Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Lòng thương xót của Chúa, sự tha thứ

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Lòng thương xót của Chúa, sự tha thứ

‘Tất cả chúng ta đều là những tội nhân đáng thương, cần lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót đó có sức mạnh biến đổi chúng ta và cho chúng ta biết canh tân lại niềm hy vọng.’
9 tháng Tám, 2017
Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Lòng thương xót của Chúa, sự tha thứ
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng nay trong Sảnh đường Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Sự tha thứ của Thiên Chúa: Động lực của niềm hy vọng” — “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Sau phần tóm lược bài giáo huấn bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Toà Thánh.
* * *
Giáo huấn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta nghe thấy phản ứng của những người khách thuộc nhóm Pha-ri-sêu của ông Si-mon: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (Lc 7:49). Chúa Giê-su vừa thực hiện một hành động gây chấn động. Một người phụ nữ trong thành, mọi người trong thành đều biết chị ta là người tội lỗi, chị ta đi vào nhà của Si-mon, quỳ xuống dưới chân của Chúa Giê-su và đổ dầu thơm lên chân của Người. Tất cả những người có mặt tại bàn hôm đó đều lầm bầm: nếu Giê-su là một tiên tri, Người không được chấp nhận những cử chỉ như vậy của một loại phụ nữ như chị ta. Những người phụ nữ như vậy, thật tội nghiệp, chỉ quen được gặp gỡ ở những nơi lén lút, đáng phải gặp những trưởng lão và bị ném đá. Theo tâm lý của thời đại lúc đó, sự phân cách giữa thánh nhân và người tội lỗi, giữa sự thanh sạch và ô uế, phải rất rõ ràng.
Tuy nhiên, thái độ của Chúa Giê-su rất khác. Ngay từ khởi đầu sứ vụ của Người ở Ga-li-lê, Người đã đến với những người phong hủi, người bị quỷ ám, mọi người bệnh tật và bị bỏ rơi. Thái độ như vậy hoàn toàn khác thường. Một điều nữa cũng hoàn toàn khác thường là sự quan tâm của Chúa Giê-su đối với những người bị loại bỏ, những “người không thể đụng chạm vào,” là một trong những điều làm lúng túng tất cả những người đương thời với Ngài. Bất cứ nơi đâu có người đau khổ, Chúa Giê-su liền đến để chữa lành, và sự đau khổ đó trở nên sự đau khổ của riêng Ngài. Chúa Giê-su không dạy rằng cần phải có tính anh dũng để chịu đựng sự đau khổ, theo tinh thần của các triết gia thuộc trường phái Khắc kỷ. Chúa Giê-su chia sẻ nỗi đau của con người và khi Ngài gặp người đau khổ từ tận thâm sâu của Người bật ra một thái độ đặc trưng của tinh thần Ki-tô: lòng thương xót. Đứng trước sự đau khổ của con người, Chúa Giê-su động lòng thương xót; trái tim Chúa Giê-su đầy lòng thương xót. Theo đúng nghĩa Chúa Giê-su động lòng trắc ẩn; Người cảm thấy tận trong thẳm sâu tâm hồn Ngài rung lên. Không biết bao nhiêu lần trong Tin mừng chúng ta đã gặp gỡ những thái độ như vậy. Trái tim của Đức Ki-tô nhập thể và tỏ lộ trái tim của Thiên Chúa để bất cứ nơi đâu có một người đau khổ, Người sẽ chữa lành họ, giải thoát họ, đưa họ trở về cuộc sống trọn vẹn.
Vì lý do này mà Chúa Giê-su mở rộng vòng tay của Người cho các tội nhân. Không biết bao nhiêu người, kể cả ngày nay, tiếp tục đi theo cuộc sống sai quấy chỉ vì họ không tìm được một ai đó sẵn sàng nhìn đến họ theo một cách khác, bằng con mắt khác, bằng con tim của Thiên Chúa, cụ thể là nhìn đến họ với niềm hy vọng. Chúa Giê-su nhìn thấy khả năng hồi sinh ngay cả trong một con người đã chất chứa trong những lựa chọn sai trái. Chúa Giê-su luôn luôn ở đó, một trái tim rộng mở; đó là lòng thương xót luôn có trong con tim của Người; Người tha thứ, ôm ẵm lấy, thấu hiểu, đến gần: Chúa Giê-su là như vậy!
Đôi khi chúng ta quên rằng đối với Chúa Giê-su đó không phải là một tình yêu dễ dãi, với một cái giá quá ít. Các tin mừng tường thuật lại thái độ phản ứng tiêu cực đầu tiên trong sự tiếp xúc của Chúa Giê-su khi Người tha tội cho một người đàn ông (x. Mc 2:1-12). Ông là người chịu đau khổ gấp đôi, vì ông không thể đi được và vì ông cảm thấy ông “có tội.” Và Chúa Giê-su hiểu rằng nỗi đau khổ thứ hai còn lớn hơn nỗi đau khổ thứ nhất, Người quá hiểu đến mức Người đón nhận ông ta ngay lập tức và tuyên bố lời la tội: “Này con, con đã được tha tội rồi!” (c. 5) Ngài giải thoát ông ta khỏi ý nghĩ luôn ám ảnh rằng ông có tội. Rồi sau đó một vài kinh sư – là những người tin rằng họ là người hoàn hảo: tôi lại nghĩ đến nhiều người Công giáo tin rằng họ là người hoàn hảo và luôn khinh miệt người khác … điều này thật đáng buồn …  – một số kinh sư có mặt ở đó đã rúng động trước lời nói của Chúa Giê-su, giống như những lời phạm thượng, vì chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể tha tội.
Chúng ta, những người đã quen với trải nghiệm của sự tha thứ tội lỗi, có thể là quá “rẻ,” nên từng lúc phải tự nhắc nhở mình rằng chúng ta vô cùng giá trị đối với tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta rất còn nợ: mạng sống của Chúa Giê-su! Ngài đã tặng ban nó cho từng người chúng ta. Chúa Giê-su không bước lên thập tự giá chỉ vì Người muốn chữa lành người bệnh, vì Người rao giảng đức ái, vì Người công bố Tám Mối Phúc. Con Thiên Chúa bước lên thập giá trên hết vì Người tha thứ tội lỗi, vì Người muốn một sự giải thoát trọn vẹn và dứt khoát cho tâm hồn con người. Vì Ngài không muốn con người bị chìm đắm suốt cuộc đời với những “hình xăm” không thể xoá được, với suy nghĩ rằng họ không thể đón nhận được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và với những tình cảm này Chúa Giê-su đã đến để gặp gỡ những tội nhân, đó là tất cả chúng ta.
Từ đó các tội nhân được tha thứ. Họ không chỉ được xoa dịu về mức độ tâm lý, vì họ được giải thoát khỏi cảm giác đè nặng về tội, nhưng Chúa Giê-su còn làm nhiều hơn thế: Ngài tặng ban cho những người đã phạm tội sự hy vọng về một đời sống mới. “Nhưng lạy Chúa, con là một người xấu xa.” “Hãy nhìn về phía trước và Ta sẽ ban cho con một trái tim mới.” Đây là niềm hy vọng Chúa Giê-su tặng ban cho chúng ta. Một cuộc sống được đánh dấu bằng tình yêu. Mát-thêu, một người thu thuế, trở thành một Tông đồ của Đức Ki-tô: Mát-thêu, một người phản bội lại quê hương, một kẻ bóc lột người dân. Za-kêu, một người giàu có tội lỗi của thành Giê-ri-cô — chắc chắn nhận được một bản án trước mắt các kinh sư — đã được biến đổi thành một người giúp ích cho người nghèo. Người đàn bà xứ Sa-ma-ri, đã có năm đời chồng và bây giờ đang sống với một người khác, nghe đến lời hứa của một nguồn “nước hằng sống,” luôn tuôn chảy trong lòng bà (x. Ga 4:14). Chúa Giê-su biến đổi tâm hồn; Người làm điều đó với tất cả chúng ta.
Tốt hơn chúng ta nên nghĩ rằng Thiên Chúa đã không chọn một lớp bột đầu tiên để xây dựng Hội thánh với một dân tộc không bao giờ phạm tội. Giáo hội là một dân tộc của những tội nhân, những người trải nghiệm được lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Thánh Phê-rô đã hiểu rõ hơn sự thật về bản thân ông khi gà gáy, hơn là từ những cơn bùng lên của lòng quảng đại ngập tràn trong trái tim ông, làm cho ông cảm thấy quan trọng hơn những người khác.
Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta là những tội nhân đáng thương, cần lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót đó có sức mạnh biến đổi chúng ta và cho chúng ta biết canh tân lại niềm hy vọng. Và Người đã làm như vậy! Và với những người đã hiểu được chân lý nền tảng này, Thiên Chúa ban cho sứ mạng đẹp nhất trên trần gian, đó là yêu thương anh em chị em và công bố lòng thương xót mà Người không từ chối bất kỳ ai. Và đây là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta tiếp tục tiến bước với niềm tin trong sự tha thứ này, trong tình yêu thương xót của Chúa Giê-su.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Lời thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Tôi vẫn còn vô cùng đau buồn do cuộc tàn sát xảy ra hôm Chủ nhật trước ở Nigeria, trong một nhà thờ, nơi những người vô tội bị giết. Và thật đau thương trước bản tin sáng nay về vụ bạo lực giết người nhắm vào các cộng đoàn Ki-tô hữu ở nước Cộng hoà Trung Phi. Tôi mong rằng những hình thức thù hận và bạo lực này phải dừng lại, và những tội ác đáng hổ thẹn tương tự như vậy, nhắm vào những nơi thờ phụng nơi các tín hữu tập trung cầu nguyện, không bao giờ lặp lại. Chúng ta cùng tưởng nhớ những người anh em chị em của chúng ta ở Nigeria và Cộng hoà Trung Phi. Tất cả chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho họ. Kính mừng Maria …
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[ Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/08/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét