiếng Slovakia).
Thứ Bảy lúc 5 giờ chiều, sẽ có buổi Canh thức Lòng Thương xót trong Vương cung Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại thành. Cuối cùng, Chúa nhật, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô lúc 10 giờ sáng.
“Chúa Nhật, như các bạn biết, Cửa Thánh sẽ được đóng lại trong tất cả các nhà thờ và đền thờ trên thế giới,” đức Giám mục Fisichella kết luận. “Lễ mừng Năm Thánh trong Quảng trường Thánh Phê-rô nhằm mục đích nhắc nhở Giáo hội Lời của Chúa Giê-su: ‘Người nghèo sẽ luôn ở xung quanh ngươi’. Vì thế, việc đóng các Cửa Thánh không phải là kết thúc những cam kết của Giáo hội, nhưng dưới ánh sáng của Năm Thánh mà chúng ta đã sống qua, làm tăng thêm sức mạnh chứng tá của Giáo hội.”

[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/11/2016]


Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn

“Nguyện xin không bao giờ tái diễn lại việc các tôn giáo, bị sự dẫn dắt của một số những người tin theo, chuyển tải một thông điệp bị xuyên tạc bóp méo, đi lạc điệu với lòng thương xót”
3 tháng 11, 2016
Interreligious Gathering
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico đã tiếp kiến 200 thành viên các tôn giáo (Ki-tô giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác), gắn kết trong lĩnh vực hoạt động bác ái và lòng thương xót. Buổi tiếp kiến diễn ra trong bối cảnh của Năm Thánh sắp bế mạc. Dưới đây là bản dịch của Vatican diễn từ của Đức Thánh Cha.
__
Các bạn thân mến,
Tôi xin gửi lời chào nồng hậu đến các bạn. Tôi vô cùng vui mừng được gặp gỡ các bạn và tôi chân thành cảm ơn các bạn đã nhận lời mời đến để chia sẻ suy tư về chủ đề lòng thương xót.
Như quý vị biết rất rõ, chúng ta đang tiến đến bế mạc Năm Thánh, trong đó Giáo hội Công giáo đã suy tư về trọng tâm của thông điệp Ki-tô trên cái nhìn của lòng thương xót. Với chúng tôi, lòng thương xót tỏ lộ danh thánh Thiên Chúa; nó là “nền tảng căn bản nhất của đời sống của Giáo hội” (Thông điệp Dung Nhan Lòng Chúa Thương xót, 10). Nó cũng là chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của con người, của nhân loại mà, ngày nay, đang rất cần sự tha thứ và hòa bình.
Tuy nhiên mầu nhiệm lòng thương xót không chỉ để chào mừng bằng từ ngữ, nhưng trên hết bằng hành động, bằng một cách sống thương xót thực sự mang dấu ấn của tình yêu bao dung, sự phục vụ huynh đệ chia sẻ chân thành. Giáo hội ngày càng khao khát nhận lấy cách sống này, như là một phần của “trách vụ nuôi dưỡng tình hiệp nhất và bác ái” của Giáo hội giữa muôn người (Tuyên ngôn Nostra Aetate, 1). Cũng vậy, các tôn giáo được kêu gọi sống theo cách sống này, đặc biệt trong thời đại của chúng ta, để trở nên những sứ giả hòa bình và những nhà kiến tạo tình thân ái, và để tuyên bố, đối lại với tất cả những ai gieo rắc xung đột, chia rẽ và bất khoan dung, rằng chúng ta là thời đại của tình huynh đệ. Đó là lý do tại sao việc tìm những cơ hội để gặp gỡ lại trở nên rất quan trọng đối với chúng ta, một sự gặp gỡ, tránh xa chủ nghĩa hỗn hợp nông cạn, qua đó “làm chúng ta cởi mở hơn trong đối thoại, hiểu biết nhau hơn; từ bỏ tất cả mọi hình thức đóng cửa lòng và bất kính; và quét sạch mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử” (Tông sắc Dung nhan Lòng Chúa Thương xót, 23). Việc này làm hài lòng Thượng Đế và góp phần vào trách vụ cấp thiết, để trả lời lại không chỉ cho những đòi hỏi của hôm nay nhưng trên hết là cho lệnh truyền của tình yêu là linh hồn của tất cả các tôn giáo đích thực.
Chủ đề lòng thương xót rất quen thuộc vời nhiều truyền thống tôn giáo và văn hóa, trong đó lòng trắc ẩn và phi bạo lực là những yếu tố quan trọng dẫn dắt cách sống; có một câu ngạn ngữ cổ: “chết là cứng và thẳng; sống là mềm mại và uyển chuyển” (Lão Tử, 76). Cúi mình xuống trước người bé mọn và thiếu thốn với một tình yêu thương xót là phần tinh thần của mọi tôn giáo, nó chối bỏ mọi cám dỗ phải dùng đến vũ lực, từ bỏ việc đánh đổi mạng sống con người và nhìn đến người khác như anh chị em, và không bao giờ xem như những thống kê. Để tiếp cận được với tất cả những người đang phải sống trong những hoàn cảnh kêu gọi sự quan tâm của chúng ta, chẳng hạn những bệnh nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, người chịu cảnh bất công và hậu quả của những xung đột và di cư: đây là lệnh truyền từ con tim của mọi truyền thống tôn giáo đích thực. Hãy làm vang vọng tiếng nói của Thượng Đế để thức tỉnh lương tâm mọi con người, kêu gọi họ từ bỏ tính ích kỷ và mở lòng. Hãy mở lòng ra với một Đấng ở trên chúng ta, Người gõ cửa tâm hồn chúng ta, và mở cánh cửa về phía chúng ta, Người gõ cửa nhà của chúng ta, kêu xin sự quan tâm và trợ giúp.
Ý nghĩa sâu xa của từ “lòng thương xót” là một lệnh truyền cho một trái tim rộng mở và trắc ẩn. Nó có gốc từ tiếng La-tinh misericordia, nghĩa là khơi dậy cảm xúc của trái tim – cor – nhạy cảm trước sự đau khổ, nhưng đặc biệt là trước những người đang bị đau khổ, một con tim vượt qua mọi khác biệt vì nó muốn chia sẻ những đau khổ với tha nhân. Trong các ngôn ngữ vùng Á-Phi, chẳng hạn Ả-rập và Hê-brơ, gốc chữ RHM hàm ý chỉ cung lòng của người mẹ, nó cũng diễn tả lòng thương xót của Thượng Đế, nguồn cội sâu thẳm nhất của tình yêu của con người, những tình cảm của một người mẹ dành cho đứa con mà bà sẽ sinh ra.
Về việc này, ngôn sứ I-sai-a chuyển tải một thông điệp tuyệt mỹ, trong phần nói về Thượng Đế, vừa là một lời hứa của tình yêu và là một thử thách: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ (Is 49:15). Thật đáng buồn, quá nhiều lần chúng ta đã quên, con tim của chúng ta trở nên thờ ơ và lạnh lùng. Chúng ta tự xa cách với Thượng Đế, với anh em và thậm chí với ký ức lịch sử của chúng ta, và chúng ta đưa mình đến bánh xe lặp lại những tội ác thảm kịch của các thế hệ khác, thậm chí với những hình thức tàn bạo hơn.
Đây là một bi kịch của tội ác, của những vực sâu gớm ghiếc mà trong đó sự tự do của chúng ta có thể rơi xuống khi bị cám dỗ bởi tội lỗi, nó luôn rình rập, chờ đợi để hạ gục và ném chúng ta xuống. Từ đấy, chính tại nơi đây, trước những thách thức của tội ác đang thử thách sức chịu đựng của mọi tôn giáo, chúng ta tìm được bài giải kỳ diệu nhất của tình yêu thương xót. Tình yêu đó không biến chúng ta thành con mồi cho tội ác hay cho sự bạc nhược của chúng ta; nó không “quên”, nhưng “ghi nhớ”, và xích lại gần với nỗi thống khổ của mỗi con người để xoa dịu nó. Như một người mẹ, dù đứa con có phạm tội như thế nào, người mẹ vẫn luôn có cái nhìn vượt qua tội lỗi của nó để để tìm lại khuôn mặt của đứa con bà đã cưu mang trong lòng.
Trong thế giới quay cuồng và chóng quên hôm nay, nó bỏ rơi lại đàng sau không biết bao nhiêu con người trên đường đua của nó, mệt lả không mục tiêu, chúng ta cần thêm nhiều lượng ô-xi của tình yêu nhưng không và ban tặng sự sống này. Chúng ta khát lòng thương xót và không công nghệ nào có thể làm dịu được cơn khát đó. Chúng ta tìm kiếm một tình yêu vượt qua những lạc thú phù du, tìm kiếm một bến bờ an toàn nơi chúng ta có thể dừng những bước chân lang thang miệt mài, tìm kiếm một cái ôm yêu thương tha thứ và hòa giải.
Thật vô cùng quan trọng, khi chúng ta suy nghĩ đến nỗi sợ hãi đang lan rộng hôm nay rằng chúng ta không thể được tha thứ, không thể được hòa giải và không thể được cứu rỗi khỏi những yếu đuối của chúng ta. Với chúng tôi là người Công giáo, trong những nghi thức ý nghĩa nhất của Năm Thánh là đi qua dưới cánh cửa với lòng khiêm nhường và tín thác – Cửa Thánh – để thấy mình được hoàn toàn hòa giải do lòng thương xót của Chúa, Người tha thứ những xúc phạm của chúng tôi. Nhưng đây cũng là mệnh lệnh đòi buộc chúng tôi phải tha thứ những người xúc phạm chống lại chúng tôi (Mt 6.12), những anh chị em lỗi phạm đến chúng tôi. Chúng tôi đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa để chia sẻ lại cho tha nhân. Tha thứ chắc chắn là món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng cho anh em, vì nó có giá trị cao nhất. Đồng thời, nó là điều làm cho chúng tôi trở nên giống Thiên Chúa.
Lòng thương xót cũng trải rộng ra với thế giới xung quanh chúng ta, với ngôi nhà chung của chúng ta, ngôi nhà chúng ta được kêu gọi để bảo vệ và giữ gìn tránh khỏi sự tàn phá tham lam vô độ không kiểm soát. Chúng ta cần phải cam kết cho một nền giáo dục biết tiết chế và biết tôn trọng, biết đi theo một lối sống đơn giản hơn và có trật tự hơn, trong đó các tài nguyên của tạo hóa được sử dụng trong sự khôn ngoan và có chừng mực, với sự quan tâm đến toàn thể nhân loại và những thế hệ tương lai, không chỉ là những lợi ích của một nhóm đặc quyền nào đó của chúng ta và cũng không phải nguồn lợi của riêng hiện tại. Đặc biệt ngày nay, “tính nghiêm trọng của khủng hoảng môi sinh đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhìn đến thiện ích chung, bắt tay vào tiến trình đối thoại đòi hỏi tính kiên nhẫn, tính kỷ luật tự giác và tính quảng đại” (Thông điệp Laudato Si’, 201).
Nguyện xin chúng ta biết đi theo con đường này. Nguyện xin chúng ta biết từ bỏ những con đường bất hòa và khép kín tâm hồn không dẫn đến mục đích. Nguyện xin không bao giờ tái diễn lại việc các tôn giáo, bị sự dẫn dắt của một số những người tin theo, chuyển tải một thông điệp bị xuyên tạc bóp méo, đi lạc điệu với lòng thương xót. Thật đáng buồn, không ngày nào trôi qua chúng ta lại không nghe đến những hành động bạo lực, xung đột, bắt cóc, tấn công khủng bố, giết chết và tàn phá. Có những lúc, để ngụy biện cho tính man rợ như vậy, thật quá kinh khủng khi tên của một tôn giáo hay chính tên của Thượng Đế đã được viện dẫn ra. Làm sao để có sự kết án rõ ràng những hành động vô nhân này đã làm ô uế danh thánh Thượng Đế và bôi nhọ tôn giáo của nhân loại. Thay vào đó, làm sao để khắp nơi có sự thúc đẩy tiến đến đối thoại hòa bình giữa các tín hữu, và có sự tự do tôn giáo đích thực. Ở đây, trách nhiệm của chúng ta trước mặt Thượng Đế, nhân loại và tương lai là rất lớn; nó đòi buộc những nỗ lực không ngừng, và không che giấu. Đó là một tiếng gọi thử thách chúng ta, một con đường để cùng nhau bước đi, vì thiện ích cho tất cả, và với niềm hy vọng. Nguyện xin cho các tôn giáo là cung lòng của sự sống, mang tình yêu thương xót của Thượng Đế đến với một nhân loại đang bị những vết thương và thiếu thốn; nguyện xin cho các tôn giáo là những cánh cửa hy vọng giúp phá vỡ được những bức tường được dựng lên bởi tính kiêu ngạo và sợ hãi. Xin cảm ơn quý vị.
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/11/2016]

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn