Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Tại sao nhà khoa học vô thần nổi tiếng Stephen Hawking có trong Hàn lâm viện Giáo hoàng

Tại sao nhà khoa học vô thần nổi tiếng Stephen Hawking có trong Hàn lâm viện Giáo hoàng


Tại sao nhà khoa học vô thần nổi tiếng Stephen Hawking có trong Hàn lâm viện Giáo hoàng


Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ Stephen Hawking, ngày 28 tháng 11, 2016. Credit: L'Osservatore Romano.
Vatican City, 2 tháng 12, 2016 / 03:35 am (CNA/EWTN News).- Chuyến thăm của Stephen Hawking đến Vatican tuần này làm nổi lên sự tò mò, với một số người thắc mắc chính xác nhà vật lý vũ trụ nổi tiếng và là người vô thần làm gì ở giữa trung tâm của Giáo hội Công giáo.
Nhưng với Vatican, việc đến thăm của ông không hàm ý gì khác ngoài một động tác bình thường. Hawking là một thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo hoàng về Khoa học – trong đó gồm 80 nhà khoa học nổi danh nhất trên thế giới – và ông đến Vatican để tham dự cuộc họp thường niên của nhóm.
Hội nghị năm nay tập trung vào “Khoa học và sự Phát triển Bền vững”. Chính ông Hawking đã trình bày bài nói về “Nguồn gốc của Vũ trụ,” đã mang đến cho ông tiếng tăm trên khắp thế giới.
Đức tin tôn giáo – Công giáo hoặc không – không phải là một tiêu chuẩn để là thành viên của Hàn lâm viện Giáo hoàng. Chủ tịch của nhóm, Werner Arber, là nhà khoa học đã được nhận giải Nobel Y Khoa, là một người Tin lành. Và các thành viên của Hàn lâm viện gồm người Công giáo, vô thần, Tin lành, và các tôn giáo khác.
Chính sách về điều kiện thành viên mở rộng này được áp dụng vì Hàn lâm viện Giáo hoàng được xem như một nơi khoa học và đức tin có thể gặp gỡ và thảo luận. Nó không phải là một diễn đàn bày tỏ niềm tin, nhưng là một nơi có thể có được một sự thảo luận mở và nghiên cứu những phát triển khoa học trong tương lai.
Hàn lâm viện được thành lập năm 1603 bởi Hoàng tử Federico với phép lành của Đức Giáo hoàng Clê-men-tê VII, và người lãnh đạo đầu tiên là Galileo Galilei. Khi Hoàng tử Cesi qua đời, Hàn lâm viện bị đóng cửa. Đức Pi-ô IX tái lập năm 1847, nhưng Hàn lâm viện sau đó thuộc quyền của Vương quốc Ý sau sự sụp đổ của Nhà nước Giáo hoàng. Năm 1936, Đức Pi-ô XI tái thành lập nó một lần nữa, đặt cho nó cái tên như ngày nay và một quy chế được Đức Phaolo VI cập nhật năm 1976 và Thánh Gioan Phaolo II cập nhật lại một lần nữa năm 1986.
Lướt qua danh sách các thành viên của Hàn lâm viện qua nhiều năm, chúng ta có thể tìm thấy nhiều Người Nhận Giải Nobel, một số trong họ nhận giải Nobel trước khi là thành viên của Hàn lâm viện Giáo hoàng, một số nhận giải sau khi là thành viên của Hàn lâm viện.
Trong số những Người nhận giải Nobel khi là thành viên của Hàn lâm viện Giáo hoàng có Niels Bohr, Rita Levi Montalcini, Werner Heisenberg, Alexander Fleming, và Carlo Rubbia.
Với quyền chưởng ấn hàn lâm viện là Đức Tổng Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo, thời điểm những năm 1930 là “một trong những thời điểm thú vị nhất của Hàn lâm viện.”
Một trong những thành viên của thời gian đó là Max Planck, Người được trao giải Nobel Vật lý năm 1918 và là người dẫn đầu trong các nghiên cứu về vật lý lượng tử. Chính Max Planck là người đã cảnh báo cho Đức Pi-ô về những hậu quả có thể xảy ra của chiến tranh hạt nhân.
Những cảnh báo của Planck đã khơi gợi nguồn cảm hứng cho giáo huấn của Đức Pi-ô XII. Nói chuyện trước Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học ngày 30 tháng 11, 1941, Đức Giáo hoàng nói rằng “chiến tranh sẽ xé nát thế giới và đang thu thập mọi nguồn tài nguyên công nghệ sẵn có để phá hủy nó.” Đức Giáo hoàng lưu ý rằng khoa học có thể là con dao hai lưỡi trong tay của con người, có thể chữa lành và giết chết. Ngài đề cập đến “sự liều lĩnh không thể tin được của con người dấn bước vào việc nghiên cứu năng lượng nhiệt hạch và những biến đổi hạt nhân.”
Rồi, khi đọc diễn từ tại cùng Hàn lâm viện này ngày 21 tháng 2 năm 1943, Đức Pi-ô XII đưa ra một thỉnh cầu với các nguyên thủ quốc gia, “Dẫu cho chúng ta không thể nghĩ rằng việc tìm được lợi ích kỹ thuật từ quy trình hạt nhân đó, cũng quy trình này vạch ra lối đi cho hàng loạt cơ hội, để khả năng xây dựng một cỗ máy năng lượng uranium không thể được xem đơn thuần là một phạm vi không tưởng.”
Đức Giáo hoàng nói thêm rằng “quan trọng là không nên để quy trình này xảy ra, và tốt hơn là phải dừng quy trình này lại bằng những biện pháp hóa học phù hợp,” vì “nếu không một thảm họa kinh hoàng có thể xảy ra không chỉ tại địa điểm đó, nhưng trên toàn hành tinh.”
Những cuộc họp của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học thảo luận những chủ đề về tính tiên phong của khoa học. Ví dụ, Hàn lâm viện Giáo hoàng đã nhiều lần thảo luận về “hạt Higgs”. Hạt cơ bản cuối cùng đã được khám phá năm 2015, nhưng các nhà khoa học của CERN của Geneva đã tiên báo trước về khám phá sắp tới của nó vào cuộc họp năm 2011 về vật lý dưới hạt nhân (subnuclear physics) được tổ chức tại lâu đài Casina Pio IV, trụ sở của Hàn lâm viện.
Theo một ý nghĩa nhất định, Hàn lâm viện là một cầu nối giữa khoa học, đức tin và thế giới. Nó chứng minh rằng kiến thức khoa học không loại trừ sự hiện hữu của Thiên Chúa.
“Nhà khoa học,” Đức Tổng Giám mục Sanchez từng nói, “khám phá ra những thứ anh không đặt nó ở đó. Thắc mắc ai đã đặt những thứ đó ở đấy là một câu hỏi thần học: nhà khoa học chỉ khám phá ra chúng, người có đức tin nhìn thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa trong chúng.”
Đức Tổng Giám mục cũng kể lại rằng ngài có hỏi ông Hawking làm sao ông vẫn giữ ý kiến rằng Thiên Chúa không tồn tại, nếu ông đã bước đến kết luận như vậy trên cương vị một nhà khoa học hoặc trên căn bản kinh nghiệm sống của ông. Và, ngài nói, “Ông Hawking đã phải nhận ra rằng sự khẳng định của ông chẳng có gì liên quan đến khoa học.”
Đây là một trong nhiều chuyện kể hành lang có trong Hàn lâm viện, cho thấy bằng chứng rằng Vatican không phải là một kẻ thù của khoa học, nhưng là một nơi để thảo luận về những tiến bộ khoa học đã từ lâu được khuyến khích và được tích cực thúc đẩy.
Trong suốt hội nghị tại lâu đài Casina Pio IV, Stephen Hawking tỏ lòng kính trọng đối với Đức ông George Lemaitre, chủ tịch Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học từ 1960 đến 1966. Ông Hawking nói rằng Đức ông Lemaitre là cha đẻ thực sự của “Thuyết Big Bang,” do đấy gạt bỏ niềm tin của mọi người rằng cha đẻ của thuyết là nhà vật lý tự nhiên người Mỹ, George Gamow.
“Ngài Georges Lemaitre là người đầu tiên trình bày một mô hình theo đó vũ trụ có một khởi đầu là một khối dày đặc. Chính ngài, chứ không phải George Gamow, là cha đẻ của Big Bang,” Hawking nói.
Do đó không có gì lạ khi Hawking sẽ tham dự phiên họp ngày 2 tháng 12 của Hàn lâm viện để kỷ niệm 50 năm ngày mất của Đức ông Lemaitre. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Hàn Lâm viện của Bỉ ở Ý, sẽ được bế mạc bởi Đức Hồng y Gerhard Ludwig Mueller, chủ tịch của Bộ Giáo lý và Đức tin.

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/12/2016]


Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cải

Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cải

‘Khi sinh ra tại Bê-lem, chính Thiên Chúa đã đến cư ngụ giữa chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi sự ích kỷ, tội lỗi và hư mất, vì những thái độ này là của ma quỷ’
4 tháng 12, 2016
Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cải
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung ở Quảng trường Thánh Phê-rô.
***
Trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong bài đọc Tin mừng Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng này, chúng ta nghe thấy sự vang vọng của tiếng kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Bằng những lời này, Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ của Ngài ở Ga-li-lê (Mt 4:17); và đây cũng sẽ là một tuyên bố sẽ đưa các tông đồ vào trải nghiệm rao giảng đầu tiên của các ông (Mt 10,7). Tác giả Tin mừng Mát-thêu muốn trình bày Gioan như là người dọn đường cho Chúa Giê-su đến, và các tông đồ, là những người tiếp nối việc rao giảng của Chúa Giê-su. Đây cùng là một sự công bố tin vui: hãy đến, Nước Chúa đang đến gần … quả thật, Nước Chúa đang ở giữa chúng ta! Đây là điều rất quan trọng: “Nước Chúa đang ở giữa anh em,” Chúa Giê-su nói. Và Gioan lại tường thuật rằng sau đó Chúa Giê-su lại nói: “Nước của Thiên Chúa đã đến, đang ở giữa anh em.” Đây là thông điệp trung tâm của sứ vụ của người Ki-tô hữu. Khi một người loan báo cất bước lên đường, một người Ki-tô hữu cất bước lên đường loan báo về Chúa Giê-su, người ấy không đi để chiêu dụ người khác theo đạo, xem mình như là một ngươi hâm mộ đi tìm kiếm thêm người cho đội mình. Không, chỉ cần công bố: “Nước của Thiên Chúa đang ở giữa bạn!” sứ vụ chuẩn bị dọn đường cho Chúa Giê-su, Người đến để gặp dân Người.
Nhưng Nước của Thiên Chúa, Vương quốc Nước Trời là gì? Đây là hai cụm từ đồng nghĩa. Bây giờ chúng ta đang nghĩ đến điều gì đó thuộc đời sau, đời sống vĩnh hằng. Dĩ nhiên, điều đó là đúng, Vương quốc của Thiên Chúa sẽ trải dài vô tận vượt ra ngoài sự sống ở trần gian, nhưng tin vui đó mà Chúa Giê-su cho biết – và Gioan báo trước – rằng trong Vương quốc này của Thiên Chúa, chúng ta không cần phải chờ đợi Ngài trong tương lai: Ngài đã đến, và bằng cách này cách khác, đang hiện diện. Ngay bây giờ chúng ta có thể trải nghiệm sức mạnh tinh thần này. “Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em,” Chúa Giê-su nói. Thiên Chúa đến để thiết lập sự cai trị của Người trong lịch sử của chúng ta, trong ‘hôm nay’ của mọi ngày trong đời sống chúng ta; và ở bất kỳ nơi nó được đón nhận bằng đức tin và lòng khiêm nhường, sự yêu thương, niềm vui và sự an bình sẽ lan tỏa.
Điều kiện để được trở thành một phần trong Vương quốc này, là phải thay đổi đời sống của chúng ta, nghĩa là, hãy hoán cải, tự hoán cải mỗi ngày, mỗi ngày một bước … Đó là từ bỏ sự thuận tiện của những con đường sai quấy, những ngẫu thần của thế gian này: phải thành công bằng mọi giá, chiếm quyền lực qua sự đánh đổi sinh mạng của những người bé mọn, cơn khát tiền bạc, sự khoái lạc bằng mọi giá. Nhưng thay vì vậy hãy mở đường cho Chúa đến. Ngài không lấy mất sự tự do của chúng ta, nhưng ban tặng cho chúng ta sự hạnh phúc đích thực. Khi sinh ra tại Bê-lem, chính Thiên Chúa đã đến cư ngụ giữa chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi sự ích kỷ, tội lỗi và hư mất, vì những thái độ này là của quỷ: tìm kiếm sự thành công bằng mọi giá; chiếm quyền lực qua sự đánh đổi sinh mạng của những người bé mọn, cơn khát tiền bạc, sự khoái lạc bằng mọi giá.
Giáng sinh là một ngày của sự vui mừng hoan hỉ, cũng là một ngày thể hiện bên ngoài, nhưng cốt lõi là một sự kiện tôn giáo qua đó cần phải có những chuẩn bị tâm hồn. Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (c. 3). Chúng ta hãy dọn đường cho Chúa và nắn cho thẳng những con đường cho Ngài, khi chúng ta kiểm điểm lại lương tâm của mình, khi chúng ta theo dõi thái độ của mình, hãy giũ bỏ những thái độ tội lỗi mà cha đã nêu ở trên, đó là những thái độ không phải của Thiên Chúa: tìm kiếm sự thành công bằng mọi giá; chiếm quyền lực qua sự đánh đổi sinh mạng của những người bé mọn, cơn khát tiền bạc, sự khoái lạc bằng mọi giá.
Nguyện xin Mẹ Maria chuẩn bị cho sự gặp gỡ này luôn luôn bằng một tình yêu vĩ đại, là điều Chúa Giê-su mang đến, và chính Người trong ngày Giáng sinh, đã trở nên nhỏ bé, như một hạt giống rơi vào lòng đất. Và Chúa Giê-su là hạt giống này: hạt giống của Vương quốc của Thiên Chúa.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]
Sau Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến,
Cha xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương!
Cha đặc biệt xin gửi lời chào đến các tín hữu đến từ Córdoba, Jaén và Valencia, Tây Ban Nha; từ Split và Makarska, Croatia; các các giáo xứ Thánh Maria và Oration of the Body and Blood of Christ ở Rome.
Cha xin chúc tất cả một ngày Chúa nhật tốt lành và một hành trình Mùa Vọng ý nghĩa, dọn đường cho Thiên Chúa, tự hoán cải mỗi  ngày.
Xin hẹn gặp lại anh chị em Thứ Năm Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Chúng ta sẽ cùng cầu nguyện với nhau, cùng xin sự can thiệp mẫu tử của Mẹ cho sự hoán cải những tâm hồn và ân sủng bình an.
Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc mọi người bữa trưa ngon miệng. Xin hẹn gặp anh chị em vào Thứ Năm!
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/12/2016]

Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cảiGiáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cải
Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cải
Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cải
Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Tự hoán cải