Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Một cha dòng Phan sinh, một cha dòng Đa minh, và một cha dòng Tên vào tiệm hớt tóc …

Một cha dòng Phan sinh, một cha dòng Đa minh, và một cha dòng Tên vào tiệm hớt tóc …

29 tháng Mười Hai, 2017
Một cha dòng Phan sinh, một cha dòng Đa minh, và một cha dòng Tên vào tiệm hớt tóc …
AFP PHOTO / VINCENZO PINTO
Đức Thánh Cha Phanxico cười khi ngài chào những người trong buổi tiếp kiến chung tại đại sảnh Phao-lô VI ở Vatican ngày 7 tháng Mười Hai, 2016.

Một câu chuyện hài hước khác về ba Dòng tu nằm trong số những dòng nổi tiếng của Công giáo.

Một cha dòng Phan sinh vào một tiệm hớt tóc để cắt tóc. Khi cha chuẩn bị trả tiền, người thợ hớt tóc nói rằng ông ta không tính tiền các vị tu sĩ. Cha Phan sinh trả lời rằng mặc dù nghèo và khiêm nhường nhưng cha vẫn có thể trả tiền hớt tóc, nhưng người thợ khăng khăng từ chối, và cuối cùng cha Phan sinh phải chấp nhận.

Ngày hôm sau trước cửa của tiệm hớt tóc có một giỏ bánh mì tươi từ vị linh mục dòng Phan sinh.

Vài ngày sau, một cha dòng Đa minh cũng vào cùng tiệm hớt tóc đó. Cũng như vậy, khi cha chuẩn bị trả tiền, người thợ nói với cha rằng truyền thống của ông là không tính tiền giới giáo sĩ. Cha dòng Đa minh tranh luận với người thợ rằng không có lý do nào để cắt tóc miễn phí, nhưng người thợ cứ khăng khăng và cuối cùng cha phải chấp nhận.

Ngày hôm sau, người thợ hớt tóc tìm thấy một bộ sách thần học của dòng Đa minh đặt trước cửa tiệm.

Sau đó vài hôm, một cha dòng Tên đến cùng tiệm hớt tóc và cạo râu. Khi cha chuẩn bị trả tiền, người thợ lại nói với cha giống như những gì đã nói với cha dòng Phan sinh và cha dòng Đa minh. Cha dòng Tên nói với ông thợ “Tôi là một nhà giáo, tôi không có nhiều tiền nhưng tôi vẫn có thể trả tiền hớt tóc.” Ông thợ một mực từ chối, và cuối cùng cha dòng Tên phải chấp nhận.

Ngày hôm sau, 10 thầy dòng Tên xếp hàng trước cửa tiệm hớt tóc.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2017]

Tại sao màu xanh lá và màu đỏ là màu của Giáng sinh?

Tại sao màu xanh lá và màu đỏ là màu của Giáng sinh?

25 tháng Mười Hai, 2017
Tại sao màu xanh lá và màu đỏ là màu của Giáng sinh?
Africa studio - Shutterstock

Nếu bạn nghĩ rằng chúng có nguồn gốc từ thời nữ hoàng Victoria thì bạn không sai lắm đâu, nhưng đã có những khám phá mới … 

Tháng Mười Hai đến, cả thế giới tràn ngập màu xanh lá và màu đỏ của những đồ trang trí từ cửa sổ của các căn nhà và cửa hàng đến trang phục của một số người mặc.

Tinh thần Giáng sinh làm say mê chúng ta và đưa chúng ta đi vào xu hướng đam mê hai màu này. Nhưng chúng ta có bao giờ dừng lại một chút để suy nghĩ tại sao chúng lại là những màu “tiêu biểu” của Giáng sinh, mà không phải là màu khác — chẳng hạn — bạc và vàng kim là những màu rất phổ biến?

Một số người cho rằng xu hướng đó là nhờ bản vẽ miêu tả Ông già Noel của Coca-Cola, và một số người đến gần sự thật hơn một chút khi họ cho rằng những màu sắc này của Giáng sinh có nguồn gốc từ thời nữ hoàng Victoria, giống như nhiều truyền thống Giáng sinh phổ biến khác.

Nhưng theo Tiến sĩ Spike Bucklow, một nhà khoa học của Đại học Cambridge, việc sử dụng màu đỏ và xanh lá có nguồn gốc từ các giáo hội thời trung cổ, và các giáo hội này lại tạo cảm hứng cho những truyền thống khác liên quan ở nước Anh, mà cuối cùng truyền lại cho chúng ta.

Những nguồn gốc từ thời trung cổ … 

Tiến sĩ Bucklow khám phá ra rằng việc sử dụng màu đỏ và xanh lá để vẽ những nhân vật trong kinh thánh là rất phổ biến trên những mặt dựng bằng gỗ phân chia gian cung thánh và lòng nhà thờ trong các nhà thờ.

Tuy nhiên, lý do những màu này được chọn lựa vẫn chưa được biết chắc chắn. Về một mặt, tiến sĩ Bucklow nói rằng có thể đơn giản vì những màu đó luôn có sẵn; về mặt khác, cũng có thể là chúng có một ý nghĩa biểu trưng nào đó được hiểu vào thời gian đó, có thể liên quan đến ý tưởng về sự phân chia hoặc đường biên, vì những vách dựng đó được dùng để chia khu vực xung quanh bàn thờ với cộng đoàn. Điều này cũng có thể đã được xét đến khi sử dụng cùng các màu sắc cho Giáng sinh đánh dấu sự phân chia giữa năm cũ và năm mới.

Cũng có một giả thuyết của một số chuyên gia đưa ra, cũng liên quan đến việc sử dụng màu xanh lá và màu đỏ của thời trung cổ — một giả thuyết gắn liền với những tác phẩm của kịch tôn giáo được diễn cho những người không thể đọc được Kinh thánh, trong những buổi lễ mừng cuối năm.

Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất được diễn trong suốt những ngày lễ mừng này là vở kịch về A-đam và E-và, trong đó sử dụng cây trường xanh (evergreen) (do thời tiết theo mùa, những loại cây khác không có lá) và những quả táo đỏ để tượng trưng cho trình thuật Kinh thánh về tội nguyên tổ.

… hoặc sớm hơn?

Một số nhà nghiên cứu quay ngược lại xa hơn và nói rằng việc sử dụng những màu sắc theo mùa này được tìm thấy trong lễ hội Saturnalia của người Roma, một lễ hội của người ngoại bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước Chúa Giáng sinh và vẫn tiếp tục được mừng hàng năm cho đến thời kỳ trở lại Ki-tô giáo của Đế quốc Roma nhiều thế kỷ sau đó. Trong lễ hội này tôn vinh thần Saturn (thần Nông nghiệp), được mừng từ 17 đến 25 tháng Mười Hai, loại cây holly được dùng để trang trí. Những nhà chuyên môn khác lần theo dấu vết các màu sắc này từ thời người Celt cổ đại, họ cũng dùng cây holly, một loại cây trường xanh có quả tròn mọng màu đỏ và giữ mãi vẻ đẹp và màu sắc trong suốt mùa đông, để mừng tiết điểm chí mùa đông (cách nói này không hợp với Giáng sinh lắm, nhưng nó có liên quan đến thời gian cuối năm và ý tưởng của một điểm kết thúc và một sự khởi đầu).

Qua thời gian, Ki-tô giáo gán ý nghĩa riêng cho các truyền thống có từ trước. Màu xanh lá chỉ về Thiên Chúa và sự sống đời đời (như cây holly trường xanh không bao giờ tàn) và màu đỏ (như trái mọng của cây holly) nói về Máu của Đức Ki-tô đổ ra để rửa sạch tội của chúng ta.

Như các bạn thấy, đáng tiếc chúng ta chưa tìm ra được một câu trả lời rõ ràng và duy nhất liên quan đến nguồn gốc của việc sử dụng hai màu sắc này (để bổ sung vào ý nghĩa màu sắc của những màu này). Tuy nhiên, chúng ta có thể kết luận rằng hầu như tất cả các giải thích đều có một điểm chung: nguồn gốc của những màu này đều xuất phát từ thiên nhiên được tạo dựng bởi Thiên Chúa.

Bài này được đăng lần đầu trên Aleteia phiên bản tiếng Tây Ban nha và đượd dịch và đăng lại ở đây cho các độc giả tiếng Anh.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2017]


Cuộc chiến của Đức Thánh Cha chống lại Satan

Cuộc chiến của Đức Thánh Cha chống lại Satan

Trong 5 năm đầu của triều đại, Đức Phanxico đã nhiều lần nói về ma quỷ, phân tích không chỉ về sự tồn tại của nó mà còn nói về sự nguy hiểm của nó

Cuộc chiến của Đức Thánh Cha chống lại Satan
Cuộc chiến của Đức Thánh Cha chống lại Satan

Pubblicato il 28/12/2017
Ultima modifica il 28/12/2017 alle ore 16:50
ANDREA TORNIELLI
VATICAN CITY

Trong năm năm, ngài đã nói về ma quỷ nhiều lần hơn các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài trong nửa cuối thế kỷ: đối với Đức Bergoglio quỷ, và khả năng chia rẽ của hắn, là những chủ đề thường thấy trong bài giảng hàng ngày của ngài. Một sự giảng thuyết đi ngược dòng, vì Tà thần đã vắng bóng từ lâu. Dưới đây là một số trích dẫn ngắn và không đầy đủ những câu nói của ngài.

Lần gần đây nhất Đức Phanxico nói về ma quỷ với một nhóm các cha Dòng Tên trong chuyến đi mới đây của ngài đến Miến điện. Khi nói về người Rohingya và một cách tổng quát hơn là về tình hình của người tị nạn, ngài nói, “Ngày nay có quá nhiều những cuộc thảo luận về cách giải cứu các ngân hàng … Nhưng ai cứu thoát cho phẩm giá của người đàn ông và phụ nữ hôm nay? Chẳng còn ai quan tâm đến con người đang bị tàn phá. Quỷ đang thực hiện việc này trong thế giới hôm nay.”

Ngay từ bài giảng đầu tiên của ngài trong Thánh lễ Đồng tế với các đức hồng y trong Nhà nguyện Sistine sau khi lên ngôi giáo hoàng, ngày 14 tháng Ba, 2013, ngài Bergoglio khẳng định, sau khi trích dẫn một câu của Léon Bloy, Khi người ta không tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, người ta tuyên xưng tính trần tục của quỷ.” Ngay ngày hôm sau, trong một buổi gặp gỡ với các hồng y họp mặt trong Điện Clementine, vị tân Giáo hoàng nói, không đọc lại bản viết của ngài, “Chúng ta đừng bao giờ đầu hàng tính yếm thế, đầu hàng sự cay đắng mà quỷ đem đến cho chúng ta mỗi ngày.”

Diễn từ trước Đội Hiến binh Vatican ngày 28 tháng Chín, 2013, Đức Phanxico nhắc lại rằng “quỷ tìm cách tạo ra một cuộc chiến nội tâm, một hình thức nội chiến tinh thần.” Trong bài giảng tại nhà nguyện Thánh Marta ngày 14 tháng Mười, 2013, vị Giáo hoàng người Argentina mời gọi chúng ta không bị lẫn lộn giữa sự hiện hữu của quỷ với các chứng bệnh tâm thần, “Không! Sự hiện hữu của quỷ có ngay từ trang đầu của Kinh thánh.”

Ngày 29 tháng Chín, 2014, trong một bài giảng khác tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Bergoglio giải thích rằng “Satan là kẻ thù của nhân loại. Hắn rất quỷ quyệt: ngay trang đầu tiên của sách Sáng thế đã kể cho chúng ta biết như vậy, hắn rất xảo quyệt. Hắn trình bày mọi thứ dường như là rất tốt lành. Nhưng ý định của hắn là phá hủy, có thể là bằng “những cách giải thích rất nhân văn.”

Ngày 3 tháng Mười, 2015, một lần nữa diễn từ trước đội Hiến binh Vatican, Đức Phanxico nhắc lại “Satan là một kẻ lường gạt, hắn gieo rắc những sự nguy hiểm bị che giấu và dụ dỗ bằng sự hấp dẫn, sự hấp dẫn của ma quỷ, và dẫn dụ các con đến việc tin vào mọi sự. Hắn biết cách buôn bán sự hấp dẫn này, hắn bán rất giỏi, nhưng cuối cùng trả giá rất tệ!”

Ngày 12 tháng Chính, 2016, trong bài giảng buổi sáng Đức Thánh Cha giải thích rằng “quỷ có hai vũ khí rất mạnh để phá hủy Giáo hội: sự chia rẽ và tiền bạc … Quỷ gieo rắc sự ghen tuông, tham vọng, lý tưởng, nhưng để chia rẽ! Hoặc tham lam … “Đó là một cuộc chiến bẩn thỉu, cuộc chiến của những sự chia rẽ, nó giống như chủ nghĩa khủng bố.”

Ngày 13 tháng Mười, 2017, Đức Phanxico mô tả cách “quỷ dần dần thay đổi những tiêu chuẩn của chúng ta để đưa chúng ta đến với tính phàm tục. Nó ngụy trang cách hành động của chúng ta, làm chúng ta khó nhận ra.”

Và cuối cùng, làm sao chúng ta quên được những lời mà Đức Giáo hoàng trong cuộc phỏng vấn với Don Marco Pozza trên TV2000 về Kinh Lạy Cha, nhắc nhở chúng ta rằng quỷ “là một con người” và chúng ta đừng bao giờ ‘đừng bao giờ nói chuyện với Satan’ vì ‘hắn thông minh hơn chúng ta’.”


[Nguồn: vaticaninsider]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/12/2017]