Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

Đức Thánh Cha đưa ra thách đố cho các bạn trẻ đến từ Brescia

Đức Thánh Cha đưa ra thách đố cho các bạn trẻ đến từ Brescia

‘Chúng con có sẵn sàng lắng nghe Chúa Giê-su và thay đổi một điều gì đó về bản thân không?’

7 tháng Tư, 2018
Đức Thánh Cha đưa ra thách đố cho các bạn trẻ đến từ Brescia
© Vatican Media
“Chúng con tự hỏi bản thân câu hỏi rất đúng rằng liệu các Đức Giám mục có thực sự sẵn sàng lắng nghe chúng con và thay đổi một điều gì đó trong Giáo hội không,” Đức Thánh Cha Phanxico nói với các bạn trẻ từ Brescia đến thăm ngài trong Đại sảnh Phaolo VI ngày 7 tháng Tư, 2018. “Và cha hỏi chúng con: Chúng con có sẵn sàng lắng nghe Chúa Giê-su và thay đổi một điều gì đó về bản thân không?

“Nếu chúng con có mặt ở đây, cha nghĩ là đúng như vậy, nhưng cha không thể và cha không muốn coi đó là một điều đương nhiên. Mỗi người chúng con hãy suy tư trong tâm hồn, trong con tim của mình về câu hỏi này: Tôi có sẵn sàng biến Chúa Giê-su trở thành những ước mơ của tôi không?”


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Các con thanh niên nam nữ thân mến, chào mừng chúng con!

Cha cảm ơn chúng con vì sự chào mừng rộn rã. Tôi cảm ơn Đức Giám mục với lời giới thiệu của ngài và những người đi theo chúng con trong chuyến hành hương này. Xin cảm ơn tất cả!

Cha đã giật mình bởi câu hỏi của một bạn thanh niên mà Đức Giám mục vừa trích dẫn lại: “Các đức giám mục có thực sự tin rằng giới trẻ có thể giúp Giáo hội thay đổi không?” Cha không biết là bạn thanh niên đó, người đã đặt câu hỏi này, có mặt trong số chúng con hôm nay không … Bạn ấy có ở đây không? … 

Nhưng dù thế nào đi nữa, cha nói với bạn ấy và tất cả chúng con rằng câu hỏi này đối với cha là rất tha thiết. Đối với cha, điều vô cùng quan trọng cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, nói về “Giới trẻ, đức tin và sự nhận thức ơn gọi,” được chuẩn bị bằng cách thực sự lắng nghe giới trẻ. Và cha có thể chứng minh rằng việc đó đang được thực hiện. Chúng con cũng chứng minh điều này cho cha, bằng công việc đang diễn ra trong giáo phận của chúng con. Và khi cha nói “thật sự lắng nghe” thì cha cũng có ý là sẵn sàng thay đổi một điều gì đó, để cùng nhau bước đi, để chia sẻ những ước mơ, như bạn thanh niên đó đã nói.

Nhưng cha cũng muốn hỏi chúng con một câu. Chúng con tự hỏi bản thân câu hỏi rất đúng rằng liệu các Đức Giám mục có thực sự sẵn sàng lắng nghe chúng con và thay đổi một điều gì đó trong Giáo hội không. Và cha hỏi chúng con: Chúng con có sẵn sàng lắng nghe Chúa Giê-su và thay đổi một điều gì đó về bản thân không? Nếu chúng con có mặt ở đây, cha nghĩ là đúng như vậy, nhưng cha không thể và cha không muốn coi đó là một điều đương nhiên. Mỗi người chúng con hãy suy tư trong tâm hồn, trong con tim của mình về câu hỏi này: Tôi có sẵn sàng biến Chúa Giê-su trở thành những ước mơ của tôi không? Hay tôi sợ rằng những ước mơ của Ngài có thể “làm hỏng” những ước mơ của riêng tôi?

Và ước mơ của Chúa Giê-su là gì? Ước mơ của Chúa Giê-su là những điều được gọi là Nước Chúa trong các Tin mừng. Nước Chúa có là nghĩa tình yêu với Thiên Chúa và sự yêu thương giữa chúng ta, tạo thành một đại gia đình gồm các anh chị em với Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương tất cả mọi đứa con của Người và tràn đầy lòng thương khi một con chiên bị lạc quay trở về với đàn. Đây là ước mơ của Chúa Giê-su. Chúng con có sẵn sàng biến nó thành ước mơ của riêng mình không? Chúng con có sẵn sàng thay đổi để ôm lấy ước mơ này không?

Chúa Giê-su rất rõ ràng. Ngài nói, “Ai muốn theo thầy phải từ bỏ chính mình.” Tại sao Ngài lại sử dụng cách nói nghe hơi khó chịu, “từ bỏ chính mình”? Làm sao được? Phải hiểu như thế nào. Nó không có nghĩa là khinh chê những gì chính Chúa đã tặng ban cho chúng ta: sự sống, những mong ước, thân xác, những mối quan hệ … Không, Chúa mong muốn tất cả những điều này và Người muốn nó để tốt cho chúng ta. Tuy nhiên Chúa Giê-su nói rằng bất cứ ai muốn theo Ngài phải “từ bỏ chính mình,” vì trong mỗi con người chúng ta đều có một “con người cũ,” một chữ “tôi” ích kỷ không đi theo luận lý của Thiên Chúa, không theo luận lý của yêu thương, nhưng đi theo luận lý hoàn toàn nghịch lại, đó là tính ích kỷ, tính phục vụ cho lợi ích riêng của bản thân, thường được che đậy bằng một bộ mặt tốt lành, để giấu giếm nó đi. Chúa Giê-su đã chết trên thập giá để giải phóng cho chúng ta khỏi tình trạng nô lệ này, nó không phải từ bên ngoài nhưng từ chính trong con người chúng ta. Nó là tội làm cho chúng ta chết trong linh hồn. Chỉ Ngài mới có thể cứu chúng ta thoát khỏi cái xấu này, nhưng nó đòi có sự cộng tác của chúng ta, về phần chúng ta hãy nói: “Lạy Chúa Giê-su, xin tha thứ cho con, xin ban cho con trái tim giống như của Người, khiêm nhường và đầy tình yêu thương.”

Chúng con biết không? Chúa Giê-su quan tâm chăm chú đến lời cầu nguyện như vậy! Đúng, và với những ai xin Người, Người ban cho những kinh nghiệm đầy ngạc nhiên. Ví dụ, cảm nhận một niềm vui mới khi đọc Tin mừng, Thánh kinh, cảm thức về cái đẹp và sự thật của Lời Người. Hay cảm thấy bị cuốn hút đi tham dự Thánh Lễ, điều đó là hiếm đối với một bạn trẻ đúng không? Và cảm thấy khát khao được ở bên Chúa, hoặc thinh lặng trước Thánh Thể. Hoặc Người làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người trong những con người đau khổ, bệnh tật, bị loại trừ … Hay Người ban cho chúng ta lòng can đảm thực hiện ý định của Người bằng cách đi ngược lại với những gì thuộc thế gian, nhưng không tự kiêu, không ngạo mạn, không xét đoán người khác … Tất cả những điều này đều là quà tặng của Người, nó làm cho chúng ta cảm thấy ngày càng bỏ đi cái tôi của mình nhiều hơn và làm tràn đầy với Người.

Các thánh cho chúng ta thấy tất cả những điều này. Ví dụ của Thánh Phanxico Assisi: ngài là một người thanh niên đầy những ước mơ, nhưng đó là những ước mơ thuộc trần gian, không phải là ước mơ của Chúa. Chúa Giê-su nói với ngài trên thập giá, trong ngôi nhà thờ nhỏ Thánh Damian, và cuộc đời của ngài liền thay đổi. Ngài ôm lấy ước mơ của Chúa Giê-su, ngài bỏ đi con người cũ của ngài, ngài loại bỏ cái tôi ích kỷ và chào đón cái tôi của Chúa Giê-su, khiêm nhường, nghèo khó, đơn sơ, đầy lòng thương xót, đầy niềm vui và lòng khâm phục trước cái đẹp của các loài tạo vật.

Và chúng ta cũng hãy nghĩ đến ngài Giovanni Battista Montini, Đức Phaolo VI: chúng ta đã quen nhớ đến ngài là một Giáo hoàng, nhưng trước hết ngài là một thanh niên, một cậu con trai giống như chúng con, từ một ngôi làng trong đất nước của chúng con. Cha muốn cho chúng con một “bài tập về nhà”: hãy khám phá xem Giovanni Battista Montini lúc còn trẻ như thế nào, trong gia đình ngài như thế nào, trong nhà nguyện … “những ước mơ” của ngài là gì … Hãy cố tìm ra nhé.

Các bạn trẻ thân mến, cha cảm ơn chúng con vì chuyến thăm viếng, nó làm cha rất vui. Xin Chúa chúc lành cho chúng con và Đức Mẹ đồng hành với chúng con trên con đường. Và nhớ nhé: đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn chúng con!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/4/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét