Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Đức Thánh Cha với báo La Repubblica: ‘Thế giới phải chặn các thần chiến tranh’

Đức Thánh Cha với báo La Repubblica: ‘Thế giới phải chặn các thần chiến tranh’

Đức Thánh Cha với báo La Repubblica: ‘Thế giới phải chặn các thần chiến tranh’
Đức Thánh Cha Phanxico nói về chiến tranh và Lễ In Coena Domini (Lễ Rửa Chân) cho các tù nhân hôm thứ Năm trong một phỏng vấn của tờ La Repubblica - AFP
13/04/2017 10:02
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha đã đồng ý có một phỏng vấn với tờ báo của Ý, La Repubblica, phát hành sáng thứ Năm, trong đó ngài nói về lý do tại sao ngài luôn dâng Lễ Tiệc Ly của Chúa với các tù nhân và về “cuộc chiến thế giới kinh hoàng đang xảy ra trên từng vùng” hiện nay.
Năm nay, Đức Thánh Cha dâng Lễ Tiệc Ly hôm thứ Năm Tuần Thánh tại Trung tâm Paliano Detention, gần Roma, tại đây một lần nữa ngài lại rửa chân cho các tù nhân bên lề xã hội.
Đức Thánh Cha nói quyết định của ngài tiếp tục dâng lễ In Coena Domini (Lễ Tiệc Ly) với các tù nhân “là một bổn phận đến từ trái tim của tôi.”
“Trích đoạn Tin mừng của ngày chung thẩm nói rằng, ‘Ta là một tù nhân và các ngươi đã đến thăm ta.’ Đây là công việc của Chúa Giê-su trao cho mỗi chúng ta, nhưng đặc biệt cho giám mục là cha của mọi người.”

Mẫu gương của Đức Hồng y Agostino Casaroli
Khi được hỏi ai đã cho ngài bài học này, Đức Thánh Cha kể tấm gương của Đức Hồng y Agostino Casaroli đã qua đời.
Ngài nói thậm chí khi còn là Quốc vụ Khanh Vatican, đức Hồng y Casaroli tiếp tục thực hiện hoạt động mục vụ của ngài tại trung tâm giam giữ thanh thiếu niên của Roma, Casal del Marmo, những người mà ngài đến phục vụ hoàn toàn không biết ngài là ai.
“Mỗi tối thứ Bảy ngài đều biến mất: ‘Ngài đang nghỉ ngơi,’ người ta nói vậy. Ngài đón xe buýt, với cái va-li nhỏ cho công việc, và ngài ở lại để giải tội cho các bạn trẻ và cùng chơi với họ. Họ gọi ngài là ‘Don Agostino’; họ thực sự chẳng biết ngài là ai. Khi Đức Gio-an XXIII tiếp kiến ngài sau chuyến thăm viếng đầu tiên của người đến Đông Âu trong suốt sứ mạng ngoại giao của người trong  đỉnh điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh, đức Giáo hoàng hỏi ngài vào cuối buổi gặp gỡ: ‘Kể tôi nghe, có phải cha vẫn đến thăm những thanh thiếu niên đó không?’ ‘Vâng, thưa Đức Thánh Cha.’ ‘Tôi xin cha một ơn huệ, đừng bao giờ bỏ rơi họ.’”
Đức Thánh Cha tiếp tục nói, “Có những lúc, một thái độ đạo đức giả nào đó thúc đẩy chúng ta xem những tù nhân chỉ là những người gây rối, là những người với con đường duy nhất là nhà tù. Nhưng, tất cả chúng ta đều có thể phạm tội.”

Thế giới phải chặn các thần chiến tranh
Quay sang chủ đề chiến tranh và bạo lực, Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Tôi nghĩ ngày nay tội lỗi được thể hiện rõ trong mọi sức mạnh hủy diệt của chiến tranh, trong nhiều hình thức của bạo lực và ngược đãi, và trong việc loại trừ những người cô thế nhất.”
Ngài nói rằng thế kỷ trước “bị tàn phá bởi hai cuộc chiến thế giới đẫm máu và đã biết đến sự đe dọa của chiến tranh nguyên tử và một số lớn những cuộc xung đột, trong khi ngày nay, thật không may, chúng ta đang trải qua một cuộc chiến thế giới kinh hoàng đang xảy ra trong từng vùng.”
Đức Thánh Cha nói với người phỏng vấn ngài, “Thế giới phải chặn những thần chiến tranh lại, vì những người chịu đau khổ nhất là những người ở tận cùng xã hội và hoàn toàn không được bảo vệ.”
“Tôi luôn tự hỏi mình,” ngài nói, “Bạo lực có cho phép chúng ta đạt được những mục tiêu lâu dài không? Có phải hậu quả gây ra chỉ là sự leo thang những trả đũa và một vòng xoáy của những xung đột chết người, chỉ đem ích lợi lại cho ‘một vài thần chiến tranh?’”
Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Dùng bạo lực đối lại bạo lực – hậu quả tốt nhất trong mọi trường hợp là tình trạng di cư cưỡng bức và đau khổ vô nhân … Hậu quả xấu nhất trong mọi trường hợp có thể đem đến cái chết thể xác và tinh thần của nhiều người, nếu không muốn nói là tất cả.”

Những thành kiến khóa lòng con người trước sự thật và tự do
Kết luận, Đức Thánh Cha trở lại với chuyến thăm buổi tối đến các tù nhân tại Trung tâm Giam giữ Paliano.
“Khi chúng ta khóa lòng mình trong những thành kiến, khi chúng ta là những nô lệ cho các ngẫu thần của sự thịnh vượng giả tạo, khi chúng ta chuyển động trong những khuôn mẫu của hệ tư tưởng, hoặc khi chúng ta tuyệt đối hóa những luật lệ của kinh tế nghiền nát con người, trong thực tế chúng ta đang làm không gì khác ngoài việc thu mình trong những bức tường tù túng chật hẹp của chủ nghĩa cá nhân và tự mãn, chối bỏ sự thật đem lại sự tự do. Và chỉ ngón tay chống lại người đã làm xáo trộn không thể trở thành một chứng cớ ngoại phạm vì đã ẩn giấu những sự đối nghịch riêng của họ.

(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/04/2017]


Bài giảng Đêm Canh thức Phục Sinh của Đức Thánh Cha

Bài giảng Đêm Canh thức Phục Sinh của Đức Thánh Cha

‘Chúng ta hãy để cho mình được ngạc nhiên trước ánh bình minh mới này và bởi tính mới mẻ mà chỉ Đức Ki-tô có thể trao tặng’
15 tháng Tư, 2017
Bài giảng Đêm Canh thức Phục Sinh của Đức Thánh Cha
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha trong Đêm Canh Thức Phục Sinh.
__
Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ” (Mt 28:1). Chúng ta có thể hình dung ra cảnh các bà trên đường đi … Họ bước đi như những người đang đến nghĩa trang, với những bước chân rời rạc và chán nản, như những người cảm thấy không thể nào tin được mọi chuyện lại kết thúc như vậy. Chúng ta có thể hình dung ra khuôn mặt của các bà, nhợt nhạt và đẫm nước mắt. Và câu hỏi của các bà: Liệu Thiên Chúa thực sự đã chết?
Không như các tông đồ, những người phụ nữ luôn có mặt – cũng như họ đã có mặt khi Thầy trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, và rồi, cùng với ông Giu-se A-ri-ma-thê, khi Người được đặt vào trong mồ. Hai người phụ nữ không bỏ chạy, họ vẫn đứng vững, họ can đảm đối mặt với cuộc sống và họ biết được vị đắng của sự bất công. Chúng ta nhìn thấy các bà ở đó, trước ngôi mồ, lòng nặng trĩu đau thương nhưng bù lại vẫn không thể chấp nhận rằng mọi việc phải kết thúc theo cách này.
Nếu chúng ta cố gắng hình dung ra cảnh này, chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người phụ nữ đó trong không biết bao nhiêu khuôn mặt khác: khuôn mặt của những người mẹ và người bà, của những trẻ em và người trẻ tuổi đang phải mang những gánh nặng đau khổ của sự bất công và hung tàn. Trong những khuôn mặt của họ chúng ta có thể nhìn thấy phản ánh lại tất cả những người, đang lê bước trên các con phố trong thành phố của chúng ta, cảm nhận nỗi đau của cái đói nghèo thảm khốc, nỗi đau khổ do sự bóc lột và buôn bán người. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người được chào đón bằng sự khinh rẻ vì họ là người di cư, bị cướp mất quê hương, nhà cửa và gia đình. Chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt với đôi mắt thể hiện sự cô đơn và bị bỏ rơi, vì đôi tay của họ hằn lên những đường nhăn. Khuôn mặt của họ hiện lên khuôn mặt của những phụ nữ, những người mẹ, phải khóc lên khi nhìn thấy sự sống của những đứa con của họ bị nghiền nát bởi những xấu xa lan tràn cướp mất quyền của các em và phá tan những giấc mơ của các em. Vì những hành động ích kỷ mỗi ngày đóng đinh rồi chôn vùi những hy vọng của mọi người. Vì sự xơ cứng và những thói quan liêu chặn lối con đường thay đổi. Trong nỗi khổ đau của họ, hai người phụ nữ đó phản ánh lên các khuôn mặt của tất cả những người đang lê bước trên các con đường trong thành phố của chúng ta, nhìn thấy nhân phẩm bị đóng đinh.
Các khuôn mặt của những phụ nữ đó cũng làm hiện lên  những khuôn mặt khác, có lẽ gồm cả của anh chị em và của tôi. Cũng như các bà, chúng ta có thể cảm thấy một sức thúc đẩy để tiếp tục tiến bước và không đầu hàng trước những việc phải kết thúc theo cách này. Đúng, chúng ta mang trong mình một lời hứa và một sự chắc chắn của lòng trung tín của Thiên Chúa. Nhưng khuôn mặt của chúng ta cũng mang lấy dấu ấn của những vết thương, của quá nhiều hành động bất trung, của chính chúng ta và của những người khác, của bao nỗ lực đã làm và những cuộc chiến bị thất bại. Trong con tim chúng ta, chúng ta biết rằng mọi việc có thể khác đi nhưng, gần như mất ý thức, chúng ta dần dần quen với việc sống với ngôi mộ, sống với tâm trạng thất vọng. Tệ hơn nữa, thậm chí chúng ta có thể tự thuyết phục mình rằng đây là quy luật cuộc sống, và mài mòn lương tâm của chúng ta bằng những cách chạy trốn mà nó chỉ làm lụi tàn đi niềm hy vọng Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta. Quá nhiều lần chúng ta bước đi giống như những phụ nữ này, lấp lửng giữa sự khao khát Thiên Chúa và sự buông xuôi vô vọng. Không chỉ Thầy chết đi, mà cả niềm hy vọng của chúng ta cũng chết theo Người.
“Và thình lình đất rung chuyển dữ dội” (Mt 28:2). Thình lình, những người phụ nữ đó cảm thấy một sự rung chuyển mạnh mẽ, giống như một điều gì đó hay một ai đó làm cho mặt đất rung chuyển dưới chân của họ. Một lần nữa, một người đến và bảo họ: “Các bà đừng sợ,” rồi nói thêm: “Người đã trỗi dậy như Người đã nói!” Đây là thông điệp từ thế hệ này sang thế hệ khác mà Đêm Thánh hôm nay chuyển đến cho chúng ta: “Anh chị em đừng sợ! Người đã trỗi dậy như Người đã nói!” Sự sống, mà cái chết đã phá hủy trên thập giá, bây giờ bừng tỉnh và rộn ràng tươi mới (x. ROMANO GUARDINI, Thiên Chúa, Chicago, 1954, t. 473). Nhịp đập trái tim của Chúa Sống Lại được ban tặng cho chúng ta như một món quà, một quà tặng, một chân trời mới. Con tim thao thức nhịp đập của Chúa Sống Lại được ban tặng cho chúng ta, và đến lượt mình chúng ta được đòi hỏi phải cho đi như một sức mạnh biến đổi, như men của một nhân loại mới. Trong sự phục sinh, Đức Ki-tô đã lăn tảng đá che cửa mồ, nhưng Ngài cũng muốn phá đổ mọi bức tường khóa ngăn giữ chúng ta trong chủ nghĩa yếm thế cằn cỗi, trong những tòa tháp ngà được xây dựng chắc chắn để cô lập chúng ta với cuộc sống, trong nhu cầu đòi buộc sự an toàn và trong những tham vọng vô bờ bến mà nó có thể khiến chúng ta làm hại đến phẩm giá của tha nhân.
Khi Thầy Cả Thượng Phẩm và những nhà lãnh đạo tôn giáo, câu kết với người Roma, tin rằng họ có thể quyết định được mọi việc, rằng lời nói cuối cùng đã được đưa ra và rằng họ có toàn quyền để áp dụng nó, Thiên Chúa đột ngột cắt ngang, lật đổ mọi luật lệ và đưa ra những cơ hội mới. Thiên Chúa lại một lần nữa đến gặp gỡ chúng ta, để xây dựng và củng cố một thời đại mới, một thời đại của lòng thương xót. Đây là lời hứa ngay từ khởi đầu. Đây là sự ngạc nhiên của Thiên Chúa cho cho dân trung thành của Người. Hãy vui lên! Ẩn giấu trong cuộc sống của anh chị em là một hạt mầm phục sinh, một sự sống ban tặng đang sẵn sàng trỗi dậy.
Đó là điều mà đêm nay kêu gọi chúng ta phải tuyên xưng: nhịp đập trái tim của Chúa Sống Lại. Đức Ki-tô sống lại! Đó là điều làm thoăn thoắt bước chân của bà Maria Ma-đa-lê-na và bà Maria khác. Đó là điều khiến họ vội vã quay trở lại để báo tin vui (Mt 28:8). Đó là điều làm cho họ gạt sang một bên dáng đi sầu thảm và những vẻ mặt buồn sầu. Họ quay trở lại thành để gặp gỡ những người khác.
Bây giờ, cũng như hai người phụ nữ, chúng ta đã đến thăm mộ, tôi kêu gọi anh chị em cùng với họ trở lại thành phố. Tất cả chúng ta hãy vạch lại những bước đi của chúng ta và thay đổi khuôn mặt của chúng ta. Chúng ta hãy cùng với các bà quay trở lại để kể tin vui trong tất cả những nơi mà mồ mả dường như là lời nói cuối cùng, nơi mà cái chết dường như là con đường duy nhất. Chúng ta hãy quay trở lại để loan báo, để chia sẻ, để tiết lộ sự thật rằng: Thiên Chúa đã sống lại! Người đang sống và Người muốn nâng dậy tất cả những khuôn mặt đã chôn vùi hy vọng, đã chôn vùi những ước mơ, đã chôn vùi phẩm giá. Nếu chúng ta không thể để Thần Khí dẫn dắt chúng ta trên con đường này, thì chúng ta không phải là người Ki-tô hữu.
Và chúng ta hãy đi. chúng ta hãy để cho mình được ngạc nhiên trước ánh bình minh mới này và bởi tính mới mẻ mà chỉ Đức Ki-tô có thể trao tặng. Nguyện xin cho chúng ta biết cho phép lòng nhân hậu và tình yêu của Người hướng dẫn những bước đi của chúng ta. Nguyện xin cho chúng ta biết cho phép nhịp đập của trái tim của Người làm rộn ràng con tim uể oải của chúng ta.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/04/2017]