Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Đức Tổng Giám mục Auza nói về tầm quan trọng của nhân phẩm

Đức Tổng Giám mục Auza nói về tầm quan trọng của nhân phẩm

Phản ánh về di sản của sự gặp gỡ giữa thế giới cũ và thế giới mới
14 tháng Mười, 2017
Archbishop Bernardito Auza ©Holy See Mission
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza ©Holy See Mission
Phản ánh về di sản của sự gặp gỡ giữa những gì thường được xem như là thế giới cũ và thế giới mới, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức các Chính phủ Châu Mỹ, phân tích ba bài học cần phải biết. Nhận xét của ngài đưa ra hôm 12 tháng Mười, 2017, tại Phiên họp Ngoại thường của OAS về chủ đề sự Gặp gỡ của Hai Thế giới, tại Washington, DC.
Ngài miêu tả ba bài học:
1 – Tầm quan trọng của nhân phẩm và tính cần thiết phải bảo vệ nó bất cứ khi nào nó bị tấn công;
2 — Sự anh dũng của nhiều người trong quá khứ bảo vệ cho nhân phẩm;
3 — Nhu cầu cần có một văn hóa của sự sống và gặp gỡ thay cho sự đối chọi về văn hóa của cái chết và bạo lực
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) chính thức bài phát biểu của ngài, được trình bày trực tiếp bằng tiếng Tây Ban nha:

Phát biểu của Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sức và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức các Chính phủ Mỹ Châu
tại Phiên họp Ngoại thường về chủ đề sự Gặp gỡ của Hai Thế giới
Washington, D.C., 12 tháng Mười 2017
Thưa bà Chủ tịch,
Cho phép tôi được bắt đầu bằng sự bày tỏ những lời chia buồn sâu sắc nhất đến những vị Đại diện của các Chính phủ Thành viên thuộc vùng Caribbe, Hoa kỳ, và Mexico, vì sự mất mát lớn về nhân mạng và sự tàn phá tài sản do hậu quả của những trận bão vừa qua tấn công vào khu vực và hai trận động đất mạnh ở Mexico. Và một lần nữa tôi cũng xin gửi những lời chia buồn của Tòa Thánh đến Hoa kỳ sau những biến cố thảm kịch gần đây xảy ra ở Las Vegas.
Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại tổ chức này rất vui mừng được tham gia cùng với quý vị trong sự kiện đặc biệt cho Châu Mỹ để phản ánh về sự Gặp gỡ của Hai Thế Giới và kỷ niệm lần đầu đặt chân lên Bán cầu này của Christopher Columbus năm 1492. Di sản của lần Gặp gỡ đầu tiên này vẫn tiếp tục là một chủ đề thảo luận.
Một trong những bài học mà chúng ta có thể học được từ những sai lầm đã xảy ra ở nhiều nơi trong cuộc Gặp gỡ của hai thế giới đó là chúng ta không thể nhìn sang một hướng khác khi những sự tấn công vào nhân phẩm đang diễn ra. Ví dụ, ngày nay chúng ta không thể nhắm mắt trước những vụ lạm dụng liên tục diễn ra ảnh hưởng đến nhiều thành phần của xã hội trong bán cầu, thường là những người thiếu sức bảo vệ nhất chẳng hạn phụ nữ và trẻ em, và một số trong những người bị gạt ra bên lề và bị loại trừ, như nhiều người dân tộc bản địa. Tháng trước, trong chuyến viếng thăm Cartagena, Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi một sự chú ý đặc biệt đến những hình thức nô lệ người hiện đại, ngài nói: “... tại rất nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu con người vẫn đang bị bán như những nô lệ. Họ hoặc là van xin một chút lòng nhân đạo, những giây phút của lòng nhân, hoặc họ trốn chạy bằng đường biển hoặc đất liền vì họ đã mất hết mọi thứ, trên hết là phẩm giá và các quyền của họ.”
Nếu chúng ta muốn tiêu diệt tai họa này, chúng ta phải đi đến tận ngọn nguồn của nguyên nhân, như những cuộc xung đột bạo lực, tình trạng đói nghèo cùng cực, chậm phát triển và loại trừ, thiếu trình độ học vấn, thiếu những cơ hội việc làm và những tai ương về môi trường. Chúng ta cũng phải tấn công vào nhu cầu dẫn đến tình trạng nô lệ hiện đại, một sự ích kỷ thô bỉ vươn tới mức độ vô trách nhiệm không thể tưởng tượng được về đạo đức trong nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em để bóc lột tình dục, để buôn bán nội tạng, mô và phôi, và trong cái được gọi là ngành du lịch ghép tạng. Ngành thương mại gớm guốc này được cơ hội phát đạt lên nhờ tình trạng tham nhũng ở một bộ phận những viên chức công và những con người sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ nhằm đạt được được tài chính.
Tuy nhiên, trung tâm điểm của tội ác này là sự đánh mất toàn bộ lòng tôn trọng nhân phẩm và một sự dửng dưng hoàn toàn trước những nỗi đau của đồng loại. Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng tình trạng nô lệ phát triển “khi con người bị đối xử như những món đồ vật,” nó dẫn đến việc người ta bị “lừa gạt, hãm hiếp, bị buôn đi và bán lại cho nhiều mục đích khác nhau, và cuối cùng hoặc bị giết hoặc bị bỏ lại với tình trạng tâm hồn và thể xác bị tàn phá, chỉ còn kết cục cuối cùng hoặc là bị quăng ra ngoài hoặc bị bỏ rơi.” Câu trả lời của chúng ta phải đủ sức mạnh tương xứng với những sự ác độc to lớn này của thời đại chúng ta.
Trong khi hôm nay chúng ta đang cố gắng tìm kiếm sự công bằng lớn hơn cho Châu Mỹ, chúng ta hãy để mình được thúc đẩy bởi tấm gương đời sống của những vị anh hùng kia, cả trong Thế Giới Xưa và Thế Giới Hôm Nay, là những người can trường chiến đấu chống những ngược đãi như vậy. Đến thăm Cartagena ngày 10 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại chứng tá vĩ đại của Thánh Phê-rô Claver, một thừa sai dòng Tên đến từ Tây Ban nha đã tận hiến đời mình để làm việc và sống với những người nô lệ bị mua từ Châu Phi đưa đến Colombia. Ngài đã phục hồi lại phẩm giá và niềm hy vọng cho hàng trăm ngàn người nô lệ từ Châu Phi đến Châu Âu “đang trong những điều kiện hoàn toàn mất nhân phẩm, đầy sự kinh hãi, và mất hết mọi hy vọng.” Cùng với thánh Phê-rô Claver, chúng ta cũng kính nhớ Tu sĩ Dòng Đa-minh người Tây Ban nha Antonio de Montesinos ở Santo Domingo và Bartolome de las Casas ở Chiapas, là những vị đã bảo vệ cho các dân tộc bản địa tránh khỏi mọi hình thức bóc lột; trong đó gồm có nô lệ và lao động cưỡng bức.
Thưa bà Chủ tịch,
Tôi xin kết luận bằng sự nhắc lại một trong những lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxico, mời gọi dân tộc Comlobia tiến đến hòa giải và sự chữa lành vì đây là những yếu tố không thể thiếu được cho một nền hòa bình dài lâu. Tôi tin là những lời này của Đức Giáo hoàng rất phù hợp cho chủ đề của sự gặp gỡ hai thế giới này. Đức Giáo hoàng nói rằng “con đường tái hòa nhập vào trong cộng đồng bắt đầu bằng một sự đối thoại giữa hai người. Không điều gì có thể thay thế cho sự gặp gỡ chữa lành đó; không có tiến trình chung nào có thể thay thế cho sự gặp gỡ, làm sáng tỏ vấn đề và tha thứ.” Ngài nói thêm rằng những vết thương lịch sử đòi hỏi công bằng phải được thực hiện, để các nạn nhân và xã hội có cơ hội hiểu được sự thật nhằm tránh không lặp lại những tội ác như vậy; nhưng, đó mới chỉ là bước khởi đầu của câu trả lời. Điều cần thiết khác nữa là một sự thay đổi trong văn hóa: “để đáp trả lại cho văn hóa của chết chóc và bạo lực bằng văn hóa của sự sống và gặp gỡ.” Đó là văn hóa qua đó hai thế giới có thể trở nên một và làm phong phú lẫn nhau.
Cảm ơn bà Chủ tịch.
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/10/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta; sự ngu ngốc của những Ki-tô hữu cứng lòng

Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta; sự ngu ngốc của những Ki-tô hữu cứng lòng

Pope Francis: Mass at Santa Marta, Oct 17, 2017
Đức Thánh Cha Phanxico: Dâng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta, 17 tháng Mười, 2017
17/10/2017 12:44
(Vatican Radio) Thứ Ba Đức Thánh Cha Phanxico đã dâng Thánh Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta – lễ kính Thánh I-nha-xi-ô Antioch, Giám mục Tử đạo. Sau các bài Đọc trong ngày, Đức Thánh Cha phân tích về “sự ngu ngốc” của những người không thể nghe được Lời của Chúa, chỉ thích những hình thức bên ngoài, ngẫu thần, hoặc hệ tư tưởng – như người dân thành Giê-ru-sa-lem mà sự bất trung của họ đã làm Chúa phải khóc rơi những giọt lệ tiếc thương.
Sự ngu ngốc của những người không nghe Lời
Những suy tư của Đức Phanxico rút ra từ cụm từ “những kẻ ngu ngốc,” xuất hiện hai lần trong các Bài Đọc, làm chủ điểm khởi đầu của ngài: Chúa Giê-su nói điều này với những người Pha-ri-sêu (Lc 11: 37-41), trong khi Thánh Phao-lô nói đến những người Ngoại giáo (Rm 1: 16-25). Thánh Phao-lô cũng dùng cách nói này để chỉ về những Ki-tô hữu Ga-lát, những người mà ngài gọi là “những kẻ ngu ngốc” vì họ để mình bị lừa bịp bởi “những tư tưởng mới.” Cụm từ này “còn hơn cả sự kết án,” được Đức Thánh Cha Phanxico giải thích “là một dấu hiệu,” vì nó cho thấy con đường của những người ngu ngốc dẫn đến sự suy đồi. “Ba nhóm người ngu ngốc này bị suy đồi,” Đức Thánh Cha Phanxico nói.
Chúa Giê-su nói với các Luật sĩ rằng họ giống như những ngôi mộ bằng đá quét vôi trắng: họ trở nên suy đồi vì họ chỉ lo lắng đến những “hình thức bên ngoài” sao cho đẹp, chứ không lo đến những điều bên trong là nơi tồn tại những sự làm hư mất. Vì thế, họ “trở nên suy đồi bởi sự hão huyền, bởi hình thức, bởi vẻ đẹp bên ngoài, bởi sự công bằng mang tính hình thức.” Ngược lại, những người Ngoại bước vào sự suy đồi vì sùng bái ngẫu thần: họ bị hư mất vì họ hoán đổi vinh quang của Chúa – điều mà họ suy được từ lý trí của họ – để lấy những ngẫu thần.
Sự ngu ngốc của người Ki-tô hữu hôm nay
Ngày nay cũng có những ngẫu thần, chẳng hạn chủ nghĩa tiêu dùng thừa mứa – Đức Thánh Cha lưu ý – hoặc sự sùng bái của những người đi tìm thần tiện nghi. Cuối cùng, những người Ki-tô hữu bán mình cho các ngẫu thần, và chẳng còn là người Ki-tô hữu nữa, thường trở thành “những lý thuyết gia của Ki-tô giáo.” Tất cả ba nhóm người này vì sự ngu ngốc của họ “kết thúc trong sự hư mất.” Đức Phanxico giải thích sự ngu ngốc này bao gồm:
“Ngu ngốc là một hình thức của việc ‘không lắng nghe,’ người ta có thể thẳng thừng nói nescio, ‘tôi không biết,’ tôi không lắng nghe. Không có khả năng lắng nghe Lời là: Lời không đi vào, tôi không để Lời đi vào vì tôi không lắng nghe. Kẻ ngu ngốc không biết lắng nghe. Anh ta tin rằng anh ta đang lắng nghe, nhưng anh ta không nghe. Anh ta làm việc riêng của anh ta, luôn luôn như vậy – và vì lý do này Lời của Chúa không thể đi vào tâm hồn của anh ta, và không có chỗ cho tình yêu. Và nếu Lời có đi vào, thì chỉ vào được theo cách nhỏ giọt, bị biến đổi theo quan niệm thực tại của riêng tôi. Người ngu ngốc không biết cách lắng nghe, và sự điếc này dẫn đến tình trạng suy đồi. Lời của Chúa không đi vào, không có chỗ trống cho tình yêu và cuối cùng không có chỗ cho sự tự do.”
Vì thế, họ trở thành những nô lệ, vì họ trao đổi “sự thật của Thiên Chúa để lấy những điều dối trá,” và tôn thờ những thụ tạo thay vì tôn thờ Đấng Tạo Dựng:
“Họ không có tự do và họ không lắng nghe: tình trạng điếc này không có chỗ trống cho tình yêu, cũng chẳng có chỗ trống cho sự tự do; nó luôn dẫn chúng ta vào tình trạng nô lệ. Tôi có lắng nghe lời Chúa không? Tôi có để Lời ngụ lại trong tôi không? Lời này mà chúng ta đã nghe trong bài ca Alleluia – Lời của Chúa hằng sống, có tác động, tỏ lộ cảm xúc và ý nghĩ của tâm hồn. Lời mở đường, Lời đi vào. Tôi có để cho Lời đi vào không, hay tai tôi điếc đối với Lời? Tôi có biến Lời trở thành những hình thức giả tạo, biến Lời thành ngẫu thần, thành những thói quen cúng bái, hay thành một hệ tư tưởng không? Nếu như vậy, Lời không đi vào: đây là sự ngu ngốc của người Ki-tô hữu.”
Lời kết kêu gọi: đừng trở nên ngu ngốc
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng một lời kêu gọi: hãy nhìn đến biểu tượng của những người ngu ngốc ngày nay,” và nói thêm, “có những Ki-tô hữu ngu ngốc và có cả những mục tử ngu ngốc” ngày nay. Ngài nhắc lại, “Thánh Augustine muốn dùng roi đánh họ thật đau,” vì “những kẻ ngu ngốc làm tổn thương đàn chiên.”
“Chúng ta hãy nhìn đến hình ảnh của những người Ki-tô hữu ngu ngốc,” Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục, và ngoài những người này chúng ta hãy nhìn đến Chúa là Đấng luôn luôn chờ ngoài cửa,” Người gõ cửa và chờ đợi. Vì thế lời mời gọi liên tục của ngài là chúng ta hãy suy nghĩ đến sự tiếc thương của Chúa cho chúng ta: “đến tình yêu Người đã có từ ban đầu cho chúng ta.”
“Và nếu chúng ta rơi vào sự ngu ngốc này, chúng ta xa lánh Người và Người cảm thấy tiếc thương – sự tiếc thương cho chúng ta – và Chúa Giê-su đã khóc, một tiếng khóc bật lên, khóc thương cho Giê-ru-sa-lem: đó là sự tiếc thương cho một dân tộc mà Người đã chọn, một dân tộc Người đã yêu thương, nhưng họ đã xa lánh Người vì sự ngu ngốc, họ thích những hình thức bên ngoài hơn, thích những ngẫu thần, hoặc những hệ tư tưởng.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/10/2017]