Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Đức Parolin cho biết những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại

Đức Parolin cho biết những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại

Chống nghèo đói, kiến tạo hòa bình, xây dựng những cầu nối
28 tháng Tám, 2017
Đức Parolin cho biết những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại
Đức HY Parolin, Moscow, 21 tháng Tám, 2017 @ Facebook.Com/Arhieparhia
Những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại là: chống nghèo đói, cả vật chất lẫn tinh thần; kiến tạo hòa bình và xây dựng những chiếc cầu nối, Đức Hồng y Quốc Vụ khanh Phê-rô Parolin nói, trong một bài đăng trên La Civilta Cattolica.
Ngài Quốc Vụ khanh có bài phát biểu ngày 10 tháng Năm, 2017, trong Đại sứ quán Ý tại Tòa Thánh, trong một Hội nghị Bàn tròn nhân dịp phát hành ấn bản thứ 4000 của tờ Jesuit Review, với chủ đề: “Cái nhìn của Magellan: Chính sách ngoại giao của những chiếc cầu nối trong một thế giới của các bức tường.”
Nhân vật “Số 2” của Vatican nói trước Chủ tịch của Hội đồng Ý, Paolo Gentiloni, và nhiều đại sứ, “La Civilta Cattolica là một công cụ giá trị để hiểu được và phản ánh sâu rộng hơn về những giáo huấn của Triều đại các Giáo hoàng, từ Chân phước Pi-ô IX đến Đức Phanxico. Nó được sinh ra từ một cộng đoàn suy tư và cầu nguyện, trong suốt 167 năm qua đã đồng hành trên con đường của Giáo hội Công giáo.”
“Cái nhìn của Magellan”
Nhắc lại “một thời đại bị đánh dấu bi thảm bởi bạo lực mù quáng của chủ nghĩa khủng bố theo trào lưu chính thống” và bởi “sự phát triển quyền lực của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy mới,” Hồng y Parolin mời gọi sự tập trung vào “sự thay đổi thời đại” này và tái khám phá “cái nhìn của Magellan.”
“Khởi nguồn của những cuộc thám hiểm phi thường của Ferdinand Magellan, và những nhà thám hiểm khác mà lịch sử ghi lại, về một mặt là thái độ xuất phát từ lòng vững tin và sự Quan phòng của Thiên Chúa, về mặt khác là vững tin và khả năng của con người. Nói chung, những con người phi thường này khao khát một điều gì đó vĩ đại hơn, cụ thể là, viết một trang mới trong ngành thám hiểm của nhân loại,” ngài Quốc vụ khanh nói.
Đức Hồng y làm nổi bật thái độ của các nhà thám hiểm gồm “ba chiều kích của tinh thần: một tâm hồn luôn thao thức, lòng khiêm nhường vì tính bất toàn và sự dũng cảm của trí tưởng tượng.” Ba thái độ tạo ra “sự tự do nội tâm” để có thể “đứng vững trên những con sóng, nghĩa là, sẵn sàng tiến đến một chân trời thay đổi hoàn toàn, không rút lui để quay trở lại các bến cảng an toàn bảo đảm sóng yên gió lặng, nhưng quả thật, nó lại một lần nữa cản trở bước tiến can đảm của hành trình lịch sử lâu dài.”
Những mối dây liên kết của Đức Thánh Cha
Chúng là “ba cộng tác viên quý giá, để hiểu được thái độ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay và đường lối ngoại giao của giáo hoàng trước những thách đố cấp bách của thời đại chúng ta.” Đức Hồng y phản ánh về “những yếu tố để tham khảo” về triều đại của Đức Giáo hoàng người Argentine, đáng chú ý là “mối dây kết nối của các chuyến Tông Du, “đặc biệt chú ý đến những tình hình thiếu thốn về vật chất và suy thoái đạo đức, đang gây tổn thương cho nhân loại trong thời đại của chúng ta.”
Ngài cũng đề cập đến “một yếu tố đặc biệt khác của tính nhạy cảm của Đức Thánh Cha: thực tại luôn luôn vượt trên ý tưởng. Chúng ta tìm thấy chính mình trong thực tại, trong đời sống cụ thể, trước khi phải đối phó với những ý tưởng và những hệ thống tư tưởng khác nhau. Nói một cách khác, đó là việc phải bao dung tha nhân, với chính con người của họ và nơi vị trí của họ, để tôi có thể cùng với họ đảm nhận một hành trình huynh đệ hướng đến sự thật và hòa giải.”
Ngài Quốc Vụ khanh cũng phân tích “khoa địa chính trị của hành trình đi từ những vùng ngoại vi vào trung tâm.” “Chúng ta đang chứng kiến một hình thức của cuộc ‘cách mạng Copernic’ mới dưới ánh sáng của Tin mừng … tất cả chúng ta đều biết về sự chú ý của Đức Giáo hoàng đặt vào các vùng ngoại vi theo nghĩa hiện sinh và địa lý của thời đại của chúng ta. Ngài bắt đầu từ một sự thật đơn giản: sự nghèo đó, sự yếu đuối của con người ngày nay và nhược điểm của một xã hội muốn phá bỏ kết cấu và ‘phá bỏ trọng tâm’, đang làm tổn thương phẩm giá của nhân vị.”
Những con đường giao tiếp mới
Trên bình diện những mối quan hệ quốc tế, ngài nhấn mạnh ba thách đố được Đức Thánh Cha chú tâm: “cam kết cho hòa bình, giải trừ vũ khí nguyên tử, bảo vệ môi trường.” “Một loạt những viễn cảnh toàn cầu nổi lên ở những chân trời này: thúc đẩy một nền văn minh gặp gỡ, đồng hành hỗ trợ cho hiện tượng di cư, chia sẻ những tốt lành của trái đất và phẩm giá của công việc, đặc biệt cho các thế hệ trẻ.”
“Nghiên cứu kỹ chân trời với ‘tầm nhìn của Magellan,’ Đức Thánh Cha đang tìm cách mở ra những con đường giao tiếp và gặp gỡ mới, nổi bật lên qua việc xây dựng những chiếc cầu nối lý tưởng giữa lục địa này với lục địa khác, giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, giữa các hệ thống pháp luật và tư tưởng thường cách xa nhau,” ngài nói.
Với Đức Hồng y Parolin, “những cụm từ chính của triều đại giáo hoàng hiện tại là: chống lại nghèo đó, cả vật chất lẫn tinh thần; kiến tạo hòa bình; xây dựng những chiếc cầu nói.” Ba điểm này “dẫn lối cho đường đi của mỗi cá nhân, của xã hội và của toàn cầu. Là một con đường khó khăn, nếu chúng ta vẫn bị cầm giữ trong ngôi nhà tù của tính thờ ơ của chúng ta; là một con đường không thể thực hiện được, nếu chúng ta tin rằng hòa bình chỉ đơn giản là một kế hoạch không tưởng; là một con đường khả thi, nếu chúng ta chấp nhận thách đố đặt niềm vững tin vào Thiên Chúa và vào con người, và nếu chúng ta cam kết bản thân trong việc tái kiến thiết một tình huynh đệ đích thực, chăm sóc cho tạo vật.”
Ngài kết luận, điều cần thiết là phải “có rất nhiều can đảm và bỏ lại phía sau những sự tin tưởng ngây thơ mà chúng ta đã có, bằng cách quyết tâm hoán cải thực sự về tâm hồn, về những sự ưu tiên, và về cách sống.”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/08/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét