Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Luân lý không phải là chuyện “anh có thể, anh không thể”

Luân lý không phải là chuyện “anh có thể, anh không thể”

Đức Thánh Cha nói chuyện với ông Dominique Wolton
1 tháng Chín, 2017
Luân lý không phải là chuyện “anh có thể, anh không thể”
Dominique Wolton 28/08/2017 © L'Osservatore Romano
Luân lý không phải là chuyện “anh có thể, anh không thể” hay “anh phải thế này, anh không được,” Đức Thánh Cha nói trong quyển sách phỏng vấn với nhà nghiên cứu người Pháp, Dominique Wolton. Đức Thánh Cha nói rằng ngài “sợ” “tính cứng nhắc” và ngài hy vọng rằng các mục tử sẽ không rút gọn bài giảng về luân lý của họ “thành công thức.”
Ngày 1 tháng Chín, 2017, Le Figaro Magazine trích đăng tác phẩm “Đức Thánh Cha Phanxico: Những cuộc gặp gỡ với Dominique Wolton: Chính trị và Xã hội” (Editions de L’Observatoire), lịch phát hành tại Pháp ngày 6 tháng Chín.
Trong hàng chục buổi gặp gỡ riêng tại Vatican, Đức Thánh Cha đã nói đến vấn đề “luân lý” với nhà xã hội học. Ngài nhấn mạnh, người ta không thể dạy luân lý “ với những quy tắc như ‘anh không thể làm việc đó, anh phải làm việc đó, anh phải, anh không được, anh có thể, và anh không thể.’”
Ngài giải thích rằng luân lý là một kết quả của sự gặp gỡ với Đức Giê-su Ki-tô. Nó là kết quả của đức tin cho chúng ta là người Công giáo. Và với những người khác, luân lý là một kết quả của sự gặp gỡ một lý tưởng, hay với Thượng đế, hay với chính bản thân, nhưng là phần tốt đẹp nhất của bản thân. Luân lý luôn luôn là một kết quả.”
Việc rút gọn luân lý thành “công thức”
Đức Thánh Cha cảnh báo các nhà giảng thuyết về “sự nguy hiểm rất lớn” biến luân lý thành những sự lên án – tôi xin lỗi – gọi là ‘công thức’.” Tuy nhiên, những tội khác, nghiêm trọng nhất – thù hận, ganh ghét, kiêu căng, tự phụ, giết nhau, sát nhân … những điều này chưa được nói đến nhiều,” ngài nói.
Cũng nhắc lại vấn đề Rước lễ đối với người ly dị và tái hôn, Đức Thánh Cha đưa ra những quy phạm “cố định” và “cứng rắn.” Ngài cho các mục tử lời khuyên này: “Hãy nói chuyện với người đàn ông ly dị, hãy nói chuyện với người phụ nữ ly dị, tiếp đón, hỗ trợ, hòa nhập, nhận thức!”
Ngài phê bình “cám dỗ của Giáo hội” muốn thể hiện bản thân theo những cách nói “họ không được làm điều này”: “Nhưng không, và không, và không! Kiểu cấm đoán như vậy là điều chúng ta tìm thấy trong những câu truyện của Chúa Giê-su với người Pha-ri-sêu. Cũng như nhau! Những người vĩ đại của Giáo hội là những người có một tầm nhìn vượt xa hơn, những người thấu hiểu.”
“Đàng sau mỗi sự cứng nhắc là một sự vô năng về giao tiếp … đó là một hình thức của trào lưu chính thống. Khi tôi gặp một con người cứng nhắc, đặc biệt là người trẻ tuổi, tôi liền bảo mình rằng anh ta bị bệnh … Tôi sợ tính cứng nhắc. Tôi thích một tuổi trẻ hơi lộn xộn, với những vấn đề thường tình, người cảm thấy mệt mỏi … vì tất cả những mâu thuẫn này sẽ giúp anh ta phát triển.”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/09/2017]


Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi các Rabbi: Một sự đối thoại đầy kết quả tốt đẹp

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi các Rabbi: Một sự đối thoại đầy kết quả tốt đẹp

Buổi Tiếp kiến Giáo hoàng với các vị Đại diện của Do thái giáo
31 tháng Tám, 2017
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi các Rabbi: Một sự đối thoại đầy kết quả tốt đẹp
Giáo sư Riccardo Di Segni, Rabbi Niên trưởng của Roma 31/08/2017 © L'Osservatore Romano
“Một thời khắc đối thoại đầy kết quả tốt đẹp,” là cách Đức Thánh Cha Phanxico chào đón những mối quan hệ “thân tình và huynh đệ” ngày càng phát triển kết nối Giáo hội Công giáo và thế giới của người Do thái. Kể từ Tuyên ngôn Nostra Aetate, ngài nói “chúng tôi đã đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau và làm vững mạnh những mối dây bằng hữu.”
Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các vị đại diện của Hội nghị Rabbi Châu Âu, Hội đồng Rabbi Châu Mỹ và Ủy ban Đặc trách về Quan hệ với Do thái giáo của Tòa Thánh, cùng với giáo sư Riccardo di Segni, Rabbi Niên Trưởng của Roma, hôm thứ Năm, 31 tháng Tám, 2017.
Nhân dịp này, phái đoàn đệ trình lên Đức Thánh Cha một tài liệu được soạn thảo tỉ mỉ với tiêu đề “Giữa Giê-ru-sa-lem và Roma,” một đoạn văn bản gửi người Công giáo nói rằng, “bỏ qua những khác biệt về thần học theo truyền thống đức tin của chúng ta” nó “cho thấy ý chí vững chắc về sự cộng tác gần gũi hơn hôm nay và trong tương lai.”
Sau những lời chào của Đức Rabbi Pinchas Goldschmidt, Đức Thánh Cha có bài diễn từ sau đây.
HG/VMF
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico
Anh chị em thân mến, tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, và đặc biệt là các vị đại diện của Hội nghị các Rabbi Châu Âu, Hội đồng Rabbi Châu Mỹ, và Ủy ban Rabbi Niên trưởng của Israel về đối thoại với Ủy ban Đặc trách về quan hệ với người Do thái của Tòa Thánh.
Tôi xin cảm ơn Đức Rabbi Pinchas Goldschmidt về những lời chào thăm tốt lành của ngài. Trong hành trình chung của chúng ta, nhờ ơn sủng của Đấng Chí Tôn, chúng ta hiện đang trải qua thời khắc đối thoại đầy hoa trái tốt đẹp. Điều này được thể hiện trong Tuyên bố giữa Giê-ru-sa-lem và Roma mà ngài đã công bố và gửi đến cho tôi hôm nay.
Tài liệu này là một bằng chứng rất đặc biệt cho Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II, trong đó chương bốn trình bày “Đại Hiến chương” (Magna Charta) của cuộc đối thoại của chúng tôi với thế giới Do thái giáo. Quả thật việc áp dụng Hiến chương của Công đồng đã làm cho những mối quan hệ của chúng ta trở nên gần gũi và huynh đệ hơn.
Tuyên ngôn Nostra Aetate cho hay rằng những cội nguồn của đức tin Ki-tô giáo của chúng tôi được tìm thấy nơi các Tổ phụ, nơi Môi-sê và nơi các Tiên tri, phù hợp với mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa. Hiến chương cũng nói rằng chúng tôi phải thực hiện mọi nỗ lực để thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cụ thể là gia tài tinh thần to lớn mà chúng ta có chung, trên tất cả là qua những nghiên cứu kinh thánh và thảo luận huynh đệ (x. s. 4).
Kết quả là trong những thập niên gần đây, chúng ta đã tiến lại gần nhau hơn và cam kết trong sự đối thoại hiệu quả và có kết quả tốt đẹp. Chúng ta đã phát triển trong sự hiểu biết lẫn nhau và đào sâu những mối dây bằng hữu. Tuy nhiên Tuyên bố giữa Giê-ru-sa-lem và Roma không che giấu những khác biệt về thần học còn tồn tại giữa những truyền thống đức tin của chúng ta.
Tuy nhiên, nó trình bày một quyết tâm kiên vững cho sự hợp tác gần gũi hơn, bây giờ và trong tương lai. Tuyên bố của quý vị gửi đến người Công giáo, gọi chúng tôi là “những đối tác, những đồng minh thân cận, bạn bè và anh em trong công cuộc tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn được chúc phúc qua nền hòa bình, công bằng xã hội và an ninh.”
Tuyên bố tiếp tục nói rằng “cho dù có những khác biệt sâu sắc về thần học, người Công giáo và Do thái giáo cùng chia sẻ niềm tin chung” và “xác quyết rằng các tôn giáo phải có thái độ đạo đức và giáo dục tôn giáo – không phải chiến tranh, áp bức hay áp lực xã hội – để gây ảnh hưởng và lôi cuốn.” Điều này là quan trọng nhất: nguyện xin Đấng Trường tồn chúc phúc và soi sáng cho sự hợp tác của chúng ta, để chúng ta cùng nhau chấp nhận và thực hiện chương trình của Người tốt hơn bao giờ hết, “những chương trình giúp cho sự thịnh vượng chứ không phải tội ác,” cho “một tương lai và một hy vọng” (Jer 29:11).
Nhân chuyến thăm viếng quý báu của quý vị, trước hết tôi xin bày tỏ đến quý vị và cộng đoàn của quý vị những lời ước nguyện tốt đẹp nhất cho Năm mới của người Do thái sẽ đến trong vài tuần nữa. Shanah tovah! Một lần nữa tôi xin cảm ơn quý vị đã đến thăm và tôi xin quý vị nhớ đến tôi trong lời nguyện xin. Cuối cùng, tôi khẩn xin Đấng Chí Tôn ban xuống trên quý vị và trên tất cả chúng ta ơn lành cho hành trình chung của tình bạn hữu và niềm tin đặt phía trước chúng ta. Với lòng thương xót, nguyện xin Đấng Toàn Năng ban ơn sủng bình an cho chúng ta và cho toàn thế giới. Shalom alechem!
© Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/09/2017]