Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh

‘Tôi sống trong đời sống mới, nhưng tôi sống một đời hủ hóa. Và những ‘Ki-tô hữu giả hình’ này sẽ có kết cục xấu’

28 tháng Ba, 2018
TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Copyright - Vatican Media
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích Tam Nhật Thánh (1 Cr 5:7-8).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhón tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay cha muốn dừng lại để suy niệm về Tam Nhật Thánh sẽ được bắt đầu vào ngày mai, để đào sâu một chút về những ngày quan trọng nhất trong Lịch Phụng vụ cho chúng ta là những tín hữu. Cha muốn hỏi anh chị em một câu: Lễ nào là quan trọng nhất cho niềm tin của chúng ta: Giáng sinh hay Phục sinh? Phục sinh, vì đó là lễ của ơn cứu độ cho chúng ta, lễ của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, lễ cử hành Cái Chết và sự Phục sinh của Người. Vì vậy, cha muốn cùng anh chị em suy niệm về Lễ này, những ngày này, những ngày vượt qua cho đến Phục sinh của Chúa. Những ngày này tạo thành một kỷ niệm hân hoan của mầu nhiệm vĩ đại: cái Chết và sự Phục sinh của Chúa Giê-su. Thứ Hai Phục sinh là sự cử hành ngày lễ trọng đại này: thêm một ngày nữa. Tuy nhiên, đây là hậu-phụng vụ: đó là ngày lễ của gia đình, đó là ngày lễ của xã hội. Nó đánh dấu những giai đoạn nền tảng đức tin và ơn gọi của chúng ta trong thế giới, và tất cả mọi người Ki-tô hữu đều được kêu gọi sống ba Ngày Thánh – Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy; và Chúa Nhật — dĩ nhiên –, Thứ Bảy đã là Phục sinh rồi — ba Ngày Thánh, tới mức độ trở thành “cung lòng” của đời sống cá nhân và cộng đoàn của họ, của đời sống cộng đồng của họ, như cuộc xuất hành hỏi Ai-cập được những anh em Do thái giáo của chúng ta sống.

Ba ngày này một lần nữa kể lại cho những người Ki-tô các biến cố vĩ đại của ơn cứu độ được thực hiện bởi Đức Ki-tô, và do đó họ đặt nó làm mục tiêu ở chân trời cho vận mệnh tương lai của họ và củng cố nó trong cam kết làm chứng tá trong lịch sử.
TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Xem lại những chặng đường sống trong Tam Nhật Thánh, vào sáng Phục sinh Bài ca tiếp liên, đó là một Thánh thi hay là một Thánh vịnh, cho chúng ta nghe thấy sự công bố Phục sinh một cách trịnh trọng, và bài ca đó nói như vầy: “Đức Ki-tô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại và đi trước chúng ta tiến về Ga-li-lê.” Đây là một sự khẳng định vĩ đại: Đức Ki-tô đã sống lại. Và ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở Đông Âu, người ta chào nhau bằng lời trong những ngày vượt qua này chứ không phải bằng câu “chào buổi sáng, “chào buổi tối” nhưng bằng câu “Đức Ki-tô đã sống lại,” để khẳng định lời chào vượt qua vĩ đại. “Đức Ki-tô đã sống lại.” Đỉnh điểm của Tam Nhật Thánh là những lời này — “Đức Ki-tô đã phục sinh” — của niềm vui trào dâng. Những lời này không chỉ là một thông báo niềm vui và hy vọng, nhưng cũng là một lời kêu gọi tính trách nhiệm và sứ mạng. Và nó không kết thúc với chim bồ câu, với trứng, với lễ lạc – cho dù điều này là tốt vì đó là ngày lễ của gia đình – nhưng nó không kết thúc ở đó. Con đường sứ mạng bắt đầu từ đó, từ lời công bố: Đức Ki-tô đã sống lại. Và lời loan báo này, là lời mà Tam Nhật Thánh dẫn đến, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận nó, là trung tâm điểm của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta, nó là cốt lõi, nó là lời loan báo, nó là — từ ngữ này khó, nhưng nó nói lên tất cả –, nó là sự loan báo (kerygma), nó tiếp tục rao truyền phúc âm cho Giáo hội và đến lượt mình Giáo hội lại được sai đi để rao truyền phúc âm.

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Thánh Phaolo tóm tắt biến cố vượt qua bằng lời này: “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt qua của chúng ta” (1 Cr 5:7), làm chiên lễ. Người đã bị giết. Vì thế — ngài tiếp tục — “cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17), tái sinh. Và vì thế, từ lúc đầu, con người được rửa tội vào Ngày Phục sinh. Cũng vào tối thứ Bảy này cha sẽ rửa tội ở đây, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, tám người lớn bắt đầu một đời sống Ki-tô hữu. Và mọi thứ bắt đầu vì họ sẽ được tái sinh. Và, với một thể thức tổng hợp khác Thánh Phaolo giải thích rằng Đức Ki-tô “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4:25). Người là Đấng duy nhất, Đấng duy nhất làm chúng ta nên công chính; Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng duy nhất làm cho chúng ta được tái sinh, không một ai khác làm được điều đó. Và, vì thế, không phải trả tiền cho sự công chính — làm cho chúng ta nên công chính — nó là nhưng không. Và đây là sự cao cả của tình yêu của Chúa Giê-su: Người trao tặng sự sống của Người một cách nhưng không để làm chúng ta nên thánh, để tái sinh chúng ta, để tha thứ cho chúng ta. Và đây chính là cốt lõi của Tam Nhật Thánh. Tam Nhật Thánh kỷ niệm biến cố nền tảng này trở thành một sự cử hành lòng biết ơn trọn vẹn, đồng thời nó làm mới lại ý thức về sự sống mới trong bí tích rửa tội, điều mà Thánh Tông đồ Phaolo một lần nữa nói với chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, [...] chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-3). Hãy ngước nhìn lên cao, hãy nhìn đến chân trời, hãy mở rộng chân trời: đây là niềm tin của chúng ta, đây là sự công chính của chúng ta, đây là tình trạng ơn sủng! Quả thật, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được sống lại với Chúa Giê-su và chúng ta chết đi cho những điều và những luận lý thuộc trần gian; chúng ta được tái sinh làm những con người mới: một thực tại đòi hỏi trở thành hành động cụ thể mỗi ngày.

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Nếu một Ki-tô hữu thật sự để cho bản thân được Đức Ki-tô rửa sạch tội, nếu người đó thật sự để cho mình được Ngài lột bỏ đi con người cũ để bước đi trong một cuộc sống mới, cho dù vẫn còn là một tội nhân, — vì tất cả chúng ta đều là tội nhân — thì người đó không còn hủ hóa nữa, sự công chính của Chúa Giê-su giải thoát chúng ta khỏi sự hủ hóa; chúng ta là những tội nhân nhưng không bị hủ hóa; người đó không còn sống với cái chết trong linh hồn, hay thậm chí trở thành nguyên nhân của sự chết. Và đến đây cha phải nói một điều rất đáng buồn và đau đớn … Có những Ki-tô hữu giả hình: họ là những người nói “Đức Giê-su đã sống lại,” “Tôi đã được nên công chính bởi Đức Giê-su,” Tôi sống trong đời sống mới, nhưng tôi sống một đời hủ hóa. Và những ‘Ki-tô hữu giả hình’ này sẽ có kết cục xấu. Cha nhắc lại, một Ki-tô hữu là một tội nhân — chúng ta là như vậy — cha cũng vậy — nhưng chúng ta tin chắc một điều rằng khi chúng ta cầu xin Chúa tha thứ, Người tha thứ cho chúng ta. Người Ki-tô hữu hủ hóa ra vẻ là một người chính trực, nhưng cuối cùng sự sa đọa nằm trong tâm hồn người đó. Chúa Giê-su ban cho chúng ta một đời sống mới. Một Ki-tô hữu không thể sống với cái chết trong linh hồn, hay trở thành nguyên nhân của cái chết. Chúng ta hãy suy nghĩ — chẳng nói đâu xa — chúng ta hãy nghĩ đến gia đình, chúng ta hãy nghĩ đến những người được gọi là “những Ki-tô hữu mafia.” Những người này chẳng có gì là Ki-tô hữu: họ tự gọi họ là Ki-tô hữu, nhưng họ mang lấy cái chết trong linh hồn và cái chết đến cho người khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, xin Chúa chạm đến linh hồn của họ. Người anh em của chúng ta, đặc biệt những người bé mọn nhất và đau khổ nhất, trở thành khuôn mặt cụ thể để trao tặng sự yêu thương mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta. Và thế giới trở nên nơi của sự sống mới cho chúng ta là những người được phục sinh. Chúng ta đã sống lại với Đức Giê-su: vùng đứng với đầu ngẩng cao, chúng ta chia sẻ sự nhục nhã của những người vẫn đang chịu đau khổ, trần truồng, thiếu thốn, cô đơn, chịu chết của ngày hôm nay, như Chúa Giê-su, để nhờ Người mà trở thành những khí cụ giải thoát và khí cụ của hy vọng, những tín hiệu của sự sống và sự phục sinh. Ở nhiều quốc gia — trong nước Ý này và ở đất nước của cha — có một truyền thống vào ngày Phục sinh, khi nghe chuông nhà thờ đổ, những người mẹ, người bà đem những đứa trẻ rửa mắt cho chúng bằng nước, bằng nước sự sống, như là một dấu hiệu để có thể nhìn thấy những điều của Chúa Giê-su, những điều mới mẻ. Trong Mùa Phục sinh này, chúng ta hãy rửa linh hồn của chúng ta, rửa con mắt của linh hồn, để nhìn thấy được những điều đẹp đẽ và làm những việc tốt đẹp. Và điều này rất tuyệt vời! Quả thật đây là Sự Phục sinh của Chúa Giê-su sau cái chết của Người, đó là cái giá để cứu tất cả chúng ta.

TIẾP KIẾN CHUNG: Tam Nhật Thánh
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chuẩn bị để sống trọn vẹn tinh thần này trong Tam Nhật Thánh sắp đến — nó sẽ bắt đầu ngày mai –, để đi vào mầu nhiệm của Đức Ki-tô một cách sâu đậm hơn, Ngài đã chết và sống lại cho chúng ta. Nguyện xin Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh, Đấng đã theo Chúa Giê-su trong cuộc Khổ nạn của Người — Mẹ đã ở đó, lặng nhìn, đau đớn … Mẹ ở đó và kết hiệp với Người dưới chân Thập giá, nhưng không xấu hổ vì Con của Mẹ, một người Mẹ không bao giờ xấu hổ vì Con của Mẹ! Mẹ ở đó, và đón nhận niềm vui mãnh liệt của Sự Phục sinh trong tâm hồn của Mẹ –, đồng hành với chúng ta trong con đường thiêng liêng này. Nguyện xin Mẹ cầu cho chúng ta được ơn sủng biết thông phần vào những cử hành của các ngày sắp tới, để tâm hồn và đời sống của chúng ta thật sự được biến đổi.

Và cùng với những suy tư để lại cho anh chị em, cha xin gửi những lời chúc nồng hậu nhất cho một Mùa Phục sinh hạnh phúc và thánh thiện, cùng với cộng đoàn và những người thân yêu của anh chị em.

Và cha cho anh chị em lời gợi ý, vào buổi sáng Phục sinh hãy đưa những đứa trẻ đến dưới một vòi nước và rửa mắt của chúng. Đó sẽ là một dấu hiệu để nhìn thấy được Chúa Giê-su Phục sinh.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/3/2018]


Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng

Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng

Giới trẻ chia sẻ những phản ánh trong các buổi thảo luận của tuần vừa qua

24 tháng Ba, 2018
Vatican phát hành tài liệu của phiên họp tiền-Thượng Hội đồng
© Vatican Media
Phần II

Trình bày của Percival Holt


Tôi là Percival Holt, đại diện cho giới trẻ Ấn độ. Cuộc họp này thật sự là một kinh nghiệm phong phú và là một sự chia sẻ tuyệt vời những thực tại của giới trẻ từ nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống trên khắp địa cầu, tập trung vào giải quyết những quan tâm và chủ yếu là tiếng nói của giới trẻ của thiên niên kỷ này. Mặc dù những thực tại của cuộc sống là vô cùng đa dạng đối với người từ Châu Phi, Châu Á, hay Châu Mỹ, Châu Âu v.v.. nhưng thật lạ là những cảm xúc và quan tâm dường như rất giống nhau. Và tôi phải nói rằng, việc sắp xếp tất cả những điều quan tâm và trình bày chúng trong một tài liệu của cuộc họp tiền-thượng hội đồng thật sự là một công việc nặng nề nhưng kết quả cho ra thật xứng đáng. Một điều nổi bật trong tài liệu là “những thực tại đang hiện hữu trong giới trẻ hiện nay cần có sự chú ý ngay lập tức. Giới trẻ cảm thấy căng thẳng giữa một thế giới lý tưởng hóa và thế giới hiện thực và hầu như dẫn đến kết cục là sự kiệt sức. Một nhu cầu cấp bách về việc hỗ trợ chúng tôi để đối mặt với thế giới thay đổi nhanh chóng hôm nay, một thế giới mà sự nghiệp, giáo dục, công nghệ và những mối quan hệ hời hợt đang tạo ra sự mất mát cho chúng tôi. Hầu hết các bạn trẻ đều trong sự khủng hoảng nhân cách rất lớn chủ yếu do những áp lực bên ngoài và thiếu tính nội tâm, mối quan hệ với Thiên Chúa và với người khác. Tâm linh là quan trọng cho lối sống của nhiều người nhưng lại là mơ hồ cho những người khác.

Như đã được nói đến trong tài liệu về “sự quan hệ của giới trẻ với công nghệ,” ở Ấn độ, là quê hương của tôi, thách đố lớn nhất đối với người trẻ hôm nay là sự toàn cầu hóa đột ngột và quá nhanh trong hai thập niên qua gây ra một sự bùng nổ về việc tiếp cận với những thách thức và lối sống của các khu vực khác trên thế giới, và nó quá nhiều làm cho chúng tôi không thể tiêu hóa tất cả trong thời gian ngắn, làm cho chúng tôi trở nên dễ bị tổn thương và lệ thuộc vào công nghệ đối với hầu hết mọi việc dẫn đến mất việc làm và bình an. “Trí tuệ nhân tạo và truyền thông xã hội” thật sự là một phương tiện liên kết và kết nối tuyệt vời trên khắp địa cầu cũng trở thành một tai họa. “Phân định mục đích của cuộc sống” dường như đã trở nên mơ hồ trong thế giới thay đổi chóng mặt này, nó bị phóng đại thêm bởi sự tiếp cận đột ngột và sự bùng nổ kiến thức và ý thức rất mới mẻ đối với giới trẻ, đặc biệt ở Ấn độ. Tất cả những điều này đang đòi hỏi một nhu cầu cấp bách, nhu cầu cần có sự hướng dẫn cho giới trẻ hôm nay giúp họ biết phân định mục đích của cuộc sống và tìm ra con đường để vượt qua, vượt qua mọi chướng ngại trên đường.

Trong đất nước của tôi và nhiều nước khác, tôi cảm nhận giới trẻ ngày nay thực tế hơn, nhạy cảm hơn và khách quan hơn – họ nói mạnh và nói rõ ràng về những cảm nhận và mong chờ của họ. Giới trẻ muốn có sự hướng dẫn và “đồng hành trên hành trình cuộc sống của họ.” Vì vậy, tài liệu này là một tiếng kêu của giới trẻ cần được lắng nghe và được hướng dẫn lối đi của cuộc sống trong thế giới hỗn độn này.

Trình bày của Laphidil Twumasi

Xin chào,

Tôi là Laphidil Twumasi, quê gốc Ghanaian origin, đại diện cho nhóm Migrantes ở Vicenza và Thừa tác vụ Giới trẻ của Giáo phận Vicenza nói chung. Tôi từ giáo xứ San Lazzaro đến.

Khoảng ba trăm bạn trẻ trên khắp thế giới tập họp về đây cho cuộc Họp tiền-Thượng Hội đồng này. Nó là một cơ hội mới và rất thú vị để mang các bạn trẻ thuộc nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và cá tính khác nhau đến để cộng tác trong một tài liệu mang tính cách mạng như vậy. Khi được sống kinh nghiệm đa văn hóa như vậy chúng tôi có cơ hội chào đón và chân nhận tất cả mọi sự đa dạng của chúng tôi. Chúng tôi những người trẻ tuổi đã có thể cùng hợp tác một cách tích cực và chân thực trong công tác thực hiện tài liệu chính thức của cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng, và chúng tôi rất hạnh phúc với tính mới lạ này.

Tôi là một thành viên của nhóm biên tập tài liệu, và đó là một kinh nghiệm có một không hai và không thể quên. Chúng tôi rất chú tâm và làm việc với tài liệu tập hợp từ hai mươi nhóm ngôn ngữ khác nhau. Có chín nhóm tiếng Anh, bốn nhóm tiếng Tây Ban nha, bốn nhóm tiếng Ý và ba nhóm tiếng Pháp. Ngoài những nhóm này ra, còn sáu nhóm khác thuộc các nhóm truyền thông xã hội lắng nghe tiếng nói của các bạn trẻ không tham dự trực tiếp tại cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng. Trên truyền thông xã hội, cùng những câu hỏi về ba chủ đề được đặt ra:

– Những thách đố và những cơ hội của giới trẻ trên thế giới ngày nay

– đức tin và ơn gọi, sự phân định và đồng hành

– hoạt động giáo dục và mục vụ của Giáo hội

Thách đố ban đầu là tập hợp tất cả 26 văn bản khác nhau, dịch toàn bộ sang tiếng Anh, tìm những điểm chung, viết tóm lược, rồi sau đó lại chuyển dịch tất cả sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Chúng tôi là những thành viên của nhóm biên tập được chia thành ba nhóm, để mỗi nhóm có thể soạn thảo tỉ mỉ về mỗi chủ đề. Mỗi nhóm có bốn diễn giả và ba thông dịch viên. Chúng tôi làm việc suốt ba ngày cho tài liệu, thậm chí cả ban đêm, mỗi lần trong cuộc họp chung đều có cơ hội để chia sẻ những ý kiến và bình luận của họ về bản nháp và nội dung. Với tất cả mọi phần, chúng tôi thực hiện việc tổng hợp và cố lồng ghép ý kiến của chúng tôi vào trong bài viết với một ngôn ngữ thẳng thắn, chính xác và rõ ràng, để bảo đảm mọi bạn trẻ đều cảm thấy ý kiến của họ được đại diện trong tài liệu, không loại trừ một ai.

Theo ý tôi, phần tuyệt vời nhất của công việc này, và là điều đáng kinh ngạc nhất, là dù mang những hành trang văn hóa khác nhau nhưng chúng tôi hầu như tất cả đều có những ý kiến và tư tưởng giống nhau về các vấn đề này. Điều này củng cố cho ý kiến của tôi rằng chúng tôi những người trẻ tuổi có cùng mục tiêu và nhu cầu như nhau. Chúng tôi quan tâm về sự phát triển của Giáo hội và xã hội nói chung. Nó cho thấy rằng chúng tôi những người trẻ tuổi không ngu ngốc, như Đức Thánh Cha Phanxico nói, và rằng tiếng nói của chúng tôi phải được lắng nghe và cân nhắc nghiêm túc.

Xin cảm ơn.
Trình bày của Briana Santiago

Xin chào. Tôi tên là Briana Santiago, tôi 26 tuổi, và quê ở San Antonio, Texas (USA). Tôi đang trong năm thứ tư của chương trình đào tạo với các Tông đồ Đời sống Nội tâm, và trong năm thứ ba của tôi với các môn triết và thần học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Gioan Lateran, tại Roma này.

Ban đầu tôi nghe nói về cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng này từ một trong các Chị trong nhà, tôi vô cùng khát khao được chia sẻ với Giáo hội những năm kinh nghiệm làm thừa tác vụ cho giới trẻ. Cuối cùng, tôi được đưa vào trong nhóm Truyền thông Xã hội. Sự cộng tác của tôi bắt đầu từ hai tháng trước qua việc chào đón các bạn trẻ đăng ký vào nhóm tiếng Anh trên Facebook. Điều này thể hiện không những là một công tác thật sự, đặc biệt khi tôi là một sinh viên và là một thành viên của cộng đoàn, nhưng nó còn là một cơ hội tuyệt vời để “gặp gỡ” mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Có sáu nhóm ngôn ngữ trên Facebook. Tất cả các bạn thuộc ngôn ngữ khác không được thể hiện đều tham gia vào nhóm tiếng Anh, và vì lý do này, tôi có thể nói chuyện (chat) với các bạn từ Philippines, Anh, Châu Phi, Việt nam, Hoa kỳ, Malta, Netherlands, Hong Kong, Ba lan, và nhiều quốc gia khác.

Khi tất cả chúng tôi đến buổi họp tiền-Thượng Hội đồng ngày 19 tháng Ba, Alex, Cherise, James và tôi (bốn điều phối viên của nhóm chúng tôi) chia nhau 15 câu hỏi được đăng tải trên Facebook, đọc từng bình luận và viết tóm tắt cho mỗi câu hỏi. Dù chúng tôi phải trải qua nhiều giờ trước màn hình vi tính hơn chúng tôi nghĩ trước đó, nhưng chúng tôi vô cùng kính trọng và khiêm nhường trước chiều sâu của những suy tư, những khát khao muốn chia sẻ, tính mỏng giòn và sự chân thành rất lớn của những câu trả lời.

Có những khía cạnh của xã hội ngày nay làm cho tôi tin rằng các bình luận sẽ đi theo một hướng nào đó, hầu như mang tính chính trị. Tôi rất xúc động khi tìm ra rằng đại đa số các bạn trẻ tham dự qua Web thao thức rất nhiều điều trong tâm tư: xây dựng gia đình hiệp nhất và vững chắc, tham gia vào giáo hội địa phương của họ, tôn vinh nét đẹp của Phụng vụ, đào sâu hơn những truyền thống của các Giáo Phụ, tìm hướng dẫn từ những người có thể giúp họ học cách phân định và đưa ra những quyết định quan trọng, vân vân … Chúng tôi không một ai trong nhóm phải can thiệp vào vì những ngôn ngữ thiếu tôn trọng hay gây tổn thương, điều thường thấy trong những tương tác trên nền tảng truyền thông mới này. Tại đây trong phiên họp tiền-Thượng Hội đồng, chúng tôi thuộc nhóm Truyền thông Xã hội đã nhận được những ý kiến và đề nghị chân thành, cụ thể và sau đó chúng tôi đưa vào trong các cuộc thảo luận của 305 tham dự viên trực tiếp với chúng tôi.

Với bản thân tôi, đây là một kinh nghiệm cực kỳ phong phú. Tôi đã được ngồi dùng bữa tại bàn mà mỗi người đều đến từ một quốc gia khác nhau, nhưng tất cả đều chia sẻ khát khao chung muốn tìm hiểu và được tìm hiểu, muốn chia sẻ và đón nhận. Có một niềm vui phủ khắp bầu khí ở đây có thể nghe thấy qua những tiếng cười, những bài hát, và những tiếng chuyện trò trao đổi trong các giờ giải lao. Những tình bạn được thiết lập trong năm ngày qua sẽ không dễ quên. Tôi đã học được rất nhiều từ những bạn đồng trang lứa của tôi trong vài ngày qua và sẽ mang tất cả những gì tôi đã trải nghiệm ở đây vào trong thừa tác vụ của tôi là một thanh nữ đào tạo đời sống tận hiến.

Chúng tôi, những người trẻ, vô cùng tri ân vì đã có thể cùng đến với nhau, trực tiếp hoặc thông qua internet, để chia sẻ những điểm chung, những khác biệt của chúng tôi, và từ đó làm nổi bật đặc điểm của tài liệu sau đó sẽ được trình lên các Nghị phụ Thượng Hội đồng. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các bạn tham gia và những bạn sẽ tiếp tục cộng tác kể cả sau tuần này. Cảm ơn các bạn và xin Chúa chúc lành cho các bạn.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2018]