Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Đức Thánh Cha: không có phẩm giá nào mà không có việc làm

Đức Thánh Cha: không có phẩm giá nào mà không có việc làm

Thông điệp Video gửi Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của người Công giáo nước Ý
26 tháng Mười, 2017
Đức Thánh Cha: không có phẩm giá nếu không có việc làm
CTV Screenshot
Hôm 26 tháng Mười, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại một trong những chủ điểm then chốt của ngài trong một thông điệp video rằng con người không có phẩm giá nào mà không có việc làm và gửi tới những người tham dự Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của giới Công giáo nước Ý (Cagliari, 26-29 tháng Mười, 2017).
Đức Thánh Cha nói, “Phẩm giá của việc làm là điều kiện để tạo ra việc làm tốt: vì thế, nó phải được bảo vệ và thúc đẩy.” Và ngài nhắc lại các trình thuật tin mừng về việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Chúa lên tiếng kêu gọi khi con người đang làm việc, như đã xảy ra với những người ngư phủ mà Ngài mời gọi họ trở nên những ngư phủ chài lưới người.”
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT sứ điệp video Đức Thánh Cha gửi đến Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của giới Công giáo nước Ý.
* * *
Sứ điệp video của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Tôi gửi lời chào nồng hậu đến tất cả anh chị em tham dự Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của người Công giáo Ý, được tổ chức tại Cagliari. Tôi xin gửi lời chào huynh đệ đến Đức Hồng y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đến các Đức Giám mục tham dự, đến Đức Tổng Giám mục Filippo Santoro, đến các thành viên của Ủy ban Khoa học và Tổ chức, tới các phái đoàn của các giáo phận của Ý, đến các đại diện của các Phong trào và Hiệp hội việc làm và tất cả quý vị khách mời.
Anh chị em tập họp dưới sự bảo trợ và tấm gương của Chân phước Giuseppe Toniolo, Đấng đã thúc đẩy các Tuần lễ Xã hội ở Ý năm 1907. Chứng tá giáo dân của ngài đã được thể hiện trong mọi chiều kích của cuộc sống: tinh thần, gia đình, công việc, xã hội và chính trị. Để khơi nguồn động lực cho công cuộc của anh chị em, tôi xin đề nghị một trong những lời dạy của ngài. Ngài viết, “Chúng ta, những người có đức tin, cảm nhận trong sâu thẳm tâm hồn, [...] rằng người mang ơn cứu độ đến cho xã hội hiện tại chắc chắn sẽ không phải là một nhà ngoại giao, một học giả, một vị anh hùng, nhưng sẽ là một vị thánh, hơn thế nữa là một xã hội của các vị thánh,” (Trích trong Những huấn thị xã hội và những khái niệm). Anh chị em hãy “ghi nhớ nền tảng” này: con người được thánh hóa qua hoạt động làm việc vì người khác, từ đó nối dài hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa trong lịch sử.
Trong các Sách Thánh, chúng ta tìm thấy nhiều nhân vật được xác định rõ bởi công việc của họ: người gieo giống, người thợ gặt, người làm rượu, những người quản lý, các ngư phủ, người chăn chiên, thợ mộc như Thánh Giu-se. Nổi bật lên trong Lời Chúa là một thế giới trong đó con người làm việc. Chúa Giê-su, Người chính là Ngôi Lời, đã không nhập thế trong thân phận một hoàng đế hay một vị vua nhưng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:7) để chia sẻ thân phận con người, kể cả những hy sinh mà công việc đòi hỏi, đến mức trở thành một người thợ mộc hay là con một người thợ mộc (x. Mc 6:3; Mt 13:55). Tuy nhiên, còn hơn thế nữa. Chúa lên tiếng kêu gọi khi con người đang làm việc, như đã xảy ra với những người ngư phủ mà Ngài mời gọi họ trở nên những ngư phủ chài lưới người (x. Mc 1:16-18; Mt 4:18-20). Chúng ta cũng có thể kể đến những tài năng được đón nhận như quà tặng và khả năng thể hiện trong môi trường công việc để xây dựng những cộng đồng, những cộng đồng đoàn kết và để giúp những người không thể tự họ sắp xếp cho bản thân.
Chủ đề của Tuần lễ Xã hội này là “Công việc mà chúng tôi muốn: tự do, sáng tạo, chung sức và đoàn kết.” Tôi đã mô tả việc làm của con người như vậy, trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng (s. 192). Cảm ơn anh chị em đã chọn chủ đề việc làm này. “Không có việc làm không có phẩm giá”: tôi thường xuyên lặp lại vấn đề này, tôi nhớ là tôi đã nói tại Cagliari vào năm 2013, và tháng Năm vừa rồi tại Genoa. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi việc làm đều là “công việc xứng đáng.” Có những công việc làm mất phẩm giá của con người, đó là những công việc thúc đẩy chiến tranh qua việc sản xuất vũ khí, đó là những công việc bán rẻ giá trị thân xác bằng con đường buôn người cho mại dâm và những công việc bóc lột trẻ em. Làm tăng ca đêm cũng là xúc phạm đến phẩm giá của người công nhân, rồi việc tuyển dụng công nhân bất hợp pháp, những công việc phân biệt đối xử đối với phụ nữ và loại bỏ người khuyết tật. Việc làm theo thời vụ cũng là một vết thương mở cho nhiều công nhân, những người sống trong nỗi sợ hãi bị mất việc. Tôi đã nhiều lần nghe thấy nỗi đau khổ này: nỗi đau khổ mất việc làm; nỗi đau khổ của một người có việc làm từ tháng Chín đến tháng Sáu và rồi không biết là mình sẽ có việc làm vào tháng Chín tới không – hoàn toàn bấp bênh. Điều này trái đạo đức. Nó tàn phá, nó tàn phá phẩm giá, nó tàn phá sức khỏe, nó tàn phá gia đình, nó tàn phá xã hội. Việc làm tăng ca đêm và việc làm theo thời vụ tàn phá. Rồi có những công việc nguy hiểm và nguy hại cho sức khỏe, chúng gây ra hàng trăm cái chết và tàn phế mỗi năm ở Ý.
Phẩm giá của việc làm là điều kiện để tạo ra việc làm tốt: vì thế, nó phải được bảo vệ và thúc đẩy. Với thông điệp Rerum Novarum của Đức Thánh Cha Lê-ô XIII (1891), Giáo huấn Xã hội của Giáo hội được khai sinh để bảo vệ người lao động thoát khỏi sự bóc lột, chống lại lao động trẻ em, công việc 12 giờ một ngày, điều kiện làm việc thiếu vệ sinh tại các nhà máy.
Tôi nghĩ đến những người thất nghiệp đang đi tìm việc làm mà không thể, nghĩ đến những người đã thất vọng không còn sức mạnh để tiếp tục đi tìm việc, và nghĩ tới những người gọi là có việc làm, đó là những người chỉ làm việc vài giờ đồng hồ một tháng và không có cách nào để thoát khỏi cảnh nghèo túng. Với những người ngày, tôi xin gửi tới họ lời này: đừng mất niềm tin. Tôi cũng nói lời này với những người đang sống trong những vùng khó khăn hơn thuộc miền nam Ý. Giáo hội làm việc cho một nền kinh tế phục vụ con người, một nền kinh tế giảm bớt sự bất bình đẳng và nhắm mục tiêu tạo việc làm cho tất cả.
Sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu bằng sự khủng hoảng tài chính; sau đó nó chuyển thành sự khủng hoảng kinh tế và việc làm. Sự khủng hoảng việc làm vừa là sự khủng hoảng môi trường và khủng hoảng xã hội (x. Tông huấn Laudato Si’, 13). Hệ thống kinh tế chỉ nhắm mục tiêu vào chủ nghĩa tiêu dùng, không quan tâm đến phẩm giá của công việc và việc bảo vệ môi trường. Điều này phần nào đó giống như chạy xe đạp xì bánh: nó rất nguy hiểm! Phẩm giá và sự bảo vệ bị mất đi khi người công nhân chỉ được xem như một thành phần nhỏ trong quỹ vốn để sử dụng, khi tiếng kêu của những người bị bỏ rơi không được lắng nghe. Những người quản lý không thoát khỏi luận lý này khi họ đưa ra những hợp đồng với những tiêu chuẩn cắt giảm tối đa mà không suy xét đến phẩm giá của việc làm cũng như trách nhiệm về môi trường và tài chính của các công ty. Chỉ suy nghĩ đến việc đạt được lợi nhuận và tính hiệu quả, cuối cùng họ phản bội lại sứ mạng xã hội của họ là phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, giữa những khó khăn vẫn không thiếu những dấu hiệu hy vọng. Nhiều thực tiễn tốt đẹp mà anh chị em đã đạt được giống như một cánh rừng mọc lên mà không tạo ra âm thanh ồn ào, và chúng dạy cho chúng ta hai giá trị: phục vụ người thiếu thốn và xây dựng những cộng đồng trong đó sự hiệp nhất chiến thắng cạnh tranh. Cạnh tranh: đây là căn bệnh của chế độ nhân tài … Thật đẹp khi chứng kiến sự đổi mới xã hội được sinh ra từ sự gặp gỡ và những mối quan hệ và không phải tất cả mọi tài sản đều trở thành hàng hóa: chẳng hạn lòng tin, sự quý trọng, tình bạn, tình yêu.
Không có điều gì được vượt lên trước thiện ích cho con người và việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, thường bị xuyên tạc bởi một mô hình phát triển và nó tạo ra một món nợ môi sinh rất lớn. Sự đổi mới công nghệ phải được dẫn dắt bởi lương tâm và những nguyên tắc phân quyền và đoàn kết. Rô-bô vẫn phải là một phương tiện chứ không thể trở thành thần tượng của một nền kinh tế nằm trong tay của những giới quyền lực; nó phải phục vụ con người và những nhu cầu của con người.
Tin mừng dạy chúng ta rằng Thiên Chúa công bằng với những người làm công đến vào giờ cuối, nhưng cũng không làm thiệt hại đến “sự công bằng” cho những người làm công từ giờ thứ nhất (x. Mt 20:1-16). Sự khác biệt giữa những người làm công từ giờ thứ nhất và giờ cuối cùng không ảnh hưởng đến mức độ cần thiết cho tất cả mọi người đủ sống. Đây là “nguyên tắc của thiện ích” cho ngày hôm nay để không ai bị thiếu thứ gì và để tạo ra nhiều cơ hội làm việc, để làm phong phú đời sống của công ty, cộng đồng người lao động. Trách nhiệm của doanh nghiệp là trao cơ hội thể hiện khả năng cho những người cộng tác của họ, là những người ngược lại có trách nhiệm không chôn giấu những gì họ đã được đón nhận, nhưng phải làm cho nó sinh hoa kết trái trong việc phục vụ tha nhân. Trong thế giới lao động, sự hiệp nhất phải chiến thắng tính cạnh tranh!
Ước mong của tôi là anh chị e trở thành “men xã hội” cho xã hội nước Ý và anh chị em sống theo tinh thần thượng hội đồng giám mục. Thật thú vị khi nhìn thấy anh chị em chạm đến những vấn đề vô cùng thích đáng, chẳng hạn vượt qua được khoảng cách giữa hệ thống giáo dục và thế giới việc làm, vấn đề công việc cho phụ nữ, những công việc chăm sóc, việc làm cho người khuyết tật và việc làm cho người di cư, họ sẽ thực sự được đón nhận khi họ có thể hòa nhập vào với những hoạt động của công việc. Cầu mong cho những suy tư vào thảo luận của anh chị em được chuyển thành hành động và cam kết mới để phục vụ xã hội Ý.
Tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho toàn thể hội đồng của Tuần lễ Xã hội ở Cagliari, và tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và cho việc phục vụ Giáo hội của tôi, và tôi xin gửi đến anh chị em Phép lành Tòa Thánh.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2017]


Nhà nguyện Thánh Marta: Đức Thánh Cha giải thích điều gì làm nên một “người mục tử tốt lành’

Nhà nguyện Thánh Marta: Đức Thánh Cha giải thích điều gì làm nên một “người mục tử tốt lành’

Trong Thánh Lễ sáng, Đức Phanxico nói rằng chúng ta sẽ bị xét đoán theo sự gần gũi của chúng ta với tha nhân
30 tháng Mười, 2017
Pope Francis During Mass in Santa Marta
Đức thánh Cha Phanxico dâng lễ trong nhà nguyện Thánh Marta © L'OSSERVATORE ROMANO
Đức Thánh Cha Phanxico giải thích điều gì làm nên một ‘người mục tử tốt lành.’
Theo đài phát thanh Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra lời nhắc nhở này hôm nay, 30 tháng Mười, 2017, trong Thánh lễ sáng thường ngày trong nhà nguyện Thánh Marta, khi ngài phân tích bài Tin mừng theo thánh Lu-ca trong ngày.
Trong bài đọc, Chúa Giê-su gặp một người phụ nữ ở hội đường, bà đã bị què trong nhiều năm và không thể đứng thẳng dậy. Chúa Giê-su làm năm việc: Người nhìn thấy, kêu gọi, chuyện trò, đặt tay lên và chữa lành bà. Năm hành động này, Đức Thánh Cha phân tích, minh họa một người mục tử tốt lành.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, Chúa Giê-su liên tục quở trách các luật sĩ, người Pha-ri-sê và Sa-đu-xê, vì không có sự gần gũi này. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha phân tích, họ thật sự không quan tâm đến dân tộc của họ và chỉ khóa mình trong những thế giới của riêng họ, khiến họ không thể trở thành những người mục tử tốt lành. Ngài nói, họ quan tâm đến tiền bạc nhiều hơn.
Đức Thánh Cha nhắc nhở, những người như vậy gọi là những kẻ giả hình vì họ không quan tâm đến người dân của họ, nhưng họ thấy bị xúc phạm khi Chúa Giê-su tố cáo những việc làm sai trái của họ.
Ngược lại, Đức Phanxico nói, Chúa Giê-su động lòng trắc ẩn với những người bị gạt ra bên lề và Ngài gần gũi với dân Người. Đức Thánh Cha nói, bất kể là người nghèo, người bệnh tật, tội nhân hay người bị bệnh phong, Chúa Giê-su đều luôn hiện diện.
Cũng vậy, Đức thánh Cha nhắc, Chúa dạy chúng ta hãy gần gũi với tha nhân. Người mục tử tốt lành làm những điều như Chúa Giê-su đã làm, họ thể hiện lòng thương xót và biến mình trở thành người phục vụ người khác.
Đức Thánh Cha tiếp tục, người mục tử tốt lành là nhìn thấy, kêu gọi, chuyện trò, đụng chạm đến và chữa lành.
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận nói rằng vì Thiên Chúa đến gần với chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô, “tất cả chúng ta sẽ bị phán xét về cách thức chúng ta gần gũi với những người đói, người đau bệnh, người bị tù đày hoặc những người thiếu thốn.”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/10/2017]


Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Chủ tịch Trung quốc tìm cách kiểm soát nhiều hơn đối với tôn giáo

Chủ tịch Trung quốc tìm cách kiểm soát nhiều hơn đối với tôn giáo

The flag of China.
Quốc kỳ Trung quốc.





Bắc kinh, Trung quốc, 25 tháng Mười, 2017 / 05:27 chiều (CNA/EWTN News). - Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung quốc thông báo trong tuần này rằng ông ta muốn tăng cường những kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh đối với tôn giáo trong đất nước cộng sản này.
Trong bài diễn văn tuần này trong Đại hội Đảng Cộng sản Toàn quốc lần thứ 19 của Trung quốc, ông Tập nói rằng các tôn giáo không phù hợp với những lý tưởng của người Cộng sản là một sự đe dọa cho chính quyền của dân tộc, và vì thế phải được “định hướng lại theo Trung quốc.”
Tuy những chỉ trích này được đưa ra nhắm đặc biệt vào Phật giáo Tây tạng, họ đang vận động hành lang cho sự độc lập thoát khỏi Trung quốc, nhưng nó cũng có thể ám chỉ đến những mối quan hệ vốn đã khá căng giữa Vatican và Trung quốc.
Những quan hệ ngoại giao giữa Giáo hội và Trung quốc đã có nhưng bị cắt đứt năm 1951, khi đảng cộng sản lên nắm quyền ở Bắc kinh. Các đảng viên Cộng sản ở Trung quốc hoàn toàn không được đi theo bất kỳ quan điểm tôn giáo nào.
Gần đây, Đức Giáo hoàng Benedict XVI và Phanxico đã cố gắng tái thiết lập lại những quan hệ ngoại giao với đất nước này, mặc dù đó là một tiến trình rất chậm và khó khăn.
Về mặt văn bản chính quyền Trung quốc công nhận Công giáo là một trong năm tôn giáo trong đất nước, nhưng họ vẫn không công nhận nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội được Vatican bổ nhiệm, dẫn đến nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo và giáo dân phải hoạt động bí mật.
Chính quyền Trung quốc thành lập Ủy ban Công giáo Yêu nước (PA), như là một hình thức thay thế cho phẩm trật giáo hội được chính quyền Trung quốc chính thức công nhận.
Đức Giáo hoàng hưu trí Benedict XVI đã gọi PA là “không phù hợp với giáo lý của Công giáo,” vì ủy ban này công nhận những giám mục được bổ nhiệm cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Vatican và chính quyền Trung quốc vẫn đang trên con đường đàm phán về việc công nhận sự bổ nhiệm các giám mục. Một kiến nghị gần đây nhất cho phép chính quyền chọn những ứng viên trong giáo hội được phép và gửi tên về Đức Giáo hoàng để duyệt chấp thuận hoặc từ chối.
Trong tháng Năm, Đức Hồng y Trung quốc Giu-se Zen nói rằng sự nguy hiểm của kiến nghị này nằm ở chỗ Đức Giáo hoàng có thể bị bắt buộc phải phê chuẩn một “giám mục không xứng đáng,” hoặc các quyết định của Tòa Thánh sẽ bị chính quyền Trung quốc bỏ qua.
Gần đây, Vatican gửi một danh sách tên các ứng viên tiềm năng đến Bắc kinh để chấp thuận hoặc từ chối trước khi bổ nhiệm lên giám mục. Vấn đề nằm ở chỗ là Bắc kinh vẫn tự mình bổ nhiệm các giám mục vào các vị trí lãnh đạo trong PA.
Đức Hồng y Zen nói rằng ngài hy vọng Giáo hội trên khắp thế giới “thêm lời cầu nguyện” cho Giáo hội Trung quốc, hiện vẫn đang tiếp tục bị bắt bớ trong quốc gia vô thần này cho dù các mối quan hệ đã bớt căng.
Theo một báo cáo đầu năm nay của tổ chức Freedom House (Ngôi nhà Tự do), một tổ chức Phi chính phủ trụ sở tại Hoa kỳ, sự bắt bớ tôn giáo cả bạo lực lẫn phi bạo lực nói chung đã tăng thêm ở Trung quốc kể từ thời chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2017]


Kinh Truyền Tin: Điều răn trọng nhất

Kinh Truyền Tin: Điều răn trọng nhất

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi
29 tháng Mười, 2017
Kinh Truyền Tin: Điều răn trọng nhất
Kinh Truyền Tin 29.10.17 CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin cùng với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Phụng vụ Chúa nhật tuần này trình bày cho chúng ta một trình thuật phúc âm tuy ngắn nhưng rất quan trọng (x. Mt 22:34-40). Tác giả Tin mừng Mát-thêu kể rằng những nhóm người Pha-ri-sêu đến để thử Chúa Giê-su. Một người trong họ, một Luật sĩ, hỏi Người câu hỏi này: “Thưa Thầy, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (c. 36). Đây là một câu hỏi gài bẫy vì trong Luật của Môi-sê có hơn sáu trăm giới luật. Làm sao người ta có thể phân biệt trong số các điều răn này, đâu là điều răn quan trọng nhất? Tuy nhiên, Chúa Giê-su không ngập ngừng và trả lời ngay: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” Và Người nói thêm: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (cc. 37.39).
Câu trả lời của Chúa Giê-su quá đúng, vì trong số rất nhiều các giới luật của người Do thái, những giới răn quan trọng nhất là Mười Điều Răn, được Chúa trao trực tiếp cho ông Môi-sê, như là những điều kiện của Giao ước với người dân. Tuy nhiên, Chúa Giê-su muốn mọi người hiểu rằng nếu không có lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thì không có lòng trung tín thật sự đối với Giao ước của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều việc tốt, chu toàn nhiều giới răn, làm rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta không có lòng yêu mến thì tất cả trở thành số không.
Điều này được khẳng định trong một văn bản khác trong sách Xuất hành, được gọi là “Luật của Giao ước,” trong đó nói rằng người ta không thể ở trong Giao ước với Thiên Chúa mà lại đại đối xử tệ bạc với những người được sự bảo trợ của Người. Và ai là những người được sự bảo trợ của Người? Kinh Thánh nói: họ là những bà góa, con côi, người ngoại kiều, người lạ, cụ thể đó là những người cô đơn và dễ bị xúc phạm nhất (x. Xh 22:20-21).
Khi trả lời cho những người Pha-ri-sêu đã chất vấn Người, Chúa Giê-su muốn giúp họ đặt những nhân đức tôn giáo theo trật tự, để sắp đặt lại điều gì thực sự là cao trọng và điều gì kém quan trọng. Chúa Giê-su nói: “Tất cả Luật Môi-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40). Đây là hai điều quan trọng nhất và tất cả những điều khác đều tùy thuộc vào hai điều này. Và quả thật Chúa Giê-su đã sống cuộc đời của Người đúng theo con đường đó: giảng dạy và thực hiện những gì là cao trọng và là nền tảng, cụ thể đó là yêu thương. Yêu thương tạo động lực và làm trổ sinh hoa trái cho cuộc sống và hành trình đức tin: không có yêu thương, cuộc sống và đức tin trở nên khô cằn.
Những gì Chúa Giê-su đề nghị trong trang tin mừng này là một lý tưởng phi thường, nó phù hợp với những khát khao chân thực của con tim chúng ta. Quả thật, chúng ta được tạo dựng để yêu thương và được yêu. Thiên Chúa, Người là Tình yêu, đã tạo dựng nên chúng ta để làm cho chúng ta trở thành người được thông phần vào sự sống của Người, được Người yêu thương và yêu mến Người, và cùng với Người, chúng ta yêu thương tha nhân. Đây là “ước mơ” của Thiên Chúa cho con người. Và để nhận ra được nó, chúng ta cần có ơn sủng của Người; chúng ta cần phải nhận được cho bản thân chúng ta khả năng yêu thương xuất phát từ chính Thiên Chúa. Chúa Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể cho chúng ta chính vì điều này. Qua Thánh Thể chúng ta đón nhận Chúa Giê-su trong cách thể hiện tình yêu vĩ đại nhất của Người, khi Người dâng hiến bản thân Người lên Chúa Cha cho ơn cứu độ chúng ta.
Nguyện xin Mẹ Rất Thánh Đồng Trinh giúp chúng ta biết đón nhận trong cuộc sống chúng con “điều răn cao trọng” là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Cho dù chúng ta đã biết được điều này ngay từ khi còn bé, nhưng chúng ta sẽ luôn luôn phải được biến đổi tâm hồn và đem nó ra thực hành trong những môi trường khác nhau hàng ngày của chúng ta.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, linh mục Dòng các cha Thánh Giu-se Murialdo, được tuyên phong Chân Phước hôm qua tại Caxias do Sul, Brazil. Ngài sinh đầu thập niên 1900 trong vùng đồi núi Vicenza, vì là một linh mục trẻ nên ngài được thuyên chuyển sang Brazil, nơi ngài hoạt động hăng say phục vụ dân Chúa và đào tạo các tu sĩ nam nữ. Nguyện xin tấm gương của ngài giúp chúng ta sống trọn vẹn tình gắn kết với Đức Ki-tô và Tin mừng.
Tôi chào thân ái anh chị em hành hương người Ý và anh chị em từ các quốc gia khác, đặc biệt anh chị em từ Ballygawley (Ireland), Salzburg (Áo) và từ Traunstein và Berchtesgaden (Đức).
Tôi xin chào cộng đoàn Togolese ở Ý, cũng như cộng đoàn từ Venezuela cùng với linh ảnh Đức Bà Chiquinquira, “Chinita.” Chúng ta hãy phó thác cho mẹ Đồng Trinh những hy vọng và mong chờ về hiến pháp của hai quốc gia này.!
Xin chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin luôn nhớ cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

JF
[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2017]


Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

Kết nối trực tiếp với Trạm Không gian Vũ trụ
26 tháng Mười Hai, 2017
Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các phi hành gia
CTV Screenshot
Lúc 3 giờ chiều (giờ Roma) ngày 26 tháng Mười, 2017, từ phòng Auletta của Đại sảnh Phao-lô VI, Đức Thánh Cha Phanxico được kết nối trực tiếp với phi hành đoàn của Mission 53 trên Trạm Không gian Quốc tế, một chuyến bay bay cách Trái đất 400 km.
Phi hành đoàn gồm Randolph Bresnik (Mỹ), Chỉ huy của NASA; Paolo Nespoli (Ý), kỹ sư ESA; Mark T. Vande Hei (Mỹ) kỹ sư NASA; Joseph Acaba (Mỹ, quê quán Puerto Rico) kỹ sư NASA; Sergey Ryazanskiy (Nga), kỹ sư và Alexander Misurkin (Nga), kỹ sư.
Có mặt trong phòng Auletta trong suốt cuộc nói chuyện là Chủ tịch của Cơ quan Không gian Ý (ASI), Roberto Battiston và Giám đốc các Chương trình của Đài Thiên văn Mặt đất của Cơ quan Không gian Châu Âu (ASE), Josef Aschbacher.
Cuộc nói chuyện với phi hành đoàn của Trạm Không gian Quốc tế kéo dài khoảng 25 phút. Đức Thánh Cha hỏi các phi hành gia năm câu hỏi, kết thúc cuộc nói chuyện bằng một lời chúc. Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT cuộc nói chuyện giữa Đức Thánh Cha và các phi hành gia.
* * *
Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các Phi hành gia
Chào tất cả mọi người!
Paolo Nespoli: Xin chào Đức Thánh Cha. Chào mừng cha đến với Trạm Không gian, chào mừng cha đến giữa chúng con, giữa phi hành đoàn của chuyến thám hiểm 52 và 53.
ĐTC: Chào buổi sáng mọi người … hay buổi tối chả biết nữa, vì khi ở trong không gian chẳng ai biết sáng hay tối! Chào Tiến sĩ Nespoli, chào các phi hành gia, tôi nghĩ là ở trên đó, trong Trạm Không gian các ngày trôi qua rất khác đúng không? Tôi cảm ơn các bạn và tất cả những người tổ chức buổi kết nối này, nó cho phép tôi có cơ hội “gặp gỡ” các bạn và hỏi các bạn vài câu. Tôi bắt đầu ngay bằng câu hỏi thứ nhất.
(Câu hỏi 1) Ngành thiên văn cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng những chân trời vô tận của vũ trụ, và gợi lên trong chúng ta những câu hỏi: chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đang đi đâu? Cho tôi hỏi Tiến sĩ Nespoli: theo kinh nghiệm trong không gian của anh, anh nghĩ gì về vị trí con người trong vũ trụ?
Paolo Nespoli: Thưa Đức Thánh Cha, đây là câu hỏi rất phức tạp. Con chỉ thấy mình là một nhà kỹ thuật, một kỹ sư, con cảm thấy thoải mái khi ở giữa những máy móc, giữa những thí nghiệm, nhưng khi nói đến những điều mang tính nội tâm hơn – “chúng ta từ đâu đến …” con cảm thấy lúng túng. Nó là vấn đề rất tinh tế. Con nghĩ rằng mục tiêu của chúng con là hiểu biết con người của mình, trau giồi kiến thức, hiểu được những gì ở xung quanh chúng con. Nhưng còn hơn thế nhiều, đó là điều rất thú vị, vì chúng ta càng biết nhiều thì chúng ta lại càng nhận ra rằng mình biết rất ít. Con vô cùng thích những người như Đức Thánh Cha — không phải chỉ là những kỹ sư, không chỉ là những nhà vật lý –, nhưng là những người như cha — những nhà thần học, những triết gia, các nhà thơ, nhà văn … có thể lên đây trên không gian này, và đây sẽ là điều chắc chắn trong tương lai; con rất muốn họ lên trên này để khám phá ý nghĩa của con người có mặt trong vũ trụ.
ĐTC: Anh nói đúng.
(Câu hỏi 2) Trong đại sảnh này nơi tôi đang ngồi nói chuyện với các bạn, có một tấm thảm nghệ thuật — như các bạn nhìn thấy — được lấy nguồn cảm hứng từ câu thơ nổi tiếng mà nhà thơ Dante viết làm câu kết của tập thơ Divine Comedy: “The Love that Moves the Sun and the Other Stars” (tạm dịch: Tình yêu làm chuyển động mặt trời và những vì sao (Paradise (Thiên Đàng), XXXIII, 145). Tôi hỏi các bạn: đối với các bạn — là những kỹ sư và phi hành gia, như anh nói rất đúng –, lấy ý nghĩa nào, lấy ý nghĩa nào để đặt tên cho lực làm vũ trụ chuyển động, “tình yêu” chăng?
Paolo Nespoli: Thưa cha, con xin nhường lại cho đồng nghiệp người Nga là anh Aleksandr Misurkin, anh sẽ nói với cha bằng tiếng Nga.
[Misurkin trả lời bằng tiếng Nga]
Paolo Nespoli: Thưa cha, con hy vọng chúng con không làm cha ngạc nhiên bằng tiếng Nga: cha có ai ở đó có khả năng thông dịch không, hay để chúng con tóm tắt vắn gọn?
ĐTC: Tốt hơn là tóm vắn gọn.
Paolo Nespol dịch lại: Anh đồng nghiệp Aleksandr có một câu trả lời rất hay bằng tiếng Nga mà con tạm dịch lại đại khái như vầy, thật vắn tắt. Anh đề cập đến một quyển sách mà anh đọc trong thời gian này ở trên đây, để đưa ra suy tư, quyển “Hoàng tử nhỏ” của Thánh Exupery. Anh kể câu truyện làm cho anh sẵn sàng dành trọn cuộc đời khi trở về để bảo vệ cây cối thực vật và động vật trên trái đất. Và đặc biệt, tình yêu là sức mạnh làm cho con người có khả năng hy sinh cuộc sống vì một người khác.
ĐTC: Tôi rất thích câu trả lời này. Đúng vậy, không có tình yêu, không thể nào hy sinh cuộc sống vì người khác. Điều này đúng. Thấy rằng anh đã hiểu thông điệp mà Thánh Exupery lý giải bằng thi ca và các bạn, những người Nga, đã thấm vào trong máu, thấm vào trong truyền thống nhân văn và tôn giáo của các bạn. Điều này thật đẹp. Cảm ơn anh.
(Câu hỏi 3) Đây là một sự tò mò. Người ta nói rằng phụ nữ thì hay tò mò, nhưng đàn ông cũng tò mò đấy! Điều gì là động lực thúc đẩy các bạn trở thành những phi hành gia? Đâu là lý do chính trao tặng cho các bạn niềm vui trong suốt thời gian ở trên trạm vũ trụ này?
Paolo Nespoli: Thưa cha, để con đưa microphone cho hai đồng nghiệp: đồng nghiệp người Nga Sergey Ryazanskiy và đồng nghiệp người Mỹ Randy Bresnik.
[Ryazansky trả lời bằng tiếng Anh] Paolo Nespoli dịch:
Anh ấy nói rằng động lực đó là ông nội của anh: ông nội của anh là một trong những người tiên phong của ngành không gian; ông đã làm việc trên vệ tinh Sputnik, vệ tinh đầu tiên bay trên trái đất; ông là một trong những người chịu trách nhiệm xây dựng vệ tinh, và anh lấy động lực từ ông nội của anh, anh muốn đi theo bước đi của ông, vì theo ý của anh, không gian rất thú vị và tuyệt đẹp, nhưng cũng rất quan trọng cho chúng ta là con người.
Những gì con nhìn thấy từ đây thật tuyệt mỹ: có thể cái nhìn về trái đất đó một phần nào giống như một cái nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự diệu kỳ của hành tinh này.
Tốc độ trên quỹ đạo của chúng con là 10 km một giây, chúng con nhìn thấy trái đất bằng những đôi mắt khác: chúng con nhìn thấy một trái đất không có biên giới, chúng con nhìn thấy trái đất là một nơi với bầu khí quyển vô cùng tuyệt vời và lướt qua nhanh, và nhìn trái đất theo cách này làm cho chúng con phải suy nghĩ làm sao để con người, bằng cách nào để con người hợp tác với nhau vì một tương lai tốt đẹp hơn.
ĐTC: Tôi rất hài lòng với những gì hai anh trả lời. Trước hết các anh đã đi về nguồn để giải thích cho điều này: anh bắt đầu bằng ông nội của anh. Còn anh từ Mỹ đến, đã có thể hiểu rằng trái đất rất mong manh, nó chỉ là một phút thoáng qua: 10 km một giây theo như Tiến sĩ Nespoli nói … Bầu khí quyển là một thực tại mong manh và tinh tế đủ để phá hủy chúng ta. Và rồi các anh tiếp tục với cái nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa — ông nội của anh và Thiên Chúa: nguồn cội và hy vọng, sức mạnh của chúng ta. Đừng bao giờ quên điều này: và nó làm tôi rất vui nghe được điều này, và lại nghe từ chính anh! Cảm ơn các anh.
(Câu hỏi 4) Cho tôi hỏi các anh một câu hỏi nữa: du hành trong không gian làm thay đổi rất nhiều việc được coi là chuyện bình thường và đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn chuyện “lên” và “xuống.” Cho tôi hỏi: có cái gì đó đặc biệt làm cho các anh ngạc nhiên khi sống trong không gian? Và ngược lại, có cái gì đó làm các anh sững sờ vì nó cũng y như vậy, trong một bối cảnh hoàn toàn khác?
Paolo Nespoli: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Với câu hỏi này con nhường cho bạn đồng nghiệp người Mỹ, Mark Vande Hei.
[Vande Hei trả lời bằng tiếng Anh]
Paolo Nespoli dịch: Mark nói rằng điều làm cho anh ấy ngạc nhiên là trong không gian cha nhìn thấy mọi thứ hoàn toàn khác, những thứ có vẻ tương tự nhưng không thể nhận dạng được. Thỉnh thoảng con tiếp cận được với một thứ gì đó từ một góc độ hoàn toàn khác và đầu tiên con hơi bị lúng túng, vì con không thể hiểu được chúng ở đâu, không thể hiểu được nó là gì. Nhưng điều không thay đổi ở đây, ở một nơi không có khái niệm “lên” hay “xuống” là con có thể hiểu rằng mình đứng ở đâu và tìm thấy vị trí của mình trong hoàn cảnh này, nơi mà con phải quyết định đâu là “lên” và đâu là “xuống.” Và từ đó thiết lập lên một tiểu vũ trụ của con, một tiểu vũ trụ với giác quan và hệ quy chiếu của con.
ĐTC: Và đây là điều rất nhân văn: khả năng quyết định, đưa ra quyết định. Câu trả lời cũng rất thú vị đối với tôi vì nó cũng đưa trở về cội nguồn con người.
(Câu hỏi 5) Và bây giờ, nếu các bạn còn đủ kiên nhẫn nghe, tôi xin hỏi một câu hỏi nữa. Xã hội của chúng ta bây giờ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, nhưng trong cuộc sống thì sự hợp tác lại vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ đến tất cả mọi công việc đứng đàng sau tập thể như tập thể của các bạn. Các bạn có thể cho tôi một ví dụ điển hình về sự hợp tác của các bạn trên Trạm Không gian?
Paolo Nespoloi: Thưa Đức Thánh Cha, một câu hỏi rất hay. Con nhường câu trả lời cho đồng nghiệp người Mỹ Joseph Acaba là hậu duệ của người Puerto Rico.
Joseph Acaba: Thưa Đức Thánh Cha, thật vinh dự được nói chuyện với cha … [anh tiếp tục nói tiếng Anh]
Paolo Nespoli dịch: Joe nhắc lại rằng Trạm Không gian này là sự hợp tác giữa nhiều quốc gia: có Mỹ, có Nga, Nhật, Canada, 9 quốc gia Châu Âu … Và anh kể về cách thức các quốc gia này hợp tác với nhau để đạt được những điều vượt ra ngoài khả năng của một quốc gia. Tuy nhiên, anh nói một trong những điều quan trọng và thú vị thực sự là mỗi người trong chúng con đều mang một sự khác biệt và khi kết hợp những sự khác biệt này lại nó tạo thành một điều lớn lao hơn nhiều so với khả năng của một con người có thể thực hiện; và làm việc với nhau, trong tinh thần hợp tác này để đi xa hơn, đây là con đường của chúng ta là con người, bước ra với thế giới và tiếp tục hành trình này trong khả năng kiến thức.
ĐTC: Các bạn là một “Glass Palace!” (tạm dịch: Lâu đài kính) Tổng của tất cả thì lớn hơn tổng của từng phần, và đây là một ví dụ mà các bạn đưa ra cho chúng tôi.
Các bạn thân mến, cảm ơn các bạn rất nhiều, tôi thật sự rất muốn nói: các huynh đệ thân mến, vì chúng ta cảm thấy mỗi người là một đại diện cho toàn gia đình nhân loại trong dự án nghiên cứu khổng lồ đó là Trạm Không gian. Tôi chân thành cảm ơn cuộc chuyện trò này, nó giúp tôi mở mang rất nhiều. Xin Chúa chúc lành cho các bạn, cho công việc của các bạn và cho gia đình của các bạn. Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các bạn và, xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn!
Paolo Nespoli: Thưa Đức Thánh Cha, thay mặt tất cả anh em con xin cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành thời gian với chúng con hôm nay, trên Trạm Không gian Quốc tế này. Đây là nơi chúng con làm rất nhiều nghiên cứu, nơi chúng con đi tìm kiếm mọi điều của thường ngày. Chúng con cảm ơn cha đã dành thời gian với chúng con và dẫn đưa chúng con lên cao ơn và đã kéo chúng con ra khỏi những công việc máy móc thường ngày, và giúp chúng con biết nghĩ đến những điều lớn lao hơn bản thân mình. Một lần nữa xin cảm ơn cha!
ĐTC: Cảm ơn các bạn!
© Libreria Editrice Vatican
Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2017]