Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ Đầu Năm 2018: toàn văn

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ Đầu Năm 2018: toàn văn

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ Đầu Năm 2018: toàn văn

Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ Ngày Đầu Năm Mới, Lễ Trọng Mẹ Thiên Chúa. Ngày 1 tháng Một, Giáo hội cũng cử hành Ngày Thế giới Hòa bình.

01 tháng Một 2018, 10:05


Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn chính thức bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ ngày Năm Mới:

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico

Lễ Trọng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa

1 tháng Một 2018

Một năm mở ra với danh hiệu của Mẹ. Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu quan trọng nhất của Mẹ. Chúng ta có thể thắc mắc tại sao chúng ta lại gọi là Mẹ Thiên Chúa, mà không phải là Mẹ Chúa Giê-su. Trong quá khứ một số người đồng ý với cách gọi Mẹ Chúa Giê-su, nhưng Giáo hội đã tuyên xưng rằng Maria là Mẹ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn, vì cụm từ này chứa đựng một sự thật cao quý về Thiên Chúa và về chúng ta. Từ giây phút Thiên Chúa nhập thể nơi Mẹ Maria, và trong suốt mọi thời đại, Người mặc lấy xác phàm của nhân loại. Không còn Thiên Chúa mà không có con người; thịt xác của Chúa Giê-su từ nơi Mẹ Maria là của Người, bây giờ và cho đến muôn đời. Gọi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ đến điều này: Thiên Chúa rất gần gũi với nhân loại, đến mức giống như một trẻ thơ gần gũi với mẹ là người đã cưu mang nó trong lòng.

Từ Mẹ (mater) có liên quan đến từ matter (vật chất). Nơi Mẹ, Thiên Chúa của Thiên Đàng, Thiên Chúa vô biên, đã hạ mình trở nên nhỏ bé, Người trở nên xác thịt, không những ở cùng với chúng ta nhưng còn trở nên giống như chúng ta. Đây là sự lạ lùng, là sự mới lạ vô cùng! Con người không còn cô đơn nữa; không còn mồ côi nữa, nhưng mãi mãi trở thành một người con. Năm mới mở ra với sự mới lạ này. Và chúng ta công bố điều đó với lời xưng hô: Mẹ Thiên Chúa! Niềm vui của chúng ta là biết rằng tình trạng cô đơn của chúng ta đã hết. Thật đẹp vô cùng khi biết rằng chúng ta là những đứa con được yêu thương, tình trạng làm con của chúng ta không bao giờ bị tước mất khỏi chúng ta. Đó là sự phản ánh tính mong manh của chính chúng ta như Chúa Con yên giấc trong vòng tay của Mẹ Người, và nhận ra rằng nhân loại là rất quý giá và thánh thiêng trước Thiên Chúa. Từ nay về sau, phục vụ sự sống của nhân loại là phục vụ Thiên Chúa. Mọi sự sống đều được đón nhận, được yêu thương và được giúp đỡ, từ sự sống trong cung lòng người mẹ đến sự sống của người già, của người đau khổ và bệnh tật, và cả sự sống của những người gây khó chịu và thậm chí cả những người đáng ghê tởm.

Bây giờ chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi Tin mừng hôm nay. Chỉ một điều duy nhất nói về Mẹ Thiên Chúa: “Bà Maria hằng giữ gìn mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Mẹ hằng giữ gìn mọi kỷ niệm. Mẹ chỉ giữ gìn; Mẹ không nói. Tin mừng không tường thuật lại một lời nào của Mẹ trong toàn bộ trình thuật Giáng sinh. Cả ở đây nữa, Mẹ là người ở cùng với Con của Mẹ: Giê-su là một “trẻ thơ,” một đứa trẻ “không thể cất tiếng nói.” Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng “từ thuở xưa đã phán dạy nhiều lần nhiều cách” (Dt 1:1), bây giờ, khi “thời gian đến hồi viên mãn” (Gal 4:4), lại câm lặng. Đứng trước Thiên Chúa là một trẻ thơ không cất tiếng nói, mọi sự đều trở nên thinh lặng. Quyền năng của Người không có lời nào để mô tả; mầu nhiệm của Người được tỏ lộ trong sự bé nhỏ. Sự thinh lặng và bé nhỏ này là ngôn ngữ của vương quyền của Người. Mẹ Người cùng thông phần với Con của Mẹ và giữ gìn tất cả trong thinh lặng.

Sự thinh lặng đó nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn “giữ gìn” bản thân, chúng ta cần phải thinh lặng. Chúng ta cần phải giữ sự yên tịnh khi chúng ta ngắm nhìn hang đá. Chiêm ngắm hang đá, một lần nữa chúng ta lại khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương; chúng ta lại tìm được ý nghĩa thật sự của sự sống. Khi chúng ta ngắm nhìn trong thinh lặng, chúng ta để cho Chúa Giê-su nói chuyện với chúng ta. Sự bé nhỏ của Người hạ thấp tính kiêu căng của chúng ta; sự nghèo khó của Người thách đố những phô trương bề ngoài của chúng ta; tình yêu nhân hậu của Người chạm đến con tim chai đá của chúng ta. Dành một chút thời gian thinh lặng mỗi ngày ở cùng Thiên Chúa là để “giữ gìn” cho linh hồn chúng ta; đó là “giữ gìn” cho sự tự do của chúng ta không bị hao mòn bởi sự tầm thường của chủ nghĩa tiêu dùng, sự ồn ào của những quảng cáo, hằng hà sa số những câu nói rỗng tuếch và những làn sóng áp đảo của những âm thanh ồn ào và xé tai.

Tin mừng tiếp tục kể rằng Mẹ Maria hằng giữ gìn mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng. Những kỷ niệm ấy là gì? Đó là những niềm vui và những nỗi buồn. Một bên là sự chào đời của Chúa Giê-su, tình yêu của Thánh Giu-se, sự viếng thăm của các mục đồng, đêm ánh sáng đó. Nhưng mặt khác, một tương lai bấp bênh, không nơi trú ngụ “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7), tình trạng cô đơn vì bị từ chối, sự chán ngán phải sinh Chúa Giê-su trong một máng cỏ. Những hy vọng và những lo lắng, ánh sáng và bóng tối: tất cả những điều này được giữ kỹ trong lòng Mẹ Maria. Mẹ đã làm gì? Mẹ suy đi nghĩ lại, tức là Mẹ chăm chú suy đi nghĩ lại trong lòng cùng với Thiên Chúa. Mẹ không cất giữ lại điều gì; Mẹ không khóa mình vào trong sự ta thán hay oán hận. Nhưng, Mẹ dâng tất cả lên Chúa. Đó là cách Mẹ “giữ gìn” mọi điều. Chúng ta hãy “giữ gìn” mọi điều bằng cách chúng ta dâng lên: đừng để cho cuộc sống chúng ta trở thành miếng mồi cho sự sợ hãi, đau khổ hay mê tín, đừng khóa cửa lòng chúng ta lại hoặc tìm cách lãng quên, nhưng hãy biến mọi điều thành một cuộc đối thoại với Chúa. Thiên Chúa, Đấng luôn nhớ đến chúng ta trong lòng, lại đến và cư ngụ trong cuộc sống của chúng ta.

Vậy đây là những bí quyết của Mẹ Thiên Chúa: âm thầm trân quý tất cả mọi điều và dâng lên cho Chúa. Và Tin mừng kết luận, việc này diễn ra trong con tim của Mẹ. Con tim khiến chúng ta nhìn vào tận đáy lòng, những sự yêu thương và cuộc sống của mình. Vào đầu một năm mới với người Ki-tô hữu đang trên con đường lữ hành, chúng ta lại một lần nữa phải khởi động lại trọng tâm cho mình, bỏ lại sau lưng những gánh nặng của quá khứ và khởi đầu lại những gì thật sự quan trọng. Hôm nay, trước mặt chúng ta có một điểm khởi hành: Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ Maria chính là người mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên, là người mà Thiên Chúa muốn Giáo hội của Người trở thành: một Mẹ dịu hiền và khiêm hạ, nghèo vật chất nhưng giàu có lòng yêu thương, thoát khỏi tội lỗi và hiệp nhất với Chúa Giê-su, luôn ghi nhớ Thiên Chúa trong lòng và anh em của chúng ta trong cuộc sống. Để bắt đầu một sự khởi động mới, chúng ta hãy nhìn đến Mẹ. Trái tim của Mẹ đập theo nhịp đập của Giáo hội. Thánh Lễ hôm nay kể cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta muốn tiến tới, chúng ta cần phải quay lại: một khởi đầu mới từ hang đá, từ Mẹ là Đấng đã bồng ẵm Chúa trong vòng tay của Mẹ.

Lòng sùng kính Mẹ Maria không phải là một nghi thức tinh thần; đó là một đòi hỏi đối với đời sống người Ki-tô hữu. Ngước nhìn lên Mẹ, chúng ta phải bỏ lại sau lưng tất cả những hành lý vô ích và tái khám phá những gì thật sự quan trọng. Món quà của Mẹ, món quà của tất cả mọi người mẹ và của mọi người phụ nữ, là quý giá nhất cho Giáo hội, vì họ cũng là người mẹ và là phụ nữ. Trong khi người đàn ông thường trừu tượng hóa, khẳng định và áp đặt những ý tưởng, thì một người phụ nữ, một người mẹ, biết cách “giữ gìn,” giữ mọi điều trong lòng, để trao tặng sự sống. Để cho đức tin của chúng ta không bị thu hẹp vào một tư tưởng hay một lý thuyết, thì tất cả chúng ta đều cần tấm lòng của một người mẹ, một tấm lòng biết giữ gìn tình yêu dịu hiền của Thiên Chúa và cảm nhận được nhịp đập trái tim của mọi người xung quanh chúng ta. Nguyện xin Mẹ, tạo vật tinh tuyền nhất của Thiên Chúa, bảo vệ và giữ gìn, và mang sự bình an của Con của Mẹ đến cho tâm hồn của chúng con và cho toàn thế giới.

[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/1/2018]

Đức Thánh Cha chia sẻ bức ảnh kinh hoàng của Nagasaki như một lời cảnh báo chống lại chiến tranh

Đức Thánh Cha chia sẻ bức ảnh kinh hoàng của Nagasaki như một lời cảnh báo chống lại chiến tranh
"...kết quả của chiến tranh" — bình luận của Đức Thánh Cha ở mặt sau tấm ảnh.
31 tháng Mười Hai, 2017

Đức Thánh Cha chia sẻ bức ảnh kinh hoàng của Nagasaki như một lời cảnh báo chống lại chiến tranh

Khi những căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều tiên, Đức Thánh Cha yêu cầu chia sẻ một bức ảnh cho thấy các trẻ em nạn nhân với dòng bình luận “kết quả của chiến tranh.”


Trong đêm giao thừa sang năm mới, Đức Thánh Cha Phanxico yêu cầu đăng tải trên truyền thông một bức ảnh kinh hoàng của các trẻ em nạn nhân của bom nguyên tử ở Nagasaki như là một lời cảnh báo chống lại chiến tranh.

Bức hình chụp một thiếu niên Nhật đeo cõng đứa em trai đã chết trên lưng đứng chờ đến lượt em trai mình được hỏa táng, được đăng tải khi những căng thẳng giữa Hoa kỳ và Bắc Triều tiên gia tăng.

Tấm ảnh được Joseph Roger O’Donnell, nhà nhiếp ảnh người Mỹ, chụp sau khi Hoa kỳ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki ngày 9 tháng Tám năm 1945, để sớm kết thúc cuộc chiến với Nhật.

Vatican nói rằng Đức Thánh Cha “muốn công bố tấm ảnh này và lan truyền nó với dòng chữ được viết ở mặt sau ảnh ‘kết quả của chiến tranh,’” và thêm rằng “nỗi đau buồn của cậu thiếu niên chỉ có cách diễn tả duy nhất bằng đôi môi cắn chặt và dòng máu đang nhỏ xuống.”

Đức Thánh Cha thường xuyên nói đến một Chiến tranh Thế giới thứ III “theo từng vùng” do các nhóm vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới gây ra, và đang ngày càng lên tiếng nhiều hơn với những cảnh báo chống lại một sự đối đầu về nguyên tử.

Vào tháng Mười Một, ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên không chỉ lên án mối đe dọa của việc sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng cả “việc sở hữu những loại vũ khí đó,” phát biểu trong một hội nghị ở Vatican về giải trừ quân bị rằng sự vũ trang nguyên tử tạo ra “một trạng thái tâm lý sợ hãi không những ảnh hưởng tới các bên xung đột nhưng là toàn thể nhân loại.”

Tháng Chín, Bắc Triều tiên thử nghiệm một loại vũ khí nguyên tử đạn đạo dưới lòng đất, tuyên bố rằng đó là bom hydro. Trong năm 2017 nước này cũng cho thấy nó có những đầu tên lửa có khả năng bắn tới bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Đầu tháng Chín, HR McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump nói khả năng về chiến trang Hoa kỳ với Bắc Hàn đang lớn lên mỗi ngày, và vì thế “chúng ta đang trong một cuộc chạy đua tìm cách giải quyết vấn đề này.”

Nhưng một số người đánh giá thấp mối nguy hiểm này, cho biết rằng Hoa kỳ và phe đồng minh vẫn chưa huy động chiến tranh, và cũng chưa đưa ra những bước đi cần thiết để bắt đầu một cuộc xung đột dốc toàn lực.

Trong sứ điệp Giáng sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng “sự đối đầu trên bán đảo Triều tiên có thể vượt qua và có thể gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau vì ích lợi của toàn thế giới.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/1/2018]


Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 13 - 23 tháng 12

Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 13 - 23 tháng 12

Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter 13 - 23 tháng 12


13 tháng Mười Hai: Người Ki-tô hữu được kêu gọi phải có hành động cụ thể trong những thực tại của thế giới này, để mình tỏa sáng bằng ánh sáng đến từ Thiên Chúa.

14 tháng Mười Hai: Tôi động viên tất cả anh chị em hãy sống niềm vui sứ mạng của mình bằng việc làm chứng tá cho Tin mừng ở bất kỳ nơi nào anh chị em sống và làm việc.

15 tháng Mười Hai: Cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, thì Chúa Giê-su vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta.

16 tháng Mười Hai: Chúng ta nên thánh khi chúng ta làm việc vì người khác. Khi làm như vậy là chúng ta tiếp tục hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa trong lịch sử.

17 tháng Mười Hai: Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để biết tìm kiếm những gì là trọng yếu và biết yêu thương, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng hành động.

18 tháng Mười Hai: Mỗi người lạ gõ cửa nhà chúng ta là một cơ hội để gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô.

19 tháng Mười Hai: Hãy bước ra để gặp gỡ Chúa Giê-su, dành thời gian với Người trong lời cầu nguyện, và phó thác trọn cuộc sống cho tình yêu thương xót của Người.

20 tháng Mười Hai: Thiên đàng không định giá trị ở những gì anh chị em có, nhưng ở những gì anh chị em cho đi.

21 tháng Mười Hai: Không có tình yêu, cuộc sống và niềm tin đều trở nên vô ích.

22 tháng Mười Hai: Chúng ta hãy giải thoát Giáng sinh khỏi tính trần tục, nó đang bắt giữ Giáng sinh làm con tin! Tinh thần Giáng sinh thật sự là nét đẹp của việc được Thiên Chúa yêu thương.

23 tháng Mười Hai: Nếu chúng ta thật sự muốn mừng Giáng sinh, chúng ta hãy chiêm ngưỡng hình ảnh này: sự đơn sơ mong manh của một trẻ thơ vừa chào đời. Đó là nơi của Chúa.



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 7/11/2017]