Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

‘Đức Phanxico Khác’: các Đức Hồng y, các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thân nhân và Bạn bè của Đức Thánh Cha chia sẻ những câu chuyện về ngài Phanxico của họ

‘Đức Phanxico Khác’: các Đức Hồng y, các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thân nhân và Bạn bè của Đức Thánh Cha chia sẻ những câu chuyện về ngài Phanxico của họ

Trong quyển sách mới của Deborah Castellano Lubov, Lời nói đầu của Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, dẫn vào nhiều cuộc đối thoại

11 tháng Một, 2018
‘Đức Phanxico Khác’: các Đức Hồng y, các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thân nhân và Bạn bè của Đức Thánh Cha chia sẻ những câu chuyện về ngài Phanxico của họ
Đức Thánh Cha và Vaticanista Deborah Castellano Lubov © L'Osservatore Romano

Mục tiêu đầy tham vọng, được viết ngay lên trang bìa quyển sách, để cung cấp cho độc giả một bức chân dung của “Đức Phanxico Khác,” tức là kể tất cả những chuyện chưa bao giờ được kể về Đức Thánh Cha Phanxico. Công việc không hề dễ dàng, vì một lượng lớn các sách viết về Đức Phanxico đã phủ đầy các kệ sách và nhà sách.

Tác giả là ký giả người Mỹ – nhưng đã chuyển sang Roma – Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vaticanista của Zenit. “Ngài Phanxico Khác,” (L’Altro Francesco’) (được xuất bản bằng tiếng Ý do nhà xuất bản uy tín Cantagalli đóng tại thủ phủ Siena, và sẽ sớm được dịch sang tiếng Anh) với lời nói đầu của ngài Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Phêrô Parolin, và 14 phỏng vấn với các cá nhân trong Giáo triều Roma (và của Giáo hội), trải rộng trên năm châu lục, và bà con bạn bè của Đức Giáo hoàng người Argentine.

Tuy nhiên, vẫn không thể thiếu trong quyển sách 200 trang này là những bản tin, thông tin rất thú vị, và thỉnh thoảng là những ý kiến rất can đảm về Đức Giáo hoàng người Argentine và những vấn đề rất hợp thời do ngài đưa ra. Jorge Mario Bergoglio là một con người đơn sơ và thân thiện, ngài thích nói hài hước, nhưng ngài cũng là Giáo hoàng có thể thu hút sự chú ý của toàn nhân loại vào những chủ đề quan tâm nhất của ngài: nhân phẩm, sự toàn cầu hóa mất kiểm soát, sự phân phối tài sản, bảo vệ Tạo vật.


* * *

Lời nói đầu:

Đức Hồng y Phêrô Parolin

Những vị được phỏng vấn:

Đức Hồng y Gerhard Muller, Tổng Giám mục Georg Gaenswein, Đức Hồng y Timothy Dolan, Đức Hồng y George Pell, Đức Hồng y Peter Turkson, Maria Elena Bergoglio, Đức Hồng y Kurt Koch, Cha Federico Lombardi, SJ, Đức Thượng phụ F.B. Fouad Twal, Đức Tổng Giám mục Giuse Edward Kurtz, Patriarch Wilfrid Fox Napier, Patriarch Charles Maung Bo, Adrian Pallarols, và Đức Rabbi Abraham Skorka



‘Đức Phanxico Khác’: các Đức Hồng y, các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thân nhân và Bạn bè của Đức Thánh Cha chia sẻ những câu chuyện về ngài Phanxico của họ


Ai là “Ngài Phanxico Khác” (L’Altro Francesco) mà chị đề cập đến trong tựa đề?

Trước hết là một con người muốn được xem và được cư xử như một người “bình thường,” cho đến cả bây giờ, như Đức Hồng y Koch nói với tôi, ngài thấy phiền khi không còn được dễ dàng gặp gỡ Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew tại một quầy Piazza Navona ở Roma để uống ly cà phê cappucchino với nhau.

Rút ra từ nhiều cuộc phỏng vấn của chị, người ta có thể nói rằng ngài là một người rất thân thiện và khá hài hước … 

Đúng vậy! Đức Hồng y Dolan của New York cũng cảm nhận như vậy, vì, như Đức Hồng y nói với tôi, ngài là một ‘người hài hước.’ Rồi Hồng y nói với tôi: “Thế là ngay lập tức tôi cảm thấy rất thoải mái với ngài.” Phỏng vấn của Đức Hồng y Dolan chia sẻ một vài giai thoại vui, chân tình với Đức Phanxico, đặc biệt khi Đức Giáo hoàng đến thăm New York tháng Chín năm 2015.

Hoặc Đức Rabbi Abraham Skorka, sau đó trở thành bạn thân của ngài. Hai ngài ở trong Nhà thờ Chính tòa Buenos Aires sau một Lễ trọng. Đức Hồng y Bergoglio nói chuyện tiếu lâm với Đức Rabbi về ‘chickens,’ (những chú gà giò) một biệt danh được những người hâm mộ của câu lạc bộ đối phương đặt cho các cầu thủ đội bóng River. Đó là một cách châm biếm về mùa giải thất bại của đội bóng, và rất không phù hợp trong tình huống này. Do vậy Đức Rabbi Skorka, một người hâm mộ đội River, ban đầu không thích cách nói này, cảm thấy bị tổn thương. Nhưng sau đó ngài mới hiểu, ngài nói rằng có một thông điệp trong cách nói đó: “Cứ cư xử với tôi bình thường, như bất kỳ ai khác!”

Ý tưởng viết quyển sách được khai sinh như thế nào?

Thời điểm bắt đầu triều đại của Đức Bergoglio trùng hợp, ít nhiều như thế, với sự khởi đầu hoạt động làm phóng viên của tôi ở Vatican cho Zenit. Đức Phanxico ngay lập tức thu hút nhiều sự chú ý, vì tất cả những sự mới lạ được đem vào trong và ngoài Giáo hội. Trong không khí rất phấn khởi này, đối với các phóng viên đã quen với việc theo dõi tin tức của Vatican, tôi thường phải tiếp xúc với nhiều tiếng nói chuyên gia thật sự. Từ đó, nhiều cuộc phỏng vấn, ngày này sang ngày khác, khi thực hiện công việc của tôi, và có nhiều mối quan hệ bạn bè mới. Rồi tôi tự hỏi không biết họ có thể chia sẻ với tôi một mẩu chuyện chưa bao giờ được kể về cái nhìn và mối quan hệ của họ với Đức Phanxico. Đây là kết quả.

Liên quan đến những cuộc phỏng vấn, ngài Phanxico đã có nhiều phỏng vấn hơn bất kỳ đấng tiền nhiệm nào. Chị có khám phá điều gì thú vị về những cuộc phỏng vấn này?

‘Đức Phanxico Khác’: các Đức Hồng y, các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thân nhân và Bạn bè của Đức Thánh Cha chia sẻ những câu chuyện về ngài Phanxico của họ

Có nhiều! Ví dụ có một lần, trong một phỏng vấn trên máy bay với câu chuyện nói về Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI trong Vatican. Ngài Phanxico nói, “Cảm giác giống như có một người ông thông thái ở trong nhà.” Rồi sau đó ngài lại suy nghĩ về câu nói và ngay khi hạ cánh xuống Roma, ngài lập tức đề cập lại vấn đề đó với Đức Tổng Giám mục Gaenswein, Tổng trưởng Đặc trách các Vấn đề Nội chính và là thư ký riêng của Đức Giáo hoàng Danh dự: “Hôm nay, tôi có nói hơi quá … hy vọng Đức Benedict XVI không bực mình!”

Người ta đã nói và viết rất nhiều về mối quan hệ giữa Đức Phanxico và Đức Benedict, thường cũng chỉ mang tính bề ngoài, dựng nên những sự đối nghịch … điều đó có đúng không?

Chỉ cần nói đến những điều em gái của Đức Phanxico kể với nhà báo và với bạn của tôi là Michael Hesemann (tác giả và sử gia người Đức, đồng tác giả quyển My Brother the Pope (Em trai Giáo hoàng của tôi) với Georg Ratzinger), người mà tôi phải cảm ơn vì cho phép tôi đưa cuộc phỏng vấn quý giá của ngài vào trong sách của tôi. “Cha nợ tôi một sự vâng lời. Nếu cha được chọn, cha phải chấp nhận,” Đức Giáo hoàng Ratzinger nói với Đức Hồng y Bergoglio, khi hai ngài gặp nhau lần cuối trước Cơ mật viện.

Và chị tìm ra điều thú vị nào nữa trong tiểu sử trước khi lên ngôi của Đức Bergoglio?

Trước hết là người bà nổi tiếng của Đức Bergoglio, là một người chống Phát-xít mạnh mẽ, đó là lý do tại sao gia đình thấy buộc phải rời bỏ nước Ý để đến Argentina. Rồi đến một chương khác, trở lại thời khi cậu Jorge, hết trung học, nói với mẹ rằng cậu muốn trở thành một bác sĩ. Bà quá hạnh phúc đến mức ngay lập tức giải phóng một căn phòng nhỏ để cậu có thể học hành yên tĩnh, nhưng rồi một ngày bà phát hiện chỉ thấy đống sách về triết học, thần học và tiếng La-tinh. Cậu nói với mẹ, giải thích rằng cậu muốn trở thành ‘một bác sĩ,’ nhưng là bác sĩ ‘của linh hồn.’

Adrian Pallarols là ai, một người bạn của Đức Thánh Cha mà chị phỏng vấn?

Adrian là một thợ bạc nổi tiếng của Buenos Aires, một người bạn rất thân của Đức Thánh Cha. Tôi không muốn phá vỡ sự ngạc nhiên của độc giả. Tôi chỉ kể cho anh biết rằng chính ngài Bergoglio đã làm Lễ cưới và rửa tội cho các con của ông. Vấn đề xảy ra với lễ cưới là linh mục xứ, người dạy giáo lý cho Adrian và vợ của ông, đã quá bất ngờ với mọi chuyện. Khi ngài Bergoglio gọi cho cha, tự giới thiệu mình là “Cha Jorge,” để xin sự đồng ý về việc dâng Lễ Cưới cho Adrian, cha xứ bắt đầu lớn tiếng và phản đối kịch liệt, cho đến khi cha khám phá ra rằng … anh cứ đọc phần còn lại.

Quay trở lại với chủ đề về mối quan hệ giữa ngài Phanxico và truyền thông đại chúng nói chung, chị tìm ra được điều gì?

Ý kiến của Đức Tổng Giám mục Gaenswein có vẻ rất quan trọng đối với tôi: giới truyền thông chưa bao giờ soi mói vào Đức Giáo hoàng Benedict nhiều như họ đang làm bây giờ với Đức Phanxico. Cho dù ngài Phanxico — tôi tìm biết từ Cha Lombardi, cựu giám đốc của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh –, rằng Đức Thánh Cha Phanxico nhiều khi không thích những câu hỏi của các nhà báo trên máy bay. Ngược lại, ngài thường thấy thất vọng, vì ngài thấy những câu hỏi chẳng có gì thú vị, hoặc vì các nhà báo hỏi bất kỳ điều gì thoáng hiện trong đầu họ chứ không tập trung vào những nội dung chính hoặc những chi tiết quan trọng của mỗi chuyến đi.

Người ta thường nói rằng ‘tính chuẩn mực,’ sự điềm tĩnh của Đức Phanxico, người sống trong một không gian rất nhỏ so với những căn hộ rộng lớn của một số hồng y, mang đến rất nhiều sự xáo trộn trong Vatican.

Điều này đúng một phần, nhưng không cần phải chú trọng vào nó. Khi tôi đến phỏng vấn Đức Hồng y Turkson trong văn phòng của ngài trong Bộ, chúng tôi nói đến độ rộng lớn của những căn phòng: ngài cũng nói về điều đó tương tự như vậy, nơi ở của ngài, thì rộng và một trong những bạn kiến trúc sư của ngài có lần nói rằng diện tích sàn rộng đó có thể chia làm bốn phòng, nhưng chắc chắn không thể thiết kế như vậy trong một tòa nhà với cấu trúc cổ như tòa nhà đó. Nhưng dù sao đi nữa, anh có biết Đức Hồng y Turkson đi đâu để mua đồ nội thất trang bị cho nhà của ngài khi ngài đến Roma không? IKEA!

Đức Phanxico cho mọi người hiểu rõ rằng ngài không thể chịu được những người nịnh bợ. Ngài muốn mọi người kể lại chính xác những gì ngài nói. Vậy trong tất cả những sự đánh giá và ý kiến của nhiều hồng y và giám mục, có ai làm cho chị ngạc nhiên về sự thẳng thắn của ngài không?

Quay lại với những cuộc phỏng vấn trên máy bay, tôi chợt nhớ đến Đức Thượng phụ Đại kết của Giê-ru-sa-lem, Đức Fouad Twal. Trên chuyến bay trở về từ Ba lan, tháng Bảy năm 2016, có câu hỏi về chủ nghĩa khủng bố và Hồi giáo. Ngài nói, đúng là người đứng đầu của Giáo hội Công giáo không thể nói mọi điều một cách rõ ràng về Hồi giáo. Tuy nhiên, theo ngài, điều ngạc nhiên là nghe thấy Đức Thánh Cha giải thích rằng bạo lực tồn tại trong mọi tôn giáo, kể cả Công giáo, và rằng không thể lên án một tôn giáo duy nhất [...]

‘Đức Phanxico Khác’: các Đức Hồng y, các nhà lãnh đạo Giáo hội, Thân nhân và Bạn bè của Đức Thánh Cha chia sẻ những câu chuyện về ngài Phanxico của họ

Trong danh sách những người được phỏng vấn cũng có những cá nhân trong Giáo hội không hòa nhịp với Đức Phanxico. Tại sao chị muốn thêm tiếng nói của những người này trong quyển sách?

Tôi tin rằng nhiều ý kiến và quan điểm thì tốt hơn, chứ không phải là khuyết điểm cho một quyển sách loại này. Vì thế trong đó cũng có, chẳng hạn, Đức Hồng y Muller, ngài đã trở thành “cựu” Tổng trưởng Bộ Giáo lý và Đức tin ngay khi quyển sách sắp sửa được in; một con người rất khác với Đức Phanxico về xuất thân, định hướng, tâm tính. Vì thế, sẽ có tác động lớn hơn khi nghe ngài cho biết ấn tượng mạnh nhất của ngài về Đức Phanxico là gì: Đó chính là khi ngài ôm những người đàn ông và phụ nữ thậm chí với một khuôn mặt biến dạng vì một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, không một chút e dè theo tính tự nhiên. Đức Hồng y Muller cũng thừa nhận rằng giảng dạy về yêu thương tha nhân thì dễ, nhưng thực hành nó là khó.

Rồi có cả Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục giáo phận Yangon, ở Miến điện, một quốc gia “vùng ngoại biên” đối với Giáo hội Công giáo, nhưng ngài Phanxico đã vinh danh nó bằng một chuyến Tông du đến đó?

Không phải là “ngoại biên” nhưng là “ngoại biên của vùng ngoại biên,” Đức Hồng y Bo đã sửa cho tôi! Đó là một Giáo hội đã chịu nhiều đau khổ, 60 năm dưới chế độ độc tài “vô nhân,” như chính ngài miêu tả. Không có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài, những nhà thừa sai ngoại quốc bị trục xuất trong đêm … Không chỉ là “ngoại biên,” “nhưng là một quốc gia bị thế giới lãng quên,” ngài nói, cho hay rằng chỉ có Giáo hội và bây giờ là Đức Phanxico không quên.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2018]


Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Temuco, Chile (toàn văn)

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Temuco, Chile (toàn văn)

‘Chúng ta dâng Thánh Lễ này cho tất cả những người đã chịu đau khổ và chết, và cho những người mang gánh nặng mỗi ngày của rất nhiều sự bất công’

17 tháng Một, 2018
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ở Temuco, Chile (toàn văn)
© Vatican Media
Dưới đây là văn bản do Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ dâng trong Phi trường Maquehue thành phố Temuco của Chile, ngày 17 tháng Một, 2018, trong chuyến Thăm Mục Vụ của ngài đến Chile và Peru, 15-22 tháng Một:


***


“Mari, Mari” [Chào (buổi sáng) anh chi em!!]

“Küme tünngün ta niemün” [“Bình an cho anh em!” (Lc 24:36)]

Cha tạ ơn Chúa đã cho phép cha đến thăm miền đất tuyệt đẹp này của châu lục, Araucanía. Nó là một miền đất được ban phúc bởi Đấng Tạo hóa với những cánh đồng bao la xanh tươi trù phú, với những cánh rừng bạt ngàn của loài cây bách tán (araucarias) – là “lời tán dương” thứ năm của nhà thơ Gabriela Mistral về miền đất Chile này [1] – cùng với những núi lửa đỉnh phủ tuyết, những hồ nước và những dòng sông tràn đầy sự sống. Phong cảnh như vậy nâng tâm hồn chúng ta lên với Chúa, và rất dễ nhận ra bàn tay của Người trong mọi tạo vật. Rất nhiều thế hệ đàn ông và phụ nữ đã yêu miền đất này với lòng tri ân mãnh liệt. Đến đây cha muốn tạm dừng lại và gửi lời chào một cách đặc biệt đến những thành viên của dân tộc Mapuche, cũng như những dân tộc bản địa khác cư ngụ trong những vùng đất miền nam này: dân tộc Rapanui (từ Đảo Phục sinh), dân tộc Aymara, dân tộc Quechua và dân tộc Atacameños, và nhiều dân tộc khác.

Dưới con mắt của những du khách, miền đất này sẽ làm chúng ta rùng mình khi chúng ta đi qua nó, nhưng nếu chúng ta đặt tai xuống đất, chúng ta sẽ nghe thấy nó hát lên: “Arauco có một sự đau buồn không thể giữ im lặng, những bất công của nhiều thế kỷ mà mọi người nhìn thấy vẫn đang diễn ra”.[2]


Chúng ta dâng Thánh Lễ hôm nay trong bối cảnh tạ ơn vùng đất này và dân tộc của nó, nhưng cũng là sự buồn phiền và đau đớn. Chúng ta dâng Lễ trong sân bay Maquehue đây, trước nó là địa điểm xảy ra những vi phạm nhân quyền kinh hoàng. Chúng ta dâng Thánh Lễ này cho tất cả những người đã chịu đau khổ và chết, và cho những người mang gánh nặng mỗi ngày của rất nhiều sự bất công. Sự hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá gánh lấy tất cả tội lỗi và đau khổ của các dân tộc, để cứu chuộc.

Trong Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Ngay giây phút quyết định sự sống của Người, Người dừng lại để khẩn cầu cho sự hiệp nhất. Trong thâm tâm, Người biết rằng một trong những mối đe dọa lớn nhất cho các môn đệ của Người và cho toàn nhân loại sẽ là sự chia rẽ và đối đầu, sự áp bức của người này trên người khác. Không biết bao nhiêu giọt lệ đã rơi xuống! Hôm nay chúng ta muốn bấu víu vào lời cầu xin này của Chúa Giê-su, để cùng Người đi vào vườn thương khó với những đau khổ của riêng chúng ta, và khẩn xin Chúa Cha, cùng với Chúa Giê-su, để chúng ta trở nên một. Mong sao sự đối đầu và chia rẽ không bao giờ nắm quyền chi phối chúng ta.

Sự hiệp nhất mà Chúa Giê-su khẩn xin là một ân ban mà chúng ta phải kiên trì tìm kiếm, vì sự tốt lành cho đất nước và những đứa con của đất nước chúng ta. Chúng ta cần phải cảnh giác chống lại những cám dỗ có thể trỗi dậy “đầu độc những gốc rễ” của ân ban mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta, và với ân ban đó Người mời gọi chúng ta đóng một vai trò đích thực trong lịch sử.


1. Những từ đồng nghĩa sai lạc

Một trong những cám dỗ lớn nhất mà chúng ta cần phải chống lại là sự lẫn lộn giữa hiệp nhất và đồng nhất. Chúa Giê-su không xin Chúa Cha rằng tất cả trở nên như nhau, giống hệt nhau, vì sự hiệp nhất không có nghĩa là vô hiệu hóa hoặc buộc những khác biệt phải câm lặng. Sự hiệp nhất không phải là một ngẫu tượng hay là kết quả của sự hòa nhập cưỡng bức; nó không phải là sự hài hòa được mang đến với cái giá phải loại bỏ một số người ra bên lề. Sự giàu có của một đất nước thật sự sinh ra từ khát khao của từng thành phần trong nó muốn chia sẻ sự khôn ngoan với người khác. Sự hiệp nhất không thể là một sự đồng nhất ngột ngạt bị giới quyền lực áp đặt, hay là một sự chia tách không đánh giá đúng sự tốt lành của người khác. Sự hiệp nhất được Chúa Giê-su tìm và tặng ban là sự chân nhận rằng mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa đều được kêu gọi đóng góp cho miền đất ơn phúc này. Hiệp nhất là hòa hợp trong sự đa dạng, vì nó không cho phép những cá nhân hay cộng đồng phạm những sai lầm nhân danh nó. Chúng ta cần có sự phong phú mà mỗi cá nhân góp phần vào, và chúng ta phải bỏ đi khái niệm mơ hồ rằng có những văn hóa cao hơn và thấp hơn. Một tấm “chamal” (khăn choàng) đẹp đòi hỏi những thợ dệt phải biết nghệ thuật hòa trộn những chất liệu và màu sắc khác nhau, họ phải dành thời gian cho mỗi thành phần và mỗi công đoạn của tác phẩm. Quy trình đó có thể tái lập trong công nghiệp, nhưng mọi người sẽ nhận ra một tấm khăn do máy dệt. Nghệ thuật hiệp nhất đòi hỏi những người thợ thủ công thật sự biết cách phối những sự khác biệt trong “mẫu thiết kế” của những thành phố, những con đường, những quảng trường và những phong cảnh. Nó không phải là “nghệ thuật trên bàn giấy,” hay là công việc giấy tờ; nó là một công việc thủ công đòi hỏi sự tập trung và hiểu biết. Đó là nguồn cội của vẻ đẹp của nó, nhưng cũng là sự bền bỉ của nó theo dòng thời gian và cả những cơn bão tố bất kỳ có thể xảy đến với nó.

Sự hiệp nhất mà dân tộc chúng ta cần có đòi hỏi chúng ta biết lắng nghe nhau, nhưng còn quan trọng hơn thế là chúng ta phải biết quý trọng nhau. “Đây không những là việc hiểu rõ về người khác, nhưng hơn thế, đó là sự gặt hái những gì Thần Khí đã gieo trong họ”.[3] Việc này đặt chúng ta trên con đường của tình liên đới như là một phương tiện để dệt nên sự hiệp nhất, như một phương tiện để xây dựng lịch sử. Tình liên đới làm cho chúng ta phải nói lên: Chúng ta cần nhau, và những sự khác biệt để miền đất này có thể vẫn mãi xinh đẹp! Đó là vũ khí duy nhất chúng ta có để chống lại “sự khai quang” những hy vọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm chúng con trở thành những người thợ thủ công của tình hiệp nhất.


2. Những vũ khí của sự hiệp nhất

Nếu sự hiệp nhất được xây dựng trên sự quý trọng và tình liên đới, thì chúng ta không thể chấp nhận bất cứ phương tiện nào khác để đạt được nó. Có hai hình thức bạo động, thay vì khuyến khích sự phát triển tình hiệp nhất và hòa giải thì chúng lại đe dọa những giá trị đó. Trước hết, chúng ta phải tỉnh táo chống lại sự thuận theo những hợp đồng “nghe rất đẹp” nhưng không bao giờ được đem ra thực hành. Những lời lẽ rất đẹp, những kế hoạch chi tiết – chúng cần phải có như vậy – nhưng, khi không được áp dụng, dẫn đến kết quả là “dùng ‘cùi chỏ’ để xóa tất cả những gì đã được viết bằng bàn tay.” Đây là một hình thức bạo lực, vì nó phá tan những hy vọng.

Đứng ở vị trí thứ hai, chúng ta phải khẳng định cương quyết rằng một văn hóa quý trọng lẫn nhau không bao giờ được đặt nền tảng trên những hành động bạo lực và tàn phá và dẫn đến kết cục lấy đi mạng sống con người. Anh không thể khẳng định bản thân bằng việc giết hại người khác, vì việc này chỉ dẫn đến thêm bạo lực và thêm chia rẽ. Bạo lực sinh bạo lực, phá hủy gia tăng sự phân mảnh và chia rẽ. Bạo lực cuối cùng biến một nguyên tắc công bình nhất thành một sự dối trá. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nói “không với bạo lực phá hủy” dưới cả hai hình thức của nó.

Hai con đường đó giống như dung nham của một núi lửa tràn ra và đốt sạch mọi thứ trên đường đi của nó, để lại sau nó chỉ là sự trơ trụi và hoang tàn. Thay vì vậy chúng ta hãy tìm đến với con đường phi bạo lực tích cực, “như một phong cách chính trị vì hòa bình”.[4] Chúng ta hãy tìm kiếm, và đừng bao giờ chán nản đi tìm sự đối thoại vì tình hiệp nhất. Vì đó là lý do chúng ta kêu lên: Lạy Chúa, hãy biến chúng con trở thành những người thợ thủ công cho sự hiệp nhất của Người.


Tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều là dân tộc của trái đất (x. Gen 2:7). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến với “đời sống tốt đẹp” (Küme Mongen), như sự khôn ngoan của tiền nhân của dân tộc Mapuche nhắc nhở chúng ta. Chúng ta phải đi không biết bao xa, và chúng ta vẫn phải học không biết bao nhiều điều! Küme Mongen, một sự mong mỏi sâu thẳm không chỉ trổi lên từ con tim của chúng ta, nhưng vang vọng lên như một tiếng kêu lớn, như một bài ca, trong tất cả tạo vật. Vì thế, thưa anh chị em, vì những người con của trái đất này, vì những đứa con của những người con trái đất này, chúng ta cùng với Chúa Giê-su kêu lên với Chúa Cha: Ước chi cả chúng con cũng nên một; hãy biến chúng con thành những người thợ thủ công của sự hiệp nhất.

_________________________

[1] GABRIELA MISTRAL, Elogios de la tierra de Chile.

[2] VIOLETA PARRA, Arauco tiena una pena.

[3] Tông huấn Evangelii Gaudium, 246.

[4] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2017

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]

© Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2018]