Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Toàn văn Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi hội nghị OSCE về nạn buôn người

Toàn văn Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi hội nghị OSCE về nạn buôn người

Toàn văn Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi hội nghị OSCE về nạn buôn người
Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi chấm dứt ‘thảm kịch ngày càng xấu đi’ của nạn buôn người - RV
03/04/2017 15:00
(Vatican Radio)  Hôm thứ Hai Đức Thánh Cha gửi một thông điệp đến “Hội nghị Liên minh Chống nạn Buôn người lần thứ 17” của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), diễn ra ở Vienna.
Thông điệp được đọc bởi Cha Michael Czerny, SJ, Phó Phòng Di dân và Tị nạn thuộc Thánh bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện.
Đức Thánh Cha gọi vấn đề này là “một hình thức của nô lệ, một tội ác chống lại nhân loại, một sự vi phạm nặng nề đến nhân quyền, và là một tai họa tàn bạo,” và ngài nói rằng trong một số trường hợp, “bằng chứng làm cho người ta nghi ngờ sự cam kết thực sự của một số người giữ vai trò quan trọng.”

Dưới đây là toàn văn của thông điệp:

Hội nghị Liên minh Chống Buôn Người lần thứ 17
“Nạn Buôn bán Trẻ em và Những Lợi ích Tốt nhất của Trẻ em”
Vienna, 3 tháng Tư 2017
BUÔN BÁN TRẺ EM: NHỮNG QUAN TÂM CẤP BÁCH
Michael Czerny S.J.
Phó Phòng Di dân và Tị nạn: Thánh bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện

THÔNG ĐIỆP
Tôi rất vinh dự được bắt đầu với một lời chào mừng nồng hậu nhất từ Đức Giáo hoàng Phanxico gửi đến Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu và tất cả các quý vị tham dự trong Hội nghị quan trọng này:
Với Liên minh Chống Buôn người họp Hội nghị lần thứ 17 ở Vienna là một tín hiệu chào đón trong sự xác quyết của OSCE nhắm xóa sạch những gì cần phải xóa trong số những động lực đáng hổ thẹn nhất tạo vết sẹo trên khuôn mặt của con người hiện đại.
Hầu hết tín hữu của bất kỳ niềm tin nào và những người thuộc mọi tôn giáo đề bị kinh hãi, thật sự là kinh hoàng, khi họ khám phá ra rằng việc buôn người xảy ra trong mọi quốc gia và nó đại diện cho một ngành kinh doanh phát đạt nhất trên hành tinh. Nó là một hình thức nô lệ, một tội ác chống lại nhân loại, một sự vi phạm nặng nề đến nhân quyền và một tai họa tàn bạo, và nó phải bị kết án mạnh mẽ hơn nữa khi nó xảy ra với trẻ em.
Vì thế tôi nồng nhiệt chào đón những thảo luận của quý vị về “Nạn Buôn bán Trẻ em và Những Lợi ích Tốt nhất của Trẻ em.” Quả thật chúng ta phải làm mọi điều có thể để nâng cao ý thức chung và hợp tác tốt hơn với lực lượng chấp pháp của chính quyền, tư pháp và những nỗ lực xã hội để giải cứu hàng triệu trẻ em, cũng như người lớn.
Cũng cấp thiết như vậy, chúng ta thậm chí còn phải hoạt động nhiều hơn để ngăn ngừa các bé không bị buôn bán và bị bắt làm nô lệ.
Tôi thiết tha cầu nguyện cho công việc thành công và đầy kết quả tốt đẹp của Hội nghị, tôi khẩn xin sự Chúc lành của Đấng Toàn Năng đổ xuống trên tất cả quý vị tham dự, những nhà tổ chức và ban nhân viên, và tôi cũng xin quý vị chuyển sự Chúc lành tới tất cả những ai đang gắn kết trong việc cứu giúp những nạn nhân của nạn buôn người và chấm dứt tội ác kinh khủng này trong những quốc gia thuộc OSCE.
Những lời này của Đức Giáo hoàng Phanxico gửi tới tất cả mọi người, mọi người có tín ngưỡng hoặc không, những người xem sự sống con người là quý giá và muốn mọi người được hạnh phúc. Xin cho riêng tôi được bày tỏ lòng tri ân đối với sự chào đón của quý vị trong Hội nghị này và cho Tòa Thánh cơ hội đề nghị ra một số thuật ngữ tham khảo căn bản ngay buổi khai mạc của những phiên thảo luận hai ngày.

GIỚI THIỆU
Hội nghị lần thứ 17 nhắm mục tiêu thúc đẩy sự liên kết và tính hiệp lực của những hành động trả lời cho những thách thức của nạn buôn bán trẻ em đưa ra trong khu vực của OSCE, chỉ tìm kiếm những lợi ích lớn nhất của đứa trẻ.
Khi giải thích rõ nhiệm vụ của Phòng Di dân và Tị nạn trong Thánh bộ mới Thúc đẩy sự Phát triển Con người toàn diện của Tòa Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxico yêu cầu rằng phải đặt sự chú ý đặc biệt vào những nạn nhân của nạn buôn người và, trong số đó, là trẻ em. Viễn cảnh di cư phức tạp của ngày nay đáng buồn mang tính đặc trưng là “[...] những hình thức nô lệ mới do các tổ chức tội phạm đặt ra, chúng bán và mua đàn ông, phụ nữ và trẻ em.” Do đó, Đức Giáo hoàng Phanxico đã dành trọn Sứ diệp Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới 2017 để nói về “Di dân Trẻ em, những người Cô thế và Không Có tiếng nói.” Ngài cảm thấy “[...] sự thúc bách phải lôi kéo mọi chú ý đến thực tại của di dân trẻ em, đặc biệt những em đi một mình” vì “[...] trong số di dân, trẻ em góp phần vào nhóm cô thế nhất.”
Năm 2014, trong chuyến hành hương của ngài đến Đất Thánh nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng Phao-lô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras ở Jerusalem, Đức Giáo hoàng Phanxico đã bày tỏ sự lo lắng cấp bách về tình hình của “những con số rất lớn trẻ em tiếp tục sống trong những hoàn cảnh phi nhân, trên những bờ vực của xã hội, trong những vùng ven của các thành phố lớn và miền quê. Rất nhiều trẻ em tiếp tục bị bóc lột, bị đối xử tàn tệ, bị làm nô lệ, trở thành con mồi cho bạo lực và buôn bán người. Vẫn còn có quá nhiều trẻ em phải sống xa quê hương, như là người tị nạn, có những lúc bị chết trên biển, đặc biệt trong vùng Biển Địa Trung hải. Hôm nay, nhận thức được điều này, chúng ta cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa.”
Lời thỉnh cầu mạnh mẽ này liên kết những người đã được nói đến bởi các vị Giáo hoàng trước và những tổ chức liên chính phủ và quốc tế, với với xã hội công dân, với những công dân ở khắp mọi nơi. Nhưng thảm kịch của nạn buôn người vẫn tiếp tục và thậm chí còn xấu hơn. Thật đáng buồn và đáng tự trách mình, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng mọi nỗ lực cho đến nay đều cho thấy là chưa đủ.
Trong một số hoàn cảnh, bằng chứng làm cho người ta nghi ngờ sự cam kết thực sự của một số người giữ vai trò quan trọng. Điều này đã thúc giục Đức Giáo hoàng Benedict XVI khẳng định năm 2010: “Trong khi Hiệp định về Quyền của Trẻ em được trình bày rất rõ ràng rằng những lợi ích tốt nhất của tuổi nhỏ sẽ luôn luôn được bảo đảm (x. Mục 3, 1), […] thật không may điều này không luôn diễn ra trong thực tế. Cho dù đã có ý thức chung về tính cần thiết ngay lập tức và dứt khoát để bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ vẫn bị bỏ mặc cho bản thân các em tự lo, và bằng nhiều cách, đối mặt với nguy cơ bị bóc lột.”

PHƯƠNG PHÁP
Hội nghị lần thứ 17 của chúng ta nhắm thúc đẩy bước tiếp cận đến ba nguyên tắc trụ cột nổi tiếng hay gọi là những nguyên tắc P: ngăn chặn, bảo vệ và truy tố. Với những chiều kích hành động hiệu quả này chống lại nạn buôn người, chúng tôi thêm một nguyên tắc nữa là hợp tác. Chúng ta hãy cùng áp dụng bốn quan điểm này để nhìn thấy và hiểu được hiện tượng buôn bán trẻ em và để đánh giá được những nguyên nhân trực tiếp và rộng lớn hơn, để có thể đảm nhận được hành động chống lại tai họa liên kéo dài này.

1. NGĂN CHẶN
Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxico đã tuyên bố rằng nô lệ hiện đại có “[...] gốc rễ trong một khái niệm về nhân vị, nó cho phép con người bị đối xử như một đồ vật. Bất cứ khi nào tội lỗi làm băng hoại tâm hồn con người và làm chúng ta xa cách với Đấng Tạo hóa và anh em của chúng ta, thì những người anh em đó không còn được xem như con người với phẩm giá xứng đáng của nó, không còn được xem như những người anh em, chị em cùng chia sẻ lòng nhân ái, nhưng bị xem như những đồ vật.”
Vì thế, bước đi đầu tiên của chúng ta phải là sự cải tổ lại văn hóa nhắm phục hồi lại nhân vị đặt vào vị trí trung tâm. “Đức Benedict XVI nhắc chúng ta nhớ rằng vì là con người, tất cả mọi hoạt động của con người, gồm hoạt động về kinh tế, buộc phải có cấu trúc và điều hành theo luân lý (x. Tông thư Caritas in Veritate, s. 36). Chúng ta phải quay trở lại vai trò trung tâm của con người, trở lại với viễn cảnh luân lý của những hoạt động và của những mối quan hệ của con người mà không e sợ bị mất mát một điều gì đó.”
Nơi nào con người bị xem như đồ vật, trẻ em có thể bị buôn bán theo luận lý thị trường cung cầu vô lý. Từ phía “cung,” trong nhiều cộng đồng của nó, tạo ra những yếu tố làm gia tăng tính mong manh cô thế của các nạn nhân trẻ em, cụ thể là sự nghèo đói của địa phương, thiếu sự bảo vệ trẻ em, sự thiếu hiểu biết và những ép buộc của văn hóa. Chúng ta phải thừa nhận rằng rất ít việc đã được thực hiện để giải quyết lý do “tại sao” nhiều người trẻ bị lừa gạt hay bị bán vào đường dây buôn bán người và nô lệ.
Từ phía “cầu,” trong các cộng đồng là điểm đến của ngành thương mại thảm họa này, người ta chẳng có cách nào khác ngoài việc chú ý đến nghịch lý nổi rõ lên rằng, về một mặt, sự kết án về nạn buôn bán trẻ em được mọi người tuyệt đối đồng lòng tán thành, nhưng về mặt khác, nhu cầu về trẻ em làm nô lệ, bị bóc lột và bị hành hạ ngày càng gia tăng. Đây có thể là một bức tranh minh họa độc ác nhất của cách thức mà chủ nghĩa tư bản hiện đại với những cực đoan phi luân lý của nó có thể hoàn toàn làm bình thường hóa mọi thứ, thậm chí cả những mạng sống trẻ.
Trong Thông điệp năm 2017, Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh những nhận xét này: “Một lực đẩy mạnh nhất dẫn đến sự bóc lột và lạm dụng trẻ em là nhu cầu đòi hỏi. Nếu không có những hành động nghiêm khắc và hiệu quả chống lại những kẻ hưởng lợi từ những sự lạm dụng như vậy, chúng ta sẽ không thể chặn đứng được những hình thức đa dạng của nô lệ nơi mà các trẻ em là nạn nhân.”
Về phần cầu và cung, chúng cắm rễ sâu trong ba vấn đề lớn là xung đột và chiến tranh, thiếu thốn về kinh tế và những thiên tai, hoặc những gì mà các nạn nhân phải chịu đựng như nghèo đói cùng cực, chậm phát triển, loại trừ, thất nghiệp và thiếu tiếp cận được với giáo dục. OSCE, với 57 Chính phủ thành viên các quốc gia phát triển, chắc chắn có một cơ hội riêng để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của nạn buôn người này. Vì thế, thái độ đáp trả của chúng ta không được là “Chúng tôi không thể” hoặc “Chúng tôi không muốn.”

2. BẢO VỆ
Nguyên tắc trụ cột thứ hai là “bảo vệ.” Ngày nay càng lúc càng khó bảo vệ được trẻ em khỏi những mạng lưới tội phạm bất nhân và có tổ chức tốt. Những tình huống khó bảo vệ đã tăng mạnh lên gấp nhiều lần trong những năm gần đây, một phần do hậu quả của sự di tản cưỡng bức ồ ạt đã ảnh hưởng đến một số vùng trên thế giới. Năm 2007, nói về những trẻ em không có người đi kèm, Đức Giáo hoàng Benedict chỉ ra rằng “[...] điểm đến cuối cùng của những bé trai và bé gái này thường là đường phố bị bỏ rơi và làm mồi cho những kẻ bóc lột bất nhân, những kẻ này thường biến các em thành mục tiêu của bạo lực thể xác, đạo đức và tình dục.” Năm 2016 Đức Giáo hoàng Phanxico nói thêm “[...] đường ranh phân chia giữa di cư và buôn người có những lúc rất mơ hồ.”
Có nhiều sáng kiến đáng kể, được cả các Chính phủ và các tổ chức xã hội công dân đảm trách, để bảo đảm sự bảo vệ tốt hơn cho các nạn nhân buôn người là trẻ em. Cùng theo chủ đề của hội nghị này, cho phép tôi nhấn mạnh đến mục tiêu cuối cùng: những ích lợi tốt nhất cho trẻ em, trong đó chiều kích gia đình chiếm một vị trí quan trọng lớn nhất. Sự bảo vệ trẻ em đòi hỏi sự bảo vệ của các gia đình; vì thế, các chính sách và chương trình phải cung cấp cho gia đình những công cụ quan trong để bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em trong những hoàn cảnh mong manh. Trong số những công cụ quan trọng này – tất cả đều dễ dàng đạt được đối với các chính phủ thành viên của OSCE – là nơi ở xứng đáng, chăm sóc sức khỏe, cơ hội việc làm, giáo dục …
Liên quan đến vấn đề này, một khung luật pháp quốc tế đã được thiết lập bởi Dự thảo Công ước về Quyền của Trẻ em liên quan đến việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em.

3. TRUY TỐ
Về việc “truy tố,’ tính phức tạp của viễn cảnh buôn người toàn cầu làm cho việc truy tố những kẻ buôn người rất khó khăn. Hành động đáng ghê tởm của các tổ chức tội phạm quốc tế, có động lực do những khoản lợi nhuận đầy hấp dẫn và khổng lồ, bắt đầu qua những cách dụ dỗ lừa đảo lén lút và bắt cóc trong các cộng đồng của nạn nhân. Hành động này tiếp tục trong các quốc gia trung chuyển và các quốc gia điểm đến, nhờ vào sự tham nhũng bảo đảm sự vô hình và không bị trừng phạt cho những kẻ buôn người.
Điều này quá nghiêm trọng đến mức Đức Giáo hoàng Phanxio phải nói: ‘Vì không thể nào gắn kết vào một tội ác quá phức tạp như tội buôn người mà không có sự đồng lõa, bằng hành động hay sự thiếu trách nhiệm, của các Chính phủ, điều hiển nhiên rằng, khi những nỗ lực ngăn chặn và chống lại hiện tượng này bị thiếu, chúng ta lại phải đối mặt với một tội ác chống lại nhân loại. Ngoài ra, điều có thể xảy ra là người được chỉ định để bảo vệ người dân và bảo đảm cho sự tự do của họ, thay vì vậy họ lại trở thành một đồng lõa của những kẻ buôn bán người, rồi, trong những trường hợp như vậy, các Chính phủ chịu trách nhiệm trước công dân của họ và trước Cộng đồng Quốc tế.”
Trong khi trân trọng những nỗ lực của một số quốc gia trừng phạt những người có trách nhiệm vì những tội ác như vậy, chúng ta rất buồn khi thấy rằng còn quá ít trường hợp của các “khách hàng” bị đưa vào tù. Trong khi có lẽ chẳng cần là những bộ óc siêu phàm, họ chắc chắn là những tác giả thực sự chịu trách nhiệm về những tội ác ghê tởm như vậy.

4. HỢP TÁC
Sự thành lập được những mạng lưới hiệu quả ngăn chặn buôn bán, bảo vệ các nạn nhân và truy tố những kẻ buôn người là một chìa khóa thực sự đi đến thành công, như Đức Giáo hoàng Phanxio đã nói năm 2016: “Điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải áp dụng được một sự hợp tác hiệu quả hơn và sắc bén hơn, đặt trên căn bản không chỉ là sự trao đổi thông tin, nhưng cả trên việc củng cố những mạng lưới đủ khả năng bảo đảm được sự can thiệp kịp thời và chắc chắn; và trong vấn đề này, không thể đánh giá thấp sức mạnh mà các cộng đoàn giáo hội thể hiện đặc biệt khi họ kết hiệp trong lời cầu nguyện và sự hiệp nhất huynh đệ.”
Ở đây Đức Giáo hoàng hướng đến “sự hợp tác” như là một yếu tố thêm quan trọng cho ba nguyên tắc trụ cột của công ước là ngăn chặn, bảo vệ, truy tố. Sự đề nghị này được đưa ra từ kinh nghiệm thực tế.
Việc hình thành những sự hợp tác để chiến đấu lại với việc buôn người phải được đặt nền tảng trên việc công nhận sự đóng góp mà mỗi đối tác có thể đưa ra tùy theo khả năng và kỹ năng của họ, cộng với sự tôn trọng sâu sắc nguyên tắc bổ trợ. Chúng ta đừng quên rằng những đối tác khác nhau đều có những đặc tính riêng biệt. Nhiều nạn nhân chạy đến với các tổ chức dân sự và tôn giáo vì họ đã học biết được sự nghi ngờ đối với các cơ quan công quyền hoặc e sợ bị trừng phạt (báo thù). Đó là lý do tại sao nó rất quan trọng đối với các cơ quan phải hợp tác bình thường với những tổ chức như vậy trong việc phát triển thành hệ thống và áp dụng những chương trình hiệu quả và những dự phòng đối với những công cụ cần thiết. Sự gặp gỡ, hệ thống mạng lưới, truyền thông xã hội và tinh thần là những phương tiện hữu dụng để áp dụng sự hợp tác.

KẾT LUẬN
Tại Bê-lem, Đức Giáo hoàng đã trình bày về viễn cảnh này: “Cả hôm nay nữa, trẻ em là một dấu chỉ. Chúng là một dấu chỉ của hy vọng, một dấu chỉ của sự sống, nhưng cũng là một dấu chỉ ‘chẩn bệnh,’ một dấu hiệu cho thấy sức khỏe của gia đình, của xã hội và của toàn thể thế giới. Bất cứ nơi nào trẻ em được đón nhận, được yêu thương, được chăm sóc và được bảo vệ, gia đình rất khỏe mạnh, xã hội còn khỏe mạnh hơn và thế giới nhân bản hơn.” Hãy để điều này trở thành mục đích vững chắc của chúng ta trong Hội nghị lần thứ 17 này và trong những hành động dũng cảm dẫn lối tiếp theo.
Xin cảm ơn quý vị.

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/04/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét