Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Thánh Mary Josephine giáo xứ Thánh Tâm Giê-su thuộc ngoại vi Roma

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Thánh Mary Josephine giáo xứ Thánh Tâm Giê-su thuộc ngoại vi Roma

‘Oán hận …  khát khao trả thù … ‘Ngươi sẽ phải trả giá cho việc đó! … Đây không phải là tinh thần Ki-tô.’
20 tháng Hai, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Thánh Mary Josephine giáo xứ Thánh Tâm Giê-su thuộc ngoại vi Roma
CTV Screenshot
Dưới đây là bản dịch của Zenit bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong chuyến thăm một giáo xứ thuộc vùng ngoại vi Roma, chiều Chủ nhật 19 tháng Hai, là một chuyến đi thứ hai như vầy kể từ sau bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, và là chuyến thứ 13 như vậy. Giáo xứ Thánh Mary Josephine Thánh Tâm Giê-su nằm trong vùng Castelverde di Lunghezza, 6 cây số cách phía đông đường cao tốc vòng quanh Roma:
* * *
Hôm nay, có một điều mà cha muốn gọi là một thông điệp chung nhất trong các bài đọc. Trong Bài Đọc Một có một Lời của Chúa nói với chúng ta: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19:2). Thiên Chúa Cha nói điều này với chúng ta. Và Tin Mừng kết bằng Lời đó của Chúa Giê-su: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5:48) – cùng một lời. Đây là chương trình của cuộc sống. Hãy nên thánh thiện, vì Người là Đấng Thánh; hãy nên hoàn thiện, vì Người là Đấng Hoàn Thiện. Và anh chị em có thể hỏi cha: Nhưng thưa cha, con đường nên thánh là gì, con đường nên thánh là như thế nào?” Chúa Giê-su đã giải thích rất rõ trong Tin Mừng: Ngài giải thích điều đó bằng những việc cụ thể.
Trước hết: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5:38-39), nói rõ là không được báo thù. Nếu tôi mang sự uất hận trong tâm hồn vì một điều người khác đã làm cho tôi và tôi muốn trả thù, điều này đẩy tôi ra khỏi con đường nên thánh. Không báo thù. “Anh làm điều đó đối với tôi, anh sẽ phải trả giá!” Đây có phải tinh thần Ki-tô không? Không. “Anh sẽ phải trả giá” không đi vào ngôn ngữ của Ki-tô giáo. Không báo thù. Không uất hận. “Nhưng hắn làm đời sống của tôi bế tắc! …” Người hàng xóm đó ngày nào cũng nói xấu tôi! Tôi cũng phải nói xấu lại về bà ta …” Không. Chúa nói gì? “Hãy cầu nguyện cho bà ta” – “Tôi phải cầu nguyện cho bà ta ư?” – “Đúng, hãy cầu nguyện cho bà ta.” Đó là cách tha thứ, cách quên đi những xúc phạm. Anh chị em bị tát ở má bên phải? Hãy đưa luôn má bên kia. Tội ác được vượt qua bằng điều tốt lành, tội lỗi được vượt qua bằng sự quảng đại, bằng sức mạnh này. Uất hận rất khủng khiếp. Tất cả chúng ta đều biết nó không phải là một điều nhỏ. Những cuộc chiến lớn – chúng ta xem thấy trên các bản tin của TV, vụ tàn sát người ở đây, tàn sát trẻ em … Biết bao thù hận! Nhưng nó cũng cùng một sự hận thù, cùng một sự hận thù như anh chị em mang trong lòng vì một người đàn ông này, vì một người phụ nữ kia, vì người bà con họ hàng hay mẹ chồng, mẹ vợ đó, hay vì bất kỳ ai, nó đều giống nhau. Thù hận trên tin tức thấy nó lớn hơn, nhưng nó cũng như vậy. Uất hận, khát khao muốn giải oan cho mình bằng cách: “Ngươi sẽ phải trả giá cho chuyện đó!” đây không phải Ki-tô giáo.
“Nên thánh thiện vì Chúa là Đấng Thánh”; “nên hoàn thiện vì Cha là Đấng Hoàn thiện,” Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng trên kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Người tốt lành. Thiên Chúa ban sự tốt lành cho tất cả. “Nhưng nếu hắn ta nói xấu về tôi, nếu hắn ta làm điều xấu cho tôi, nếu hắn ta …” Hãy tha thứ, trong tâm hồn. Đây là con đường nên thánh; và điều này phá tan chiến tranh. Nếu mọi người trên thế giới học được điều này, sẽ không có chiến tranh, sẽ không có. Chiến tranh bắt đầu từ đây, trong sự cay đắng, trong sự uất hận, trong lòng khát khao báo thù, bắt người khác phải trả giá. Nhưng việc đó tàn phá các gia đình, phá hủy tình bạn, làm vỡ tan tình làng xóm, phá hủy quá nhiều, quá nhiều … “Vậy con phải làm gì, thưa cha, khi con mang cảm xúc này?” Chúa Giê-su trả lời điều này, không phải cha nói: “Hãy yêu thương kẻ thù của anh em” (Mt 5:44). “Con phải yêu kẻ đó ư?” – Đúng – “Con không thể” – Hãy cầu nguyện là con có thể –. “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (nt.). “Con cũng phải cầu cho những kẻ làm hại con sao?” – Đúng, để người đó thay đổi cuộc đời, để Thiên Chúa tha thứ cho người đó. Đây là tính đại lượng khoan dung của Thiên Chúa, Thiên Chúa khoan dung đại lượng, Thiên Chúa với tấm lòng cao cả, Người tha thứ tất cả, Người giàu lòng thương xót. “Đúng là vậy, thưa cha, Thiên Chúa giàu lòng thương xót.” Và chúng ta, chúng ta có thương xót những người đã làm hại chúng ta? Hay những người không yêu chúng ta? Nếu Người giàu lòng thương xót, nếu Người là thánh, nếu Người hoàn thiện, thì chúng ta phải thương xót, phải thánh thiện và hoàn thiện như Người.
Đây là sự nên thánh. Một người làm như vậy xứng đáng được phong thánh: họ trở thành thánh. Đời sống Ki-tô hữu chỉ đơn giản vậy thôi. Cha đề nghị anh chị em bắt đầu một chút thôi. Tất cả chúng ta đều có kẻ thù; chúng ta đều biết là người đó nói xấu về chúng ta; chúng ta biết như vậy. Và tất cả chúng ta biết người đó ghét chúng ta. Tất cả chúng ta biết điều đó. Vậy chúng ta bắt đầu một chút thôi. “Nhưng con biết người đó đã nói xấu về con, ông ta đã nói những điều kinh khủng về con.” Cha đề nghị với anh chị em: đợi một chút, hướng nhìn lên Chúa Cha: “Người đó là con cái của Người, cô ta là con gái của Người: xin hãy thay đổi tâm hồn cô ta. Xin ban phúc lành cho anh ta, xin ban phúc lành cho cô ta.” Đây là điều được gọi là cầu nguyện cho kẻ không yêu thương anh em, cho những kẻ thù. Có thể thực hiện nó với sự đơn sơ. Có thể sự uất hận vẫn còn; có lẽ nỗi uất hận vẫn còn tồn đọng trong chúng ta, nhưng chúng ta đang hết sức cố gắng để đi trên con đường của Thiên Chúa, Đấng rất tốt lành, hay thương xót và hoàn thiện; Người cho mặt trời soi sáng trên kẻ xấu cũng như người tốt: Người là cho tất cả mọi người, Người tốt lành với tất cả mọi người. Chúng ta cũng phải nên tốt lành với mọi người, và chúng ta phải cầu nguyện cho những người không tốt – cho tất cả.
Chúng ta có cầu nguyện cho những kẻ giết trẻ em trong chiến tranh không? Khó quá, nó cách đây quá xa, nhưng chúng ta phải học cách làm điều này, để co hoán cải. Chúng ta có cầu nguyện cho những người gần gũi với chúng ta nhất nhưng lại ghét chúng ta hoặc làm hại chúng ta? À, thưa cha, khó lắm. Con muốn vặn cổ anh ta!” – Hãy cầu nguyện, cầu nguyện để Thiên Chúa thay đổi đời sống của họ. Cầu nguyện là một liều thuốc giải cho lòng thù hận, cho chiến tranh, những cuộc chiến này bắt đầu từ trong nhà, bắt đầu từ trong khu xóm, bắt đầu từ trong gia đình. Chỉ nghĩ đến những cuộc chiến trong gia đình về quyền thừa kế thôi: không biết bao gia đình đã bị phá hủy, ghét nhau vì quyền thừa kế. Cầu nguyện để có hòa bình. Và nếu tôi biết có ai đó mong muốn điều xấu cho tôi, không yêu tôi, tôi phải cầu nguyện thật đặc biệt cho người đó. Cầu nguyện là một sức mạnh, cầu nguyện vượt qua cái xấu; cầu nguyện mang lại hòa bình.
Tin mừng, Lời Chúa hôm nay rất đơn giản. Đây là lời khuyên: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Và rồi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Vì thế, chúng ta phải cầu xin ơn sủng không giữ lại sự uất hận, ơn sủng biết cầu xin cho kẻ thù địch, cầu nguyện cho những người không yêu thương chúng ta, cầu xin ơn sủng bình an.
Cha yêu cầu anh chị em, xin hãy thực hiện việc này: một lời cầu nguyện mỗi ngày như sau: “Ôi, người đó không yêu con, nhưng lạy Chúa, con xin Người …” Một ngày một lần, rồi chúng ta sẽ vượt qua, rồi chúng ta sẽ đi trên con đường nên thánh và hoàn thiện. Chắc chắn như vậy.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/02/2017]


Giới Thiệu Tài Liệu Chuẩn Bị Cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ và Ơn Gọi

Giới Thiệu Tài Liệu Chuẩn Bị Cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ và Ơn Gọi

Gồm 4 phần
(Phần 3)

Câu hỏi liên quan đến Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Nhận thức Ơn gọi được gửi đến các Hội đồng Giám mục
13 tháng 1, 2017
Giới Thiệu Tài Liệu Chuẩn Bị Cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ và Ơn Gọi
II


ĐỨC TIN, NHẬN THỨC, ƠN GỌI


Qua mỗi giai đoạn của Thượng Hội đồng, một lần nữa Giáo hội muốn nói lên khao khát của mình muốn gặp gỡ, đồng hành và quan tâm đến từng bạn trẻ, không loại trừ ai. Giáo hội không thể, và cũng không muốn, bỏ rơi họ vào tình trạng bị cô lập hoặc loại trừ mà thế giới đang bày ra trước mắt họ. Làm sao để đời sống của giới trẻ trở thành một trải nghiệm tốt lành; làm sao họ không bị đánh mất bản thân trong bạo lực hoặc cái chết; và làm sao sự thất vọng không giam hãm họ và làm cho họ trở nên thờ ơ, tất cả những điều này phải là sự quan tâm hàng đầu cho những ai đã đón nhận sự sống, được thanh tẩy trong đức tin và ý thức được rằng đây là những ân sủng lớn lao.


Vì những ân sủng này, sinh ra là một con người với trước lời hứa tiến đến một sự sống viên mãn, được đón nhận và được chăm sóc là trải nghiệm cơ bản nhất đưa vào trong tâm hồn mỗi người không những sự vững tin không bị rơi vào tình trạng thiếu ý nghĩa cuộc đời hay rơi vào bóng tối của cái chết, nhưng là hy vọng có thể được bày tỏ cá tính của một người trên hành trình đi đến sự viên mãn của cuộc sống.


Sự khôn ngoan của Giáo hội Đông phương rất hữu ích giúp nhìn thấy được lòng vững tin này, nó có thể làm nền tảng trong một phép loại suy “ba lần được sinh ra”: sinh tự nhiên, nghĩa là một người được sinh ra là nữ hoặc nam trong một thế giới có thể sắp xếp và hỗ trợ sự sống; tái sinh trong phép rửa tội “khi một người trở thành con cái của Thiên Chúa qua ơn sủng”; và một lần tái sinh thứ ba, tức là, hành trình “từ đời sống thể lý sang đời sống tâm linh đời sau,” mở ra cho một con người sự thực hành tự do viên mãn (x. Diễn thuyết của Philoxenus of Mabbug, một giám mục người Syria thế kỷ thứ năm, 9).


Tặng cho người khác những món quà mà một người đã được nhận có nghĩa là hỗ trợ họ và đồng hành bên cạnh họ trên hành trình khi họ phải đương đầu với những yếu đuối và khó khăn trong cuộc đời của họ, và đặc biệt hỗ trợ họ trong cách thi hành sự tự do vẫn đang được hình thành. Vì thế, Giáo hội, bắt đầu từ các Giáo sĩ của mình, được kêu gọi để tự kiểm tra và tái khám phá ơn gọi chăm sóc tha nhân của mình theo tinh thần được Đức Giáo Hoàng Phanxico đề ra ngay từ đầu triều đại của ngài: “...chăm sóc [và] bảo vệ những nhu cầu tốt lành; [họ] cần có lòng nhân hậu thực sự. Trong các sách Tin mừng, Thánh Giu-se xuất hiện như một người mạnh mẽ và can đảm, một con người lao động, tuy nhiên trong tâm hồn ngài chúng ta nhìn thấy sự nhân hậu vĩ đại, đây không phải là đức tính của người yếu đuối nhưng là một dấu chỉ của sức mạnh của thánh thần và một năng lực biết quan tâm, thương xót, sự mở lòng thực sự ra với tha nhân vì yêu thương (Bài giảng Bắt đầu Thừa tác vụ của Phê-rô của Giám mục Roma, 19 tháng Ba 2013).


Từ quan điểm này, một số ý tưởng bây giờ sẽ được trình bày liên quan đến việc hỗ trợ đồng hành với giới trẻ, bắt đầu với đức tin và việc lắng nghe truyền thống của Giáo hội, với mục tiêu rõ ràng là hỗ trợ họ trong việc nhận thức được ơn gọi và đưa ra những lựa chọn căn bản cho đời sống, bắt đầu từ việc nhận thức rằng một số những lựa chọn này là vĩnh viễn.


1. Đức tin và Ơn gọi


Đức tin là nhìn đến mọi việc theo cái nhìn của Chúa Giê-su (x. Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen fidei, 18). Đức tin là nguồn gốc của nhận thức ơn gọi, vì đức tin cung cấp nhận thức ơn gọi với những chương trình nền tảng của nó, sự phát triển cụ thể, phong cách cá nhân và nền giáo dục. Đón nhận món quà của ơn sủng này một cách vui mừng và sẵn sàng đòi hỏi phải làm cho nó trổ sinh hoa trái qua những lựa chọn cụ thể và kiên vững trong đời.


Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15:16-17). Nếu ơn gọi niềm vui yêu thương là tiếng gọi ban đầu mà Thiên Chúa đặt vào trong tâm hồn của mỗi bạn trẻ để sự hiện hữu của mỗi người sẽ trổ sinh hoa trái, đức tin vừa là ân ban trên cao và là tiếng trả lời cho sự cảm nhận của chính mỗi người được chọn và được yêu.


Đức tin “không có nơi trú ẩn cho những tâm hồn nhút nhát, nhưng là điều làm thăng tiến đời sống của chúng ta. Nó làm chúng ta ý thức được tiếng gọi cao quý, ơn gọi của tình yêu. Nó bảo đảm với chúng ta rằng tình yêu này rất giá trị và xứng đáng để ôm ấp lấy, vì nó được đặt trên nền tảng của sự trung tín của Thiên Chúa, điều còn mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần những yếu đuối của chúng ta” (Thông điệp Ánh sáng Đức tin, Lumen fidei, 53). Đức tin này “trở thành một ánh sáng đủ sức soi sáng trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta trong xã hội,” góp phần vào việc xây dựng “một tình huynh đệ phổ quát” giữa mọi người trong thời đại của chúng ta (nt., 54).


Kinh Thánh có nhiều trình thuật của những người trẻ tuổi đón nhận tiếng gọi và quyết định nghe theo tiếng gọi. Dưới ánh sáng của đức tin, họ dần dần ý thức được chương trình của tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Đây là ý định của Thiên Chúa cho mọi người trong chương trình của Người, từ lúc tạo dựng vũ trụ như là một nơi “tốt đẹp”, một nơi đủ sức đón nhận sự sống và một nơi được tặng ban như một ân sủng trong hệ thống những mối tương quan được tin cậy.


Tin tưởng là biết lắng nghe Thần Khí và, với tất cả sức mạnh tinh thần và cảm xúc của một người, biết đối thoại với Ngôi Lời, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự Sống (x. Ga 14:6) và học cách biết tín thác vào Ngôi Lời, “là hiện thân của Ngôi Lời” trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống hàng ngày, trong những giây phút khi phải vác thánh giá và khi chúng ta trải nghiệm sự hân hoan được nhìn thấy những dấu hiệu của sự phục sinh, giống như “người môn đệ được yêu” đã nhìn thấy. Mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu và từng người tín hữu đều phải đối mặt với thách đố này.


Nơi diễn ra sự đối thoại này là lương tâm. Như đã được dạy trong Công Đồng Vatican II, lương tâm “là trung tâm huyền bí nhất và là thánh điện của một người. Ở đó con người đối diện một mình với Thiên Chúa, Đấng lên tiếng nói từ tận thẳm sâu của con người” (Hiến chế Mục vụ Hội thánh, Gaudium et spes, 16). Vì thế lương tâm là một nơi không thể xâm phạm, nơi vang lên lời mời gọi đầy hy vọng. Nhận biết được tiếng gọi của Thần Khí giữa những tiếng gọi khác và quyết định thái độ trả lời là nhiệm vụ của mỗi người. Có những người khác có thể đồng hành và khẳng định một con người, nhưng họ không bao giờ có thể thay thế được vị trí của người đó trong vấn đề này. Cuộc sống và lịch sử dạy rằng con người không thể dễ dàng nhận ra hình thức cụ thể của niềm vui đó, niềm vui mà Thiên Chúa kêu gọi mỗi người và từng con người đều khao khát, cho dù hiện tại có những thay đổi và những bấp bênh lan rộng. Có những lúc, con người phải đương đầu với sự chán nản hay sức ép của những gánh nặng cảm xúc khác chặn đứng con người trên hành trình tiến đến sự viên mãn. Rất nhiều người đã trải qua điều này; ví dụ, người thanh niên có rất nhiều của cải và của cải đã ngăn anh ta không thể chấp nhận tiếng gọi của Chúa Giê-su, và vì lý do này, đã bỏ đi một cách buồn bã thay vì vui mừng (x. Mc 10:17-22). Sự tự do của con người, cho dù sự thật nó cần được thanh luyện và làm hoàn thiện, không bao giờ mất đi khả năng nền tảng nhận biết được điều tốt và thực hiện nó. “Con người, có thể làm những điều xấu nhất, nhưng vẫn có thể đứng dậy vượt lên bản thân mình, lựa chọn lại điều gì là tốt, và làm lại sự khởi đầu mới, bất kể điều kiện trí tuệ và xã hội” (Tông huấn Chúc tụng Chúa, Laudato si’, 205).


2. Ơn sủng Nhận thức


Đưa ra những quyết định và định hướng hành động của một người trong những hoàn cảnh bấp bênh và đối diện với những xung khắc của sức mạnh nội tâm là một nơi rất tốt để thực hành nhận thức, một thuật ngữ cổ điển của truyền thống Giáo hội áp dụng cho nhiều tình huống khác nhau. Quả thật, một hình thức của sự nhận thức được thực hành qua việc đọc được những dấu chỉ của thời đại, điều này dẫn đến việc nhận ra sự hiện hữu và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử. Sự nhận thức đạo đức phân biệt được điều tốt và điều xấu. Vẫn còn một sự nhận thức khác, sự nhận thức tâm linh, hướng đến việc nhận ra sự cám dỗ để từ chối nó tiến bước trên con đường dẫn đến sự viên mãn của sự sống. Sự kết nối của nhiều ý nghĩa khác nhau của những hình thức này rất rõ ràng, một sự kết nối không bao giờ có thể hoàn toàn tách biệt ra khỏi nhau.


Suy tư về điều này, trọng tâm nhắm tới cho thượng hội đồng là nhận thức ơn gọi, nghĩa là, tiến trình qua đó một người quyết định những lựa chọn nền tảng, trong sự đối thoại với Thiên Chúa và lắng nghe tiếng của Thần Khí, bắt đầu bằng việc lựa chọn bậc sống của họ. Vấn đề đặt ra là bằng cách nào để một người không lãng phí những cơ hội tự phát triển năng lực bản thân là phần quan trọng của mỗi con người. Đối với người tín hữu, vấn đề này trở nên thậm chí rộng lớn hơn và sâu sắc hơn, cụ thể là, con người phải sống tinh thần vui mừng của Tin mừng và đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa như thế nào, tiếng gọi mà Thiên Chúa kêu gọi từng người Ngài gặp gỡ, có thể trong hôn nhân, qua thừa tác vụ chức thánh hoặc đời sống tận hiến?


Tài năng của một con người có thể được đưa vào sử dụng tốt nhất ở đâu: một đời sống chuyên môn, công việc thiện nguyện, phục vụ người cần giúp đỡ hoặc tham gia vào đời sống dân sự và chính trị?


Thần Khí nói và hoạt động qua những việc xảy ra trong đời sống của mỗi người, những điều còn chưa rõ ràng hay mơ hồ, đến mức độ họ có thể mở ra những hướng giải thích khác. Lúc này cần phải có sự nhận thức rõ để tỏ lộ ý nghĩa của chúng và để đưa ra một quyết định. Ba động từ trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng (Evangelii gaudium), 51, được sử dụng để mô tả sự nhận thức, cụ thể là, “nhận biết,” “làm sáng tỏ,” và “lựa chọn,” có thể giúp hướng dẫn trong việc vạch ra một lộ trình phù hợp cho các cá nhân hay nhóm và các cộng đoàn. Ý thức đầy đủ điều đó, trong cách thực hành, những ranh giới của những giai đoạn khác nhau không bao giờ được phác họa rõ ràng.


Nhận biết


Trên hết, sự “nhận biết” liên quan đến những việc xảy ra trong cuộc sống của một người, những người mà người đó gặp, và những lời nói mà người đó nghe thấy hay đọc được làm ảnh hưởng đến đời sống nội tâm, cụ thể là, “những khát khao, những cảm nhận và cảm xúc” khác nhau (Tông huấn Niềm vui yêu thương, Amoris laetitia, 143) và những cách thể hiện khác nhau của họ: buồn, u sầu, thỏa mãn, sợ hãi, vui mừng, bình an, cảm giác trống rỗng, dịu dàng, tức giận, hy vọng, lãnh đạm v.v.. Một người cảm thấy bị cuốn hút và bị đẩy đi theo nhiều hướng khác nhau, mà không có đủ sự sáng suốt để hành động, có lúc tâm trạng phấn chấn hay nặng trĩu và, trong một số trường hợp, có một cuộc chiến nội tâm thực sự. Sự “nhận biết” đòi hỏi phải làm cho sự phong phú về cảm xúc này thể hiện rõ lên và xác định được những cảm nhận này mà không đưa ra một phán xét. Nó cũng đòi hỏi phải nắm bắt được “hương vị” còn đọng lại, nghĩa là, sự thuận chiều hay đối nghịch giữa những gì được trải nghiệm và những gì xảy ra trong sâu thẳm tâm hồn.


Ở giai đoạn này Lời Chúa là vô cùng quan trọng. Quả thật, suy niệm Lời Chúa làm tăng thêm ngọn lửa đam mê như trong tất cả những trải nghiệm chạm đến nội tâm sâu thẳm của một người, nhưng đồng thời tạo ra khả năng để làm những trải nghiệm đó xuất hiện rõ và giúp nhận ra chúng trong những biến cố mà việc suy niệm tường thuật lại. Giai đoạn “nhận biết” tập trung vào khả năng lắng nghe và những cảm nhận và cảm xúc của một người, mà không né tránh nỗ lực thinh lặng miệt mài, một bước quyết định trong sự phát triển cá nhân, đặc biệt đối với giới trẻ là những người đang trải qua sức ép lớn hơn về cảm xúc mãnh liệt của nhiều đam mê khác nhau và không thể bị những đam mê này làm hoảng sợ, và vì thế, khước từ thậm chí những lợi ích lớn mà họ bị nó lôi kéo.


Làm sáng tỏ
“Làm sáng tỏ” những gì đã cố gắng vẫn không đủ, nói một cách khác, để hiểu được Thần Khí đang kêu gọi con người làm điều gì qua những điều Thần Khí thúc giục nơi mỗi người. Thường khi, người đó dừng lại để kể lại một trải nghiệm, nói rằng trải nghiệm đó tạo ra một “ấn tượng sâu sắc.” Sẽ gặp phải sự khó khăn lớn hơn trong việc hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của những khát khao và tình cảm mà một người trải nghiệm và kiểm điểm lại xem liệu những khát khao đó dẫn đến một hướng đi xây dựng hay chúng sẽ dẫn đến việc thu mình vào.


Giai đoạn làm sáng tỏ rất nhạy cảm, đòi hỏi kiên nhẫn, thận trọng và thậm chí một mức độ kiến thức nhất định. Một người cần phải có khả năng chú tâm vào những ảnh hưởng của điều kiện xã hội và tâm lý, mà không bị rơi vào cái bẫy tạo nên những lý thuyết trừu tượng về những gì là tốt đẹp cần phải làm. Thậm chí trong nhận thức ơn gọi, “thực tại lớn hơn ý tưởng” (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, Evangelii gaudium, 231). Cũng vậy, việc “làm sáng tỏ” không thể không đối mặt với thực tại và cân nhắc những khả năng sẵn sàng của thực tại.


Khát khao “làm sáng tỏ và những hoạt động nội tâm đòi hỏi một sự đối mặt trung thực dưới ánh sáng của Lời Chúa, với những lệnh truyền về luân lý của đời sống Ki-tô giáo, luôn luôn tìm cách áp dụng chúng vào tình huống cụ thể được trải nghiệm. Nỗ lực này dẫn đưa người thực hiện nó, không dừng lại ở sự luận lý theo đúng nguyên tắc của tính tối thiểu, nhưng là đi tìm một con đường để thực hiện tốt nhất những ơn sủng và khả năng của họ, tạo ra một thông điệp cuốn hút và đầy hứng khởi cho những bạn trẻ.


Công việc làm sáng tỏ được thực hiện qua sự đối thoại trong tâm hồn với Thiên Chúa, hoàn toàn gắn kết những khả năng của họ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của một người có kinh nghiệm trong việc lắng nghe Thần Khí là một nguồn trợ giúp giá trị mà Giáo hội đưa ra, một sự trợ giúp mà nếu không quan tâm sẽ là thiếu khôn ngoan.


Lựa chọn


Khi tất cả những khát khao và cảm xúc đã được nhận biết và làm sáng tỏ, bước tiếp theo khi đưa ra một quyết định là một cách thực hành sự tự do đích thực của con người và trách nhiệm cá nhân, điều này, đương nhiên, luôn luôn được nối kết đến một hoàn cảnh cụ thể và vì vậy nên bị giới hạn. Việc lựa chọn bị bắt buộc theo một sức thôi thúc mơ hồ, qua một sự tương đối hiện tại nào đấy dẫn đến việc áp dụng chúng như là những tiêu chuẩn cuối cùng, những nguyên tắc giam hãm con người trong sự thay đổi không ngừng. Đồng thời, người đó được giải phóng không trở thành mục tiêu cho những sức mạnh bên ngoài, cụ thể là tính tha luật (heteronomy). Tất cả những điều này đòi hỏi sự đan kết với đời sống của một người.


Trong một thời gian dài trong lịch sử, những quyết định căn bản trong cuộc sống không được thực hiện bởi những cá nhân quan tâm, một tình hình vẫn còn tồn tại ở một số vùng trên thế giới, như đã được nói đến trong chương một. Thúc đẩy sự tự do thực sự và những lựa chọn có trách nhiệm, đã hoàn toàn không được thực hiện trong quá khứ, vẫn còn là một mục tiêu của chương trình ơn gọi mục vụ nghiêm túc. Nhận thức là một công cụ chính cho phép bảo vệ vùng bất khả xâm phạm của lương tâm, mà không giả cách thay thế nó (x. Tông huấn Amoris laetitia, 37).


Một quyết định cần được chứng minh bởi sự việc xảy ra để xem nó có phải là một quyết định đúng hay không. Một sự lựa chọn không thể duy trì tình trạng bị giam hãm trong nội tâm mà nó có thể duy trì ở tình trạng ảo hoặc không hiện thực — một sự nguy hiểm thực sự được làm nổi bật lên trong nền văn hóa đương thời — nhưng được kêu gọi để biến nó thành hành động, bằng xương thịt, đặt nó vào hành trình, chấp nhận nguy cơ phải đối mặt với thực tại tạo ra những dục vọng và cảm xúc. Những dục vọng và cảm xúc khác sẽ nổi lên trong giai đoạn này; “nhận biết” và “làm sáng tỏ” chúng sẽ tạo ra khả năng nhìn thấy được quyết định đã đúng chưa, hay tốt hơn phải tái đánh giá lại nó. Do vậy, “bước ra ngoài” là rất quan trọng, cho dù vẫn có sự e sợ phạm lỗi, điều mà, như đã tìm hiểu trước, có thể phá hỏng.


3. Những con đường dẫn đến ơn gọi và sứ mạng


Nhận thức ơn gọi không thể đạt được bằng một hành động duy nhất, nhưng dù sao, việc thuật lại chi tiết sự phát triển của một ơn gọi, nhận biết những giây phút đặc biệt hay những sự gặp gỡ quyết định là có thể được. Cũng như tất cả những điều quan trọng trong cuộc sống, nhận thức ơn gọi là một tiến trình dài nảy nở theo thời gian, qua đó một người tiếp tục theo dõi những dấu chỉ được Thiên Chúa dùng để tỏ lộ và định rõ một ơn gọi rất riêng tư và độc nhất. Thiên Chúa gọi ông A-bra-ham và bà Sa-ra rời bỏ quê hương, nhưng chỉ theo một tiến trình dần dần — không phải không có những bước đi sai lầm — chúng đã làm sáng tỏ những gì ngay từ đầu là một “vùng đất ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12:1) còn bí ẩn. Chính Mẹ Maria phát triển trong sự nhận thức về ơn gọi của Mẹ qua việc suy niệm những lời Mẹ đã nghe thấy và những việc đã xảy ra, thậm chí cả những điều Mẹ không hiểu (x. Lc 2:50-51).


Thời gian là nền tảng để kiểm tra lại tính hiệu quả của một quyết định đã được đưa ra. Như được dạy trong từng trang Kinh Thánh, mọi ơn gọi đều hướng đến một sứ mạng và được đón nhận với sự sẵn sàng hoặc nhiệt tình.


Đảm nhận sứ mạng có nghĩa là sẵn sàng liều mạng sống của mình và đi theo con đường thập giá, bước theo từng bước chân của Chúa Giê-su, Ngài đã khởi đầu hành trình tiến về Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9:51) để hiến dâng mạng sống của Ngài cho nhân loại. Chỉ bằng cách từ bỏ sự ích kỷ thu vén vào cho như cầu của mình thì con người mới trở nên rộng lòng đón nhận chương trình của Thiên Chúa trong đời sống gia đình, trong thừa tác vụ thánh chức hoặc đời sống tận hiến và nghiêm túc thực hiện công việc của mình cũng như chân thành tìm kiếm thiện ích chung. Đặc biệt ở những nơi có nền văn hóa được thể hiện sâu nặng bởi chủ nghĩa cá nhân, những lựa chọn cần phải được phân tích nghiên cứu để xem liệu việc theo đuổi sự hoàn thiện bản thân có phải là kết quả của chủ nghĩa tự kỷ ái mộ hay có một sự sẵn sàng để sống một đời sống theo đúng với tính quảng đại của ơn sủng của riêng mình. Vì thế, việc tiếp xúc với sự nghèo nàn, sự mỏng giòn và sự thiếu thốn mang tầm quan trọng rất lớn trên con đường đến với nhận thức ơn gọi. Trên hết, các thành viên của ban đào tạo của các chủng viện phải khẳng định và thúc đẩy một sự sẵn sàng trong các chủng sinh để trở nên thấm đẫm “mùi của con chiên.”


4. Đồng hành


Ba niềm tin căn bản làm nền tảng cho tiến trình nhận thức, những niềm tin đã ăn sâu vào trong kinh nghiệm của mỗi con người được hiểu dưới ánh sáng của đức tin và truyền thống Ki-tô giáo. Niềm tin thứ nhất là Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động trong tâm hồn của mỗi con người qua những cảm xúc và khát khao gắn kết với những ý tưởng, hình ảnh và kế hoạch. Chăm chú lắng nghe, con người có khả năng làm sáng tỏ những dấu hiệu này. Niềm tin thứ hai là tâm hồn của con người, vì sự yếu đuối và tội lỗi của nó, thường bị chia rẽ vì nó bị hấp dẫn bởi những cảm xúc khác nhau và thậm chí đối nghịch nhau. Niềm tin thứ ba là mọi cách sống đều bắt buộc có một lựa chọn, vì một con người không thể tồn tại một cách mập mờ trong tình trạng không quyết đoán. Một người cần phải chấp nhận những công cụ cần thiết để nhận ra được tiếng gọi của Thiên Chúa đến với sự hân hoan của tình yêu và chọn cách trả lời lại tiếng gọi đó. Trong số những công cụ này, truyền thống tu đức của Giáo hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đồng hành cá nhân. Khi đồng hành với một người, sự nghiên cứu những bài giảng về nhận thức là chưa đủ, người đó cần có kinh nghiệm riêng tư, đích thực về cách giải thích những biến động của tâm hồn để nhận ra hoạt động của Thần Khí, Người lên tiếng nói theo một cách riêng biệt với mỗi người. Sự đồng hành cá nhân đòi hỏi việc tinh luyện đều đặn tính nhạy cảm của một người trước tiếng nói của Thần Khí và dẫn đưa đến việc khám phá ra một kho tàng và sự phong phú trong tính cách riêng của mỗi người.


Đây là vấn đề giúp cho sự trưởng thành mối quan hệ của một người với Thiên Chúa và giúp tháo bỏ những gì có thể cản trở nó. Ở đây nói đến sự khác biệt giữa sự hỗ trợ nhận thức và sự hỗ trợ tâm lý, điều này khi mở ra trước siêu việt tính, thường chỉ mang một tầm quan trọng cơ bản. Những nhà tâm lý hỗ trợ những người gặp khó khăn và giúp họ ý thức được những điểm yếu và tiềm năng của họ. Hướng dẫn tu đức tái định hướng một người đến với Thiên Chúa và chuẩn bị những bước để gặp gỡ Ngài (x. Ga 3:29-30).


Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với mọi người trong thời đại của Ngài, như được ghi trong các Tin mừng, làm nổi bật những yếu tố vững chắc trở thành một phần lý tưởng cho người hỗ trợ một người trẻ trong sự nhận thức ơn gọi, cụ thể là, một cái nhìn yêu dấu (gọi những môn đệ đầu tiên, x. Ga 1:35- 51); một lời nói có uy lực (sự giảng dạy trong đền thờ ở Ca-phác-na-um, x. Lc 4:32); một khả năng “trở thành người anh em” (dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành, x. Lc 10:25-37); một lựa chọn “cùng đồng hành” (các môn đệ đi Ê-mau, x. Lc 24:13-35); và là một chứng nhân đích thực, không run sợ chống lại những ý tưởng nhận thức trước (rửa chân tại Bữa Tiệc Ly, x. Ga 13:1-20).

Trong trách nhiệm đồng hành với thế hệ trẻ, Giáo hội đón nhận tiếng gọi của mình cùng cộng tác trong niềm vui của người trẻ hơn là cố gắng khống chế đức tin của họ (x. 2 Cr 1:24). Sự phục vụ như vậy được đặt nền tảng trong việc cầu nguyện và cầu xin ơn sủng của Thần Khí, Đấng hướng dẫn và soi sáng cho mỗi người chúng ta.


(Xin đọc phần 4 ngày mai)

[00050-EN.01] [Văn bản gốc: tiếng Anh]


[Nguồn: vatican]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/01/2017]