Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Đức Thánh Cha Phanxico: diễn từ Năm Mới trước Ngoại giao đoàn

Đức Thánh Cha Phanxico: diễn từ Năm Mới trước Ngoại giao đoàn


(Phần 2)

Pope Francis shakes hands with an Ambassador to the Holy See. - REUTERS
Đức Thánh Cha bắt tay với một Đại sứ tại Tòa Thánh. - REUTERS
09/01/2017 11:20
(Vatican Radio) Pope Francis Hôm thứ Hai Đức Thánh Cha đã thỉnh cầu tất cả các giới chức tôn giáo cùng tham gia “tái khẳng định một cách dứt khoát rằng người ta không được giết người nhân danh Thiên Chúa,” ngài nói thế giới đang “đối mặt với sự sát nhân điên rồ lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc cái chết, trong một cuộc chơi giành sự thống trị và quyền lực.”

********

Trong vấn đề này, tôi nói lên sự khẳng định vững chắc của tôi rằng mọi tôn giáo đều được kêu gọi để cổ vũ cho hòa bình. Tôi đã nhìn thấy điều này rất rõ trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Hòa Bình được tổ chức ở Assisi tháng Chín năm ngoái, trong buổi gặp gỡ đó đại diện các tôn giáo khác nhau tập họp để “đưa ra tiếng nói chung cho tất cả những người đau khổ, cho tất cả những người không có tiếng nói và tiếng nói không được nghe thấy”,[7] cũng như những chuyến thăm viếng của tôi đến các Giáo đường Do thái ở Roma và Đền thờ Hồi giáo ở Baku.
Chúng ta biết rằng đã từng có không thiếu những hành động bạo lực với động lực của tôn giáo, bắt đầu tại chính Châu Âu, tại đây những chia rẽ lịch sử giữa các Ki-tô hữu đã gánh chịu quá lâu. Trong chuyến đi gần đây của tôi đến Thụy Điển, tôi đã đề cập đến nhu cầu khẩn thiết để chữa lành những vết thương của quá khứ và cùng tiến bước trên hành trình đạt đến những mục tiêu chung. Nền tảng của hành trình đó chỉ có thể là sự đối thoại đích thực giữa các nền tảng tôn giáo khác nhau. Sự đối thoại như vậy là có thể và rất cần thiết, như tôi mong muốn dẫn chứng bằng cuộc gặp gỡ của tôi ở Cuba với Đức Giáo Chủ Kirill của Moscow, cũng như những chuyến tông du của tôi đến Armenia, Georgia và Azerbaijan, tại đây tôi đã cảm nhận được khát vọng chính đáng của những dân tộc này muốn xóa tan đi những xung khắc đe dọa sự hòa hợp xã hội và hòa bình trong nhiều năm.
Đồng thời, thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ sót những con số rất nhiều những công nghiệp có nền tảng tôn giáo đã đóng góp, có những lúc cả sự hy sinh tử đạo, để theo đuổi thiện ích chung qua việc giáo dục và trợ giúp xã hội, đặc biệt ở những vùng nghèo khổ và trong những khu vực đang có xung đột. Những nỗ lực này thúc đẩy hòa bình và chứng thực rằng các cá nhân của nhiều quốc gia, nền văn hóa và truyền thống khác nhau có thể thực sự chung sống và làm việc, miễn là phẩm giá của nhân vị được đặt ở trọng tâm của các hoạt động.
Đáng buồn, chúng ta biết rằng thậm chí ngày nay, kiến thức tôn giáo, thay vì tăng cường sự cởi mở với tha nhân, lại có những lúc được sử dụng như là một cái cớ để chối bỏ, loại trừ và bạo lực. Tôi đặc biệt nghĩ đến chủ nghĩa bạo lực theo trào lưu chính thống trong năm qua đã gây ra không biết bao nhiêu nạn nhân trên khắp thế giới: ở Afghanistan, Bangladesh, Bỉ, Burkina Faso, Ai cập, Pháp, Đức, Jordan, Iraq, Nigeria, Pakistan, Hoa kỳ, Tunisia và Thổ nhĩ kỳ. Đây là những hành động đê hèn khi sử dụng trẻ em để giết người, chẳng hạn ở Nigeria, hay nhắm vào những người đang cầu nguyện, chẳng hạn tại giáo đường Coptic của Cairo, hay những du khách và công nhân, như ở Brussels, hay người qua lại trên đường trong các thành phố như ở Nice và Berlin, hay đơn giản chỉ là những người đang đón mừng năm mới như ở Istanbul.
Chúng ta đang đối mặt với sự điên rồ sát nhân lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc cái chết, trong một cuộc chơi giành sự thống trị và quyền lực. Vì vậy tôi thỉnh cầu các giới chức tôn giáo cùng tham gia trong việc tái khẳng định chắc chắn rằng không một ai có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Chủ nghĩa khủng bố theo trào lưu chính thống là hậu quả của một vực sâu nghèo nàn tinh thần, và thường cũng có mối quan hệ với sự nghèo nàn rất lớn của xã hội. Nó chỉ có thể bị đánh bại bằng sự đóng góp chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải có trách nhiệm chuyển những giá trị tôn giáo không tách rời việc kính sợ Thiên Chúa ra khỏi việc yêu thương anh em. Các nhà lãnh đạo chính trị có trách nhiệm bảo đảm sự tự đo tôn giáo nơi diễn đàn công cộng, đồng thời công nhận sự đóng góp tích cực và xây dựng trong việc kiến thiết xã hội dân sự không có sự đối kháng trong quan hệ xã hội, được thừa nhận qua nguyên tắc của quyền công dân, và chiều kích tinh thần của cuộc sống. Các nhà lãnh đạo chính phủ cũng có trách nhiệm bảo đảm rằng những điều kiện có thể được coi là mảnh đất màu mỡ cho sự lan rộng những hình thức của trào lưu chính thống không được tồn tại. Điều này đòi hỏi phải có những chính sách xã hội phù hợp nhắm chống lại nạn nghèo đói; những chính sách như vậy không thể không xét đến sự nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của gia đình như là một nơi đặc quyền cho sự phát triển tính trưởng thành của con người, và phải có sự đầu tư chính vào các lĩnh vực giáo dục và văn hóa.
Liên quan đến vấn đề này, tôi rất thích thú khi biết được sáng kiến của Hội Đồng Châu Âu về chiều kích văn hóa của đối thoại đa văn hóa, mà trong năm qua đã thảo luận về vai trò của giáo dục trong việc ngăn chặn tư tưởng quá khích dẫn đến chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan. Điều này cho thấy sực hiểu biết tốt hơn về vai trò của tôn giáo và giáo dục trong việc đem lại sự hòa hợp xã hội chân chính vô cùng cần thiết cho sự chung sống trong một xã hội đa văn hóa.
Đến đây tôi muốn trình bày sự vững tin của tôi rằng các nhà cầm quyền chính trị không được giới hạn bản thân trong việc bảo đảm sự an toàn chỉ cho công dân của đất nước của họ – một khái niệm rất dễ bị co cụm lại thành “cuộc sống im lặng” – nhưng cũng được kêu gọi để hoạt động tích cực cho sự phát triển hòa bình. Hòa bình là một “phẩm chất tích cực,” vì nó kêu gọi sự cam kết và hợp tác của mỗi cá nhân và xã hội nói chung. Như Công Đồng Vatican II nhận xét, “không bao giờ có thể đạt được hòa bình chỉ một lần và cho tất cả, nhưng phải được xây đắp liên tục”,[8] bằng cách bảo vệ thiện ích của con người và tôn trọng phẩm giá của họ. Đòi hỏi trên hết để xây dựng hòa bình là phải từ bỏ bạo lực trong việc xác nhận quyền của một người.[9]  Với nguyên tắc vô cùng căn bản này tôi đã dành riêng trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2017 cho chủ đề, “Bất bạo động: Một con đường Chính trị Hòa bình”.  Điều tôi mong muốn trên hết là tái khẳng định rằng phi bạo lực phải là một con đường chính trị dựa trên pháp quyền và phẩm giá của mỗi con người.
Xây dựng hòa bình cũng đòi buộc rằng “những nguyên nhân gây bất hòa dẫn đến chiến tranh phải bị trừ tận gốc”,[10] bắt đầu bằng những hành động bất công. Thật vậy, công bằng và hòa bình có sự tương quan rất chặt chẽ [11]. Thánh Gioan Phaolo II nhận xét, “vì tính công bằng của con người luôn luôn mong manh và bất toàn, nó là đối tượng bị chi phối bởi những giới hạn và tính cao ngạo của các cá nhân và tập thể, nó phải được đưa vào và hoàn thiện bởi sự tha thứ giúp chữa lành và tái xây dựng lại những mối quan hệ từ các nền tảng của chúng … Sự tha thứ hoàn toàn không đối nghịch lại công bằng. Nó thực ra là sự hoàn thiện của tính công bằng, dẫn đưa đến tình trạng trật tự yên bình” trong đó có “sự chữa lành những vết thương làm sưng tấy trái tim con người. Công bằng và sự tha thứ là rất cần thiết cho sự chữa lành như vậy.”[12]  Những lời này vẫn còn tính hợp thời nhất, và phù hợp với sự cởi mở về phía một số Nguyên thủ Nhà nước hoặc Chính phủ trước thỉnh cầu của tôi đưa ra một hành động khoan dung cho những tù  nhân. Tôi xin bày tỏ sự biết ơn và lòng tri ân đối với những vị này và tất cả những ai thăng tiến những điều kiện sống đúng với phẩm giá cho các tù nhân và sự hòa nhập của họ vào trong xã hội.
Tôi tin rằng đối với nhiều người Năm Thánh Đặc Biệt Lòng Thương Xót là một khoảng thời gian đặc biệt hữu ích để tái khám phá “sự ảnh hưởng tích cực rất lớn của lòng thương xót như là một giá trị xã hội.” [13]  Bằng cách này, mọi người có thể giúp xây dựng một “văn hóa thương xót, dựa trên nền tảng của việc tái khám phá sự gặp gỡ nhau, một văn hóa trong đó không ai nhìn người khác bằng sự thờ ơ hoặc quay lưng trước nỗi đau khổ của anh chị em của chúng ta.”[14]  Chỉ bằng cách đó mới có thể xây dựng được những xã hội có tinh thần cởi mở và chào đón người nước ngoài đồng thời xây dựng được sự an toàn và hòa bình trong nước. Điều này là vô cùng cần thiết trong thời gian hiện tại này, khi những làn sóng di cư khổng lồ vẫn tiếp tục ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến những con số rất đông người phải di tản và tị nạn trong nhiều vùng ở Châu Phi và Nam Á, và tất cả những người đang phải chạy trốn khỏi những vùng có xung đột ở Trung Đông.
Năm ngoái cộng đồng quốc tế đã nhóm họp trong hai sự kiện quan trọng do Liên Hợp Quốc triệu tập: Hội Nghị Thượng Đỉnh Nhân Đạo Thế Giới lần đầu tiên và Hội Nghị Thượng Đỉnh về Người Tị Nạn và Di Cư. Liên quan đến người di cư, người di tản và tị nạn, cần phải có một cam kết chung nhắm trọng tâm vào việc trao tặng cho họ sự chào đón đúng với phẩm giá. Điều này phải gồm có sự tôn trọng quyền của “mỗi con người … được di cư sang quốc gia khác và được định cư tại đó,”[15] đồng thời bảo đảm rằng người di cư có thể được hội nhập vào xã hội đã đón nhận họ, và về sau không có cảm giác rằng sự an toàn của họ, giá trị văn hóa và sự ổn định chính trị xã hội của họ bị đe dọa. Về mặt khác, chính bản thân người nhập cư không được quên rằng họ có bổn phận phải tôn trong luật pháp, văn hóa và truyền thống của quốc gia cưu mang họ.
Sự thận trọng về phía những nhà lãnh đạo dân sự không đồng nghĩa với việc ban hành những chính sách loại trừ đối với người di cư, nhưng phải có sự đánh giá bằng sự khôn ngoan và nhìn xa trông rộng, để đạt đến mức độ đất nước của họ là một địa điểm, mà không có sự thiên kiến về thiện ích chung của công dân, tạo dựng đời sống tốt đẹp cho người di cư, đặc biệt những người thực sự cần bảo vệ. Trên hết, chúng ta không được giảm nhẹ cuộc khủng hoảng hiện tại thành một vấn đề của những con số. Người di cư là những con người, với tên riêng của họ, lịch sử và gia đình của họ. Không bao giờ có được hòa bình thực sự khi từng cá nhân con người bị vi phạm giá trị riêng và bị hạ xuống thành một con số thống kê đơn giản hay một con số của tính toán kinh tế.
Vấn đề di cư không phải là một vấn đề trong đó một số quốc gia trở nên thờ ơ, trong khi những quốc gia phải mang gánh nặng về sự trợ giúp nhân đạo, thường thường với cái giá của sự căng thẳng rất lớn và vô cùng khó khăn, đối mặt với một tình trạng khẩn cấp rõ ràng là bất tận. Tất cả phải cảm thấy có trách nhiệm trong sự hợp tác theo đuổi thiện ích chung của quốc tế, và qua những hành động cụ thể của sự đoàn kết; đây là những khối bê-tông vững chắc rất quan trọng của nền hòa bình và phát triển mà toàn thể các dân tộc và hàng triệu người vẫn đang mong chờ. Vì vậy tôi xin cảm ơn nhiều quốc gia có sự chào đón quảng đại những người đang cần giúp đỡ, bắt đầu là những quốc gia Châu Âu, đặc biệt nước Ý, Đức, Hy lạp và Thụy Điển.
Tôi còn nhớ rất rõ chuyến đi của tôi đến đảo Lesvos cùng với các huynh đệ của tôi là Đức Giáo Chủ Bartholomew và Đức Tổng Giám Mục Ieronymos. Ở đó đập vào mắt tôi là hoàn cảnh thương tâm của các trại tị nạn, nhưng cũng chứng kiến sự tốt lành và tinh thần phục vụ được thể hiện nơi rất nhiều người cam kết hỗ trợ phục vụ những người sống ở đó. Chúng ta cũng phải nhìn đến sự chào đón của những quốc gia khác trong Châu Âu và Trung Đông, chẳng hạn Li-băng, Jordan và Thổ Nhĩ kỳ, cũng như những cam kết của nhiều quốc gia khác nhau ở Châu Phi và Châu Á. Trong chuyến thăm của tôi đến Mexico, nơi tôi trải nghiệm được niềm vui của người dân Mexico, vì thế tôi cảm thấy sự gần gũi với hàng ngàn người di cư từ Trung Mỹ, những người này với cố gắng đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn, đã chịu đựng những bất công khủng khiếp và những mối nguy hiểm, là nạn nhân của những sự bóp nặn đồng tiền và là món hàng của những vụ buôn bán ghê tởm – hình thức kinh khủng của nô lệ thời hiện đại – đó là nạn buôn người.
Một kẻ thù của hòa bình là một “tầm nhìn thiển cận” của con người, nó mở ra con đường làm lan rộng sự bất công, sự bất bình đẳng xã hội và tham nhũng. Liên quan đến tham nhũng, Tòa Thánh đã ký những cam kết mới với sự tuân thủ tuyệt đối, ngày 19 tháng Chín năm ngoái, trước Hiệp Định chống Tham Nhũng của Liên Hợp Quốc, đã được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 31 tháng Mười 2003.


(Xin quý vị đọc tiếp phần cuối vào ngày mai)


[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/01/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét