Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Ngày Thế giới Hòa bình thứ 50

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Ngày Thế giới Hòa bình thứ 50

Phần 1

‘Bất Bạo Động: Một Con Đường Chính Trị Hòa Bình’
12 tháng 12, 2016
Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Ngày Thế giới Hòa bình thứ 50
Dưới đây là văn bản của Vatican cung cấp Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 50 của Đức Thánh Cha Phanxico sẽ được kỷ niệm ngày 1 tháng 1, với chủ đề: ‘Bất Bạo Động: Một Con Đường Chính Trị Hòa Bình’
***
1. Bắt đầu một Năm Mới, tôi xin gửi những lời chúc hòa bình tới các quốc gia và các dân tộc trên thế giới, tới các vị nguyên thủ quốc gia và chính phủ, và tới các nhà lãnh đạo tôn giáo, dân sự và cộng đồng. Tôi xin gửi lời chúc hòa bình đến từng người, từng trẻ em, và tôi nguyện cầu rằng hình ảnh và thiện tâm của Thiên Chúa trong mỗi con người sẽ làm cho chúng ta nhận biết tha nhân là những thánh ân được ban tặng với phẩm giá cao trọng. Đặc biệt trong những tình hình xung đột, chúng ta hãy tôn trọng điều này, “phẩm giá cao trọng nhất” của chúng ta(1), và lấy bất bạo động là cách sống thực sự của chúng ta.
Đây là Thông điệp thứ năm mươi cho Ngày Thế Giới Hòa bình. Trong Thông điệp đầu tiên, Chân phước Giáo hoàng Phaolo VI gửi đến mọi dân tộc, không riêng người Công giáo, sự quả quyết. “Hòa bình là hướng đi đích thực duy nhất cho sự phát triển con người – không phải những căng thẳng được tạo ra bởi các chủ nghĩa dân tộc đầy tham vọng, cũng không phải những sự xâm chiếm bằng bạo lực, và không phải là những sự đàn áp được coi là cơ sở chính cho trật tự dân sự giả tạo.” Ngài đã cảnh báo về “mối nguy hiểm của lòng tin rằng những tranh luận quốc tế không thể giải quyết được theo những con đường lý lẽ, nghĩa là, bằng con đường thương thuyết dựa trên luật pháp, công lý và công bình, nhưng chỉ có thể giải quyết bằng những sức mạnh ngăn chặn và sát thương.” Thay vì vậy, trích dẫn Tông huấn Pacem in Terris (Hòa bình trên trái đất) của Đấng tiền nhiệm Thánh Gioan XXIII, ngài ca ngợi rằng “sự nhận thức và yêu hòa bình được thiết lập trên cơ sở chân lý, công bình, tự do và yêu thương.”(2) Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, những lời này vẫn không mất tính quan trọng và sự khẩn thiết của nó.
Nhân dịp này, tôi muốn nói lên suy tư về tính bất bạo động như là một con đường chính trị hòa bình. Tôi khẩn xin Thiên Chúa trợ giúp tất cả chúng ta nuôi dưỡng tính bất bạo động trong từng suy nghĩ và giá trị riêng tư nhất của chúng ta. Nguyện xin cho lòng bác ái và tính bất bạo động điều khiển cách chúng ta cư xử với nhau giữa những cá nhân, trong xã hội và trong đời sống quốc tế. Khi những nạn nhân của bạo lực có khả năng chống lại được với cám dỗ trả thù, họ sẽ trở thành những người quảng bá đáng tin nhất cho việc giữ gìn hòa bình bất bạo động. Trong những hoàn cảnh địa phương và bình thường nhất và trong trật tự quốc tế, nguyện xin cho tính bất bạo động trở thành tiêu chuẩn giá trị cho những quyết định của chúng ta, những mối quan hệ và hành động của chúng ta, và từ đó đến đời sống chính trị và mọi nguyên tắc của nó.

Một thế giới bị tan vỡ
2. Trong thế kỷ trước chúng ta đã biết đến sự tàn phá của hai cuộc Đại Chiến Thế giới đẫm máu, mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử và nhiều cuộc xung đột khác, ngày nay thật đáng buồn, chúng ta lại thấy mình đang ở trong một cuộc chiến thế giới kinh hoàng diễn ra trong từng vùng. Thật không dễ để biết được thế giới của chúng ta hiện tại ít bạo lực hơn hay nhiều bạo lực hơn trong quá khứ, hay hiểu được liệu những phương tiện truyền thông hiện đại và tính di động mở rộng hơn đã làm chúng ta ý thức nhiều hơn về bạo lực, hoặc, về mặt khác, lại làm tăng cảm giác quen với nó.
Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta biết rằng tính bạo động “từng vùng” này, nhiều hình thức và mức độ khác nhau, gây ra những sự đau khổ quá lớn: những cuộc chiến ở các quốc gia và các châu lục khác nhau; chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức và những hành động bạo lực không thể lường trước được; những tình trạng ngược đãi người di cư và các nạn nhân của việc buôn người; và sự tàn phá môi trường. Việc này sẽ dẫn đến đâu? Bạo lực có đạt được một mục tiêu mang giá trị bền vững nào không? Hay nó chỉ đơn thuần dẫn đến sự trả thù và một vòng luẩn quẩn những cuộc xung đột đẫm máu và đem đến ích lợi cho một vài “thủ lĩnh quân phiệt”?
Bạo lực không phải là liệu pháp chữa lành cho thế giới bị tan vỡ của chúng ta. Dùng bạo lực để đối phó với bạo lực là một cách nhanh nhất dẫn đến những cuộc di cư cưỡng bức và sự đau khổ vô ngần, vì những con số khổng lồ các nguồn tài nguyên bị chuyển sang mục đích sử dụng cho quân sự và không thuộc về những nhu cầu thường nhật của giới trẻ, các gia đình trải qua nhiều khó khăn, người cao tuổi, người đau yếu và đại đa số người dân trên thế giới. Ở mức độ tồi tệ nhất, nó có thể dẫn đến những cái chết, thể xác và tâm hồn, của rất nhiều người, nếu không phải là tất cả.

Tin vui
3. Chính Chúa Giê-su cũng sống trong thời gian bạo động. Tuy nhiên, Ngài dạy rằng chiến trường thực sự, nơi bạo lực và hòa bình đối mặt nhau, là trái tim của con người: vì “từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7:21). Nhưng thông điệp của Đức Ki-tô về vấn đề này đưa ra một phương pháp hoàn toàn tích cực. Ngài luôn luôn rao truyền tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, tình yêu đón chào và tha thứ. Ngài dạy các môn đệ của Ngài yêu kẻ thù (Mt 5:44) và đưa má bên kia ra (Mt 5:39). Khi Ngài ngăn được những người tố cáo không ném đá người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình (Ga 8:1-11), và trong đêm trước khi chết, lúc Ngài bảo Phê-rô cất gươm của ông đi (Mt 26:52), Đức Giê-su đã vạch ra con đường bất bạo động. Ngài đã đi theo con đường đó đến cuối cùng, đến thập giá, nhờ đó Ngài trở thành sự an bình của chúng ta và đặt dấu chấm hết cho sự hận thù (Eph 2:14-16). Bất kỳ ai đón nhận Tin Vui của Chúa Giê-su đều có khả năng thừa nhận tính bạo lực bên trong con người và được chữa lành bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, sau đó lại trở thành một khí cụ cho hòa giải. Theo những lời của Thánh Phanxico Assisi: “Khi bạn công bố hòa bình ra ngoài miệng, phải chắc chắn rằng bạn có sự an bình lớn hơn trong tâm hồn.”(3)
Để trở thành những môn đệ thực sự của Chúa Giê-su hôm nay cũng phải thấm nhuần lời dạy của Ngài về tính bất bạo động. Như Đấng Tiền nhiệm của tôi là Đức Benedict XVI nhận xét rằng giáo huấn là “rất thiết thực vì lời đó được dạy cho một thế giới quá nhiều bạo lực, quá nhiều bất công, và vì thế tình hình không thể vượt qua, trừ khi nó bị đối mặt bằng nhiều sự yêu thương hơn nữa, nhiều sự tốt lành hơn nữa. Cái “nhiều hơn” này đến từ Thiên Chúa.” (4) Ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng: “Với người Ki-tô hữu, bất bạo động không chỉ đơn thuần là thái độ sách lược, nhưng là cách sống của một con người, là thái độ của một con người bị khuất phục bởi tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến độ người đó không hề e sợ đối phó với tội ác chỉ bằng những vũ khí của tình yêu và sự thật. Yêu thương kẻ thù là cốt lõi của ‘cuộc cách mạng của Đức Ki-tô’.”(5) Mệnh lệnh của Tin mừng là yêu kẻ thù (Lc 6:27) “được xem là luật lệ chính đáng của tính bất bạo động của người Ki-tô hữu. Nó không có nghĩa là đầu hàng trước điều ác …, nhưng đáp trả cho điều ác bằng điều thiện (Rm 12:17-21), và từ đó sẽ phá vỡ được chuỗi bất công.”(6)

(Xin quý vị đọc tiếp phần 2 ngày mai)


***
(1) Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 228.
(2) PAUL VI, Message for the First World Day of Peace, 1 January 1968.
(3) “The Legend of the Three Companions”, Fonti Francescane, No. 1469.
(4) BENEDICT XVI, Angelus, 18 February 2007.

(5) Ibid.
(6) Ibid.

[Văn bản của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/12/2016]

17 vị tử đạo được phong chân phước ở Lào

17 vị tử đạo được phong chân phước ở Lào

Joseph Tien and his 16 companions‎ who were martyred in Laos - RV
Giu-se Tiên và 16 bạn chịu tử đạo ở Lào - RV
13/12/2016 16:24
Hơn một ngàn người Công giáo đã tham dự Lễ Phong Chân Phước 17 vị tử đạo của Lào trong Nhà Thờ Thánh Tâm của thủ đô Viêng chăn, sáng Chủ nhật. Đức Hồng y người Philippine, Orlando Quevedo, Tổng Giám mục giáo phận Cotabato chủ tế Thánh Lễ Phong Chân Phước, tham dự thánh lễ cũng có các viên chức chính phủ mặc trang phục truyền thống, ngồi ở những hàng ghế trên, cũng có hai hồng y, một số giám mục và nhiều linh mục. Với khoảng 60 ngàn người Công giáo chỉ chiếm 1% dân số gần 7 triệu người của đất nước. Số người tham dự khá cao trong đó có nhiều người theo dõi nghi thức phụng vụ qua một màn hình lớn bên ngoài thánh đường.
Nhóm 17 vị tử đạo được gọi là “Giu-se Tiên và 16 bạn hữu” đã bị giết vì đức tin giữa khoảng những năm 1954 và 1970 lúc đó trong tay lực lượng Cộng sản Pathet Lào. Sáu vị là người Lào, 10 vị là linh mục Hội Thừa Sai Nước Ngoài Paris (MEP) và một là linh mục thuộc Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Oblate của Ý (OMI), Cha  Mario Borzaga, ngài bị giết năm 1960 cùng với giáo lý viên trẻ tuổi người Lào, Phao-lô Thoj‎.
Đức Thánh Cha Phanxico hôm Chủ nhật nhắc lại 17 vị tử đạo của Lào nói rằng, “Sự trung thành anh dũng với Đức Ki-tô của họ là một khích lệ và là một mẫu gương cho các nhà truyền giáo, và đặc biệt cho các giáo lý viên, những người ở các vùng truyền giáo đang thực hiện một công việc vô cùng quý báu và không có gì thay thế được, mà toàn thể Giáo hội đều tri ân.”   Hướng sự chú ý vào các giáo lý viên, ngài nói “Họ làm rất nhiều điều tốt lành, nhiều việc tốt lành! Trở thành một giáo lý viên là một điều vô cùng đẹp, đó là mang thông điệp của Thiên Chúa để nó lớn lên trong chúng ta,” Đức Thánh Cha mời gọi mọi người vỗ tay khen ngợi các giáo lý viên.
Đức Hồng y Quevedo nói rằng 17 vị tử đạo là những anh hùng đức tin và câu chuyện của họ phải được cho thế hệ trẻ biết. Ngài nói rằng cho dù Lào có “một đoàn chiên rất nhỏ” nhưng họ phải nhớ rằng, nếu máu của các vị tử đạo là hạt giống của giáo hội, “thì chúng ta sẽ chắc chắn nhìn thấy hoa trái của máu của các ngài đổ ra.” “Hạt lúa mì đã rơi vào lòng đất và đã chết đi. Với niềm tin chắc chắn rằng nó sẽ trổ sinh hoa trái là con số những người Công giáo, sự vững mạnh của đức tin và trong con số những ơn gọi lên đời sống linh mục và tu sĩ,” Đức Hồng y nói thêm. Ngài mời gọi tất cả các Ki-tô hữu mừng Lễ các vị tử đạo vào ngày 16 tháng 12.
Vào cuối Lễ, một viên chức chính phủ Lào phát biểu. Khâm sứ Tòa Thánh tại Lào, thường trú tại Bangkok, Thái lan, Đức Tổng Giám mục Phaolo Tschang In-Nam cũng chia sẻ đôi lời, mời gọi chính phủ thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Sau Thánh Lễ là bữa trưa cộng đoàn có các bài ca và vũ điệu truyền thống, mà nhà cầm quyền chỉ giới hạn cho phép trong phạm vi của nhà thờ.   (Nguồn: AsiaNews/UCAN)

[Nguồn:  radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/12/2016]


TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh

‘Giáng sinh là một ngày để mở rộng tâm hồn: điều cần thiết là chúng ta phải mở tâm hồn trước những sự bé nhỏ, sự bé nhỏ trong Trẻ thơ đó, và trước những sự diệu kỳ. Đó là sự diệu kỳ của Giáng sinh’
14 tháng 12, 2016
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong Buổi Tiếp kiến chung sáng nay trong Sảnh đường Phaolo VI của Vatican:
__
GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta đang tiến gần đến Giáng sinh, và ngôn sứ I-sai-a một lần nữa giúp chúng ta biết mở cửa tâm hồn cho niềm hy vọng, đón nhận Tin Vui của ơn cứu độ sắp đến. Chương 52 của ngôn sứ I-sai-a bắt đầu bằng lời mời gọi Jerusalem hãy đứng lên, hãy giũ mình sạch bụi và hãy mở tung xiềng xích, và hãy mặc lên mình áo đẹp, vì Thiên Chúa đã đến giải thoát dân Người (cc. 1-3). Và ngôn sứ nói thêm: “Dân ta sẽ nhận biết danh ta, nhận biết rằng: chính ta là Đấng đã phán: này ta đây” (c. 6).
Với câu “Này Ta đây” của Thiên Chúa, tóm tắt lại toàn bộ ý định về ơn cứu độ của Người và của sự gần gũi với chúng ta, bài ca mừng vui của Jerusalem đáp lại, hòa nhịp với lời mời gọi của ngôn sứ. Đó là một thời khắc lịch sử quan trọng. Đó là sự chấm dứt cho cuộc lưu đày Babylon; đó là khả năng để Israel tìm lại được Thiên Chúa và, bằng niềm tin, tìm lại được chính mình.Thiên Chúa đã hạ mình xuống gần gũi với chúng ta, và “phần nhỏ còn lại,” cụ thể là một số ít người còn lại sau lưu đày và vẫn giữ vững niềm tin trong cuộc lưu đày, đã vượt qua được cơn khủng hoảng và tiếp tục tin tưởng và hy vọng thậm chí ở giữa bóng đêm đen, “phần nhỏ còn lại” đó sẽ có thể nhìn thấy những kỳ công của Thiên Chúa.
Đến đây ngôn sứ đặt ra bài ca mừng vui:
Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."
Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Trước mặt muôn dân,
ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người:
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy. (Isaia 52:7.9-10).
Với những lời ca này của Isaia, chúng ta cần dừng lại đây một chút, nói đến kỳ công của hòa bình, và chúng làm đúng như vậy bằng một cách rất đặc biệt, không phải hướng mắt vào người loan báo nhưng vào đôi chân của người đó, bước đi thoăn thoắt: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng …”
Nó cũng giống như Tân nương trong Diễm ca, chạy vội đến với người yêu: Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi. (Dc 2:8) Vì vậy người loan báo tin vui hòa bình cũng chạy, mang tin vui của sự giải thoát, của ơn cứu độ, và công bố triều đại Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Người và không để Người bị đánh bại bởi tội lỗi, vì Người tín trung, và ân sủng của Người vĩ đại hơn tội lỗi. Chúng ta phải biết điều này, vì chúng ta bướng bỉnh và không biết điều đó. Nhưng để cha hỏi một câu: điều gì lớn hơn, Thiên Chúa hay tội lỗi? Thiên Chúa! Và chung cuộc ai sẽ chiến thắng, Thiên Chúa hay tội lỗi? Thiên Chúa. Người có thể vượt qua tội lỗi lớn nhất, đáng hổ thẹn nhất, khủng khiếp nhất, xấu xa nhất trong các tội. Thiên Chúa dùng vũ khí gì để thắng được tội lỗi? Bằng tình yêu! Đây là “triều đại của Thiên Chúa”; đây là những lời của niềm tin vào một Thiên Chúa mà quyền năng của Người cúi xuống trước nhân loại, tự hạ mình xuống, để ban tặng lòng thương xót và giải thoát con người khỏi những điều làm xấu xí hình ảnh đẹp đẽ của Thiên Chúa trong con người, vì khi chúng ta ở trong tội lỗi, hình ảnh của Thiên Chúa bị làm xấu đi. Và sự kiện toàn của đại dương tình yêu như vậy sẽ thực sự là Vương quốc được Chúa Giê-su thiết lập, Vương quốc của sự tha thứ và an bình mà chúng ta hân hoan mừng đón vào ngày Giáng sinh và nó trở nên trọn vẹn hoàn toàn vào ngày Phục sinh. Và niềm vui mừng tuyệt mỹ nhất của ngày Giáng sinh là sự vui mừng bình an nội tâm: Thiên Chúa đã xóa bỏ tội của tôi, Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, Thiên Chúa đã thương xót tôi, Ngài đến để cứu thoát tôi. Đây là niềm vui Giáng sinh!
Thưa anh chị em, đây là những lý do cho niềm hy vọng của chúng ta. Khi mọi sự dường như kết thúc, khi phải đối mặt với quá nhiều thực tại u ám, đức tin trải qua sự khó khăn và một cám dỗ xuất hiện nói rằng chẳng còn gì có ý nghĩa nữa, vậy hãy nhìn xem Tin Vui được đem đến bằng những bước chân nhanh nhẹn: Thiên Chúa đang đến để thiết lập một sự mới lại, để thiết lập một vương quốc bình an. Thiên Chúa đã “để cánh tay trần của Người” và đến để mang sự tự do và an ủi. Tội lỗi sẽ không mãi mãi chiến thắng, sẽ có dấu chấm hết cho đau khổ. Sự tuyệt vọng sẽ bị đánh bại vì Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Và chúng ta cũng được kêu gọi để đứng dậy, như Jerusalem, để hòa theo lời mời gọi gửi đến bởi ngôn sứ. Chúng ta được kêu gọi để trở nên những con người của hy vọng. Thật khủng khiếp khi chúng ta gặp một Ki-tô hữu mất hết niềm hy vọng! “Nhưng tôi không hy vọng bất cứ điều gì, mọi điều đều đã kết thúc đối với tôi,” một người Ki-tô hữu không còn khả năng nhìn về những chân trời hy vọng sẽ nói như vậy, và vì vậy trước mắt người đó chỉ có một bức tường. Nhưng Thiên Chúa phá hủy toàn bộ các bức tường này bằng sự tha thứ! Và chúng ta phải cầu xin điều này, cầu xin rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng mỗi ngày, và xin Người ban nó cho mọi người; niềm hy vọng được sinh ra khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong hang đá ở Bê-lem. Thông điệp của Tin Vui được trao phó cho chúng ta là rất khẩn thiết. Chúng ta cũng phải chạy giống như người loan báo tin vui trên núi, vì thế giới không thể chờ đợi thêm; nhân loại đang đói và khát sự công bình, sự thật và hòa bình.
Và nhìn đến Hài nhi Bé nhỏ của Bê-lem, những người bé nhỏ trên thế giới sẽ biết rằng lời hứa đã được thực hiện, thông điệp đã được hoàn tất. Bao quanh một trẻ mới sinh, thiếu thốn mọi thứ, được bọc trong khăn tã và đặt trong máng cỏ, là toàn bộ quyền năng của Thiên Chúa cứu độ. Giáng sinh là một ngày để mở rộng tâm hồn: điều cần thiết là chúng ta phải mở tâm hồn trước những sự bé nhỏ, sự bé nhỏ trong Trẻ thơ đó, và trước những sự diệu kỳ. Đó là sự diệu kỳ của Giáng sinh mà chúng ta đang chuẩn bị, với niềm hy vọng, trong Mùa Vọng này. Đây là một điều kỳ diệu của một Thiên Chúa Bé thơ, của một Thiên Chúa nghèo hèn, của một Thiên Chúa yếu ớt, của một Thiên Chúa từ bỏ sự vĩ đại của Người để hạ mình xuống gần gũi với mỗi người chúng ta.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

Tiếng Ý
Trong những ngày hân hoan chuẩn bị mừng Giáng sinh này, xin gửi một lời chào nồng hậu đến những anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Cha xin cảm ơn tất cả vì những lời chúc tốt đẹp cho ngày sinh nhật sắp tới của cha, xin cảm ơn anh chị em rất nhiều! Nhưng cha kể cho anh chị em một điều làm anh chị em phải phì cười: ở đất nước của cha, gửi những lời chúc tốt đẹp trước sẽ đem lại điềm xấu! Và người gửi lời chúc tốt đẹp trước là người “ném cái nhìn hiểm độc!” Cha rất hạnh phúc được đón tiếp các tân linh mục của Dòng Đạo Binh Chúa Ki-tô cùng với thân quyến và các chủng sinh của Chủng viện Brescia: Cha hy vọng chúng con sẽ có thể sống đời linh mục đích thực, một tinh thần phục vụ và khả năng làm trung gian giữa ân sủng của Thiên Chúa và tính mỏng giòn của con người. Khả năng làm trung gian: các con phải là những người trung gian, đừng bao giờ là những người môi giới.
Cha xin chào các tín hữu đến từ Petrignano Assisi, và cảm ơn anh chị em rất nhiều về món quà hang đá nghệ thuật; những quân nhân phục vụ trong Hoạt động Đường phố An toàn cho Năm Thánh; và các đại diện của Nhóm Bảo hiểm Công giáo, đang mừng kỷ niệm 70 năm hoạt động.
Cuối cùng, xin gửi lời chào các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Hôm nay phụng vụ kính nhớ Thánh Gioan Thánh Giá, một mục tử nhiệt thành và một Tiến sĩ Hội Thánh: các bạn trẻ thân yêu, hãy suy niệm về sự vĩ đại của tình yêu của Chúa Giê-su, Người đã sinh ra và chịu chết vì chúng ta; anh chị em bệnh nhân thân mến, cùng hiệp nhất với Đức Ki-tô, hãy chấp nhận thánh giá với lòng vâng nghe để cầu cho sự hoán cải của các tội nhân; và chào các con, các đôi uyên ương mới, hãy dành thời gian cầu nguyện đặc biệt trong Mùa Vọng này, để đời sống hôn nhân của chúng con trở thành một hành trình trọn vẹn của người Ki-tô hữu.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/12/2016]

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Món quà này là một cảnh hang đá đặc biệt từ thị trấn nhỏ Petrignano di Assisi, Ý. Một sự ngạc nhiên đang chờ đợi Đức Thánh Cha ở bên trong!
Credit: © L'Osservatore Romano
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Bên hông thùng có các hình của thánh Phanxico và ở giữa một đầu thùng có dòng chữ viết “Từ Thánh Phanxico đến Giáo Hoàng Phanxico, Giáng sinh."
Credit: © L'Osservatore Romano

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Từ thị trấn nhỏ Petrignano di Assisi, Ý, bên trong thùng là cảnh hang đá có tượng Thánh Phanxico (trái) và Đức Thánh Cha Phanxico (phải) đang viếng thăm hài nhi Giê-su.
Mặt bên trong của thùng vẽ cảnh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxico (phía sau) ở Assisi, Ý.
Credit: © L'Osservatore Romano
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Credit: © L'Osservatore Romano
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Credit: © L'Osservatore Romano
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Credit: © L'Osservatore Romano
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Credit: © L'Osservatore Romano
TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm vui Giáng sinh
Một bánh sinh nhật sớm! Đức Thánh Cha Phanxico tròn 80 tuổi vào Thứ Bảy này.
Credit: © L'Osservatore Romano