Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Giảng huấn Kinh Truyền tin: Mầu nhiệm Giáng sinh

Giảng huấn Kinh Truyền tin: Mầu nhiệm Giáng sinh

‘Và tôi có mở cửa đón Chúa, Đấng đang đến gần – với Thiên Chúa – khi tôi nghe thấy một sự thúc đẩy từ bên trong, khi tôi cảm thấy tôi được kêu gọi để làm nhiều hơn nữa cho tha nhân, khi tôi được kêu gọi cầu nguyện?’
18 tháng 12, 2016
Giảng huấn Kinh Truyền tin: Mầu nhiệm Giáng sinh
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin giữa trưa với những người tập trung ở Quảng trường Thánh Phê-rô.
***
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ tư và là cuối cùng của Mùa Vọng, được làm nổi bật lên với chủ đề về sự gần gũi của Thiên Chúa với nhân loại. Trích đoạn Tin mừng (Mt 1.18 to 24) cho chúng ta thấy hai người, hai người, vượt lên hơn tất cả mọi người khác, đã tham dự vào mầu nhiệm tình yêu: Mẹ Đồng Trinh Maria và hôn phu của Mẹ là Giu-se. Mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm gần gũi của Thiên Chúa với nhân loại.
Mẹ Maria được giới thiệu theo lời các ngôn sứ rằng: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (v. 23). Tác giả Tin mừng Mát-thêu đã nhận ra những gì xảy ra trong Mẹ Maria, Mẹ đã mang thai Chúa Giê-su theo quyền năng của Chúa Thánh Thần (c. 18). Con của Thiên Chúa “đến” từ cung lòng Mẹ để trở nên một con người và Mẹ chào đón Ngài. Vì thế, bằng một con đường rất độc đáo, Thiên Chúa đã thành một con người, từ da thịt của một người phụ nữ: Thiên Chúa đến với chúng ta và mang lấy da thịt của một người phụ nữ. Bằng một cách khác, Thiên Chúa đến với chúng ta cùng với ân sủng của Người, để đi vào cuộc sống của chúng ta và tặng ban cho chúng ta ân ban là Con của Người. Và chúng ta, chúng ta làm gì? Chúng ta có chào đón Ngài không? Chúng ta có để cho Ngài đến gần chúng ta, hay chúng ta từ chối Ngài, chúng ta đuổi Ngài đi? Cũng như Mẹ Maria, hiến dâng bản thân trọn vẹn cho Thiên Chúa của lịch sử, Mẹ đã để cho Người thay đổi vận mệnh của nhân loại, vì thế chúng ta cũng như vậy, hãy chấp nhận Giê-su và cố gắng bước theo Ngài mỗi ngày, chúng ta có thể hợp tác với Ngài trong chương trình cứu độ của Ngài cho chính chúng ta, và cho toàn thế giới. Vì thế, Mẹ Maria là một mẫu gương để dõi theo và trợ giúp mà chúng ta có thể cậy nhờ, trong khi chúng ta đi tìm Thiên Chúa, trong sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa. Trong việc này, hãy để Thiên Chúa lại gần chúng ta và những cam kết của chúng ta để xây dựng một nền văn minh tình thương.
Vai chính thứ hai trong Tin mừng hôm nay là Thánh Giu-se. Tác giả Tin mừng làm nổi bật lên rằng chính Giu-se không thể giải thích biến cố ông nhìn thấy bằng đôi mắt của mình, nói rõ là việc mang thai của Mẹ Maria. Thì ngay lúc đó, trong giây phút hoài nghi đó, thậm chí có một chút đau đớn, Thiên Chúa đến gần – cũng với ngài – qua thiên sứ của Người, và ông đã được soi sáng về bản chất của cương vị làm mẹ đó: “Người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (v. 20). Vì thế, trước biến cố quá trọng đại như vậy, nó thực sự làm nổi lên trong ông nhiều câu hỏi, ông hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa Đấng đã đến với ông và, theo lời mời gọi của Người, đã không từ bỏ hiền thê của ông, nhưng đón nhận và đã cưới Mẹ Maria. Bằng cách chào đón Maria, Giu-se chào đón một cách có ý thức và bằng tình yêu. Ngài, Đấng đang ngự trong Mẹ, đã được thụ thai qua công việc kỳ diệu của Thiên Chúa, với Người không điều gì là không thể. Giu-se, một con người khiêm nhường và công chính (c. 19), dạy chúng ta phải luôn biết tín thác vào Thiên Chúa: khi Thiên Chúa đến với chúng ta, chúng ta phải tín thác vào Ngài. Giu-se dạy chúng ta biết để cho bản thân chúng ta được hướng dẫn bởi Người, bằng sự vâng lời tự nguyện.
Hai nhân vật này, Maria và Giu-se, là những người đầu tiên đón nhận Chúa Giê-su bằng đức tin, giới thiệu cho chúng ta vào mầu nhiệm Giáng sinh. Mẹ Maria giúp chúng ta biết đặt mình vào thái độ sẵn sàng chào đón Con của Thiên Chúa trong cuộc sống thực tế của chúng ta, trong da thịt của chúng ta. Giu-se khuyến khích chúng ta luôn luôn tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa và đi theo ý định đó bằng sự vững tâm hoàn toàn. Cả hai vị để cho mình được Thiên Chúa đi vào.
Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta'” (Mt 1:23). Vì thế thiên thần nói:  “người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, nghĩa là, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và tôi có mở cửa đón Chúa, Đấng đang đến gần – với Thiên Chúa – khi tôi nghe thấy một sự thúc đẩy từ bên trong, khi tôi cảm thấy tôi được kêu gọi để làm nhiều hơn nữa cho tha nhân, khi tôi được kêu gọi cầu nguyện? Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa đến với chúng ta. Việc công bố niềm hy vọng này, được thực hiện trong ngày Giáng sinh, đem đến sự hoàn tất cho niềm mong chờ Thiên Chúa trong mỗi con người chúng ta, trong toàn Giáo hội, và trong những con người bé nhỏ và bị gạt ra bên lề mà thế giới khinh bỏ, nhưng là những người Thiên Chúa yêu và là những người Thiên Chúa kéo đến gần.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]

Sau kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến,
Cha xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những tín hữu của Roma và anh chị em hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, nhiều gia đình, nhóm giáo xứ, và các hội đoàn.
Cha kêu gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho cuộc đối thoại ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo có thể mở ra con đường thanh bình, để có thể thoát khỏi mọi hình thức bạo lực, và cầu nguyện cho mọi điều tốt lành cho toàn đất nước.
Đặc biệt, cha xin chào nhóm UNITALSI – Xin cảm ơn anh chị em rất nhiều vì những công việc đẹp mà anh chị em làm! – anh chị em đã tạo ra một cảnh hang đá rất sống động trong đó có những người khuyết tật; cũng như các sinh viên của Học viện Chính trị Quốc tế Calabrese của Calabrian.
Cha cũng xin cảm ơn tất cả những người và hội đoàn ngày hôm qua, đã gửi những lời chúc rất đẹp cho Sinh nhật 80 của Giáo hoàng Phanxico. Xin cảm ơn rất nhiều!
Cha chúc tất cả một Chúa nhật tốt lành: chúng ta có thời tiết tốt …
Chúa nhật tới là Giáng sinh. Trong suốt tuần này – cha đề nghị – chúng ta hãy tìm một chút thời gian nào đó để dừng lại, để thinh lặng một chút, và hình dung về Mẹ Đồng Trinh Maria và Thánh Giu-se, hai vị sắp sửa đi Bê-lem. Hãy hình dung họ đi như thế nào: đường đi, sự nhọc mệt, nhưng cũng có niềm vui, cảm xúc, rồi đến sự lo âu tìm được một nơi, sự lo lắng …, vân vân. Cảnh hang đá giúp chúng ta nhìn thấy, theo cách này. Chúng ta hãy đi vào Giáng sinh thật sự, Giáng sinh của Chúa Giê-su, Đấng ngự đến với chúng ta – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở bên chúng ta – để nhận được ân sủng của lễ mừng này, ân sủng của sự gần gũi, của tình yêu, của sự khiêm hạ và nhân từ.
Và trong những giây phút đó, xin cũng hãy nhớ cầu nguyện cho cha. Xin chúc bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 19/12/2016]



Tòa Thánh yêu cầu những biện pháp cứng rắn chống lại những kẻ buôn người

Tòa Thánh yêu cầu những biện pháp cứng rắn chống lại những kẻ buôn người

human trafficking is described by Pope Francis as a crime against humanity - RV
Đức Thánh Cha Phanxico mô tả buôn người là một tội ác chống lại nhân loại - RV
16/12/2016 12:02
(Vatican Radio) Tòa Thánh thúc giục tất cả các Chính phủ là thành viên của Tổ Chức Anh ninh và Hợp tác Châu Âu nhận ra rằng buôn người là một trong những tội ác ghê tởm nhất và làm mọi việc có thể để tiêu diệt nó.
Yêu cầu này được đưa ra bởi Đức ông Janusz Urganczyk, Quan sát viên Thường trực của Vatican tại Hội đồng Thường trực OSCE trong phiên họp hôm thứ Năm.
Đức ông nhấn mạnh rằng “phải có sự chú ý đặc biệt để tiêu diệt tội ác này khi nó nhằm tấn công vào trẻ em, các em bị bắt làm nô lệ và rơi vào làm miếng mồi cho sự bóc lột dưới hình thức lao động và quân dịch trẻ em, rơi vào mạng lưới tội phạm buôn thuốc phiện hoặc vào vũng lầy khiêu dâm tình dục; các em bị buộc phải chạy trốn khỏi những cuộc xung đột và bách hại, đang có nguy cơ bị cô lập và bỏ rơi.”
Đức ông Urganczyk cũng nhấn mạnh đến sự thật rằng viễn cảnh vốn đã ảm đạm này bị làm tồi tệ hơn bởi nhu cầu thậm chí ở trong vùng OSCE cũng có tình trạng bóc lột và ngược đãi này.
Tuy nhiên, đức ông nói: “cách duy nhất để chặn đứng một cách hiệu quả những hình thức nô lệ trẻ em là phải có những hành động nghiêm khắc hơn và hiệu quả hơn để chống lại những kẻ thu lợi từ những sự ngược đãi như vậy.”

Dưới đây là toàn văn trình bày của Đức ông:
Thưa ông Chủ tịch,
Phái đoàn của Tòa Thánh hân hạnh được tham gia trình bày cùng các diễn giả nồng hậu chào mừng Đại diện Đặc biệt và Điều phối viên Chống lại Nạn Buôn người, Đại sứ Madina Jarbussynova, trở lại Hội đồng Thường trực và xin gửi lời cảm ơn bà trong phần trình bày báo cáo chi tiết về những hoạt động và ưu tiên của Văn phòng của bà. Tòa Thánh thường xuyên lên tiếng chống lại tội ác buôn người, lao động cưỡng bức và mọi hình thức nô lệ hiện đại, thường tập trung vào việc bóc lột trẻ em một cách ghê tởm. Tòa Thánh cũng đã liên tục đưa ra những hành động, qua các tổ chức của Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, để đặt một sự chấm dứt một lần và mãi mãi cho “căn bệnh ung thư xã hội” này, nó là một trong những tai họa và thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta, như các Đức Giáo hoàng gần đây liên tục nhấn mạnh.
Quả thật, được khơi gợi cảm hứng bởi giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt từ Công đồng Vatican II, được trình bày thành hệ thống rõ ràng bởi các Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Đức Benedict XVI và Đức Phanxico, nhiều cộng đoàn dòng tu Công giáo, các giáo xứ, các tổ chức và nhóm bác ái của giáo dân ở nhiều nơi trên thế giới, dấn thân hàng ngày vào cuộc chiến chống lại nạn buôn người, qua việc ngăn chặn và chăm sóc cho các nạn nhân. Để chống lại với mạng lưới tội phạm, họ đã thành lập một mạng lưới liên kết hiệu quả, liên tục liên lạc qua mạng truyền thông xã hội cho phép trao đổi thông tin và chương trình thật mau lẹ. Họ cũng hợp tác với các Chính phủ và các giới lãnh đạo địa phương để khuyến khích họ trong những quyết định về sách lược của họ. Cũng như những vị tiềm nhiệm, Đức Giáo hoàng Phanxico lên án vấn đề to lớn và giấu mặt này, và cũng đã đưa ra hành động cụ thể. Năm 2014, ngài đã dẫn đầu trong Tuyên ngôn chung của các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo chống lại tình trạng Nô lệ Hiện đại, và giám sát việc thành lập nhóm có tên gọi là “Nhóm Thánh Marta,” lấy tên của nơi ngài ở tại Vatican. Đây là một liên minh trách nhiệm giữa lực lượng cảnh sát và các vị lãnh đạo Giáo hội trên toàn thế giới, cùng với tổ chức dân sự, nhắm triệt tiêu nạn buôn người bằng cách phát triển những chiến lược ngăn chặn và tái hội nhập các nạn nhân,  cũng như bảo đảm việc chăm sóc mục vụ cho họ. Nhờ vào công việc của nhóm, gồm sự hợp tác chặt chẽ giữa Giáo hội và cảnh sát, nhiều tiếng nói tuyệt vọng và thầm lặng đã được nghe thấy. Vì thế, như Đức Giáo hoàng nói, “những gì cần thiết đó là một nỗ lực cụ thể, hiệu quả và tận tình, vừa diệt trừ được những nguyên nhân của hiện tượng phức tạp này, vừa để gặp gỡ, hỗ trợ và đồng hành cùng với những người đã rơi vào cái bẫy buôn người,” họ là những người “không có sức kháng cự, những người bị cướp mất phẩm giá, sự toàn vẹn về thể xác và tâm lý, thậm chí cả mạng sống của họ”(1). Với sự thông qua Chương trình hành động 2030 và SDGs, đặc biệt mục tiêu 8.7, các chính phủ thành viên của Liên Hợp quốc đã tái khẳng định mệnh lệnh đạo đức của họ chống lại sự vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền căn bản của con người.
Hòa nhịp với việc này, Tòa Thánh xin thúc giục tất cả các Chính phủ thành viên nhận ra rằng buôn người là một trong những tội ác ghê tởm nhất và tiếp tục nhận lấy trách nhiệm đạo đức của họ để giải quyết nó một cách thích đáng và từ đó tiêu diệt được nó. Phải có sự chú ý đặc biệt để tiêu diệt tội ác này khi nó nhằm tấn công vào trẻ em, các em bị bắt làm nô lệ và rơi vào làm miếng mồi cho sự bóc lột dưới hình thức lao động và quân dịch trẻ em, rơi vào mạng lưới tội phạm buôn thuốc phiện hoặc vào vũng lầy khiêu dâm tình dục; các em bị buộc phải chạy trốn khỏi những cuộc xung đột và bách hại, đang có nguy cơ bị cô lập và bỏ rơi. Viễn cảnh vốn đã ảm đạm này bị làm tồi tệ hơn bởi nhu cầu thậm chí ở trong vùng OSCE cũng có tình trạng bóc lột và ngược đãi này. Vì vậy, cách duy nhất để chặn đứng một cách hiệu quả những hình thức nô lệ trẻ em là phải có những hành động nghiêm khắc hơn và hiệu quả hơn để chống lại những kẻ thu lợi từ những sự ngược đãi như vậy. Cuối cùng tôi xin kết luận những nhận định của mình bằng sự trân trọng đối với sức thuyết phục và nỗ lực mạnh mẽ đáng khâm phục của Bà Đại sứ Jarbussynova đã mang đến cho công việc. Tôi chỉ có thể bày tỏ lòng tri ân chân thành của Phái đoàn của tôi đối với bà và chúc bà mọi điều tốt đẹp nhất khi bà tiếp tục thực hiện những hoạt động của Văn phòng của bà.

[Nguồn: radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/12/2016]