Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Đức Thánh Cha: Chúng ta phải để cho trẻ em chơi đùa! Chơi đùa là ước mơ …

Đức Thánh Cha: Chúng ta phải để cho trẻ em chơi đùa! Chơi đùa là ước mơ …

08 tháng Bảy, 2017

Đức Thánh Cha: Chúng ta phải để cho trẻ em chơi đùa! Chơi đùa là ước mơ …

Đức Phanxico nói rằng chơi đùa là một hình thức của “mơ khi đang tỉnh thức” và ước mơ là trung tâm của những gì thế giới đang cần.

Khi Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các đám đông, đặc biệt với giới trẻ, ngài thường nói với chúng ta phải biết ước mơ.
“Đừng sợ ước mơ về một thế giới công bằng hơn,” ngài nói với một nhóm người hành hương năm 2014.
“Các bạn không thể có một gia đình mà không có những ước mơ,” ngài nói ở Manila năm 2015. “Khi một gia đình đánh mất khả năng ước mơ, trẻ em không thể phát triển, tình yêu không thể lớn lên, cuộc sống trở nên khô cằn rồi chết … Mơ ước rất quan trọng. Đặc biệt mơ ước trong gia đình. Đừng đánh mất khả năng mơ ước!”
Ngài quá thường xuyên đề cập đến sự mơ ước này đến mức chúng ta có thể nói rằng đó là dấu hiệu phân biệt của Đức Phanxico. Và ngài vừa lặp lại lời mời gọi này, lần này với giới trẻ người Palestine và Israel tập trung đầu tuần này trong một hội nghị được tổ chức bởi Scholas Occurentes, hiện nay là một nhóm liên kết giáo dục quốc tế được thành lập bởi vị giáo hoàng tương lai khi ngài vẫn còn là một tổng giám mục ở Argentina.
Hội nghị được tổ chức ở Giê-ru-sa-lem, và tập trung và chủ đề “Giữa Đại học và Trường Phổ thông, xây dựng hòa bình qua văn hóa gặp gỡ.” Hội nghị tập trung giới trẻ từ Israel và Palestine, cũng như từ nhiều nơi khác trên khắp thế giới.
Trong một sứ điệp video gửi giới trẻ, Đức Thánh Cha mở rộng lời mời gọi quen thuộc của ngài về ước mơ.
“Giáo dục mở ra trước chúng ta một nơi chưa được biết tới, và đưa chúng ta đến nơi đó, nơi có những dòng nước chưa bị phân tách. Thoát khỏi mọi thiên kiến. Nghĩa là thoát khỏi tất cả những xét đoán ngăn bước chúng ta, để từ đó, chúng ta có thể mơ ước và tìm ra những con đường mới. Đây là lý do tại sao những người lớn chúng ta không được hạn hẹp khả năng mơ ước của con cái và giới trẻ của chúng ta, cũng như việc chơi đùa, nó thực sự là một hình thức của giấc mơ khi đang tỉnh thức. Nếu chúng ta không cho phép trẻ em được chơi đùa, đó là vì chúng ta không biết cách chơi đùa, và nếu chúng ta không biết cách chơi đùa là chúng ta không hiểu được lòng tri ân, không hiểu phần thưởng, cũng chẳng hiểu được tính sáng tạo.”
Khi Đức Thánh Cha nói về mơ ước là ngài nói về một điều vượt hơn cả một mong ước ngẫu nhiên cho tương lai, một thực tế phù phiếm. Ngài nói về một điều giống như sự hy vọng — một điều tạo ra và xây dựng nên sự sáng tạo, một điều trao sức mạnh cho hiện tại, ngay cả trong một hoàn cảnh đang chìm trong xung đột như Đất Thánh.
Chúng ta hít thở cùng một không khí, ngài nói với giới trẻ tập trung ở Giê-ru-sa-lem, bước đi trên cùng một mặt đất. Tất cả chúng ta đều bước vào đời bằng những câu chuyện của riêng mỗi người. Nhưng “các bạn có can đảm nhìn thẳng vào mắt nhau, nhìn thẳng vào nhau không một chút nghi ngờ đề phòng, và đó là điều không thể thiếu cho một sự gặp gỡ. Trong cái nhìn không chút e dè của các bạn, không có bất kỳ câu trả lời nào; chỉ có sự bao dung. Sự bao dung với mọi điều tức là người khác, không phải là tôi. Nhìn vào mắt nhau không một chút giả tạo hoặc thành kiến là chúng ta tiếp nhận cuộc sống.”
Ngài nói, sự bao dung này — sự bao dung đối với cuộc sống và với tha nhân, với người đang ở bên cạnh tôi — đem đến một sự gặp gỡ, một khám phá đầy ý nghĩa.
“Tất cả chúng ta đều có ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều có ý nghĩa trong cuộc sống. Ngài nói, không ai trong chúng ta là ‘không.’ Tất cả chúng ta đều là ‘có.’”
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng chúng ta phải “lắng nghe giới trẻ và tạo ra một bối cảnh hy vọng để những ước mơ đó có thể phát triển và được chia sẻ.”
Ngài nói, vì — và điều này rất phù hợp ở Giê-ru-sa-lem — một ước mơ chung (được chia sẻ) mở ra “khả năng xây dựng một con đường sống mới.”
Nhắc lại một lời cổ vũ thường xuyên nhất của ngài, Đức Thánh Cha nói rằng bằng tất cả những điều này chúng ta có thể tạo ra một “văn hóa gặp gỡ,” ở đó chúng ta được liên kết như những nhân vị, biết trân trọng tính đa dạng để xây dựng sự hòa hợp, chứ không phải sự đồng nhất.
“Thế giới chia rẽ hôm nay đang rất cần điều đó!” ngài than phiền về nỗi sợ hãi trên thế giới dẫn đến việc xây nên những bức tường “mà rốt cuộc biến cơn ác mộng của chúng ta thành sự thật: sống như những kẻ thù địch với nhau.”
“Thế giới này đang vô cùng cần đến việc bước ra ngoài để gặp gỡ nhau!”
********************************
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) đầy đủ sứ điệp video:
Trong giây phút này, giới trẻ và người lớn của Israel, Palestine và những vùng khác của thế giới, nhiều quốc tịch, tín ngưỡng và nền tảng khác nhau, tất cả chúng ta đều hít thở cùng một không khí, chúng ta bước trên cùng mặt đất, ngôi nhà chung của chúng ta.
Câu chuyện của các bạn rất khác nhau  — mỗi người có câu chuyện riêng của mình. Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu câu chuyện, thế nhưng sự sống chỉ có một.
Đó là lý do tôi vô cùng mừng vui những ngày này mà các bạn đang sống ở Giê-ru-sa-lem, vì chính các bạn, từ những sự khác biệt của mình, đã tìm được sự hiệp nhất. Không ai dạy cho các bạn điều này. Chính các bạn đã sống tinh thần đó.
Các bạn có can đảm nhìn thẳng vào mắt nhau, nhìn thẳng vào nhau không một chút nghi ngờ đề phòng, và  đó là điều không thể thiếu cho một sự gặp gỡ. Trong cái nhìn không chút e dè của các bạn, không có bất kỳ câu trả lời nào; chỉ có sự bao dung. Sự bao dung với mọi điều tức là người khác, không phải là tôi. Nhìn vào mắt nhau không một chút giả tạo hoặc thành kiến là chúng ta tiếp nhận cuộc sống.
Cuộc sống không để chúng ta trôi qua. Nó làm chúng ta gặp gỡ và chuyển động và đây là sự đam mê. Khi một người bao dung với cuộc sống và với tha nhân, với người đang ở cạnh tôi, một sự gặp gỡ nảy sinh, và sự gặp gỡ này trao tặng ý nghĩa.
Tất cả chúng ta đều có ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều có ý nghĩa trong cuộc sống. Ngài nói, không ai trong chúng ta là “không.” Tất cả chúng ta đều là “có.”
Tất cả chúng ta đều là “có,” và đó là lý do tại sao khi chúng ta tìm được ý nghĩa, dường như tâm hồn chúng ta trải rộng ra. Và chúng ta cần phải biến ý nghĩa này thành lời nói. Chúng ta cần cho nó một hình thù để chứa đựng nó; để bằng một cách nào đó diễn đạt những gì đã xảy đến với chúng ta. Và đó là sự tác tạo.
Ngoài ra, khi chúng ta nhận thức rằng cuộc sống có ý nghĩa và ý nghĩa này lan tỏa vượt ra ngoài bản thân chúng ta, chúng ta cần phải ăn mừng. Chúng ta cần một lễ mừng, như là một cách bày tỏ sự tôn vinh ý nghĩa.
Rồi chúng ta tìm được cảm nhận sâu thẳm nhất một cảm nhận tồn tại trong chúng ta vì tất cả và bất chấp tất cả, vì tất cả và bất chấp tất cả. Cảm nhận này là lòng biết ơn.
Scholas nắm bắt được rằng đây là những gì thuộc về giáo dục. Giáo dục mở ra trước chúng ta một nơi chưa được biết tới, và đưa chúng ta đến nơi đó nơi có những dòng nước chưa bị phân tách. Thoát khỏi mọi thiên kiến. Nghĩa là thoát khỏi tất cả những xét đoán ngăn bước chúng ta, để từ đó, chúng ta có thể mơ ước và tìm ra những con đường mới.
Đây là lý do tại sao những người lớn chúng ta không được hạn hẹp khả năng mơ ước của con cái và giới trẻ của chúng ta, cũng như việc chơi đùa, nó thực sự là một hình thức của giấc mơ khi đang tỉnh thức. Nếu chúng ta không cho phép trẻ em được chơi đùa, đó là vì chúng ta không biết cách chơi đùa, và nếu chúng ta không biết cách chơi đùa là chúng ta không hiểu được lòng tri ân, không hiểu phần thưởng, cũng chẳng hiểu được tính sáng tạo.
Sự gặp gỡ này đã dạy chúng ta rằng chúng ta có một mệnh lệnh phải lắng nghe giới trẻ và tạo ra một bối cảnh hy vọng để những ước mơ đó có thể phát triển và được chia sẻ. Khi một ước mơ được chia sẻ, nó trở thành một cộng đồng gồm tất cả mọi người: khả năng xây dựng một con đường đời sống mới. Cộng đồng của chúng ta, gồm tất cả những người theo một cách nào đó là một phần của Scholas, sẽ xây dựng một văn hóa gặp gỡ qua nền giáo dục này.
Chúng ta có thể liên kết như những nhân vị, biết trân trọng tính đa dạng của các nền văn hóa, để xây dựng sự hòa hợp, chứ không phải sự đồng nhất. Thế giới chia rẽ hôm nay đang rất cần điều đó! Thế giới hôm nay sợ bất kỳ người nào khác biệt, mà vì sự sợ hãi này, đôi khi xây nên những bức tường, và rốt cuộc biến cơn ác mộng của chúng ta thành sự thật: sống như những kẻ thù địch với nhau. Thế giới này đang vô cùng cần đến việc bước ra ngoài để gặp gỡ nhau!
Đó là lý do hôm nay tôi phải cảm ơn các bạn những người lớn, phân khoa hàn lâm và nhân viên của Đại học Hebrew và của rất nhiều đại học trên khắp thế giới đang có mặt ở đây vì không khóa chặt mình vào bản thân, và vì các bạn đưa kiến thức quý báu của mình vào phục vụ cho sự lắng nghe.
Và cha cảm ơn tất cả các bạn trẻ của Israel và Palestine, và các vị khách từ những quốc gia khác trên khắp thế giới, vì đã có can đảm ước mơ, tìm kiếm ý nghĩa, xây dựng, cảm ơn, hân hoan mừng, và để hết tâm trí, đôi tay và con tim và trong công cuộc xây dựng một văn hóa gặp gỡ trở thành hiện thực. Xin cảm ơn rất nhiều.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/07/2017]


Huấn từ Kinh Truyền tin: Đến với Chúa Giê-su khi cuộc sống trở nên quá nặng nề

Huấn từ Kinh Truyền tin: Đến với Chúa Giê-su khi cuộc sống trở nên quá nặng nề

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng
9 tháng Bảy, 2017
Huấn từ Kinh Truyền tin: Đến với Chúa Giê-su khi cuộc sống trở nên quá nặng nề
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài huấn từ của Đức Thánh Cha hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong Tin mừng hôn nay, Chúa Giê-su nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Chúa không nói riêng câu này cho một số người bạn của Ngài, Không, Ngài nói cho “tất cả” những ai đang mệt mỏi và mang gánh nặng cuộc sống. Và có ai cảm thấy bị loại trừ ra khỏi lời mời gọi này? Chúa biết gánh nặng của cuộc sống là gì. Ngài biết rằng nhiều thứ làm mệt mỏi tâm hồn: những thất vọng và vết thương của quá khứ, những gánh nặng phải mang và những sai trái phải chịu đựng trong hiện tại, những bấp bênh và lo lắng cho tương lai.
Đứng trước tất cả những điều này, lời đầu tiên của Chúa Giê-su là một lời mời gọi, một lời mời gọi phải di chuyển và phải có sự phản ứng: “Hãy đến.” Sai lầm là chúng ta dừng lại tại chỗ khi mọi điều diễn ra không đúng, nằm im ở đó. Nó dường như quá rõ ràng, nhưng thật quá khó khăn để phản ứng và mở rộng lòng mình! Nó không hề dễ. Theo lẽ thường, trong những thời khắc đen tối người ta co cụm một mình, để nghiền ngẫm sự bất công của cuộc đời, sự vô ơn của người khác và tội lỗi của thế giới này, vân vân. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Chúng ta thỉnh thoảng đều có kinh nghiệm kinh khủng này. Và vì thế, vì chúng ta khóa cửa lòng mình, chúng ta nhìn thấy mọi thứ toàn một màu đen. Rồi chúng ta thậm chí trở nên quen dần với nỗi buồn, nó trở thành thân quen như ngôi nhà của chúng ta: nỗi buồn quật ngã chúng ta; nỗi buồn này là một điều kinh khủng. Nhưng Chúa Giê-su muốn giải thoát chúng ta khỏi “vũng bùn” này và như vậy Người nói với mỗi người: “Hãy đến!” – “Ai?” – Chính ông, bà, anh, chị . . .” Con đường thoát ra nằm trong mối quan hệ, trong việc đưa bàn tay ra và hướng đôi mắt về Đấng thực sự yêu thương chúng ta.
Quả thật, thoát ra khỏi con người mình vẫn chưa đủ, điều quan trọng phải biết đi đâu, vì quá nhiều mục tiêu chỉ là sự viển vông: chúng hứa hẹn sự nghỉ ngơi và tách biệt một chút, bảo đảm sự bình an và bồi dưỡng, và sau đó lại để người ta rơi vào trạng thái cô độc như trước; chúng là “những cụm pháo bông.” Vì vậy Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta biết phải đi đâu: “Hãy đến với Tôi.” Thông thường, đứng trước một gánh nặng cuộc sống hay một hoàn cảnh làm chúng ta đau đớn, chúng ta cố gắng nói về nó với một ai đó lắng nghe chúng ta, với một người bạn, với một chuyên gia … Làm như vậy là rất tốt, nhưng chúng ta đừng quên Giê-su! Chúng ta đừng quên mở lòng mình ra với Người và nói với Người về cuộc sống của chúng ta, để phó thác con người và hoàn cảnh cho Người. Có lẽ có “những khu vực” trong cuộc sống mà chúng ta chưa bao giờ mở ra với Ngài và nó vẫn còn trong bóng tối, vì nó chưa bao giờ nhìn thấy được ánh sáng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện riêng của mình. Và nếu ai đó có vùng tối này, hãy tìm kiếm Giê-su, hãy đến với một vị thừa sai thương xót, hãy đến với một linh mục, hãy đi … Nhưng hãy đến với Giê-su, và kể chuyện đó cho Giê-su. Hôm nay Người nói với mỗi người chúng ta: “Hãy can đảm, đừng đầu hàng những ách nặng cuộc đời, đừng khóa mình trong những nỗi sợ hãi và tội, nhưng hãy đến với Ta!”
Người chờ đợi chúng ta, Người luôn chờ đợi chúng ta, không phải để giải quyết những vấn đề của chúng ta như phép thuật, nhưng làm cho chúng ta mạnh mẽ trước những vấn đề của mình. Chúa Giê-su không cất đi những gánh nặng cuộc đời, nhưng cất đi những nỗi thống khổ của tâm hồn; Người không lấy thập giá khỏi chúng ta, nhưng cùng vác nó với chúng ta. Và với Ngài, mọi ách nặng nề trở nên nhẹ nhàng (x. c. 30), vì Người là sự nghỉ ngơi mà chúng tìm kiếm. Khi Giê-su đi vào cuộc đời của chúng ta, sự bình an đến, sự bình an đó tồn tại ngay cả trong những thử thách, trong những đau khổ. Chúng ta hãy đến cùng Giê-su, chúng ta hãy dâng cho Người thời gian của chúng ta, chúng ta hãy gặp gỡ Người mỗi ngày trong lời cầu nguyện, trong một cuộc đối thoại đầy tin tưởng và riêng tư; chúng ta hãy thuộc lòng lấy những Lời của Người, chúng ta hãy tái khám phá sự tha thứ của Người mà không hề sợ hãi, chúng ta hãy làm cho mình no nê với Bánh sự sống của Người: chúng ta sẽ cảm thấy được yêu và được an ủi bởi Người.
Chính Người yêu cầu chúng ta điều này, gần như năn nỉ. Người lặp lại lời đó ở cuối đoạn Tin mừng hôm nay: “Hãy học nơi tôi [...] và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (c. 29). Và như vậy chúng ta học để đi đến với Chúa Giê-su và, trong khi vẫn còn trong những tháng mùa hè chúng ta hãy tìm cách nghỉ ngơi một chút thoát khỏi những gì làm hao mòn thân xác, chúng ta đừng quên tìm sự nghỉ ngơi thật sự trong Chúa. Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, Mẹ của chúng ta, Mẹ luôn luôn chăm sóc chúng ta khi chúng ta mệt mỏi và phải mang ách nặng, giúp chúng ta trong việc này và đưa chúng ta đến với Chúa Giê-su.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/07/2017]