Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thế giới lên án vụ tấn công Manchester và cầu nguyện cho các nạn nhân

Các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thế giới lên án vụ tấn công Manchester và cầu nguyện cho các nạn nhân 
Một phụ nữ cầu nguyện ngày 23 tháng Năm khi chị nhìn thấy những bó hoa tưởng niệm để bên ngoài nhà thờ Thánh Ann, Manchester, sau vụ tấn công bằng bom ở Sân vận động Manchester. Vụ tấn công giết chết 22 người, trong đó có trẻ em, và làm bị thương hàng chục người khác trong vụ khủng bố nặng nề nhất đánh vào nước Anh kể từ ngày 7 tháng Bảy, 2005. (Martin Rickett/PA Wire (Press Association via AP Images))
23 tháng Năm, 2017

Các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thế giới lên án vụ tấn công Manchester và cầu nguyện cho các nạn nhân
Đức Giám mục địa phương, Thủ tướng May, Đức Thánh Cha Phanxico, Tổng thống Trump phản ứng lại vụ tấn công khủng bố và gửi những lời chia buồn.
Hannah Brockhaus/CNA/EWTN News

MANCHESTER, Anh quốc — Sau những gì được cho là một vụ tấn công khủng bố giết chết 22 người — đa số trẻ tuổi — ở Manchester đêm thứ Hai, đức Giám mục địa phương Gio-an Arnold lên án hành động này, nói rằng không có một lý lẽ biện minh nào cho bạo lực như vậy.

“Những công dân của Manchester và thành viên của cộng đoàn Công giáo hiệp nhất trong việc lên án vụ tấn công vào các đám đông tại sân vận động. Một vụ tấn công như vậy không có lý lẽ gì để biện minh,” Đức Giám mục địa phương Arnold nói trong một tuyên bố ngày 23 tháng Năm qua tài khoản Twitter của giáo phận.

Trong một loạt những lời bình luận, ngài cảm ơn những dịch vụ cấp cứu “vì nỗ lực và phản ứng nhanh của họ để cứu người. Chúng tôi cùng chung lời cầu nguyện cho những người đã chết và cho những người bị thương và gia đình của họ và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này.”

Đức Giám mục nhấn mạnh rằng “tất cả chúng ta phải cam kết cùng chung sức với nhau để giúp đỡ các nạn nhân và gia đình của họ và để xây dựng và củng cố tình đoàn kết cộng đồng của chúng ta.”

Đức Giám mục Arnold, ngài đang cai quản Giáo phận Salford trong đó có Manchester, đưa ra tuyên bố này phản ứng lại với vụ tấn công tại Sân vận động Manchester đêm thứ Hai, cuối buổi hòa nhạc của nghệ sĩ nhạc pop Ariana Grande của Mỹ, một nghệ sĩ nổi tiếng trong giới thiếu niên.

Một quả bom phát nổ trong phòng giải lao của sân vận động ngày 22 tháng Năm lúc khoảng 10:30 tối giờ địa phương, ngay thời điểm người xem ca nhạc bắt đầu về. Theo báo cáo, ít nhất 22 người chết, trong đó có trẻ em, và gần 60 người bị thương. Cảnh sát xác nhận thêm một nạn nhân 8 tuổi vào ngày 23 tháng Năm.

Kẻ tấn công một mình cũng bị chết tại vụ nổ. Hắn được cho là đã mang theo thiết bị kích nổ tại chỗ, và dùng để kích hoạt vụ nổ, theo Trưởng Cảnh sát điều tra của Manchester, Ian Hopkins.

Các điều tra vẫn chưa hé lộ kẻ tấn công hoạt động độc lập hay là một thành viên của mạng lưới lớn hơn hay của một nhóm khủng bố. Theo Associated Press ngày 23 tháng Năm, “Cảnh sát cấp cao của Manchester nói rằng họ đã bắt giữ một thanh niên 23 tuổi có liên quan đến một vụ đánh bom tự sát tại một buổi ca nhạc tại Sân Vận động lớn trong thành phố.”

Trong một điện tín ngày 23 tháng Năm gửi các nạn nhân và được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng ngài “rất đau buồn khi biết tin những mất mát về nhân mạng và những người bị thương do vụ tấn công man rợ gây ra ở Manchester.”

Đức Thánh Cha lên tiếng “hiệp nhất sâu sắc với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành động bạo lực vô nghĩa này” và khen ngợi “những nỗ lực to lớn” của đội cấp cứu và an ninh, dâng lời cầu nguyện cho những người bị thương và những người đã chết.

“Thật vô cùng đau buồn vì những trẻ em và bạn trẻ đã bị cướp đi mạng sống, và sự đau thương của gia đình các em,” Đức Thánh Cha khẩn cầu ơn Chúa ban “hòa bình, chữa lành, và sức mạnh trên dân tộc.”

Đức Hồng y Vinh-sơn Nichols, đứng đầu Tổng giáo phận Westminster ở London, gửi một lá thư chia buồn về vụ tấn công đến Đức Giám mục Arnold ngày 23 tháng Năm.

“Thật là một sự đau buồn quá lớn khi tôi nghe được bản tường thuật của truyền thông về sự tàn bạo trong đêm hôm qua ở Manchester,” ngài nói. “Nguyện xin Thiên Chúa với lòng thương xót của Người đón nhận tất cả những người đã chết. Xin Người biến đổi tâm hồn của tất cả những kẻ gắn kết với cái ác thực sự hiểu được lòng mong mỏi và ý định của Người cho nhân loại.”

“Tôi xin cùng với hiền huynh, và tất cả những người hiền huynh đang phục vụ, dâng lời cầu nguyện và gửi lời chia buồn đến những anh em giám mục của hiền huynh trong nước Anh và Wales,” ngài nói thêm, “Cả chúng tôi cũng khóc thương cho những mạng sống bị mất đi. Chúng tôi cầu xin sự yên nghỉ ngàn thu cho những người đã chết.”

Giáo phận Salford thông báo rằng Đức Giám mục Arnold sẽ dâng Thánh lễ đặc biệt cho các nạn nhân ngày 23 tháng Năm lúc 12:30 chiều tại nhà thờ Thánh Mary, thường được gọi là “Hòn ngọc ẩn giấu” và nhà thờ lớn Công giáo của Manchester. Một Thánh Lễ khác sẽ được dâng tại nhà thờ chính tòa Salford lúc 7 giờ tối địa phương.

Trong bản tuyên bố 23 tháng Năm liền ngay sau một cuộc họp Cobra khẩn cấp của chính phủ, Thủ tướng Anh Theresa May gọi vụ đánh bom là “một vụ đánh bom khủng bố tàn nhẫn” nhằm mục tiêu vào “những thành viên trẻ tuổi nhất trong xã hội của chúng ta với kế hoạch lạnh lùng.”

“Ý nghĩ và lời cầu nguyện của chúng ta là dành cho các nạn nhân và những gia đình và bạn bè của những người bị ảnh hưởng,” bà nói, và cho hay rằng vụ tấn công là “vụ khủng bố kinh khủng nhất mà chúng ta đã từng gánh chịu ở nước Anh.”

“Mọi hành động khủng bố đều là những vụ tấn công hèn nhát nhắm vào những người vô tội,” bà May nói tiếp, và cho hay rằng vụ tấn công sân vận động này nổi lên “vì sự hèn nhát đáng ghê sợ và kinh tởm, cố tình nhắm mục tiêu vào những trẻ em vô tội không có sự bảo vệ và những người trẻ, mà đáng lẽ họ đã được tận hưởng một trong những đêm đáng nhớ nhất cuộc đời của các em.”

Mặc dù đang công du nước ngoài, Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump nói trong buổi gặp gỡ với Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas hôm thứ Ba rằng “hệ tư tưởng độc ác” của chủ nghĩa khủng bố “phải bị xóa sạch.”

“Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến những người bị thương trong vụ tấn công khủng bố này và đến những người đã bị chết và các gia đình — rất nhiều gia đình — của các nạn nhân.”

“Quá nhiều con người trẻ tuổi, xinh đẹp, vô tội đang sống và tận hưởng cuộc sống của họ bị giết chết bởi những kẻ bại trận ác độc trong cuộc sống,” ông nói thêm. “Tôi sẽ không gọi chúng là những con quái vật, vì chúng sẽ thích được gọi như vậy; chúng nghĩ rằng đó là một tên gọi tuyệt vời. Tôi sẽ gọi chúng, từ bây giờ, là những kẻ bại trận, vì đó chính là bản chất của chúng.”

Các Giám mục Công giáo Hoa kỳ cũng bày tỏ sự chia buồn và lời cầu nguyện. Vụ tấn công này là kinh khủng nhất cho nước Anh kể từ sau vụ đánh bom vào hệ thống giao thông London ngày 7 tháng Bảy, 2005, giết chết 52 người.
Nguồn: ncregister]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/05/2017]


TIẾP KIẾN CHUNG: E-mau, con đường của hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: E-mau, con đường của hy vọng

‘Chúa Giê-su luôn bên cạnh chúng ta để cho chúng ta niềm hy vọng, để sưởi ấm tâm hồn chúng ta và nói: ‘Hãy tiến bước, ta ở cùng con. Hãy tiến bước’”
24 tháng Năm, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: E-mau, con đường của hy vọng
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và trên khắp thế giới.
Trong bài giáo huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “E-mau, con đường của hy vọng” (x. Lc 24:28-32).
Sau khi tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Giáo huấn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn suy tư về trải nghiệm của hai môn đệ đi về làng E-mau, mà Tin mừng Lu-ca mô tả (x. 24:13-35). Chúng ta hãy hình dung ra cảnh này: hai người đàn ông bước đi trong thất vọng, buồn bã, quyết định bỏ lại sau lưng họ sự cay đắng của biến cố với hồi kết quá buồn. Trước ngày Lễ Vượt qua đó họ ngập tràn nhiệt huyết: tin chắc rằng những ngày đó sẽ là ngày quyết định cho những mong chờ của họ và cho niềm hy vọng của toàn dân tộc. Giê-su, người mà họ đã đi theo, dường như cuối cùng đã đến trận chiến quyết định: giờ đây Người sẽ tỏ lộ quyền năng của Người, sau một thời gian dài chuẩn bị và ẩn dật. Đây là những gì họ mong chờ, và nó lại không xảy ra như vậy.
Hai khách hành hương này chỉ ấp ủ một niềm hy vọng của con người, bây giờ nó bị tan vỡ. Thập giá đó, được dựng trên đồi Can-vê, là một dấu hiệu hùng hồn nhất cho sự bại trận, điều mà họ không nhìn thấy trước. Nếu đúng là Giê-su thực sự mang tâm hồn của Thiên Chúa, họ phải đi đến kết luận rằng Thiên Chúa là vô ích, chẳng có một chút phòng vệ trong tay của bạo lực, không thể chống lại cái ác.
Vì thế, sáng Chúa nhật đó, hai người này trốn khỏi Giê-ru-sa-lem. Trong đôi mắt họ vẫn còn mang biến cố của Cuộc Thương Khó, Cái Chết của Chúa Giê-su; và trong tâm trí họ vẫn mang theo sự thất vọng đau thương của những biến cố đó, trong suốt ngày nghỉ Sa-bát theo luật. Lễ Vượt qua đó, đáng lẽ phải vang lên bài ca giải phóng, lại bị biến thành một ngày đau thương nhất trong cuộc đời họ. Họ bỏ Giê-ru-sa-lem để đến một nơi khác, một ngôi làng thanh bình. Họ mang lấy tất cả diện mạo của những con người quyết định gạt bỏ đi một ký ức héo tàn. Thế là họ lên đường và bước đi, buồn bã.
Cảnh này – con đường – rất quan trọng trong các trình thuật Tin mừng; giờ đây nó thậm chí trở nên quan trọng hơn nữa, tại giây phút lịch sử của Giáo hội bắt đầu được kể.
Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với hai môn đệ tất cả dường như rất tình cờ; nó cũng giống như rất nhiều ngã tư đường xảy ra trong cuộc sống. Hai môn đệ đang bước đi lòng đầy suy tư và một người không quen đến bên họ. Đó là Giê-su, nhưng mắt của họ vẫn không thể nhận ra Ngài. Và rồi Chúa Giê-su bắt đầu với “liệu pháp hy vọng.” Những gì xảy ra trên con đường này là một liệu pháp hy vọng. Ai thực hiện? Chúa Giê-su.
Trước hết, Người hỏi và lắng nghe: Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa thích lấn át. Cho dù Ngài hiểu rõ lý do sự thất vọng của hai môn đệ, Ngài cho họ thời gian để có thể hiểu được chiều sâu của sự cay đắng đã xảy đến cho họ. Một sự thú nhận bắt đầu từ đó và nó là một điệp khúc của cuộc sống con người: “Chúng tôi trước đây vẫn hy vọng rằng … Chúng tôi trước đây vẫn hy vọng rằng …” (c. 21). Không biết bao nhiêu nỗi buồn, bao nhiêu lần gục ngã, bao nhiêu thất bại xảy ra trong cuộc đời của mỗi con người! Tất cả chúng ta cách này cách khác cũng giống như hai môn đệ kia. Đã biết bao nhiêu lần trong đời chúng ta hy vọng, bao nhiêu lần chúng ta cảm nhận hạnh phúc chỉ còn cách một bước chân, và rồi chúng ta thấy mình hoàn toàn thất vọng. Nhưng Chúa Giê-su cùng đồng hành với tất cả những người ngã lòng, những con người cúi đầu xuống bước đi. Và kín đáo cùng bước đi với họ , Người thành công trong việc trao lại cho họ niềm hy vọng.
Trước tiên Chúa Giê-su nói với họ bằng Kinh Thánh. Bất cứ ai luôn có Quyển Sách của Thiên Chúa trong tay sẽ không dễ dàng tạo ra những câu chuyện của chủ nghĩa anh hùng, những chiến dịch khai sáng chinh phục. Niềm hy vọng thực sự không bao giờ có cái giá thấp: nó luôn luôn bước qua những thất bại. Niềm hy vọng của một người không chịu đau khổ, có lẽ chẳng bao giờ có. Thiên Chúa không thích được yêu mến như người ta yêu mến một lãnh tụ kéo dân tộc đến vinh quang bằng cách tiêu diệt đối phương trong máu. Thiên Chúa của chúng ta là một ánh sáng cháy lên trong một ngày lạnh giá và gió bão, và cho dù sự hiện hữu của Người trong thế giới này có vẻ mong manh, Người đã chọn nơi mà tất cả chúng ta coi khinh.
Rồi Chúa Giê-su lặp lại cho hai môn đệ cử chỉ chính yếu của mỗi Tiệc Thánh: Người cầm lấy bánh, ban phép lành, bẻ ra và trao nó cho các ông. Đây không phải là toàn bộ câu chuyện của Chúa Giê-su qua loạt cử chỉ này sao? Và có phải đó cũng là, trong mỗi Tiệc Thánh, dấu chỉ cho biết Hội thánh phải nên như thế nào? Chúa Giê-su đón lấy chúng ta, ban phép lành, “bẻ” đời sống của chúng ta ra - vì chẳng có tình yêu nào không có sự hy sinh - và dâng nó cho tha nhân, cho tất cả.
Sự gặp gỡ của Chúa Giê-su với hai môn đệ đi E-mau chỉ thoáng qua, nhưng trong đó là toàn bộ đời sống của Giáo hội. Nó kể cho chúng ta rằng cộng đoàn Ki-tô hữu không khóa chặt mình trong một thành lũy vững chắc, nhưng bước đi trong môi trường cần thiết nhất của mình, cụ thể là con đường. Và trên đó Giáo hội gặp gỡ con người, với những hy vọng và sự thất vọng của họ, đôi khi rất nặng nề. Giáo hội lắng nghe câu chuyện của mỗi người, khi nó nổi lên từ trong tận sâu thẳm lương tâm mỗi con người, từ đó đưa ra Lời của sự sống, chứng tá của tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu tín trung đến cùng. Và rồi trái tim con người rực cháy lên với niềm hy vọng.
Tất cả chúng ta đều có những giây phút khó khăn, đen tối trong cuộc đời; những giây phút chúng ta bước đi trong đau buồn, trầm tư trong suy nghĩ, không nhìn thấy chân trời, chỉ thấy phía trước là bức tường. Và Chúa Giê-su luôn bên cạnh chúng ta để cho chúng ta niềm hy vọng, để sưởi ấm tâm hồn chúng ta và nói: ‘Hãy tiến bước, ta ở cùng con. Hãy tiến bước.” Bí mật của con đường dẫn về E-mau tất cả đều ở đây: thậm chí qua những hình thức đối chọi, chúng ta vẫn tiếp tục được yêu, và Thiên Chúa không bao giờ không yêu thương chúng ta. Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta, luôn luôn, cả trong những giây phút đau buồn nhất, cả trong những giây phút khủng khiếp nhất, cả trong những giây phút bị thất bại: Thiên Chúa ở đó. Và đây là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến bước với niềm hy vọng này! Vì Người ở bên cạnh chúng ta và cùng bước đi với chúng ta, luôn luôn!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/05/2017]


Philippine, một linh mục và 15 giáo dân bị chiến binh jihad bắt cóc

Philippine, một linh mục và 15 giáo dân bị chiến binh jihad bắt cóc

Ở Marawi trên đảo Mindanao, cái nôi của những vụ đụng độ giữa quân đội và chiến binh của nhóm Maute, một nhóm biệt kích đã tấn công và chiếm được nhà thờ chính tòa tại đó. Nhóm này đòi quân đội phải rút lui thì mới thả con tin

Philippine, một linh mục và 15 giáo dân bị chiến binh jihad bắt cóc
Philippine, một linh mục và 15 giáo dân bị chiến binh jihad bắt cóc

Pubblicato il 24/05/2017
Ultima modifica il 24/05/2017 alle ore 17:59
GIORGIO BERNARDELLI
MILAN
Cuộc chiến ở Marawi, một thành phố với 200 ngàn cư dân chủ yếu là người Hồi giáo trên hòn đảo lớn Mindanao, đang trở nên xấu đi. Đã có những vụ đụng độ lớn giữa quân đội Philippine và nhóm chiến binh jihad Maitize địa phương có liên hệ với ISIS. Trong khi Tổng thống Philippine, Rodrigo Duterte, ra lệnh thiết quân luật ở Mindanao vì tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát trong thành phố thủ phủ Lanao trong tỉnh Sur, tối hôm qua một nhóm chiến binh tấn công và phóng hỏa đốt khu phức hợp nhà thờ chính tòa Marawi.
Nhóm chiến binh đã bắt cóc một linh mục người Philippine, Cha Teresito (Chito) Suganob - cha cũng là tổng đại diện của giáo phận - và những tín hữu đang ở cùng cha. Những kẻ khủng bố đưa họ đi và yêu cầu đổi lại quân đội Philippine phải dừng chiến dịch quân sự đang diễn ra tại đây, chiến dịch này bắt đầu sau sự có mặt của lãnh tụ Abu Sayyaf của Isnilon Hapilon, có lẽ là nhóm chiến binh jihad khét tiếng nhất ở Philippine, ra tín hiệu trong vùng.
“Hôm nay là lễ của Giáo hạt của chúng tôi, lễ Đức Maria, cứu giúp người Ki-tô hữu,” Đức Giám mục Edwin De la Pena nói với thông tấn xã Fides. Ngài hướng dẫn giáo hạt của vùng Marawi và nhờ đó thoát khỏi vụ bắt cóc vì ngài đã ra khỏi thành phố. “Những kẻ khủng bố đã chiếm Marawi. Người dân đang kinh hoàng và khóa cửa ở trong nhà. Chúng tôi đang chờ đợi sự phản ứng của quân đội. Điều quan trọng là phải chiếm lại được thành phố với ít đổ máu nhất. Những con tin chưa được nói đến. Chúng tôi đã khởi động các kênh của chúng tôi, các nhà lãnh đạo Giáo hội và Hồi giáo và chúng tôi hy vọng có thể đàm phán sớm để họ được thả an toàn và khỏe mạnh.”
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippine, Đức Tổng Giám mục Socrates Villegas, đã khẩn khoản: “Chúng tôi kêu gọi các lực lượng chính phủ thiết luật mạnh mẽ ở Marawi để ưu tiên giữ an toàn cho các con tin.” Và chúng tôi kêu gọi nhóm Maute hãy hạ vũ khí nhân danh Thượng Đế Giàu Lòng Thương Xót và Từ Ái - cùng là Đấng được người Ki-tô hữu sùng kính và tôn thờ - và để tôn vinh Thượng Đế Duy Nhất qua lòng thương xót và lòng từ ái, hai thuộc tính cao quý của Thượng Đế của chúng ta.”
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Marawi một lần nữa lại khẳng định rằng Mindanao đang nằm trong nguy cơ xâm nhập của nhóm chiến binh jihad. Hệ tư tưởng Caliphate tự xưng thực tế đã cho một cái nhìn mới về những góc cạnh của phe cực đoan hơn của các phong trào độc lập địa phương được cấp tài chính bởi những kẻ rao truyền giáo lý Wahhabi. Ví dụ, những ngày này đang đánh dấu kỷ niệm năm thứ hai mươi một vị thừa sai Pime, Cha Salvatore Carzedda, bị giết ở Zamboanga ngày 20 tháng Năm 1992, một trong những nạn nhân đầu tiên của nhóm đã bắt đầu phong trào Abu Sayyaf.
Xuyên suốt một thời gian dài này, đã có những vụ giết người và bắt cóc trong đó gồm các linh mục và giáo dân trong những cộng đoàn Ki-tô giáo địa phương. Những cố gắng đàm phán với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro - một tổ chức tự trị địa phương từ lâu - vẫn chưa được giải quyết: những thỏa thuận được ký bởi Tổng thống Aquino năm 2014 thành lập một khu tự trị trong vùng với đại đa số người Hồi giáo, cho đến nay vẫn chưa hoạt động. Trong khi Nhà nước Hồi giáo tiếp tục gửi những thông điệp đến với nhóm thiểu số Hồi giáo sống trong vùng Miền Nam Philippine, trong từng số phát hành trên mạng internet của nhóm này.
[Nguồn: vaticaninsider


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/05/2017]