Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Khi một phụ nữ lấy trộm Thánh Thể để làm thuốc tình yêu

Khi một phụ nữ lấy trộm Thánh Thể để làm thuốc tình yêu

21 tháng Hai, 2018
Khi một phụ nữ lấy trộm Thánh Thể để làm thuốc tình yêu
Fair Use

Chị ta muốn giành lại tình yêu đã bị mất, nhưng chuyện không ngờ đã xảy ra.

Trong thế kỷ 13 ở Altari, Ý, một người phụ nữ trẻ vô cùng đau khổ. Chị ta bị mất tình yêu của đời chị và quyết tâm giành lại được anh ta. Người phụ nữ này sẵn sàng làm bất kỳ điều gì nhưng không thể thuyết phục anh ta bằng lời nói, chị ta tìm một ai đó có thể bắt buộc anh ta đổi ý.

Người phụ nữ này tìm đến một phù thủy và xin bà ta bất kỳ thứ gì có thể đưa người đàn ông kia trở về với chị ta.

Người phù thủy nảy ra một ý tưởng. Bà ta sẽ làm một liều thuốc tình yêu cho người phụ nữ, nhưng cần phải có một thành phần quan trọng nhất: một Bánh Thánh.

Tuyệt vọng, chị ta tham dự Thánh Lễ ngày hôm sau tại nhà thờ địa phương và lên rước Mình Thánh trên lưỡi. Vị linh mục đặt Mình Thánh trên lưỡi chị ta, nhưng người phụ nữ giữ lại trong miệng, quay ra ngoài và khi khuất tầm mắt mọi người, chị ta nhả Mình Thánh ra trên một miếng vải.

Chị ta giữ Mình Thánh trong miếng vải, về nhà, và giữ Mình Thánh và miếng vải đợi đến khi chị ta đến gặp lại bà phù thủy. Sau ba ngày chị ta cầm miếng vải lên để kiểm tra Mình Thánh. Trước mắt chị ta không còn là một Bánh Thánh màu trắng như lúc đầu chị ta có.

Thay vào đó, người phụ nữ nhìn thấy một phần thịt đỏ máu và nhận ra rằng Mình Thánh đã biến thành Thịt và Máu Chúa Ki-tô. Chị ta chạy vội đến nhà thờ và thống hối tội lỗi của mình. Bà phù thủy cũng ăn năn và cả hai người phụ nữ đã hoán cải sau phép lạ đó. Người ta có thể nói rằng người phụ nữ đã rơi vào “sức mê hoặc” của “thuốc tình yêu” đích thực của sự hiện hữu của Chúa trong Thánh Thể.

Đức Giáo hoàng Gregory IX khi đó điều tra phép lạ và nhìn thấy đó là một dấu chỉ hữu hình chống lại những luận điệu cho rằng Chúa Giê-su không hiện diện trong Thánh Thể. Nó khẳng định cho ngài và những người chứng kiến rằng Chúa Giê-su thật sự hiện hữu trong Mình Thánh, thân xác, máu, linh hồn và thần tính. Phép lạ trùng hợp với những biến cố tương tự khác xảy ra khắp Châu Âu và giúp mở đường cho sự thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, để người tín hữu tin với lòng tin sốt mến vào phép lạ vô hình xảy ra mỗi khi Thánh Lễ được cử hành.

Mình Thánh tươi máu vẫn được lưu giữ trong mặt nhật trong Nhà thờ Chính tòa Altari. Nó như một lời nhắc nhở về tình yêu vĩnh cửu của Chúa Giê-su cho toàn nhân loại trong Bí Tích Cực Thánh trên bàn thờ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2018]


Đức Thánh Cha với giới trẻ Romania: không có câu trả lời cho những câu hỏi khó

Đức Thánh Cha với giới trẻ Romania: không có câu trả lời cho những câu hỏi khó

Đức Thánh Cha với giới trẻ Romania: không có câu trả lời cho những câu hỏi khó

Nam nữ thanh niên Romania hỏi Đức Thánh Cha Phanxico những câu hỏi khó về lý do tại sao trẻ em bị bỏ rơi và bị chối bỏ

Philippa Hitchen
Tại sao cuộc sống của tôi quá khó khăn? Tại sao mẹ tôi lại ruồng bỏ tôi? Tại sao người ta xét đoán tôi? Đây là một vài câu hỏi mà một nhóm giới trẻ Romania hỏi Đức Thánh Cha Phanxico trong cuộc gặp gỡ riêng gần đây tại Vatican.

Văn phòng báo chí Vatican hôm thứ Ba phát hành văn bản buổi gặp gỡ được tổ chức ngày 4 tháng Một bởi hội bác ái ‘Quỹ Phát triển Con người (FDP).

Đức Thánh Cha Phanxico nói với các bạn trẻ rằng ngài đã khóc khi đọc một trong những câu hỏi về một cậu bé bị ruồng bỏ từ nhỏ và sau đó lại bị chính mẹ đẻ từ chối, và cậu bây giờ đã là một thanh niên. “Tại sao bà không chấp nhận con?” người thanh niên hỏi Đức Thánh Cha. “Tại sao con lại bị lên án?”

Bần cùng và bất công là điều bị lên án

Một bạn tham dự khác hỏi tại sao một số cha mẹ yêu thương con cái họ và một số khác lại chối bỏ những đứa con đau bệnh hay bị các vấn đề. Với cả hai câu hỏi, Đức Thánh Cha Phanxico trả lời rằng một số cha mẹ có tính yếu đuối hơn các cha mẹ khác và ít có khả năng đối mặt với những hoàn cảnh đầy thách đố. Ngài nói, họ cũng giống như những thùng giấy các-tông có thể bị đè bẹp hoàn toàn dưới sức nặng của một hòn đá.

Sự bần cùng và bất công thường là nguyên nhân đáng lên án, ngài nói, vì chúng đè nặng tâm hồn cha mẹ và có thể làm cho một người mẹ phải chối bỏ đứa con của bà. Ngài nói, mặc dù bà yêu đứa con nhưng cuộc sống quá khó khăn đến mức bà chẳng biết bày tỏ tình yêu đó như thế nào. Ngài nói thêm, đôi khi chính những đứa con có thể giúp cha mẹ chúng vượt qua được những nỗi sợ hãi và tính yếu đuối.

Không có câu trả lời cho sự đau khổ của những đứa con

Trả lời cho câu hỏi về nguyên do tại sao cuộc sống lại quá bất công và một câu hỏi khác về một đứa trẻ chết trong trại mồ côi, Đức Thánh Cha nói rằng đôi khi không có câu trả lời cho câu hỏi về lý do của sự đau khổ của trẻ em. Câu trả lời duy nhất đến từ Thiên Chúa, ngài tiếp tục, Đấng muốn chữa lành sự đau khổ của chúng ta. Cũng như Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Người rằng chẳng phải người mù, cũng chẳng phải cha mẹ của anh ta chịu trách nhiệm về sự đau khổ của anh, vì thế Thiên Chúa trả lời qua cách gặp gỡ chúng ta trong bệnh tật và sự đau khổ, ôm lấy chúng ta và chữa lành chúng ta.

Được hỏi tại sao đi lễ mà chúng ta vẫn cãi nhau và cư xử tệ bạc với nhau, Đức Thánh Cha nói chúng ta có thể học cách đứng trước mặt Chúa và thú nhận tội của mình, xin Người biến đổi đời sống chúng ta.

Tìm sự hỗ trợ trong cộng đoàn Ki-tô

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxico trả lời cho một phụ nữ trẻ đã đưa con của cô vào nhà foster care (ND: nhà nuôi dưỡng trẻ theo mô hình gia đình), nhưng cô lại bị xét đoán là một người mẹ tồi tệ. Ngài nói với cô rằng đôi khi đưa trẻ vào nhà foster care là giải pháp tốt nhất và ngài nói rằng ngài hiểu được cảm giác cô đơn và lúng túng của cô. Ngài đề nghị cô tìm môi trường cộng đồng nơi những người Ki-tô hữu khác, vì tất cả chúng ta đều có thể tìm được sự hỗ trợ và chữa lành qua việc học tin tưởng và chia sẻ các vấn đề với người khác.


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: 21/2/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 09 đến 18 tháng Hai, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 09 đến 18 tháng Hai, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 09 đến 18 tháng Hai, 2018

9 tháng Hai: Người Ki-tô hữu được kêu gọi phải giữ ký ức thật sống động về biết bao điều Chúa đã làm qua họ.

10 tháng Hai: Đức Ki-tô hiện diện trong cuộc sống chúng ta, cho chúng ta thấy tất cả tình yêu của Người và khích lệ chúng ta trả lời với lòng quảng đại.

11 tháng Hai: Mong sao cho các bệnh nhân luôn đón nhận sự yêu thương trong sự mong manh của họ và được tôn trọng trong phẩm giá bất biến của họ.

12 tháng Hai: Tôi cảm thấy vô cùng đau đớn khi nhiều trẻ em bị chia lìa khỏi gia đình và bị bắt làm binh lính vị thành niên. Đây là một thảm kịch!

13 tháng Hai: Chúng ta cần Chúa Thánh Thần để truyền đức tin. Chúng ta không thể tự mình làm việc đó.

14 tháng Hai: Khi chúng ta xưng tội với lòng khiêm nhường và chân thành, chúng ta nhận được sự tha thứ và được tái kết hiệp với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta.

15 tháng Hai: Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta trải nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa Đấng yêu thương giải thoát chúng ta khỏi tội, khỏi những sợ hãi và lo lắng.

16 tháng Hai: Thông điệp của Chúa Giê-su làm chúng ta lo lắng và bấn loạn vì thông điệp đó thách đố sức mạnh tôn giáo trần tục và khuấy động lương tâm.

17 tháng Hai: Chỉ những ai có khả năng thừa nhận những lỗi lầm của mình và xin sự tha thứ mới nhận được sự thông cảm và tha thứ từ người khác.

18 tháng Hai: Tôi chúc tất cả anh chị em một hành trình Mùa Chay đầy hoa trái, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và cho những vị cộng tác với tôi khi chúng tôi bắt đầu tuần Tĩnh Tâm.


[Nguồn: twitter]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 19/2/2018]