Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Một phép lạ ở Aleppo cho Marconia?

Một phép lạ ở Aleppo cho Marconia?

‘Sự chăm sóc của Chúa không rời bỏ em lúc đó’

5 tháng Hai, 2018
Một phép lạ ở Aleppo cho Marconia?
Markonia trên giường nhà thương - ACN PHOTO
MARCONIA KORKIS là một thiếu nữ 16 tuổi ở Aleppo. Cũng giống như nhiều thiếu niên khác ở thành phố lớn thứ hai của Syria, nói chuyện với Marconia giống như đang nói chuyện với một người lớn; sự đau khổ của chính em và của những người khác, với những khôn ngoan vượt ngoài độ tuổi của em. Marconia, người theo nghi lễ Can-đê, kể câu chuyện rất đặc biệt:

“Ngày 28 tháng Chín, 2016, em từ trường về nhà như thường lệ, nhưng em chợt có cảm giác kỳ lạ là em sẽ bị thương; tình hình an ninh ở Aleppo rất xấu. Em gọi điện thoại cho mẹ và nói rằng em muốn ra khỏi nhà, vì em sợ sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Nhưng mẹ em nói, ‘chẳng có gì xảy ra đâu — con cứ ở nhà.’

Em đang ngồi với em trai của em và em rất hoảng sợ; em chộp lấy một trái táo và cắt thành hai phần và em nói với em trai rằng trái táo này có khi là miếng ăn cuối cùng chúng em cùng ăn chung với nhau. Em trai nói: “Lại tưởng tượng một trái tên lửa bay vào nhà mà không xin phép.” Ngay lúc đó em chạy ra ngoài ban công và bất thình lình chẳng còn nhìn thấy gì, mọi thứ xung quanh em tối đen; em hét lên: “Lạy Chúa con đang ở đâu?”

“Rồi em nhìn thấy một điểm sáng chiếu lên, và em cảm giác là em mang lấy một linh hồn mới. Em tỉnh dậy nghe thấy em trai nói: ‘đừng nhìn vào người chị, đứng dậy chúng ta vào nhà thương.’ Em hỏi: ‘Làm sao mà được? Chị chẳng còn có cảm giác với bất kỳ chỗ nào trên người.’ Chẳng có người hàng xóm nào giúp em vì họ đã thành tượng đá hết rồi. Em nhìn vào bàn tay, và máu đang chảy. Em tiếp tục hét lên cho đến khi một người lạ xuất hiện trong căn hộ giúp chúng em.

Khi em vào nhà thương người em phủ đầy máu. Mẹ em nói với em rằng tất cả các bác sĩ nói họ phải tháo khớp bàn tay vì em mất quá nhiều máu; và mọi thiết bị đã sẵn sàng làm việc. Nhưng bác sĩ giải phẫu nói: ‘Đợi tí đã.’ Ông bắt đầu nối thật nhanh các động mạch bàn tay, và máu cầm lại như phép lạ — một cảm giác trở lại với bàn tay của em.

“Có hơn 50 miếng đạn trong người em — một vài miếng vẫn còn ở đó. Khi em tỉnh lại lần nữa, em không thể cử động; toàn thân em được bó trong các đĩa nẹp. Hai tuần sau em được phép về nhà. Không đầy bốn tháng sau, họ chụp X-quang và các bác sĩ kinh ngạc: hầu hết các xương bị gãy đã liền trở lại.

“Một bác sĩ nói: ‘Điều này thật phi lý … chỉ có là phép lạ; đây là trường hợp đầu tiên tôi chứng kiến; bình thường những chấn thương như vầy cần ít nhất hai năm để phục hồi.’”

“Sau khi tình trạng của em cải thiện tốt hơn, em bắt đầu phương pháp vật lý trị liệu để em có thể bước đi. Một ngày kia, làm việc với bác sĩ vật lý trị liệu, em nói với ông rằng em muốn bước đi; ông nói khó lắm, nhưng em cứ năn nỉ để thử và em đã bước đi được! Cha mẹ em rơi lệ!

“Sự chăm sóc của Thiên Chúa không rời bỏ em lúc đó; em cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong mọi lúc; không có Người, em đã chẳng còn sống đến bây giờ; em đọc Kinh Thánh mỗi ngày, và em tin rằng Thiên Chúa ở với em trong lời hằng sống của Người qua cách đặt rất nhiều người vào cuộc đời em và giúp đỡ em. Mối quan hệ của em với Thiên Chúa và những lời cầu nguyện hàng ngày của em là lý do em tìm được sự an ủi trong cơn thử thách.

“Hôm nay, em cảm thấy an toàn chỉ trên cách nói của an ninh, nhưng em không cảm thấy an toàn giữa những người bạn của em, không phải tất cả các bạn đều tử tế khi họ nhìn thấy những vết sẹo do mảnh đạn để lại và sự biến dạng cơ thể của em. Có lần em đến hồ bơi thì một trong các bạn cùng trường cười cợt nói với em: ‘người của cậu chẳng còn gì đẹp nữa đâu.’ Câu đó làm cho em khóc rất nhiều. Chắc chắn, em không có ý nói rằng tất cả mọi người đều nhìn em theo cách đó, nhưng một số ít người có thái độ đó làm cho em ngượng ngùng về cơ thể của mình; nó làm cho em buồn và làm em không chấp nhận được những vết sẹo đó.

“Em muốn di cư vì chúng em không được an toàn và vì tương lai mịt mờ mà chúng em đang đối mặt. Em ước mơ một cuộc sống bình thường, an toàn, không có chiến tranh; em đã quá chán ngán với nỗi đau do chiến tranh gây ra. Chúng ta cần phải yêu thương và hiểu biết lẫn nhau; em nói với tất cả những người Ki-tô hữu ở Tây phương rằng chúng em đang chán ngán tất cả mọi thứ ở đây, và chúng em đang rất cần những sự giúp đỡ.

“Chúng em đã mất nhiều sinh mạng quý giá trong cuộc chiến tranh xấu xa này. Em xin tất cả những ai có thể tạo sự khác biệt ở Syria giúp chúng em đạt được sự an toàn và hòa bình. Đây là giấc mơ của mọi người Syria lúc này — được sống trong hòa bình và trở lại với cách như chúng em đã sống trước đây.”

— Jony Azar

***

Jony Azar viết cho Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn, một hội bác ái giáo hoàng quốc tế, cung cấp sự hỗ trợ cho Giáo hội đau khổ và bị bách hại ở trên 140 quốc gia. www.churchinneed.org (Hao kỳ); www.acnuk.org (Anh); www.aidtochurch.org (Úc); www.acnireland.org (Ireland); www.acn-aed-ca.org (Canada)

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/2/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico: Cho vay nặng lãi là làm nhục và sát nhân

Đức Thánh Cha Phanxico: Cho vay nặng lãi là làm nhục và sát nhân

Diễn từ trước Hội đồng Chống Cho vay Nặng lãi Quốc gia

3 tháng Hai, 2018
Đức Thánh Cha Phanxico: Cho vay nặng lãi là làm nhục và sát nhân
© Vatican Media
“Cho vay nặng lãi là làm nhục và sát nhân,” Đức Thánh Cha Phanxico nói hôm 3 tháng Hai, 2018. “Cho vay nặng lãi là một tội ác từ xa xưa, và thật đáng buồn nó vẫn còn là tội ác ngấm ngầm, giống như một con rắn, siết cổ nạn nhân của nó.”

Bình luận của ngài đưa ra trong diễn từ trước các Thành viên của Hội đồng Chống Cho vay Nặng lãi Quốc gia, tại buổi tiếp kiến trong Đại sảnh Clementine của Điện Tông tòa Vatican.

Đức Thánh Cha cảm ơn nhóm sau 26 năm phục vụ, ngài nói rằng “anh chị em đã cứu thoát trên 25 ngàn gia đình khỏi gọng kìm của món nợ cắt cổ và khỏi sự nguy hiểm của việc cho vay nặng lãi; bằng cách cứu cho căn nhà của họ, và đôi khi là nơi kinh doanh nhỏ của họ, quý vị đã giúp phục hồi phẩm giá của họ đã bị tước đoạt.”

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện:



Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui được chào đón và chia sẻ với anh chị em giây phút suy tư này về tai họa đang lan tràn và vẫn còn bị che đậy rất kỹ: cho vay nặng lãi. Tôi cảm ơn ngài Chủ tịch với những lời chào mừng rất đẹp của ông, và tôi xin đưa ra ý tưởng cho Cha Massimo Rastrelli, ngài đã thành lập Quỹ chống Cho vay Nặng lãi đầu tiên năm 1991.

Tôi theo dõi rất sát cuộc chiến của anh chị em chống lại nạn cho vay nặng lãi, và hoạt động đang ngày càng cho thấy đủ năng lực và rất thiết thực trong kinh nghiệm và việc thành lập những cơ sở trên toàn lãnh thổ quốc gia với hàng trăm trung tâm tư vấn. Đó là những tường lũy, những trường học về lòng nhân đạo và về sự giáo dục tính hợp pháp, hoa trái của sự nhạy cảm được thụ hưởng từ sự linh hứng soi sáng của Lời Chúa, và nó hoạt động âm thầm và miệt mài trong lương tâm con người. Sự linh hứng hoạt động âm thầm trong lương tâm con người.

Trong hai mươi sáu năm đầu tiên phục vụ, anh chị em đã cứu thoát trên 25 ngàn gia đình khỏi gọng kìm của món nợ cắt cổ và khỏi sự nguy hiểm của việc cho vay nặng lãi; bằng cách cứu cho căn nhà của họ, và đôi khi là nơi kinh doanh nhỏ của họ, quý vị đã giúp phục hồi phẩm giá của họ đã bị tước đoạt. Và điều này xứng đáng được khen ngợi. Cảm ơn, cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Cho vay nặng lãi là làm nhục và sát nhân. Cho vay nặng lãi là một tội ác từ xa xưa, và thật đáng buồn nó vẫn còn là tội ác ngấm ngầm, giống như một con rằng, siết cổ nạn nhân của nó. Phải ngăn chặn nó bằng cách gỡ cho con người thoát khỏi căn bệnh nợ nần phát sinh vì trang trải cuộc sống hoặc để cứu cho công việc kinh doanh của họ. Và có thể ngăn chặn nó qua sự giáo dục lối sống với ý thức cao, có khả năng phân biệt giữa sự thừa thãi và sự cần thiết, và lối sống ý thức trách nhiệm để không vướng vào nợ nần chỉ vì muốn đạt những thứ không cần thiết. Việc phục hồi lại đức nghèo khó và hy sinh là vô cùng quan trọng: đức nghèo khó, để không trở nên nô lệ cho những tiện nghi, và hy sinh, vì bạn không thể đạt được mọi điều trong cuộc sống.

Điều cần thiết là phải huấn luyện ý thức biết dựa trên tính hợp pháp và trung thực, đối với các cá nhân và các tổ chức; để có thêm những người thiện nguyện có động lực thúc đẩy và sẵn sàng đến với người đang cần giúp đỡ, để họ được lắng nghe, được cho lời khuyên và hướng dẫn, để họ có thể vươn lên thoát ra khỏi tình trạng bị nhục nhã.

Ẩn sau những cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, luôn là một quan điểm về lối sống đặt lợi nhuận lên hàng đầu chứ không phải con người. Nhân phẩm, luân lý, tình liên đới và thiện ích chung phải được đặt vào trung tâm của các chính sách kinh tế của những cơ quan công quyền. Với những biện pháp phù hợp nó được xem như phương cách để ngăn chặn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp những nguyên nhân của việc cho vay nặng lãi, chẳng hạn đánh bạc, một tai họa khác. Tôi đã chứng kiến và nghe kể về những người phụ nữ lớn tuổi ở Buenos Aires, họ đến ngân hàng để nhận lương hưu và từ đó họ đi thẳng đến các sòng bạc. Đó là một căn bệnh tóm lấy anh và giết chết anh!

Cho vay nặng lãi là một tội nặng: nó tiêu diệt sự sống, giẫm đạp lên phẩm giá của con người, là một phương tiện chuyên chở sự tham nhũng và ngăn chặn lợi ích chung. Nó cũng làm suy yếu những nền tảng xã hội và kinh tế của một đất nước. Quả thật, không quốc gia nào có thể đề ra được chương trình phục hồi nền kinh tế hay cảm thấy an toàn khi có quá nhiều người nghèo, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, quá nhiều nạn nhân của những tội ác nghiêm trọng và quá nhiều con người hủ hóa.

Anh chị em thân mến, tôi biết rất rõ sự phục vụ mà anh chị em đang gánh vác là vô cùng nặng nề: nó bao gồm việc hợp tác để đưa tính nhân văn vào hệ thống kinh tế xã hội và bảo đảm rằng thông điệp Tin mừng có thể soi sáng tâm hồn và linh hồn con người, như những gì đã xảy ra cho ông Da-kêu, một ông chủ giàu có và hủ hóa của “những người thu thuế” của thành Dê-ri-cô (x. Lc 19: 1-10), và đồng nghiệp của ông là Mát-thêu, người mà Chúa Giê-su nhìn đến với lòng thương xót và chọn làm môn đệ, và Ngài trong suốt năm qua là Thánh Bổn mạng của Hội đồng Chống Cho vay Nặng lãi (x. Mt 9: 9-13). Một cuộc hành hương thật đẹp mà anh chị em có thể thực hiện, để gặp gỡ linh hồn của một con người gắn liền với tiền bạc, với cho vay nặng lãi, là hãy đến Nhà thờ San Luigi dei Francesi, để xem bức họa Calling of Saint Matthew (Tiếng gọi Thánh Mát-thêu) của Caravaggio. Mát thêu bước đi như vầy [ngài làm một hành động] với đồng tiền giống như con đẻ của ông. Bức họa này mô tả rất đúng tâm trạng của một con người gắn liền với tiền bạc. Xin Thiên Chúa khơi gợi và hỗ trợ những viên chức công để người dân và các gia đình có thể được hưởng những lợi ích của luật pháp như bất kỳ thực tại kinh tế nào khác; khơi gợi và hỗ trợ những nhà lãnh đạo của hệ thống ngân hàng, để họ có thể giám sát tính chất đạo đức của các hoạt động ngân hàng. Thật xứng đáng khi nói rằng có nhiều ngân hàng được khai sinh và lan rộng trên khắp thế giới từ việc nâng người nghèo thoát ra khỏi nạn cho vay nặng lãi bằng những khoản cho vay không cần thế chấp và không lãi.

Anh chị em thân mến, sự phục vụ của anh chị em đòi hỏi rằng anh chị em phải là những con người của sự gặp gỡ, lắng nghe, và gần gũi. Vì lý do này, tôi thúc giục anh chị em hãy luôn hướng mắt và tâm hồn về Chúa Giê-su, luôn tập trung vào những trang Tin mừng trong đó Ngài gặp gỡ người nghèo và người hành khất, người phong cùi và người bại liệt và “làm cho họ đứng trên đôi chân của họ,” phục hồi lại phẩm gía và tương lai cho họ. Đối mặt với nạn cho vay nặng lãi và tham nhũng, anh chị em truyền sự hy vọng và sức mạnh cho các nạn nhân để họ có thể lấy lại sự vững tin và phục hồi từ những thiếu thốn của họ. Với các tổ chức, anh chị em là một nguồn động lực bảo đảm cho những câu trả lời thực tế cho những ai bị mất phương hướng, có lúc trở nên tuyệt vọng, và không còn biết cách nào để hỗ trợ cho gia đình của họ. Với chính những người cho vay nặng lãi, anh chị em trở thành một lời nhắc nhở cho ý thức nhân đạo và công bằng, để làm cho họ hiểu rằng họ không thể giết anh em của mình nhân danh đồng tiền!

Ngoài ra, tôi khuyến khích anh chị em đối thoại với những người có trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, để thúc đẩy những sáng kiến giúp ngăn chặn sự cho vay nặng lãi. Tôi không cần phải đưa ra cho anh chị em ví dụ cụ thể: chính anh chị em biết rất rõ điều đó; nhưng nó phải luôn bao gồm sự tôn trọng mọi người, phải thật sự đặt con người và gia đình vào trung tâm, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm.

Những người mà anh chị em giúp thoát ra khỏi sự cho vay nặng lãi có thể chứng minh rằng bóng tối của đường hầm mà họ đã đi qua là khủng khiếp và đau khổ, nhưng cũng có một ánh sáng mạnh hơn soi sáng và đưa ra nguồn an ủi. Với người nghèo, người đang mắc nợ, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, mong sao anh chị em trở thành một điểm tham khảo tìm nguồn hy vọng. Hãy tiếp tục sự phục vụ của anh chị em với lòng kiên trì và can đảm: nó là một lớp men bột rất giá trị cho mọi xã hội. Những nạn nhân của tình trạng cho vay nặng lãi và cờ bạc biết điều này rất rõ và một số đại diện có mặt tại đây. Tôi xin chào và động viên họ vì tôi biết họ đã cam kết bước đi trên một hành trình mới với sự trợ giúp của Thiên Chúa, và với tình liên đới của nhiều anh chị em. Hãy truyền lại lòng can đảm của các bạn cho những người vẫn còn đang ở trong đường hầm, miêu tả kinh nghiệm của các bạn, cho thấy rằng các bạn có thể gạt bỏ sự cho vay nặng lãi và cờ bạc sau lưng.

Chúng ta hãy cùng nhau kêu gọi một chủ nghĩa nhân văn kinh tế mới, để nó “đặt dấu chấm hết cho nền kinh tế loại bỏ và bất bình đẳng,” gióng lên tiếng kêu khẩn thiết với nền kinh tế sát hại, với những hệ thống kinh tế trong đó con người không còn là con người, mà bị biến thành những công cụ của một luận lý loại bỏ sản sinh ra những sự mất cân bằng sâu sắc (x. Thông điệp gửi Hội nghị Chuyên đề Quốc tế về Kinh tế, 26 tháng Mười 2016).

Xin cảm ơn sự hiện diện của anh chị em, công việc anh chị em đang làm, và tôi chúc lành cho anh chị em và công việc của anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican

JF


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2018]