Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Đồng Tế với 500 Thừa sai Lòng Thương Xót

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Đồng Tế với 500 Thừa sai Lòng Thương Xót

‘Vấn đề ở đây không phải là trở thành những linh mục “lấn át”, giống như anh em là những người canh giữ một số đặc sủng ngoại thường. Không. Hãy là những linh mục bình thường; đơn sơ, nhẹ nhàng, công bằng, nhưng có khả năng để cho bản thân liên tục được tái sinh bởi Thần Khí’

10 tháng Tư, 2018
Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Đồng Tế với 500 Thừa sai Lòng Thương Xót
Vatican Media Screenshot
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Đồng tế ngày 10 tháng Tư, 2018 trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, ngài chủ tế cùng với 500 nhà thừa sai lòng thương xót:


***

Chúng ta đã nghe trong Sách Tông đồ Công vụ: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại” (Cv 4:33).

Mọi việc đều bắt đầu từ sự Phục sinh của Chúa Giê-su: chứng ngôn của các Tông đồ có từ đó, và qua việc này đức tin và sự sống mới của các thành viên cộng đoàn được sinh ra, với phong cách rao giảng phúc âm rất rõ ràng.

Những bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay mô tả rất rõ hai khía cạnh không thể tách rời nhau: sự tái sinh của mỗi con người và đời sống cộng đoàn. Anh em thân mến, chuyển sang anh em, tôi nghĩ về thừa tác vụ của anh em mà anh em đã bắt đầu thực hiện từ Năm Thánh Lòng Thương xót. Một thừa tác vụ chuyển động trong cả hai hướng này: phục vụ con người để họ được “tái sinh bởi ơn trên,” phục vụ cộng đoàn để họ có thể sống điều răn yêu thương trong niềm vui và sự gắn kết.

Hôm nay, Lời Chúa đưa ra hai hướng dẫn mà tôi muốn chỉ ra cho anh em, nó rất đúng với sứ mạng của anh em.

Tin mừng nhắc lại rằng những người được kêu gọi mang chứng tá Phục sinh của Đức Ki-tô phải “được tái sinh bởi ơn trên” (x. Ga 3: 7). Nếu không cuối cùng anh em lại trở nên giống như Ni-cô-đê-ô-mô, cho dù là một thủ lãnh nhưng lại không hiểu được Lời của Chúa Giê-su khi Người nói rằng “để thấy được Nước Thiên Chúa” chúng ta “phải được sinh ra lần nữa bởi ơn trên,” được sinh ra “bởi nước và Thần Khí” (x. 3-5). Ni-cô-đê-mô không hiểu luận lý của Thiên Chúa, đó là luận lý của ơn sủng, của lòng thương xót, trong đó những người nhỏ bé trở nên cao trọng, những người rốt hết trở nên trước hết, và những ai xem họ là bệnh tật sẽ được chữa lành. Điều này có nghĩa là đặt Chúa Cha, Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần vào vị trí hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. Hãy chú ý: vấn đề ở đây không phải là trở thành những linh mục “lấn át”, giống như anh em là những người canh giữ một số đặc sủng ngoại thường. Không. Hãy là những linh mục bình thường; đơn sơ, nhẹ nhàng, công bằng, nhưng có khả năng để cho bản thân liên tục được tái sinh bởi Thần Khí, nhu mì trước sức mạnh của Người, tự do trong tâm hồn – trên hết là bởi chính bản thân – vì họ được thúc đẩy bởi “luồng gió” của Thần Khí thổi đi bất kỳ Người muốn (x. Ga 3, 8).

Dấu chỉ thứ hai liên quan đến sự phục vụ cộng đoàn: trở thành những linh mục có khả năng “làm nổi lên” trong “sa mạc” của trần gian dấu chỉ Ơn Cứu độ, nghĩa là, Thập giá của Đức Ki-tô, như là một nguồn mạch cho sự hoán cải và canh tân cho toàn thể cộng đoàn và cho chính trần gian (Ga 3: 14-15). Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa Đấng đã chịu chết và sống lại là sức mạnh tạo ra sự hiệp nhất trong Giáo hội, và qua Giáo hội, tạo ra sự hiệp nhất cho toàn nhân loại. Chúa Giê-su đã nói điều đó trước cuộc Thương Khó: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga12: 32). Sức mạnh của sự hiệp nhất này được thể hiện từ ban đầu trong cộng đoàn Giê-ru-sa-lem – như sách Công vụ làm chứng – “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (4,32). Đó là một sự hiệp nhất tạo ra sự chia sẻ của cải cụ thể, để “mọi sự đều là của chung” (c. Ibid.) Và “không ai phải thiếu thốn” (c. 34). 

Rồi cách sống này của cộng đoàn cũng “dễ lây” sang những người bên ngoài: sự hiện hữu sống động của Thiên Chúa Phục Sinh tạo ra một sức mạnh lôi cuốn, qua chứng tá của Giáo hội và qua nhiều cách công bố khác nhau của Tin mừng, tiến đến với mọi người, không ai bị loại trừ. Anh em thân mến, hãy lấy thừa tác vụ đặc biệt là những nhà Thừa sai của Lòng Thương xót làm sự phục vụ cho động lực này. Thật vậy, cả Giáo hội và thế giới hôm nay đều rất cần lòng thương xót vì sự hiệp nhất mà Thiên Chúa khát khao qua Đức Ki-tô sẽ chế ngự hoạt động xấu của tà thần lợi dụng những điều tốt có trong họ để đưa ra sử dụng một cách sai quấy, hoặc để chia rẽ chứ không hiệp nhất. Chúng ta tin rằng “sự hiệp nhất sẽ vượt thắng những mâu thuẫn” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 228), nhưng chúng ta cũng biết rằng nếu không có lòng thương xót thì nguyên tắc này không có sức mạnh để áp dụng cụ thể trong đời sống và trong lịch sử.

Anh em thân mến, rời khỏi cuộc họp này trong tinh thần vui mừng vì được động viên trong thừa tác vụ thương xót. Trước hết, khẳng định với lòng tin tri ân rằng anh em luôn được kêu gọi để được tái sinh “bởi ơn trên,” bởi tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời, khẳng định sứ mạng cung cấp cho mọi người dấu chỉ của Đức Giê-su “được cất lên” khỏi mặt đất, vì cộng đoàn là một dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất giữa trần gian.

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/4/2018]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Thực tại của sự Phục sinh (Toàn văn)

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Thực tại của sự Phục sinh (Toàn văn)

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Thực tại của sự Phục sinh (Toàn văn)

‘Chúa Giê-su không phải là ma; Ngài thật sự hiện hữu’ với một thân xác đã sống lại

15 tháng Tư, 2018 15:19

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay 15 tháng Tư, 2018, trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trung tâm điểm của Chúa nhật thứ Ba Phục sinh này là kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh của tất cả các môn đệ của Người. Điều này được Tin mừng minh chứng một cách đặc biệt, một lần nữa giới thiệu cho chúng ta trở lại Phòng Tiệc ly, nơi Chúa Giê-su hiện ra với các Tông đồ, chào các ông bằng lời chúc: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36). Đó là lời chào của Đức Ki-tô Sống Lại, Đấng ban cho chúng ta sự bình an: “Bình an cho anh em!” Đó là sự bình an trong tâm hồn, cũng như sự bình an được thiết lập trong những mối quan hệ với con người.

Chương được tác giả Tin mừng Luca miêu tả nhấn mạnh rất nhiều đến thực tại của sự Phục sinh. Chúa Giê-su không phải là ma. Quả thật, đó không phải là sự hiện hồn của Chúa Giê-su, nhưng đó là sự hiện diện bằng thân xác thật đã sống lại.

Chúa Giê-su nhận thấy các Tông đồ bất an khi nhìn thấy Ngài, các ông bối rối vì thực tại của sự Phục sinh là quá đỗi phi thường đối với họ. Họ nghĩ rằng họ nhìn thấy ma, nhưng Đức Giê-su Sống lại không phải là ma, Người là một con người với thân xác và linh hồn. Do đó, để làm cho các ông tin, Người nói với các ông: “Nhìn chân tay Thầy coi — Người cho các ông xem thấy những dấu thương — chính Thầy đây mà; cứ rờ mà xem; ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (c. 39). Và Tin mừng miêu tả điều rất thú vị: các ông có được niềm vui quá lớn đến mức các ông hầu như không thể tin được niềm vui này: Không, không thể nào! Không thể nào như vậy!

Một niềm vui vỡ òa là điều có thật! Và để làm cho các ông tin Chúa Giê-su nói: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (c. 41). Các ông đưa cho Người cá nướng; Chúa Giê-s cầm lấy và ăn nó trước mặt các ông, để làm cho các ông tin.

Sự khẳng định chắc chắn của Chúa Giê-su về thực tại sự Phục sinh của Người chiếu tỏa ánh sáng trên viễn cảnh của người Ki-tô hữu về thân xác: thân xác không phải là một sự cản trở của linh hồn. Thiên Chúa đã tạo dựng nên thân xác, và nếu không có sự hiệp nhất giữa thân xác và linh hồn con người không trở nên hoàn thiện. Chúa Giê-su, Đấng đã vượt qua cái chết và đã sống lại cả xác và hồn, khiến chúng ta hiểu được rằng chúng ta phải có một suy nghĩ tích cực về thân xác của chúng ta. Nó có thể trở nên một cớ hay một công cụ của tội; tuy nhiên, thân xác không gây ra tội, nhưng tội là bởi sự yếu đuối về đạo đức của chúng ta. Thân xác là một món quà kỳ diệu của Thiên Chúa nhằm diễn tả trọn vẹn hình ảnh của Người, trong sự hiệp nhất với linh hồn. Vì thế, chúng ta được kêu gọi phải tôn trọng tuyệt đối và chăm sóc cho thân xác của chúng ta và của tha nhân.

Mỗi sự xúc phạm, gây thương tổn, hoặc bạo lực đối với thân xác của tha nhân, là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa! Tôi đặc biệt nghĩ đến các trẻ em, phụ nữ, và người già bị ngược đãi về thân xác. Trong thân xác của những người này chúng ta tìm thấy thân xác của Đức Ki-tô. Chúa Giê-su, bị thương tổn, bị nhạo báng, bị vu khống, bị làm nhục, bị đánh đòn và bị đóng đinh … Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta tình yêu. Một tình yêu, nhờ sự Phục sinh của Người, đã cho thấy mạnh mẽ hơn tội và sự chết, và Người cứu thoát tất cả những ai đang chịu những tình trạng nô lệ của ngày hôm nay trên chính thân xác của họ.

Trong một thế giới nơi rất nhiều lần sự kiêu ngạo thắng thế trên những người bé mọn nhất và một chủ nghĩa duy vật đang bóp nghẹt tâm hồn, Tin mừng hôm nay kêu gọi chúng ta phải trở nên những người có khả năng nhìn vào sâu thẳm, lòng tràn đầy ngạc nhiên và vui mừng vì đã được gặp Thiên Chúa Phục sinh. Nó kêu gọi chúng ta phải trở nên những người biết đón nhận và hiểu đúng giá trị sự kỳ diệu của sự sống mà Người đã gieo trong lịch sử, để hướng về một trời mới và đất mới. Nguyện xin Mẹ Maria, Đấng chúng ta tín thác nhờ sự chuyển cầu của tình mẫu tử của Mẹ, hỗ trợ chúng ta trên hành trình này.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay ở Vohipeno, Madagascar, là lễ tuyên phong Chân phước cho vị tử đạo Luciano Botovasoa, người cha trong một gia đình, một chứng nhân của Đức Ki-tô đến mức anh hùng hy sinh mạng sống. Bị bắt và bị giết vì bày tỏ mong ước giữ lòng trung thành với Chúa và với Giáo hội, ngài cho tất cả chúng một mẫu gương về đức ái và sự dũng cảm của đức tin.

Tôi vô cùng lo lắng trước tình hình thế giới hiện tại, bất chấp những văn kiện của Cộng đồng Quốc tế, vẫn vô cùng khó khăn đạt được sự đồng thuận về một hành động chung liên quan đến hòa bình ở Syria và những vùng khác trên thế giới. Tôi cầu nguyện liên lỷ cho hòa bình, và tôi mời gọi tất cả những người có thiện chí tiếp tục cầu nguyện, và một lần nữa tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, để công lý và hòa bình sẽ chiến thắng.

Tôi nhận được bản tin đau buồn về vụ giết hại ba người đàn ông bị bắt cóc vào cuối tháng Ba trên biên giới giữa Ecuador và Colombia. Tôi cầu nguyện cho họ và cho gia đình của họ, và hiệp thông với dân tộc Ecuador thân yêu, động viên họ tiến bước trong tình hiệp nhất và hòa bình, với sự trợ giúp của Chúa và Mẹ Rất Thánh của Người.

Cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho những người như Vincent Lambert ở Pháp, và bé Alfie Evans ở Anh, và những người khác ở nhiều quốc gia sống trong tình trạng bệnh thập tử nhất sinh, có khi trong suốt thời gian dài, được hỗ trợ về y khoa cho những nhu cầu căn bản của họ. Họ ở trong tình trạng rất mong manh, rất đau đớn và phức tạp. Chúng ta cùng cầu nguyện để mỗi bệnh nhân luôn được tôn trọng phẩm giá và được chăm sóc phù hợp với tình trạng của họ, với sự hỗ trợ đồng thuận của gia đình, của các bác sĩ và của những nhân viên y tế khác, với lòng tôn trọng sự sống.

Cha chào thân ái các khách hành hương đến từ nước Ý và nhiều nơi khác trên thế giới: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các trường học và Hội đoàn. Đặc biệt, cha xin chào các tín hữu đến từ California, và anh chị em từ Arluno Pontelongo, Scandicci, Genoa-Pegli và Vibo Valentia; thiếu nhi của Trường “Con gái của Chúa Giê-su” ở Modena và nhóm “Bạn hữu của Ngài Phaolo VI” ở Pescara.

Chúc anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/4/2018]